Thursday 24 October 2013

TÌM VỀ CỘI NGUỒN : NGƯỜI HÀ NỘI, NGƯỜI GIẢ DỐI HAY NGƯỜI VIỆT? (Nguyễn Khoa Thái Anh - Đàn Chim Việt)




12:01:am 23/10/13

LTG.

Giời ạ!
Các bạn Hà Lội cứ việc nhận mình là người Hà Nội cho oai – tôi đây chẳng biết nói năng ‘nàm thao’ cho phải đạo! Mẹ tôi là người Hà Nội chính gốc con nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư trước khi các bác đỉnh cao trí tuệ san bằng giai cấp thủ đô để mọi người ở khắp nơi đổ về nhập cư và chiếm cứ gia cư và tài sản của đám tư bản và trí thức mại sản này. Ngay cả Bà Ba Bủng theo lệnh trên vào độ Cách mạng mùa Thu năm ấy cũng phải sơ tán chạy mất dép theo những người như mẹ tôi vào Nam.
Để bây giờ các bạn gốc gác Hà-Nam-Ninh hoặc bất cứ nơi quê hương hang hốc nào đó cũng tự hào mình là người Hà Nội thủ đô ‘đầu lão của đất lước’! Oải thật!

Bên trên là comment của người viết khi tình cờ vào trang Facebook của một người bạn Hà Nội có post bài “Tôi Không Tuyển Người Hà Nội” từ Vietnamnet (Bài này không còn tìm thấy trên VNN, nhưng vẫn còn đọc được trên TTXVA), đại ý:

“Hơn chục năm lăn lộn trên thương trường, tôi gần như không tuyển người Hà Nội vào công ty, những vị trí nhân sự chủ chốt đều do người ngoại tỉnh nắm giữ.
Cách đây chỉ một tuần, do quá bực mình, tôi chỉ thẳng mặt một cậu nhân viên rồi nói:
‘Mày đi thẳng ra khỏi công ty đi, những thằng như mày, chỉ dựa dẫm gia đình, sinh ra sướng sẵn rồi, nên không bao giờ làm được việc nếu không chịu khó rèn luyện đâu. Mày đừng bao giờ coi khinh người nhà quê, người ngoại tỉnh, mày nhìn xem, năng lực, những cái mày làm được, liệu có bằng người ta không?’
Cậu này, người Hà Nội gốc, vốn do một ông sếp gửi gắm, là cháu ông ta. Do cần phải quan hệ, tôi buộc phải nhận vào, nhưng làm việc thì không ra gì mà còn hay chém gió, hay coi thường người khác. Hơn chục năm lăn lộn trên thương trường, tôi gần như không tuyển người Hà Nội vào công ty, những vị trí nhân sự chủ chốt đều do người ngoại tỉnh nắm giữ.”

Tôi đọc và để ý thấy những lời góp ý/comments hầu hết đều có ý chê bai, dè bỉu tác giả, một người ngoại tỉnh vào Hà Nội ăn học thành tài, làm chủ một công ty lớn, trở nên giàu có, nhưng chính ông vẫn không chấp nhận được tính trịch thượng, biếng nhác, và ỷ lại của người Hà Nội (đời nay). Không biết bao nhiêu kẻ khinh khi, miệt thị tác giả ‘nhà quê’ này là người Hà Nội đời nay, nhưng rõ ràng những phê phán góp ý của họ mang nhiều tính tự tôn, tự đại mà theo tâm lý học hàm ý che giấu tính tự ti mặc cảm của mình. Ngẫm lại bỗng thấy buồn cười cho chính những người thủ đô, tự hào và tự gán cho mình gốc gác Hà Nội. Không hiểu đến thời đại nào thì hai câu thơ sau đây còn có thể được ví von về người Hà Nội một cách không gượng ép?

