Friday, 11 October 2013

TRỒNG CÂY : MƯỜI NĂM . TRỒNG NGƯỜI : TRĂM NĂM (Nguyễn Lương Tuyền - Danlambao)




12.10.2013

Đầu thập niên 90, các chế độ Cộng Sản tan vỡ tại Đông Âu, tan vỡ ngay tại cái nôi của Cộng Sản là Nga Sô. Cơn ác mộng của nhân loại đã chấm dứt. Lý thuyết Mác Lê bị vất vào sọt rác. Để sống còn, các đồng chí trong Trung ương đảng của Cộng Sản Việt Nam bèn "tạo" ra cái gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh, dù rằng khi còn sống Bác đã khẳng định là Bác không có tư tưởng gì cả, Bác Stalin, Bác Mao đã nói hết cả rồi. Bác lại nhấn mạnh trong Đại hội đảng lần thứ hai tại Tuyên Quang diễn ra vào tháng 2 năm 1951: Không, tôi không có tư tưởng gì ngoài chủ nghĩa Mác Lê. Hung thần Chợ Đệm Nguyễn Văn Trấn, sau 1954 tập kết ra Bắc, có hỏi thẳng ông Hồ Chí Minh về tư tưởng của ông thì ông ta cũng trả lời rằng mình không có tư tưởng gì cả ngoài chủ nghĩa Mác Lê.

Bơ vơ như những trẻ mồ côi, không còn chỗ để bám víu, nương tựa, các hậu duệ, đệ tử của Bác đã cố thu thập một số diễn văn, một số phát biểu của Bác khi Bác còn sinh tiền, để vẽ rắn thêm chân, hoa hòe hoa sói vào rồi đánh trống gõ mõ, la ầm lên là Đảng ta được võ trang bằng tư tưởng Hồ Chí Minh. Câu phát biểu của Bác: vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích 100 năm thì phải trồng người được các đệ tử của Bác cho là tư tưởng vĩ đại của Bác. Thực ra Bác đã "mượn đỡ" câu nói của Quản Trọng, đời Chiến quốc: "Nhất niên chi kế tại ư thụ cốc, thập niên chi kế tại ư thụ mộc, bách niên chi kế tại ư thụ nhân (kế một năm thì trồng lúa, kế 10 năm thì trồng cây, kế trăm năm thì trồng người)".

"Trồng người", nói nôm na là nhiệm vụ của giáo dục đào tạo và huấn luyện của một nước. Chuyện giáo dục tại VN trong chế độ Cộng sản giống như chuyện dài nhân dân tự vệ ngày xưa nghĩa là nói không bao giờ hết, càng nghĩ càng thấy mọi sự cứ tối mò mò.

Triết lý giáo dục

Bất cứ một nền giáo dục nào cũng dựa trên các căn bản gọi là triết lý giáo dục- theo ông Lâm Văn Bé, một giới chức cao cấp trong ngành giáo dục ở VN trước 1975 - Thời Việt Nam Cộng Hòa, để thiết lập một hệ thống giáo dục mới cho quốc gia, năm 1958, Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức một Đại hội giáo dục toàn quốc đã thảo luận và đúc kết một triết lý giáo dục dựa trên 3 nguyên tắc là nhân bản, dân tộc và khai phóng. Từ triết lý giáo dục này, 3 mục tiêu được đề ra là: 

- phát triển toàn diện cá nhân. 
- phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh. 
- phát triển tinh thần dân chủ và khoa học. 

Triết lý giáo dục, cùng 3 mục tiêu kể trên, luôn luôn bàng bạc trong giáo dục ở miền Nam trong suốt hơn 20 năm tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa.

Giáo Dục ở VN dưới chế độ CS từ năm 1946 đến nay chưa hề có một triết lý về giáo dục. Theo ông Tống Văn Công, báo Lao Động của CSVN số ra ngày 24-10-2012 trong bài "Triết lý giáo dục của người Việt" cho rằng: "Nhiều người cho rằng giáo dục của ta không thấy lối ra vì không tìm được triết lý giáo dục. Một số Giáo sư khẳng định rằng nước ta chưa hề có một triết lý giáo dục..."

