Thursday 17 October 2013

MARGUERITE DURAS & ĐẢNG CỘNG SẢN PHÁP (Đặng Đình Túy - Gió O)




Đặng Đình Túy 
 29 Sunday Sep 2013

Nhân giới thiệu cuốn Ecrire của Marguerite Duras (trên blog Chuyện Bâng Quơ WordPress), một bạn đọc, cô Bảo Vân, có nhã ý góp lời giới thiệu cùng độc giả ngôi nhà của Ông Huỳnh Thủy Lê, người tình trong truyện l’Amant của Marguerite Duras ở thị xã Sadec, từ mấy năm qua đã được nhà nước Việt-Nam quan tâm và cho trùng tu để du khách khi tới thăm viếng địa phương này nếu thích – nhất là những người yêu văn chương– có thể ghé qua xem cho biết nơi mà nữ văn sĩ gửi gắm lại chút lòng mình khi ngồi nhớ chuyện tình cũ và viết nên những trang văn đẹp đẽ đã đưa bà lên đỉnh vinh quang với giải văn chương Goncourt. Tôi là một trong những độc giả của cô Bảo Vân, lợi dụng cái may mắn hiếm có này để nhìn đoạn vidéo và nhất là để nghe phát biểu của nhà sử học địa phương chung quanh những sự việc liên quan đến cuốn sách và tác giả của nó. Chỉ trong vài phút đồng hồ nói chuyện sử gia đã khôn khéo móc nối vào đấy một khía cạnh mà có lẽ với tinh thần của một cán bộ đang làm “công tác tư tưởng” chắc là điều quan trọng. Đó là việc nhấn mạnh rằng nhà văn là một đảng viên cộng sản!

Cũng đúng thôi. Tham gia vào đảng Cộng Sản là một lựa chọn vừa lý trí vừa tình cảm, nhất là trường hợp này, của một trí thức lại vừa là văn nhân. Lựa chọn ấy có ảnh hưởng rất lớn trong suy nghĩ và trong hành động của bà. Đặt Duras vào khung cảnh truyện, giới hạn nó trong một giai đoạn ngắn mà làm nổi bật được chi tiết quan trọng như thế, để làm “thơm lây” cho chế độ thì thật quả đáng ngợi khen cho người cán bộ tuyên truyền.

Nhưng quần chúng bình dân nghe vậy thì biết vậy, họ không muốn mà cũng chẳng cần phải tìm hiểu xa hơn. Họ có biết đâu rằng đảng Cộng Sản Pháp không có bao nhiêu điểm tương đồng với đảng Cộng Sản Việt-Nam, tư tưởng của một đảng viên Cộng Sản Pháp không hề là thứ tư tưởng nô lệ giáo điều của một đảng viên Cộng Sản Việt-Nam, mà vị thế đảng Cộng Sản trong nước Pháp không giống chút gì với vị thế độc tôn của đảng Cộng Sản Việt-Nam trong nước Việt-Nam cả.

Xét bản chất của chủ nghĩa Cộng Sản Stalinít, ta giả dụ rằng nếu sau chiến tranh thứ hai nước Pháp bị CS khống chế hoàn toàn thì Cộng đảng Pháp cũng có thể có khả năng biến nước Pháp thành một tôi đòi của Liên bang Xô viết dưới sự “lãnh đạo” thuần thục của những Maurice Thorez, Waldeck Rochet, Jacques Duclos hay George Marchais sau này. May mắn thay, dù đã có những lúc số phiếu bầu của quần chúng dành cho phe cực tả Pháp lên đến trên 30%, đảng CS Pháp chưa bao giờ có thể nắm trọn chính quyền ngoại trừ những góp mặt vài ba ghế trong guồng máy kể từ thời Mặt trận Bình dân cho đến ngày Liên bang Xô viết sụp đổ.

Tình hình bên ngoài đã như vậy, còn tình hình nội bộ đảng thì còn gay cấn hơn. Chưa bao giờ nội tình đảng cộng sản Pháp thiếu vắng sự phản kháng từ các tầng lớp đảng viên bên dưới, nhất là lớp trí thức/văn nghệ sĩ. Mối liên hệ giữa nhóm lãnh đạo và trí thức luôn nằm trong tình trạng ve vãn-chinh phục-ly khai. Thực thế, vào thời kỳ đại hội Tours, (lúc chàng Nguyễn Ái Quốc lần đầu được phát biểu giữa đại hội và bắt đầu lôi kéo được sự chú ý của các “quan trên” thuộc phe đệ tam quốc tế) số đảng viên Cộng Sản Pháp đã lên đến 110 000 người nhưng không lâu sau đó vì thái độ trói buộc và lên án nghiêm khắc một số tác phẩm, hàng ngũ trí thức Pháp dần dần lìa xa, số đảng viên trụt xuống chỉ còn khoảng 30 000 người, hậu quả của sự lìa xa đảng do những chỉ trích gay gắt của Kremlin trong ý muốn “bôn-sô-viết hóa” đảng đàn em, đặc biệt của giới trí thức, kể cả sự từ chức của bí thư đầu tiên Ludovic Oscar Frossard năm 1923 chưa đầy ba năm sau ngày thành lập đảng. Tình trạng lên xuống này được nhận ra khi ta đối chiếu với hoàn cảnh nước Pháp và tâm trạng đại đa số nhân dân trước kết cục thê thảm của cuộc đại chiến thứ nhất 1914-18 và lời lẽ tuyên truyền CS ra điều yêu hòa bình cùng là chống bất công xã hội mà người dân lớp dưới chưa từng nghe nói đến. Ba mươi năm sau lại một lần nữa quần chúng Pháp đổ dồn phiếu bầu cho các thành viên Cộng Sản khi lực lượng đồng minh (trong đó có Liên Xô) đánh bại Đức Quốc xã mà không hề xét qua thái độ trở cờ của đảng Cộng sản Pháp từ lúc khởi chiến theo lệnh hợp tác với Đức vì Liên Xô còn tin vào hiệp ước Nga Đức cho đến lúc Hitler trở mặt thì Đệ tam Quốc tế mới hạ lệnh cho CS Pháp gia nhập phong trào kháng chiến. CS khéo phỉnh phờ đám quần chúng bình dân nhưng họ đâu có qua mặt được hàng trí thức. Đó là lý do giải thích tại sao việc ủng hộ và chống đối cứ lên xuống theo từng thời kỳ.