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

Theo thiển ý, hai câu này khó có thể áp dụng theo đúng ý của nó để mô tả nét trang nhã của người Hà Nội đời nay, kể từ sau cách mạng tháng Tám khi Đảng Cộng sản ra đời và chiến tranh giai cấp đã tước mất đi nhiều vẻ thanh lịch của Hà Nội. Chớ vội nói đến điển tích của thời kỳ vàng son và phong kiến của nhà Hán với cổ thành Trường An của họ. Khoan hẵng nói đến những gì gần hơn của Việt-Nam: một bài thơ do Nguyễn Công Trứ chắp bút, một Hoa Lư huy hoàng, cố đô đầu tiên của Việt tộc được Lý Thái Tổ đổi tên là Tràng An, cũng như Đại La trở thành kinh đô Thăng Long. Hai câu thơ trở nên ca dao trên chính là lời ngợi ca – trên bình diện tao nhã – một Hà Nội của Việt Nam một thời bình an nào đó, mà có lẽ những người như tôi, như những người trẻ khác thích o ép nó thành một Hà Nội thời thượng của riêng mình.
Và đó chính là nỗi chán chường và bực dọc của tôi (xem Lời Tác giả/chapeau bên trên).

Thật thế, về Việt Nam nhiều lần tôi cảm nhận và học hỏi được nhiều điều. Không ít những chuyện muốn thu thập là những lần lân la ra đất Bắc. Để tìm về cội. Để tìm về thực. Để tìm về hư. Để tìm về cái còn cái mất. Khuất tất và khắc khoải. Ngay lần đầu tôi đã nôn náu thấp thỏm tìm về vẻ đẹp, vẻ nên thơ trang nhã của Hà Nội, bao năm nhận thức qua thi ca và văn chương quốc ngữ. Những chuyện kể của họ hàng người lớn, kể cả những huyền thoại và nhiều giai đoạn lịch sử còn chưa quên trong tâm khảm.

Đầu thập niên ’90 khi nhiều người trong Nam vẫn chưa dám ‘bén mảng’ ra Hà Nội, bất chấp lời khuyên của bác tôi (di cư ’54) ở Sàigòn: “Này cháu ngoài đấy người ta trí trá lắm không như trong Nam đâu nhé…” Tôi, một người chân ướt chân ráo từ xứ cờ Hoa trở về, vẫn cứ đơn thân độc mã lặn lội ra Hà Nội – nhất là một người sinh trưởng trong Nam trưởng thành ở Mỹ như tôi chưa bao giờ đặt chân, chưa bao giờ biết đến quê hương miền Bắc hoặc được tiếp thu trong hiện thực hình ảnh của một thời thơ mộng – vì khi sinh ra đất nước chia đôi và chiến tranh dày xéo. Tôi không thiếu lý do và những ý nguyện tốt lành khi về thăm quê mẹ mong tìm lại nét ‘hoa nhài’ năm xưa thay vì chỉ là những hoài cảm.

Để rồi với thời gian, bộ mặt thật của Hà Thành ngày càng nhếch nhác hơn khi các ông trong Bộ Chính trị và bí thư thành ủy càng cố sức chạy đua cho kịp với Sàigòn, càng chạy đua càng ‘lệch lạc’, càng sái buổi chợ. Bằng cách đòi hỏi tiền đầu tư của nước ngoài – trước khi họ muốn đầu tư trong Sàigòn – phải đổ vào ‘mở mang’ (một cách vô lối thiếu có quy hoạch của thành phố!). Hà Nội đã bước chệch hướng văn hóa còn sót lại của nó. Lý do các nước ngoại quốc thích đầu tư trong Nam thật dễ hiểu: sau bao năm tiếp xúc và làm ăn với nước ngoài, dân Sàigòn đã trở nên sành sỏi và thiện nghệ, hiểu biết và tháo vát hơn người anh em miền Bắc. Không kể bản chất cởi mở, thân thiện, thật thà, thông thạo đường lối, biết giao du, hơn dân Hà Nội, cho nên các công ty Tây phương vẫn thích làm ăn với Sài gòn. Thời 90 cho đến sau 2000, đố ai tìm được một người thợ biết may một bộ complet cho tử tế ở Hà Nội (Bắc), chưa nói đến máy ảnh, máy vi tính. Ngay cả xe ôtô, xe Honda, thợ thuyền Hà Nội thường lâm bệnh ‘chữa lợn lành thành lợn què’.

