Wed, 10/23/2013 - 07:49 — menam
Ngày 29/10/2013, Đinh Nhật Uy -
người sử dụng mạng xã hội Facebook để bày tỏ thái độ và quan điểm của mình sẽ
bị đưa ra xét xử theo điều 258 Bộ luật Hình sự - quy định:
Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của
Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do
báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân
chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù
từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù
từ hai năm đến bảy năm.
Theo cáo trạng của Viện kiểm
sát Nhân dân tỉnh Long An, các hành vi cấu thành tội của Đinh Nhật Uy được kết
luận như sau:
“Xuất phát từ động cơ cá nhân,
trong khoảng thời gian từ tháng 11/2012 đến tháng 6/2013, Đinh Nhật Uy đã có
nhiều bài viết, tin đăng có tính chất bịa đặt, nói xấu, sử dụng từ ngữ thô tục
đối với Nhà nước, tổ chức và cá nhân trên tài khoản facebook của mình xâm phạm
lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân. Bên cạnh,
Đinh Nhật Uy nêu vấn đề trên facebook của mình để nhiều người khác truy cập vào
rồi tham gia bình luận đánh giá với lời lẽ xúc phạm”.
Thế nào là nói xấu, thế nào là
sử dụng từ ngữ thô tục đối với nhà nước, tổ chức và cá nhân và thế nào là lời
lẽ xúc phạm để cấu thành tội?
Hay phải có những quy luật pháp
lý rõ ràng và chỉ khi nào công dân vi phạm đúng theo điều đã được viết thành
luật - không có bất kỳ một sự suy diễn thêm nào - thì mới bị kết tội?
Và điều quan trọng hơn cả là cơ
quan nào sẽ đứng ra đánh giá các chuẩn mực trên?
Công an hay tòa án, hay tất cả
đều là đảng viên của đảng / nhà nước là thành viên của bộ phận mà bị can đang
bị buộc tội rằng xâm phạm?
Chúng ta có những quy định pháp
luật cụ thể như thế đối với những cáo buộc dành cho Đinh Nhật Uy hay không?
Tôi đặt tiêu đề của bài viết
này là “Quyền được nói của Đinh Nhật Uy và của tất cả chúng ta” bởi lẽ nếu thực
sự có khái niệm tự do dân chủ để mà “lợi dụng” như điều 258 BLHS quy định thì
việc Đinh Nhật Uy nói và bày tỏ thái độ của mình một cách công khai để rồi bị
kết tội có phải là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tình trạng vi phạm quyền tự
do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến của công dân đối với nhà nước hay không?
Có phải là Đinh Nhật Uy đang bị
buộc tội là “lợi dụng” về một thứ “tự do dân chủ” vốn không có thật?
Nhắc đến Đinh Nhật Uy, người ta
sẽ nhớ đến cái tên Đinh Nguyên Kha - em trai ruột của Uy.
Một trong những lý do để cộng
đồng Facebook theo dõi và chia sẻ trên trang nhà của Đinh Nhật Uy chính là sự
cập nhật tình trạng và thông tin về vụ án hai sinh viên yêu nước Đinh Nguyên
Kha – Nguyễn Phương Uyên.
Đứng trước luồng thông tin một
chiều của truyền thông lề đảng, Uy đã chọn mạng xã hội truyền tải thông điệp
của gia đình mình. Đây là nhu cầu và quyền căn bản của Uy và cũng là của tất cả
công dân Việt Nam.
Nay cơ quan cảnh sát điều tra
bắt giữ và kết tội Đinh Nhật Uy về hành vi này, liệu có phải đã xâm phạm quyền
con người căn bản của Uy? Và đang xâm phạm quyền của tất cả công dân Việt Nam?
Câu trả lời tôi xin nhường lại cho người đọc.
Vấn đề cần đặt ra là nếu hôm
nay Đinh Nhật Uy có thể bị bắt giam một cách tùy tiện, bởi điều luật mơ hồ như
điều 258 BLHS, và với cáo trạng đưa ra của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An
cho thấy rằng: quyền tự do ngôn luận thực sự bị tước đoạt.
Bạn có quyền được nói điều mình
nghĩ mà không phải ngó trước nhìn sau để lựa chọn thái độ ngôn từ hay không?
Hãy nhìn vào vụ án Đinh Nhật Uy
để có câu trả lời cho mình.
Hôm nay Uy không được nói,
không được bày tỏ điều mình nghĩ một cách công khai thì ngày mai người kế tiếp
có thể là chính chúng ta, những người sử dụng blog, facebook... hàng ngày.
Đinh Nhật Uy - Chúng ta, tất cả
là một. Chỉ khác ở chỗ là Uy là người sẽ ra trước vành móng ngựa vào ngày 29
tháng 10 này, còn chúng ta là những người có sẽ phải theo gót của Uy hay không
là TUỲ vào nếp hành xử TUỲ TIỆN, dựa vào nội dung TUỲ TIỆN của điều 258 từ
những người đang giành quyền nắm giữ "cán cân công lý".
No comments:
Post a Comment