Thursday 3 October 2013

TT OBAMA : DÂN MỸ KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG CON TỐT TRÊN BÀN CỜ CHÍNH TRỊ (VOA Tiếng Việt)






03.10.2013

Tổng thống Obama nói về tình trạng bế tắc ngân sách tại M. Luis Constructịon, một doanh nghiệp nhỏ ở thành phố Rockville, bang Maryland 3/10/13

Các cơ quan chính phủ liên bang Mỹ đã đóng cửa sang ngày thứ Ba mà trước mắt chưa thấy có dấu hiệu kết thúc tình trạng bế tắc, vì các nhân vật đứng đầu đảng Cộng hòa ở Quốc hội muốn hoãn việc chuẩn chi cho Đạo luật bảo hiểm y tế của Tổng  thống Barack Obama trong ngân sách sắp tới.

Tổng thống Obama nói, hôm thứ Năm, rằng Quốc hội phải chấm dứt tình trạng tạm ngưng hoạt động của chính phủ đã khiến cho hàng trăm ngàn người phải ngừng làm việc, và gây phương hại cho hàng ngàn công ty lệ thuộc vào công việc của họ. Ông nói:

“Sẽ không có vấn đề điều đình về việc này. Nhân dân Mỹ không phải là những con tốt trên bàn cờ chính trị. Quý vị không nhận được thỏa thuận để đổi lại việc giữ cho chính phủ hoạt động. Quý vị không nhận được thỏa thuận để đổi lại việc giữ cho nền hoạt động kinh tế tiếp tục vận hành. Quý vị không nhận thỏa thuận để làm công việc cơ bản nhất của quý vị.”

Tổng thống Obama nói, trong buổi nói chuyện bên ngoài thủ đô Washington, rằng lý do duy nhất khiến cơ quan chính phủ vẫn tiếp tục đóng cửa là vì Chủ tịch Hạ viện không muốn làm buồn lòng những “người cực đoan” trong đảng của ông, bằng cách kêu gọi biểu quyết một dự luật thảo ngân sách đã được Thượng viện thông qua trước đây trong tuần. Dự luật dó vẫn giữ nguyên khoản ngân sách dành cho chương trình chăm sóc sức khỏe.

Tất cả các Dân biểu đảng Dân Chủ và hơn 17 Dân biểu Cộng hòa nói rằng họ sẽ ký dự luật “không có tì vết” của Thượng viện nếu Chủ tịch Hạ viện John Boehner đưa dự luật ra bỏ phiếu.

“Hãy đưa dự luật ra biểu quyết. Hãy để mọi người bỏ phiếu. Nó sẽ được thông qua. Hãy gữi cho tôi dự luật. Tôi sẽ ký. Tình trạng tạm ngưng hoạt động sẽ chấm dứt và chúng ta có thể trở lại với việc lãnh đạo và giúp dân Mỹ.”

Các nhà lãnh đạo trong Quốc hội đã họp khoảng một tiếng đồng hồ vào tối thứ Tư với Tổng thống Barack Obama, nhưng đã rời phòng sau cuộc họp kín mà không có tiến triển nào về tình trạng bế tắc đã dẫn đến việc cơ quan chính phủ đóng cửa.

Chủ tịch Hạ viện John Boehner nói ông đã nói với Tổng thống rằng ông muốn có một cuộc thảo luận theo lời ông là “công bằng” về chương trình bảo hiểm y tế với giá phải chăng của Tổng thống Obama.

Cuộc họp hôm thứ Tư thất bại khơi lên mối lo sợ việc tạm ngưng hoạt động của chính phủ có thể kéo dài đến giữa tháng 10 và là lúc phải đương đầu với hạn chót rất quan trọng về việc nâng mức trần nợ quốc gia nhằm tránh tình trạng không trả được nợ.

Quốc hội phải gia hạn quyền vay tiền của chính phủ trước ngày 17 tháng 10 hoặc chính phủ liên bang sẽ đứng trước nguy cơ, lần đầu tiên, không trả được nợ, một tình huống mà nhiều kinh tế gia nói rằng sẽ đe dọa cho kinh tế thế giới.

Các đảng viên Đảng Cộng hòa ngụ ý họ có thể để chiến dịch chống luật bảo hiểm y tế kéo dài đến khi tranh luận về vấn đề nợ.

Ngân sách dành cho phần lớn cơ quan chính phủ đã bị cắt từ thứ Ba, với nỗ lực của Đảng Cộng hòa buộc có những thay đổi về luật chăm sóc sức khỏe,  gây đình trệ trong ngắn hạn dự luật chi tiêu ngân sách thường lệ.

Việc chính phủ tạm ngưng hoạt động khiến hơn 800.000 nhân viên liên bang, khoảng 1/3 lực lượng nhân sự liên bang, phải tạm nghỉ việc. Các nhân viên được xem thiết yếu, như kiểm soát không lưu, nhân viên biên phòng và phần lớn nhân viên nghành kiểm tra thực phẩm, vẫn tiếp tục làm việc, cũng như nhân viên truyền thanh truyền hình, trong đó có VOA.

Đạo luật bảo hiểm y tế với giá phải chăng có biệt danh là ‘Obamacare’ đã tiến hành theo thời biểu đã định hôm thứ Ba. Mục tiêu của Đạo luật này là nhằm cung cấp bảo hiểm y tế cho nhiều triệu người Mỹ không có khả năng mua, hoặc có được bảo hiểm.