Không có một triết lý, nhưng giáo dục Cộng sản có những mục tiêu, đa số - nếu không nói là hầu hết- là mục tiêu chánh trị và thay đổi thường xuyên. Dù CSVN có rêu rao Giáo Dục là quốc sách, cần phải thích ứng với nền kinh tế thị trường nhưng căn bản của nền giáo dục tại VN hiện nay vẫn là giáo dục theo đường lối của BácĐảng. Do đó hệ thống giáo dục của CSVN trên đất nước đã thay đổi nhiều lần từ năm 1946 ở miền Bắc và trên cả nước từ sau năm 1975 sau khi chiếm được miền Nam; nhưng kết quả là giáo dục ở VN vẫn còn trong tình trạng hỗn loạn và lạc hậu, không đáp ứng được những khát vọng của toàn dân. CSVN đã đao to búa lớn đề ra các chiến lược về giáo dục như: 

- Chiến lược phát triển giáo dục do Thủ tướng Phan Văn Khải ban hành ngày 28-12-2001. 

- Chiến lược phát triển giáo dục 2010-2020 do Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành ngày 13-6-2012.

Các chiến lược phát triển giáo dục kể trên đều đề ra mục đích chánh trị là phát huy và củng cố thể chế CS trên đất nước Việt Nam.

Kết quả là sự thay đổi ở cấp Phổ thông (tiểu học và trung học) như người ta thay đổi áo. Cấp Đại Học thì bát nháo, hỗn loạn. Các trường Đại Học tư, Đại Học công mọc lên như nấm. Đại Học VN, giờ đây, là một thứ chợ trời, người mua, người bán tấp nập.

Thời VNCH (1955-1975), khởi đầu chỉ có 2 Viện Đại Học: ĐH Sài Gòn và ĐH Huế. Mặc dù phải đối phó với cuộc chiến xâm lược đẫm máu và khốc liệt của CS Bắc Việt (một cuộc chiến toàn diện nhắm vào mọi khía cạnh của cuộc sống tại Miền Nam), nền giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa đã phát triển vượt bực, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân, đào tạo được một lớp người có khả năng, thực sự đáp ứng được các nhu cầu phát triển của đất nước. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, VNCH, tuy có chiến tranh tự vệ triền miên, Giáo Dục vẫn không ngừng phát triển, tiến bộ không thua gì các nước khác ở Đông Nam Á. Luyến tiếc một thời xa xưa, ta không khỏi ngậm ngùi nhớ lại một nền Giáo Dục của VNCH trong sứ mạng trồng người cho quê hương miền Nam.

Trong thời VNCH:

- Có 4 Viện Đại Học (VĐH) công lập: VĐH Sài Gòn, VĐH Huế, VĐH Cần Thơ, Viện ĐH Bách Khoa Thủ Đức(1974) có tiền thân là Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật (1957) và Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật (1972). 

- Các Viện Đại Học tư: VĐH Đà Lạt, VĐH Vạn Hạnh, VĐH Phương Nam, VĐH An Giang, VĐH Cao Đài, VĐH Minh Đức  các Học Viện chuyên biệt như Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Trường Chính Trị Kinh Doanh tại Đà Lạt, Học Viện Quốc Gia Nông Nghiệp (1972-1974).

- Các Đại Học Cộng Đồng (ĐHCĐ) được mở ra từ năm 1971 theo mô hình Community College của Hoa Kỳ như: ĐH CĐ ở Tiền Giang; ĐHCĐ ở Duyên Hải; ĐHCĐ Quảng Đà ở Quảng Nam, Đà Nẵng; ĐHCĐ Long Hồ ở Vĩnh Long. 

Dưới thời Xã Hội Chủ Nghĩa:

Các ĐH mọc lên như nấm, hồng nhiều hơn chuyên theo đúng đơn đặt hàng của đảng CS và nhà nước XHCN, Năm 2000, VN có 178 trường Đại Học và Cao Đẳng; năm 2012, VN có 419 trường. Tỷ lệ tăng 250% chỉ trong có 12 năm. 20% là các Đại Học tư thục. Có lẽ VN dưới thời xã hội chủ nghĩa, là nước độc nhứt trên thế giới, trường Đại Học được mở trước khi có trụ sở và nhân viên giảng huấn cơ hữu. Kết quả là sự yếu kém của Đại học VN so với các nước ở Đông Nam Á. Còn giáo dục ở bậc Tiểu học và Trung học là cả một ác mộng cho các phụ huynh: 

- Chương trình học thay đổi như chong chóng. 