Riêng phần Duras cũng có những điều đáng biết. Nhà văn vào đảng năm 1944 trong giai đoạn Đức chiếm đóng Pháp. Bà gia nhập lực lượng kháng chiến, cả hai vợ chồng Marguerite và Robert (Antelme) làm việc dưới quyền điều động của François Mitterand (tổng thống Pháp sau này, 1981-1995). Năm 1950 bà bị khai trừ khỏi đảng với những chỉ trích kịch liệt vì tư tưởng tự do không theo đường lối đảng. Trường hợp của bà không có gì đặc biệt vì có hàng nghìn kẻ cũng từng bị khai trừ hoặc tự ý rời xa đảng. Trong hàng ngũ trí thức, việc làm luôn kèm theo giải thích: vô số những cuốn sách được viết ra vừa để thanh minh cho thái độ tác giả vừa để tố cáo sai lầm trong đường lối, chính sách. Tôi có thể tạm kể những cuốn tôi đang có dưới tay: Les hérétiques du PCF của Pierre Daix, La secte của Philippe Robrieux, Les rejetés của Yves Le Braz, Les orphelins du PC của Jean Pierre Gaudard… người ta tính chung có đến một triệu rưỡi người đã rời bỏ đảng mà không chờ cho đến khi Liên bang Xô viết và các nước xã hội anh em sụp đổ. Ngoài lý do đảng đã quá trung thành với đường đi của Đệ tam Quốc tế do Liên Xô vạch, số đảng viên Pháp vẫn không chấp nhận tinh thần nô lệ mù quáng cần có nếu muốn trở thành người cộng sản. Vì quan niệm người cộng sản theo cái nhìn lý tưởng, nhiều người, kể cả bà Duras vẫn tự cho rằng mình trung thành với lý tưởng CS và vẫn vỗ ngực tự xưng là đảng viên mặc dù đảng của họ đã thôi không nhìn nhận họ nữa.

Xin trích đoạn bài phỏng vấn Duras vào tháng 10 do nữ ký giả Leslie Garis của tờ NY Times, năm 1991 thực hiện:
– Bà vẫn là người CS ?
– Tôi là người CS. Một cái gì đó trong tôi không chữa chạy được.
– Nhưng bà đã ra khỏi đảng rồi mà?
– Đảng ấy không phải là đảng CS.
– Có chính phủ nào do đảng CS đích thực cầm quyền từ bấy nay?
– Không có. Chỉ có năm cộng sản là năm 1917.
– Bà có mong chờ một loại CS như vậy trở lại với thế giới này không ?
– Tôi không biết. Tôi không muốn biết. Tôi là người CS ngay trong tôi. Tôi không còn mong chờ gì trong thế giới này…[i]

Với nữ ký giả Ý, Leopoldina Polotta delle Torre phỏng vấn cho tờ La Stampa năm 1987 lời của bà Duras còn chua chát hơn: “Tôi vẫn còn là người Cộng Sản đã không tự nhận ra được nơi chủ nghĩa Cộng Sản. Để gia nhập một đảng chính trị, cần phải có chứng tự kỷ, chứng thần kinh suy nhược, điếc hoặc đui mù trong một cách thế nào đó.”[ii]

Như vậy người ta đã thấy rõ thế nào là người Cộng Sản chân chính và thế nào là người nhắm mắt gia nhập vào cái gọi là đảng Cộng Sản nhưng đi ngược lại hoàn toàn tinh thần Cộng Sản, theo quan điểm Duras. Và sự vơ vào thấy “người sang bắt quàng làm họ” của đám cán bộ hạ tầng cơ sở vùng Sadec chỉ là thứ trò hề đối với người hiểu biết!

----------------

[i] Đoạn trả lời dưới đây do nhà báo Leslie Garis, The NY Times ghi lại và đăng ngày 20-10-1991 với nhan đề The Life and Love of Marguerite Duras:
  • Are you still a communist?
  • I’m a communist. There’s something in me that’s incurable
  • But you have left the party?
  • The party is not communist
  • Has there been any true communist government over the years?
  • Not one. There was communist year: 1917
  • Do you hope to see that sort of communist return to the world?
  • I don‘t know. I don’t want to know. I’m communist within myself. I have no longer have hope in the world.
[ii] Với ký giả của tờ La Stampa của Ý, bà Leopoldina Palotta delle Torre, Duras còn tỏ ra cay cú hơn. (Bài này đăng vào năm 1987): Je suis encore communiste qui ne se reconnait pas dans le Communisme. Pour adhérer à un parti, il faut être autiste, névrosé, sourd et aveugle, en quelque sorte



No comments:

Post a Comment

View My Stats