Thursday, 17 October 2013

XÍCH LÔ, NHƯ TÔI VẪN NHỚ (Đỗ Trung Quân)




Đỗ Trung Quân
Đăng Bởi Một Thế Giới - 16-10-2013

Đường phố Sài Gòn dần mất bóng dáng xích lô vì sự phát triển của đô thị. Cái nhanh, cái hối hả thay dần cái ung dung thong thả. Cũng phải thôi, mà cũng tiếc nhớ lắm thôi.

Khi chiếc xe kéo người – ngựa, ngựa – người cáo chung thì một phương tiện khác cũng dành cho giới lao động ra đời: xích lô. Hình ảnh người đạp xe đậu xe dưới bóng mát ven đường giữa trưa hè Sài Gòn, chiếc nón vải hay nón lá sụp che mặt thiu thiu ngủ là hình ảnh êm đềm của một đời cực nhọc. Nhưng tạm không bàn chuyện cuộc đời ở đây, hãy nói về hình ảnh của nó: chiếc xích lô đạp.

Không rõ tự bao giờ, xích lô đạp thành một trong những hình ảnh biểu trưng của Sài Gòn, cái phương tiện không quá sang cũng chẳng quá nghèo đối với người ngồi trong nó. Mẹ tôi những lần việc gấp hay đến một nơi trang trọng thường ngồi xích lô. Áo dài thiếu nữ, áo dài thiếu phụ ngồi trên xích lô, dưới mái che nho nhỏ, tréo chân kéo nhẹ vạt áo dài trông thích làm sao. Xích lô tốc độ thong dong, không quá nhanh cũng chẳng quá chậm, người phu ngồi phía sau hành khách cũng là hình ảnh nhân văn hơn người phu xe kéo gò lưng chạy trước người ngồi. Ít nhất, những giọt mồ hôi trên lưng áo người đạp xe chỉ người đi sau mới thấy.

Người Sài Gòn có câu “đi bát phố” cuối tuần, có thể là đi bộ hóng gió mà cũng có thể là ngồi xích lô dạo một vòng phố xá. Đường xá chưa đông, chưa kẹt cứng, mặt đường còn thoáng đãng, thênh thang, ngồi xích lô thong dong qua những con đường có hàng me xanh ngọc trên đầu thì còn chi êm đềm sung sướng hơn. Sài Gòn là nơi tứ xứ tìm về. Thấy cô gái tóc búi tó sau gáy, cổ đeo dây chuyền vàng ngồi xích lô thì mười phần hết tám là “cô Ba” Sài Gòn. Thấy cô gái áo dài cổ cao, tóc “phi dê” đeo kiềng thì đủ mười phần là một “chị cả” Hà Nội nhập cư. Thuở còn “ông tây – bà đầm” thì váy đầm voan trắng, nón lệch kiểu phim Người tình cũng ung dung xích lô phố xá. Chiếc xích lô hay hơn chiếc taxi xanh vì nó kín đáo mà không kín mít. Nó chậm rãi chứ không vun vút như taxi (trừ mấy chú xích lô trẻ máu nóng hay biểu diễn hai bánh thì miễn bàn, cũng chỉ hàng chục năm sau mới có cảnh ấy).

Xích lô là phương tiện bình dân, nó chỉ nhích hơn xe thổ mộ, xe lam chút ít. Cũng phải thôi: thổ mộ thì ngựa kéo, xe lam thì máy nổ, xích lô đạp là chính mồ hôi sức lực của người lao động, giá có cao hơn chút đỉnh cũng là phải đạo con người.