- Xin được cho con em vào học là cả một mốt ưu tư, một ác mộng cho các bậc cha mẹ. Nào là phải hối lộ, phải tốn tiền- rất nhiều tiền- không kể tiền phí tổn ở các lớp học thi, các lớp dậy kèm. 

Giáo Dục và Đào Tạo ở VN hiện nay hay nói nôm na trồng người ở VN, theo thống kê của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo năm 2011-2012, có một đội ngũ nhân viên giảng huấn là 84, 109 người trong đó có 9.152 (11%) Tiến sĩ, 36.360 Cao học mà VNCS gọi là Thạc sĩ (43%) 38.579 Cử nhân (46%). Chỉ có độ 10% Tiến sĩ được đào tạo tại ngoại quốc. Bằng cấp cứ loạn cào cào, không ra cái thể thống gì. Ai cũng là Tiến sĩ, Thạc sĩ. Trong 16 thành viên của Bộ Chánh Trị, tất cả đều có học vị Tiến sĩ, trừ 1 thành viên gốc thiểu số, bà Tòng Thị Phóng, chỉ có Cao học. Trong số 20 Bộ Trưởng trong Chánh Phủ CS hiện nay, có 12 ông Tiến Sĩ. Ngay cả ông Bộ Trưởng Công An cũng đeo bằng Tiến sĩ. Các Đại tá, Tướng lãnh viết bài trên các báo chí của nhà nước đều để thêm tước vị Tiến sĩ hoặc Thạc sĩ bên cạnh cấp bậc trong quân đội. 

Trong một Hội nghị về Giáo Dục do Mặt Trận Tổ Quốc tổ chức ngày 31 tháng 7 năm 2013, Phó Chủ tịch nước, GS Tiến sỹ Nguyễn Thị Doan (lại một tiến sĩ nữa) trăn trở "số học sinh ra trường càng ngày càng đông, tiến sĩ, thạc sĩ càng ngày càng nhiều nhưng tại sao đất nước chậm đổi mới và có vẻ tụt hậu xa so với các nước khác trong khu vực". Có người chỉ ở VN, không biết tiếng Anh, cũng có bằng Tiến sĩ sau khi nộp đủ tiền cho một ĐH "dỏm" ở Mỹ. Bộ Giáo Dục và Đào tạo của CS còn rêu rao là cho tới năm 2020, sẽ đào tạo ra 20.000 Tiến sĩ. Cũng cho tới năm 2020, dự án trù liệu VNCS sẽ có 1 triệu kỹ sư đạt trình độ quốc tế. Thực là một hoang tưởng của những người đang đi trên mây, của những người bị bệnh mộng du (schizophrenia)?

Với đội ngũ Tiến sĩ đông đảo như vậy, mỉa mai thay Đại Học VN lại không có tên trong Bảng xếp hạng 200 ĐH hàng đầu trên thế giới. Thực là trái núi đẻ ra con chuột

Theo Tiến sĩ Lê Văn Út (Toán học Phần Lan), từ năm 2006 đến năm 2010, VN chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Năm 2011, không có bằng sáng chế nào được đăng ký. Nếu so sánh với các quốc gia vùng Đông Nam Á ít dân hơn VN, có trình độ kỹ thuật kém hơn hay ngang hàng với Miền Nam VNCH trước 1975, ngày nay VN của Xã Hội Chủ Nghĩa đang bị bỏ xa. Tân Gia Ba (645 bằng sáng chế/ 4.5 triệu dân), Mã Lai (161 bằng sáng chế/ 28 triệu dân), Thái Lan (53 bằng sáng chế / 68 triệu dân), Indonesie (7 bằng sáng chế / 230 triệu dân), Brunei (1 bằng sáng chế / 0.5 triệu dân). Về số lượng các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, theo GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc): tổng số các bài nghiên cứu khoa học của cả nước VN chỉ tương đương hay không bằng số bài của 1 trường đại học ở Thái Lan hay ở Mã Lai. Thực là xấu hổ cho một nước mà ở đâu cũng có Tiến sĩ, Thạc sĩ. Tóm lại, CSVN đã thất bại thê thảm trong công cuộc trồng người cho đất nước.