Các thành viên Cộng hòa phản đối Obamacare nói rằng luật này bó buộc người dân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ, mua những bảo hiểm đắc tiền mà họ không muốn, gây phương hại cho kinh tế.

--------------

Giới hạn trần nợ của Mỹ

- Là tổng số tiền mà chính phủ Mỹ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý hiện thời.
- Những nghĩa vụ này gồm An sinh xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, tiền lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia, tiền thuế hoàn lại.
- Nâng giới hạn trần nợ không cho phép những khoản cam kết chi tiêu mới.
- Không nâng giới hạn trần nợ sẽ khiến chính phủ mất khả năng thực hiện nghĩa vụ pháp lý
-Từ năm 1960, Quốc hội đã nâng giới hạn trần nợ 78 lần.

Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ

-------------------------------------------

03.10.2013

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cảnh báo rằng có thể có ảnh hưởng “hết sức tai hại” tới nền kinh tế trên khắp thế giới nếu Hạ Viện không gia tăng mức trần vay nợ của Hoa Kỳ trong những ngày sắp tới để nước này khỏi rơi vào tình trạng không làm tròn nghĩa vụ tài chánh của mình.

Khi Hoa Kỳ tới gần mức trần vay nợ hiện nay là 16,7 ngàn tỉ đôla, Bộ Tài chính đưa ra một phúc trình hôm thứ Năm phác họa tai họa họa mà họ nói là có thể xảy ra nếu nước này hết tiền để chi trả những khoản nợ kể cả tiền lời mà Hoa Kỳ đã vay của nước ngoài.

Bộ Tài chính nói rằng “một vụ không trả nợ đúng hạn sẽ là chuyện từ trước tới nay chưa từng có, và có tiềm năng đem lại 'tai họa': các thị trường chứng khoán có thể bị đóng băng, trị giá đô la Mỹ có thể sụt giảm, lãi suất của Hoa Kỳ có thể gia tăng đột ngột, tình trạng tiêu cực tràn lan có thể tác động đến khắp nơi trên thế giới, và có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chánh và suy thoái kinh tế như năm 2008 hoặc tệ hơn.”

Chính phủ Hoa Kỳ đã bước sang ngày thức ba của tình trạng đóng cửa một phần trong vụ bế tắc về dự luật ngân sách giữa Tổng thống Obama, một thành viên Đảng Dân Chủ, và các thành viên Đảng Cộng Hòa đối lập tại Hạ Viện. Tổng thống Obama nói rằng, Hạ Viện cần hành động mau chóng để tránh một cuộc khủng hoảng mới liên quan tới mức trần vay nợ, mà Hoa Kỳ có thể gặp phải vào ngày 17-10-2013.

Hoa Kỳ và Đan Mạch là các nước dân chủ duy nhất trên thế giới áp đặt mức trần vay nợ, khi các quốc gia khác chọn biện pháp vay những gì họ cần để tài trợ cho các hoạt động của họ mà không đặt ra một giới hạn. Một giáo sư dạy môn kinh doanh tại Trường đại học Michigan, ông Erik Gordon, nói với đài VOA rằng, Hoa Kỳ đã toan tính nhưng không thành công bao nhiêu, để ngăn chặn những chi tiêu của họ.

Mức trần vay nợ của Hoa Kỳ đã gia tăng hơn 100 lần trong thế kỷ trước, đôi khi khá đều đặn, vào những lúc khác, sau các vụ tranh luận kéo dài với các nhà lập pháp từ đảng chính trị không kiểm soát được Tòa Bạch Ốc thường hay tố cáo nhà lãnh đạo đất nước là chi tiêu thiếu thận trọng.

Giám đốc điều hành các ngân hàng lớn đến Tòa Bạch Ốc để gặp Tổng thống Obama.

Tổng thống Obama giờ đây nói ông muốn Hạ Viện gia tăng giới hạn vay nợ mà không thương thảo về các chính sách liên quan tới ngân sách quốc gia và thuế khóa với phe đối lập của ông là Đảng Cộng Hòa. Nhưng khi còn là một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, ông Obama bỏ phiếu chống lại một sự gia tăng mức trần vay nợ khi một thành viên Đảng Cộng Hòa, ông George W. Bush, là Tổng thống.

Giám đốc điều hành ngân hàng đầu tư khổng lồ Hoa Kỳ Goldman Sachs, ông Lloyd Blankfein, đã gặp Tổng thống Obama tại Tòa Bạch Ốc trong tuần này cùng với các giám đốc ngân hàng quan trọng khác. Ông Blankfein nói rằng điều bó buộc là không để Hoa Kỳ bị rơi vào tình trạng không làm tròn nghĩa vụ tài chánh.

Giáo sư dạy môn kinh doanh tại Trường đại học Michigan, ông Gordon nói rằng không ai biết điều gì sẽ xảy ra nếu Hoa Kỳ hết tiền để trả nợ và mức trần vay nợi không gia tăng.

Ông Gordon nói rằng ngay cả mối đe dọa về việc Hoa Kỳ không trả được nợ sẽ có “ảnh hưởng vô cùng to lớn trên khắp thế giới” trong niềm tin của các nhà đầu tư vào những chứng khoán của chính phủ.


No comments:

Post a Comment

View My Stats