Cũng chả rõ tự bao giờ xích lô trở thành “đạo cụ” để chụp hình hay để chưng bày làm stylist cho những nhà sáng tạo nghệ thuật. Có lẽ khi cái gì dần ít đi, có nguy cơ mất đi thì nó sẽ thành biểu tượng hoài nhớ một thời. Khi du khách phương Tây, nước ngoài trở lại Việt Nam, xích lô bỗng “đổi đời”, được khoác lên bộ cánh tươm tất hơn, đẹp hơn làm phương tiện dạo phố khá được tiền cho những nơi làm dịch vụ du lịch. Nó vẫn thong dong dạo phố, tốc độ đủ để du khách đưa máy ảnh lên mà không chúi nhủi như ngồi tuk – tuk Thái Lan.

Xích lô che mưa, che nắng chỉ bằng tấm bạt nho nhỏ. Nhớ lại những chiều mưa Sài Gòn ngồi trong xích lô kín mít tạm không thấy đường xá nhưng cái khoảng hẹp bỗng trở thành không gian ấm áp bên cạnh mẹ, có khi ngủ quên cho tới khi nghe giọng mẹ hiền “Xuống, tới nhà rồi con”. Chiếc bạt mở ra, cảnh vật hai bên lại sáng lóe sau cơn mưa ào ạt nhanh cũng như khi tắt. Anh xích lô áo tơi nghiêng xe cho khách bước xuống lấy tiền rồi lại ngồi nghễu nghện đạp đi khuất vào dòng xe cộ.

Con gái Huế đạp xe, con gái Hà thành cũng đạp xe với áo dài duyên dáng. Nhưng chiếc xích lô bình dân lạ thay lại vô tình tặng cho các nhan sắc xinh đẹp hay chỉ bình thường một cách ngồi “sang trọng” bất kể thành phần. Hình thành tính cách thị dân cũng bắt đầu từ những cách lên xe, xuống xe, ngồi xe tưởng rằng nho nhỏ ấy.

Xích lô!
Xích lô!
Những bóng cây trưa hè với giấc ngủ thiu thiu gió…
Những hàng cây nay đã lớn ấy hẳn nhớ chiếc xích lô
Như tôi vẫn nhớ…

Người Đô Thị

*

Có từ bao giờ?

Theo Wikipedia, xích lô xuất hiện vào khoảng năm 1939. Chiếc đầu tiên do một người đam mê thể thao tên là Coupeaud phát minh ra. Phải vất vả lắm ông mới vận động Bộ Công chánh công nhận sáng chế và cấp phép lưu hành, sau khi đã tham khảo ý kiến của hai nhà vô địch Tour de FranceGeorges Speicher Le Grèves.

Nhưng rốt cục nó lại không trở thành phương tiện giao thông ở nước Pháp mà thành phố đầu tiên được cấp phép sử dụng loại phương tiện này là ở thuộc địa Phnompenh. Từ Phnompenh, Coupeaud đã tổ chức một cuộc hành trình tới Sài Gòn. Hai người đạp thuê đã thay phiên nhau đạp một mạch gần 200 km hết có 17 giờ 23 phút. Số liệu thống kê cho biết, cuối năm 1939, Sài Gòn chỉ có 40 chiếc xích lô thì qua năm 1940, con số này đã là 200 chiếc.

Tháng 2 năm 1941, tay anh chị khét tiếng Bảy Viễn cùng một người Pháp là Maurice lập công ty Mauvien có 30 chiếc độc quyền khu vực Chợ Lớn.

(Trích “Chuyện xích lô – Nguyễn Lưu” – trang 328 – Hà Nội 36 góc nhìn – Nhà xuất bản Thanh Niên – 2003)

Chiếc xích lô từ kéo chuyển qua đạp có lẽ từ đầu thế kỷ 20 khi xe đạp có pê-dan xuất hiện ở Viễn Đông. Tại Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh thì người đạp ở phía trước. Ở Malaysia người đạp và hành khách ngồi hai phía song song nhau. Tại Việt Nam và Campuchia lại khác: cấu tạo chiếc xích lô bao giờ cũng dành chỗ cho hành khách ngồi phía trước.

Xem thêm: 




No comments:

Post a Comment

View My Stats