Hậu quả tai hại của nền giáo dục của CSVN từ 40 năm nay đã và đang ảnh hưởng đến giới trẻ VN, ảnh hưởng trên toàn đất nước về mọi phương diện. Hệ lụy của nó sẽ kéo dài trên vài thế hệ con dân đất Việt.

Giáo Dục Hoa Kỳ và Việt Nam

Trong 21 năm hiện hữu của Việt Nam Cộng Hòa, ảnh hưởng của giáo dục Mỹ mới ở thời kỳ bắt đầu trong các ngành kỹ thuật, trong Y Khoa qua những Giáo Sư, chuyên viên được đào tạo ở Mỹ. Nhưng chưa có một trường học Mỹ nào - từ Trung Tiểu học cho đến Đại học Mỹ - được mở ra ở Miền Nam

Từ thượng cổ, Giáo Dục vẫn là một vũ khí lợi hại trong việc tiến chiếm để đô hộ các nước, biến người dân các thuộc địa thành những người trung thành với mẫu quốc. Trung Hoa đã thành công trong việc đô hộ rồi đồng hóa các nước nhỏ ở chung quanh, biến dân của các nước này thành những người Trung Hoa chỉ trong vài thế hệ. VN đã bị Trung Hoa đô hộ cả ngàn năm nên dân tộc Việt đã chịu ảnh hưởng nặng nề giáo dục của Trung Hoa nhưng VN không bị đồng hóa. 

Sang thời kỳ Pháp thuộc gần 100 năm, VN lại chịu ảnh hưởng văn hóa Tây Âu. Văn tự Việt theo lối La Mã là do Linh Mục Alexandre de Rhodes (1591-1660), một Giáo sĩ Giòng Tên người Pháp, đưa vào VN thay thế cho chữ Nôm - một loại chữ viết giống như chữ Nho của người Tầu. Kết quả VN là nước duy nhứt ở Á Châu dùng chữ La Mã làm quốc ngữ, muôn vàn ích lợi cho dân Việt. Đi kèm với việc khai hóa, khai thác, người Pháp đã xây dựng cả một hệ thống các trường Trung, Tiểu học ở VN. Đại Học Hà Nội, Đại Học Sài Gòn được người Pháp dựng lên cho toàn cõi Đông Dương Việt Miên Lào vào đầu thế kỷ 20. Ông Hoàng Norodom Sihanouk (Cao Miên), các Hoàng thân Lào Souvana Phouma, Souphanuvong đều sang VN du học. 

Sau khi đã chiếm được Miền Nam năm 1975, CSVN đã tìm cách dẹp bỏ hoàn toàn các dấu vết của giáo dục Âu Tây ở VN. Các trường học ngoại quốc, các Trung Tâm Văn Hóa ngoại quốc bị đóng cửa, cấm hoạt động. Những người có quá khứ du học tại Mỹ bị cho vào tù, bị kết tội hoạt động gián điệp cho CIA của Mỹ. Một Viện Bảo Tàng Chiến tranh được lập ra ở Sài Gòn để kết tội Mỹ.

Sau 40 năm thất bại trong tiến trình áp đặt chế độ CS lên quê hương khiến đất nước càng ngày càng kiệt quệ suy sụp, CSVN, hơn bao giờ hết, đang lạy van, cầu xin Hoa Kỳ trở lại VN.

