02:18:pm 11/10/13
Nhìn dòng người xếp hàng chờ viếng Ông trên đường
phố Hà Nội, gợi tôi nhớ đến hình ảnh người dân Bắc Hàn than khóc trong tuyết
lạnh trên đường phố Bình Nhưỡng để chia tay với vị lãnh tụ kính yêu Kim Chính
Nhật.
Tôi lớn lên ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đến
tuổi đi bộ thì cuộc nội chiến đẫm máu Bắc – Nam kết thúc. Nhưng bất hạnh thay,
chiến tranh vẫn không buông tha đất nước này. Thế hệ chúng tôi phải tham dự vào
một cuộc chiến kế tiếp nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đảng gọi chúng tôi là “Quân
tình nguyện”. Thế giới gọi chúng tôi là “Quân xâm lược”. Bốn năm trong đội quân
do Ông chỉ huy, là khoảng thời gian đủ dài để tôi suy ngẫm về sự tàn bạo của
chiến tranh và những trò đùa trên số phận con người.
Với tôi, cái lòng chảo Điện Biên chỉ là một vạc dầu
oan nghiệt u mê, ấu trĩ, cuồng tín. Tôi sẽ gọi Ông là thánh nếu ông giành độc
lập mà không cần phải có một Điện Biên Phủ hung tàn. Nhìn sang những quốc gia
lân cận Ấn Độ, Miến Điện, Malasia, Singapor, Indonesia, người ta cũng giành độc
lập mà không cần nhiều xương máu như Ông.
Bao nhiêu thế hệ trai làng quê tôi ra đi không trở
lại. Có gia đình chết đến tám người con trai. Tuổi thơ của tôi ngập ngụa trong
sợ hãi đớn đau, oán giận, khóc than. Nỗi kinh hoàng cứ ập đến mỗi gia đình hằng
đêm khi nghe tin người thân của mình đã chết.Tôi căm ghét chiến tranh. Nhưng
chiến tranh lại cứ liên miên.“Năm năm, mười năm, hai mươi năm, hoặc lâu hơn
nữa…” Đất nước hoang tàn. Còn đâu là đời người, còn đâu là nòi giống.
Diễn văn nhận chức của Obama có nhắc đến Khe Sanh
như một niềm tự hào về sự chiến đấu ngoan cường và lòng quả cảm của người Mỹ.
Tết Mậu thân cũng không đủ bằng chứng người Mỹ đã thua trong trận đánh đẫm máu
này. Người Mỹ đã nhận ra sự tàn khốc của cuộc chiến. Họ hy sinh lòng kiêu hãnh
để cứu vớt mạng người. Đó là một quyết định khôn ngoan và nhân đạo. Lòng nhân
đạo không chỉ dành cho những công dân Mỹ, mà cho cả chúng ta. Nếu họ không làm
như vậy, thì có lẽ tôi sẽ không còn ngồi đây viết những dòng này.
Tôi đã học, đọc nhiều về thiên tài quân sự của Ông,
nhưng có một câu hỏi đến nay tôi vẫn không tìm thấy câu trả lời. Năm giờ sáng
ngày 17 tháng 2 năm 1979, người Tầu đã dùng đến 15 quân đoàn, tấn công ồ ạt
trên toàn tuyến biên giới có chiều dài khoảng 1500 km, xấp xỉ với khoảng cách
từ Hà Nội đến Sài Gòn, nhưng Ông không hay biết gì. Phải chăng đó là một sỉ
nhục của ngành tình báo do Ông lãnh đạo. Phải chăng đó là một sai lầm của Tổng
tư lệnh mà Ông đang nắm giữ.
Ông rời quân ngũ, rời trận mạc đã lâu, vậy mà càng
về già Ông càng hay mặc quân phục rất chỉnh tề, thậm chí nằm trên giường bệnh
cũng mang quân hàm. Cả nước này, ai không biết Ông là tướng. Nhìn lon đại tướng
bốn sao ông mang trên vai áo, nhìn những huân chương ông mang đầy ngực, tôi
thấy hơi lố bịch và tàn nhẫn. Bởi những huân huy chương kia đồng nghĩa với giết
chóc, máu lửa, tử khí, oan hồn.
Năm
triệu người thiệt mạng để Ông khai sinh ra một chính quyền. Nhưng chính quyền
của Ông lại tồi tệ hơn những chính quyền mà Ông đã khai tử. Liệu vong linh của
những người đã chết có cho Ông được bình yên nơi chín suối.
Nhiều người rất mãn nguyện và nở mày nở mặt vì đám
tang của Ông được đảng tổ chức trọng thị. Từng sợi tóc của Ông được chẻ làm tư
để ca ngợi. Quan tài của Ông lung linh qua những khải hoàn môn. Nhưng
những người dân nước Việt được ông giải phóng vẫn đang vùng vẫy trong lầm than,
oan ức, bất công, tủi nhục, đói nghèo.
Tôi đốt nén nhang lòng vĩnh biệt Ông. Vĩnh biệt
những chiến công thật ra chỉ là huyền thoại.
© Đàn Chim Việt
Đọc
bài cùng tác giả: Đừng
bốc phét nữa
11/10/2013
No comments:
Post a Comment