Thứ năm 10 Tháng Mười 2013
Chính quyền Việt Nam đã quyết
định tổ chức lễ Quốc tang một cách trọng thể cho tướng Võ Nguyên Giáp trong hai
ngày 12 và 13/10, với sự hiện diện của các lãnh đạo cao cấp nhất. Đọc qua những
bài viết ca ngợi tướng Giáp hết lời trên báo chí chính thức những ngày qua, Hà
Nội có vẻ như muốn biến vị cố Đại tướng này thành một biểu tượng mới của chế độ
Cộng sản, mà không nhắc đến những lời chỉ trích của ông Võ Nguyên Giáp lúc sinh
thời.
Trước đây, chủ tịch Hồ Chí Minh
trong di chúc có nhắn lại là sau khi ông qua đời nên hỏa thiêu ông, rồi lấy tro
rải khắp ba miền đất nước. Thế nhưng, giới lãnh đạo Hà Nội đã không làm theo ý
nguyện của người quá cố, ướp xác ông và quàn trong lăng ở quảng trường Ba Đình,
để mọi người đến viếng, bắt chước lăng Lênin của đàn anh Liên Xô.
Tướng Giáp thì sẽ được chôn cất
tại một nơi tương đối hẻo lánh, cụ thể là Vũng Chùa - Đảo Yến ở tỉnh Quảng
Bình, đúng theo ý nguyện của ông. Có lẽ cố Đại tướng không muốn yên giấc ngàn
thu cùng chỗ với những người đã từng trù dập ông, trong đó có Lê Duẩn.
Thế nhưng, theo nhận định của
giáo sư Jonathan London, thuộc đại học City University of Hong Kong, được hãng
tin AFP trích dẫn hôm nay, giới lãnh đạo Hà Nội đang muốn biến tướng Giáp thành
« một biểu tượng cho tính chính đáng không thể bác bỏ của Đảng Cộng sản ».
Nhưng ông Jonathan London nhắc lại rằng tướng Giáp đã rất bất bình với ban lãnh
đạo hiện nay và ông đã chỉ trích ngày càng mạnh ban lãnh đạo này về cung cách
quản lý kinh tế, cũng như về các vụ tai tiếng tham nhũng. Theo giáo sư London,
cái chết của tướng Giáp là một thời điểm có tính chất quyết định của lịch sử
Việt Nam, mở đường cho một trận chiến mới : Trận chiến tranh giành di sản chính
trị của ông.
Hãng tin AFP cũng trích lời bác
sĩ Phạm Hồng Sơn, một nhà bất đồng chính kiến đã từng bị giam nhiều năm, nhận
định rằng : « Đảng có thể tiếp tục hưởng lợi từ những cố lãnh tụ như Hồ Chí
Minh hoặc tướng Giáp trong nhiều năm nữa. Họ đã mất đi một huyền thoại sống,
nhưng điều đó không quan trọng, bởi vì họ không dựa trên cuộc sống của tướng
Giáp, mà là trên hình ảnh của ông ».
Cho dù tướng Giáp là một người
Cộng sản trung thành với lý tưởng cho đến hơi thở cuối cùng, những lời chỉ
trích của ông về nạn tham nhũng và về các dự án công nghiệp gây tranh cãi như
dự án bauxite Tây Nguyên coi như là một sự yểm trợ gián tiếp cho giới đối lập,
theo nhận xét của bác sĩ Phạm Hồng Sơn.
Như lời tướng về hưu Nguyễn
Trọng Vĩnh, « tướng Giáp qua đời, các nhân sĩ trí thức Việt Nam đã mất đi
một người anh cả ». Tướng Vĩnh sợ rằng kể từ nay sẽ khó có ai can đảm lên
tiếng ở Việt Nam. Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia Úc về Việt Nam cũng cho rằng,
tướng Giáp là một nhân vật không ai dám đụng đến và cho tới nay, coi như ông là
chiếc ô dù che chở cho những ai bày tỏ chính kiến về những chủ đề nhạy cảm, như
quan hệ Việt-Trung. Theo ông Carl Thayer, các lãnh đạo Việt Nam sẽ tìm cách che
giấu những khía cạnh gây tranh cãi trong cuộc đời của tướng Giáp, kể cả những
đấu đá nội bộ.
Hãng tin AFP trích lời một nữ
blogger nổi tiếng ở Việt Nam cho rằng những đấu đá nội bộ giữa các nhóm đặc
quyền, đặc lợì là những gì còn sót lại từ một đảng đã từ bỏ mọi ý thức hệ. Đối
với blogger này, « người Cộng sản chân chính cuối cùng đã chết ».
No comments:
Post a Comment