Hoa Kỳ đang trở lại VN, nhưng bằng một chiến lược gọi chiến lược mềm (soft strategy), đó là đưa giáo dục Mỹ vào VN. Trong lịch sử, Hoa Kỳ không đô hộ để khai thác bất kỳ một lãnh địa, một quốc gia nào nhưng các chương trình của Mỹ Quốc, thiết lập sau đại chiến thế giới thứ 2 như Plan Marshall, Chương trình Học bổng Fulbright... đã đưa "truyền thống Mỹ, văn hóa Mỹ" đến mọi nước trên thế giới. Tưởng cũng nên nhắc lại, giáo dục đại học của Mỹ đã đóng một vai trò không nhỏ trong cuộc chiến tranh ý thức hệ với khối Cộng Sản, chiến tranh lạnh với Nga Sô.

Ngay cả trước khi bỏ cấm vận và nối lại bang giao với Việt nam vào năm 1995, Hoa Kỳ đã coi việc đầu tư vào giáo dục kiểu Hoa Kỳ vào VN là hình thức hữu hiệu nhứt làm biến đổi kẻ thù xưa với mục đích ảnh hưởng đến các thế hệ lãnh đạo VN trong tương lai. Nhiều phái đoàn giáo dục Hoa Kỳ, nhiều GS Hoa Kỳ với tư cách cá nhân, đã đến VN. Phúc trình của ĐH Harvard, sau khi quan sát, đã nói đến những yếu kém của hệ thống Đại học của VN, đề nghị những phương cách sửa đổi.

Hoa Kỳ nói thẳng, không úp mở, về ý định chuyển hóa VN bằng con đường giáo dục.

Hoa Kỳ có cơ hội chuyển hóa nền Giáo Dục tại VN, để về lâu dài, khiến nước này trở nên dân chủ hơn, tôn trọng nhân quyền, tôn trọng quyền tự do ngôn luận hơn, để rồi liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ.

(The US has the opportunity to shape the Vietnamese Education System in a way that, in the long term, will result in a VietNam that will be more democratic, more respecful of human rights and freedom of speech, and therefore more closely tied to the United States.) 

Vả lại trước cơn khủng hoảng về Giáo Dục và Đào Tạo, trước tương lai mờ mịt của đất nước vì nền giáo dục quá yếu kém, VNCS không còn chọn lựa nào khác, đã cầu khẩn Hoa Kỳ trợ giúp. Phó Thủ Tướng CSVN Nguyễn Thiện Nhân, một người đã học ở Hoa Kỳ theo chương trình Học bổng Fulbright, trong một lần gặp gỡ Đại Sứ Mỹ Michael Michalak, đã cầu xin Hoa Kỳ giúp đỡ VN trên 2 lãnh vực: 

- Mở Đại Học Mỹ ở VN. 

- Đào tạo 2,500 PhD ngay tại Hoa Kỳ cho VN từ nay(2008) cho đến năm 2020. 

Cũng trong thời gian đó ở trong nước, VN hứa hẹn sẽ đào tạo 20,000 PhD. Hiện nay Vietnamese Education Fund của Mỹ tài trợ mỗi năm khoảng 70 Học viên sang Mỹ học PhD.

Cựu Đại Sứ Mỹ Michael Michalak tại VN: người hăng hái cổ động viện trợ giáo dục cho VN.

Trong chuyến du hành sang Hoa Kỳ của Thủ tướng VNCS Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 6 năm 2008, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ James Glassman và Ông Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Giáo Dục và Đào tạo của VN đã ký kết Bản Hợp Tác về Giáo Dục giữa hai nước.

Hiện nay có khoảng hơn 60 Đại Học Hoa Kỳ có chương trình liên kết (joint program) với các ĐH của Việt Nam. 

Học bổng Fulbright 

Thành lập năm 1946 bởi Thượng Nghị Sĩ J William Fulbright (1905-1995) với mục tiêu: 

- Để công dân Hoa Kỳ có thể theo học, khảo cứu... tại ngoại quốc. 

- Công dân các nước trên thế giới có thể đến Hoa Kỳ để học hoặc khảo cứu trong đủ mọi ngành từ khoa học đến văn chương, báo chí.

Đây là một học bổng danh tiếng vào bậc nhứt của Hoa Kỳ trên thế giới. Kể từ ngày thành lập, 43 người được giải Nobel đã từng được học bổng Fulbright, cũng như 78 người được giải Pulitzers là những người được học bổng này trong quá khứ.

