October 22, 2013
Quốc Hội cần cải tổ hệ thống nặng tính đàn áp và tiếp
nhận các tiêu chuẩn quốc tế
(New York) – Trong một văn thư
vừa gửi tới Chủ tịch Quốc Hội, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Quốc
Hội Việt Nam cần đảm bảo bản hiến pháp sửa đổi của Việt Nam đáp ứng được đầy đủ
các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền. Quốc Hội Việt Nam đang xem xét và dự định
sẽ bỏ phiếu về các nội dung sửa đổi hiến pháp trong phiên họp từ ngày 21 tháng
Mười đến ngày 30 tháng Mười một năm 2013.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho
rằng các nghị viên Quốc Hội đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử và, bất chấp các
yêu cầu của Đảng Cộng sản đang cầm quyền, nên sử dụng thời cơ này để mang lại
những thay đổi có ý nghĩa cho một hệ thống hiến pháp và pháp luật vốn đã cản
trở người dân Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản một cách có hệ thống. Lần
gần đây nhất bản Hiến pháp Việt Nam 1992 được sửa đổi là vào năm 2001.
“Đây là cơ hội duy nhất trong
cả một thế hệ để thay đổi hiến pháp Việt Nam sao cho các quyền tự do cơ bản của
người dân được bảo đảm, ví dụ như quyền kêu gọi dân chủ hay thành lập các công
đoàn độc lập và các tổ chức chính trị độc lập”, ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á
châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Quốc Hội không nên chỉ thực hiện
những thay đổi sơ bộ đối với một hệ thống pháp lý mang nặng tính đàn áp, mà cần
đáp ứng các yêu cầu của công chúng và bắt tay vào cải tổ hiến pháp một cách cơ
bản.
Dù Việt Nam đang là một nhà
nước độc đảng và Đảng Cộng sản kiểm soát quá trình nghị sự, nhưng theo luật
việc sửa đổi hiến pháp thuộc thẩm quyền của Quốc Hội. Theo Tổ chức Theo dõi
Nhân quyền, một số nội dung sửa đổi hiến pháp được đề xuất chính thức có
thể tạo những tiến bộ về nhân quyền. Cụ thể như, “nhân quyền” chỉ được nhắc tới
một lần duy nhất, mang tính hình thức trong bản Hiến pháp 1992, nhưng đã được
nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bản dự thảo lần này với cách thể hiện cho thấy
rằng nhân quyền thuộc về tất cả mọi người ở Việt Nam, bất kể có phải là công
dân Việt Nam hay không. Những tiến bộ khác trong bản dự thảo gồm có các điều
khoản về phân biệt đối xử, về tiếp cận trợ giúp pháp lý, về xét xử công bằng,
về cưỡng bức lao động và điều khoản thành lập Hội đồng Hiến pháp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều
khoản loại trừ và các lỗ hổng pháp lý làm yếu đi đáng kể các nội dung về quyền
con người cơ bản, như quyền tự do ngôn luận, nhóm họp và hội họp, theo Tổ chức
Theo dõi Nhân quyền. Dự thảo sửa đổi nội dung điều 4 Hiến pháp, vốn gây nhiều
tranh cãi, lại nới rộng thêm điều kiện cho Đảng Cộng sản tuyên bố về quyền lãnh
đạo đất nước – ghi nhận rằng Đảng này là “đội tiên phong” của không riêng gì
“giai cấp công nhân” Việt Nam như trong Hiến pháp 1992, mà còn của cả “dân tộc
Việt Nam”, khiến cho đa nguyên chính trị và bầu cử chính trị định kỳ thực chất
trở nên bất khả thi.
Để thực hiện được một chương
trình cải tổ thực thụ, bảo đảm các quyền tự do và nhân quyền cơ bản, bản hiến
pháp phải đáp ứng được các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của Việt Nam với tư cách là
một quốc gia thành viên của các công ước, hiệp ước quốc tế về nhân quyền đồng
thời đảm bảo khả năng thực thi pháp lý của các điều khoản đó trong lãnh thổ
Việt Nam. Bản hiến pháp cần có các điều khoản quy định rằng bất cứ sự hạn chế
nào đối với nhân quyền và quyền tự do chỉ có thể là điều kiện cần thiết trong
một xã hội dân chủ, và không cho phép các cơ quan nhà nước hay tòa án được vi
phạm các quyền con người đã được quốc tế công nhận.
“Nhân dân Việt Nam đang chất
vấn một cách chính đáng rằng liệu một bản hiến pháp mới có mang lại thay đổi
cho đời sống của mình hay chỉ là những ngôn từ đẹp đẽ trên giấy tờ”, ông Adams
nói. “Có quá nhiều điều khoản loại trừ và lỗ hổng khiến người ta có thể thắc
mắc rằng liệu việc sửa đổi hiến pháp lần này có phải chỉ đơn thuần là một bài
toán về quan hệ công hay không. Nếu có ý định nghiêm túc về cải tổ, Đảng Cộng
sản sẽ để cho Quốc Hội chứng minh rằng những kẻ hoài nghi đã nghĩ sai.”
Dự thảo sửa đổi hiến pháp Việt
Nam được chính thức công khai với công chúng và công chức nhà nước vào ngày
mồng 2 tháng Giêng năm 2013, với việc công bố những nội dung dự kiến thay đổi
so với bản Hiến pháp 1992 hiện hành. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ,
chính phủ đã mời người dân đóng góp ý kiến về dự thảo. Hàng chục ngàn người dân
Việt Nam đã viết thư góp ý.
Những người dân Việt Nam có can
đảm vận động để thay đổi hiến pháp đã trở thành đối tượng của một chiến dịch
chính thức nhằm ngăn chặn những quan điểm không vừa ý nhà nước, Tổ chức Theo
dõi Nhân quyền phát biểu. Điều này có vẻ là một nguyên nhân chính trong vụ bắt
giữ luật sư Lê Quốc Quân vào ngày 27 tháng Mười hai năm 2012, sau đó ông bị xử
vào ngày mồng 2 tháng Mười vừa qua với mức án 30 tháng tù về tội danh trốn thuế
ngụy tạo. Những người lên tiếng phê bình một cách ôn hòa khác, như nhà báo
Nguyễn Đắc Kiên, blogger Nguyễn Hữu Vinh và nhà hoạt động Phật giáo Lê Công Cầu
cũng là nạn nhân của chiến dịch này.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân
quyền, các nhà lãnh đạo Việt Nam chưa thể hiện các dấu hiệu cho thấy họ nghiêng
về giải pháp bớt tính đàn áp hơn trong vấn đề các quyền cơ bản của con người.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trong một bài phát biểu ngày 19 tháng Ba về
sửa đổi hiến pháp rằng Đảng Cộng sản, nhà nước, và “mọi người dân” phải đấu
tranh với các lời nói và việc làm không với tinh thần xây dựng, gây phương hại,
gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng và xã hội.” Như để củng cố thêm ý tưởng
này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu trong ngày 27 tháng Ba rằng bản
hiến pháp mới phải thể hiện được tâm nguyện của Đảng Cộng sản.
“Thật là hết sức hài hước khi
mời công chúng đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi hiến pháp để rồi bỏ tù những
người thể hiện quan điểm riêng của mình,” ông Adams nói. “Nếu bản hiến pháp mới
thực hiện được một việc, việc đó phải là chấm dứt tùy tiện sử dụng pháp luật để
bỏ tù những người lên tiếng phê bình một cách ôn hòa.”
Bản
tiếng Anh : English
No comments:
Post a Comment