Ngoại Trưởng HK Hillary Clinton tại lễ kỷ niệm  20 năm Fulbright tại Đại Học Ngoại Thương, Hà Nội ngày 10/7/2012.

Cho tới nay, sau 20 năm hiện hữu, chương trình học bổng Fulbright đã đưa hơn 1,000 giáo sư, học giả, sinh viên VN sang Hoa Kỳ để học tập, nghiên cứu trong mọi ngành tại các Đại Học danh tiếng. Học bổng Fulbright được hiện hữu ở VN từ năm 1992, tức là 3 năm trước khi lệnh cấm vận của Hoa Kỳ được TT Bill Clinton bãi bỏ, quan hệ bình thường giữa 2 nước đượn nối lại năm 1995.

Quĩ Giáo Dục Việt Nam

Quĩ Giáo Dục Việt Nam (VietNam Education Fund) do Hoa Kỳ thành lập và tài trợ từ năm 2,000. Các thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của Quĩ Giáo Dục đều do Tổng Thống Hoa Kỳ bổ nhiệm. Quĩ Giáo Dục VN (QGDVN) hoạt động trong tư cách độc lập, không qua trung gian các công ty tư vấn giáo dục ở trong hay ngoài nước. Kể từ khi chánh thức hoạt động năm 2003 cho đến nay, QGDVN đã cấp học bổng cho 389 nghiên cứu sinh Việt Nam sang học các Đại Học danh tiếng của Hoa Kỳ. Có 83 người đã hoàn tất bằng Tiến sĩ.

Nhân viên của Trường Washington State University đang tư vấn  cho sinh viên VN tại Hội chợ Giáo Dục USA tại Hà Nội 8/4/2011.

Trung tâm tư vấn giáo dục Hoa Kỳ

Education USA là một mạng lưới toàn cầu với hơn 400 văn phòng tư vấn giáo dục trên thế giới. Trung tâm tư vấn giáo dục Education USA quảng bá giáo dục bậc đại học của Hoa Ký. Tại Việt Nam, 2 trung tâm tư vấn giáo dục Hoa Kỳ, trực thuộc Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ đã được thành lập tại Hà Nội và Sài Gòn để giúp những sinh viên muốn du học Hoa Kỳ. Trung tâm giải đáp mọi thắc mắc, thông tin cập nhật về các điều kiện, cơ hội học tập ở Hoa Kỳ.

Hỗ trợ trực tiếp Giáo Dục tại VN

Hồi tháng 2 năm 2013, Ngân Hàng Thế Giới đã viện trợ cho VN 150 triệu dollars để giúp VN cải tổ giáo dục, theo đó 50 triệu dollars dược dùng để hỗ trợ cho Chánh sách phát triển Đại Học, tăng cường quản trị tài chánh, chất lượng giáo dục.

Trong khi đó, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu viện trợ cho VN 90 triệu Mỹ Kim cho giáo dục ở bậc trung học phổ thông.

Giáo Sư Mỹ sang giảng dạy tại VN

Quĩ Giáo Dục VN (Vietnam Education Fund) tài trợ và tổ chức chương trình đưa Giáo Sư Mỹ thuộc các Đại học hàng đầu của Hoa Kỳ sang giảng dạy tại VN. Chương trình này đã bắt đầu từ năm 2008. Các GS Mỹ sẽ giảng dạy bằng tiếng Anh. Bà Virginia Palmer, Phó Đại Sứ Mỹ tại VN khẳng định: Chương trình đưa các GS Mỹ sang giảng dạy tại VN là một trong những ưu tiên cao nhứt của Hoa Kỳ trong việc tăng cường hợp tác với VN trong lãnh vực giáo dục.

Kể từ năm 2008, đã có 11 GS Mỹ giảng dạy tại VN theo chương trình này. Năm 2012, đã có thêm 6 GS nữa sang VN giảng dạy.

Hê thống các trường Mỹ tại VN

Hiện nay một hệ thống các trường gọi là trường Trung học và trường Tiểu học Việt Mỹ đã được mở ra tại nhiều nơi ở VN như tại Vĩnh Long, Cần Thơ, Vũng Tầu, Sài Gòn, Hà Nội. Chương trình đặt nặng phần Anh Ngữ do những người Mỹ giảng dạy.Học phí rất cao, từ 7,000 tới 8,000 dollars một năm. Chỉ có con cháu các cán bộ đảng viên, con cháu các đại gia mới đủ tiền theo học.


Các nước khác như Úc, Pháp, Đức và Tân Tây Lan cũng đang cố gắng xuất cảng nền giáo dục của họ sang Việt Nam: 

- Pháp đã cho các chuyên viên, các Bác sĩ VN sang du học tại Pháp. 

- Một số trường trung tiểu học của Pháp như hệ thống trường trung, tiểu học, college đã được mở cửa hoạt động ở Sài Gòn.

- Viện Tim học tại Sài Gòn do Pháp lập ra và viện trợ từ nhân lực đến tài lực.

- Hai nhà thương Pháp- Hopital Franco-Vietnamien được Pháp mở ra tại Sài Gòn và Hà Nội. 
...

Du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ

Hiện nay có khoảng 15.000 du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ (đứng hàng thứ 8 trong danh sách du học sinh ngoại quốc ở Mỹ), trong đó những du học sinh được học bổng của Hoa Kỳ để đi du học chỉ chiếm một phần nhỏ, số còn lại là các du học sinh du học với tính cách tự túc. Các ứng viên được Học bổng do Hoa Kỳ cấp, như học bổng Fulbright, đều được Hoa Kỳ chọn lựa rất kỹ càng để du học sinh có thể bắt kịp chương trình của các ĐH nổi tiếng tại Hoa Kỳ. CSVN cũng đã lợi dụng sự cởi mở của các ĐH ở Hoa Kỳ (cũng nên biết ở Hoa Kỳ có nhiều loại Đại Học khác nhau. Có những ĐH chỉ cần đóng đủ tiền là được ghi danh theo học) nên các cán bộ, viên chức chánh phủ CS đưa con cháu sang Hoa Kỳ để theo học. Học phí, đời sống ở Mỹ không rẻ nên có lẽ chỉ có con cháu các đảng viên, các đại gia CS mới đủ khả năng du học ở Mỹ. Vì chỉ có bọn CSVN "ăn cắp ngày" này mới có đủ tiền cho con cháu đi ra nước ngoài học hỏi. CSVN đang đầu tư vào đám con cháu đang du học tại ngoại quốc, tại Mỹ; đầu tư cho tương lai của bản thân gia đình của họ, chứ không phải đầu tư cho quê hương xứ sở. Đám "cộng con" này sẽ nối nghiệp cha, chú của chúng để tiếp tục "muôn năm trường trị", đè đầu cưỡi cổ người dân.

Tuy vậy, người ta cũng có một chút hy vọng hy các con cháu của Bác và đảng, sau khi bị tiêm nhiễm ý niệm tự do, dân chủ bởi giáo dục Mỹ, bởi đời sống ở Mỹ, sẽ không ít thì nhiều thay đổi đời sống chính trị tại quê nhà. Vâng, chỉ là hy vọng thôi!!

Tóm lại người Mỹ đang có kế hoạch biến đổi Việt Nam bằng con đường giáo dục, một kế hoạch lâu dài.

Người Việt quốc gia, người Việt tỵ nạn CS tại khắp mọi nơi trên thế giới chỉ mong muốn một điều là chế độ CS, một chế độ phản lại lương tâm của loài người, phải bị đào thải sớm chừng nào hay chừng đó để dân tộc VN có được dân chủ. Đó là điều kiện tiên quyết cho tiến bộ, cho viễn tượng theo kịp các nước khác ở Đông Nam Á. Trong hợp tấu khúc tiến bộ của nhân loại, VN sẽ không là một nốt nhạc thừa vô nghĩa. Quê hương đang mất dần về tay Trung Cộng do sự cấu kết của tập đoàn CSVN. Chỉ có tự do dân chủ không Cộng Sản mới cứu được quê hương, đánh bại kẻ thù đang xâm lược.

Montréal, Canada





No comments:

Post a Comment

View My Stats