Tuy thế, ‘không ít’ người Hà Nội thích phô trương tánh cao ngạo, đầy tự ái, sĩ diện (bộ mặt thay vì ‘danh dự’) hão của mình, một phần có lẽ để khỏa lấp khiếm khuyết của họ. Trong “Bên Thắng Cuộc” Quyển I, Huy Đức đã thuật lại vấn đề ‘nhạy cảm’ như sau:

“Là một người Quảng Trị hoạt động ở Nam Bộ hàng chục năm, ông Lê Duẩn hiểu và rất nhạy cảm trước các vấn đề Nam-Bắc. Trước năm 1975, nhiều cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc đã hết sức ngỡ ngàng khi nhìn thấy cảnh nghèo nàn của “hậu phương lớn.” Một lần, Ban Thống nhất thấy tâm trạng của các đại biểu miền Nam không vui, lãnh đạo ban nói với ông Đậu Ngọc Xuân, thư ký của “anh Ba” Lê Duẩn: “Các đồng chí ấy nói không tốt về miền Bắc, anh về nói anh Ba nên gặp họ.”
Theo ông Đậu Ngọc Xuân: “Tôi về nói: ‘Có đoàn ra thăm’. Anh Ba gật đầu: ‘Tốt’. Tôi thưa: ‘Kết quả ngược lại, các đồng chí bên Ban Thống nhất nhờ anh gặp làm công tác tư tưởng trước khi họ về’. Anh Ba cho mời họ tới, đoàn gồm hai phụ nữ và ba nam. Anh Ba hỏi: ‘Các đồng chí ra thăm miền Bắc thấy gì?’ Họ thật lòng nói, đi thăm chợ Đồng Xuân mà không thấy hàng hóa gì cả, miền Bắc nghèo quá. Anh Ba nói: ‘Các đồng chí không hiểu. Cái giàu có, cái vĩ đại của Miền Bắc là ở chỗ gia đình nào cũng có bàn thờ, con họ vào Nam là đi vào chỗ chết, thế mà họ vẫn đi, trong khi ở lại thì được đi Liên Xô, Trung Quốc’. Rồi anh Ba hỏi: ‘Ở trong R, các đồng chí có được dạy, ta đánh được Mỹ là nhờ truyền thống 4000 năm của Việt Nam không? Các đồng chí người ở đâu? Việt Nam! Nếu nhận người Việt Nam, không năm đời, thì mười đời cũng là gốc Bắc. Ra đây là tìm về nòi giống, cội nguồn’. Khi đoàn ra khỏi phòng, ông Lê Duẩn bảo tôi: ‘Chú xuống Viện Lịch sử, tìm một nhà sử học dẫn họ đi đến tận nơi thăm đền thờ Hai Bà Trưng, Bà Triệu’. Khi họ đi về, anh Ba hỏi: ‘Đã hiểu cội nguồn dân tộc chưa?’ Họ nói: ‘Hiểu’. Anh Ba gật đầu: ‘Bây giờ về được rồi’.”
Tháng Giêng năm 1976, theo đề nghị của ông Lê Duẩn, ông Đậu Ngọc Xuân và ông Trần Phương, theo đường bộ, đi xe vào thẳng Sài Gòn. Ông Xuân kể, trước khi đi, Lê Đức Thọ dặn: “Vào Nam muốn làm việc được, người ta kêu uống rượu, phải uống”. Tới Sài Gòn đã là cuối tháng Chạp, ông Lê Duẩn bảo: “Năm nay ta ăn Tết ở đây, chú nào muốn về thì về trước.” Ông Đậu Ngọc Xuân đã ở lại.
Sáng mùng Một Tết Bính Thìn, bà Nguyễn Thị Thập bên Hội Phụ nữ mời tiệc, ông Lê Duẩn tới, mâm cỗ đã “bày la liệt” nhưng ông không ngồi vào bàn. Khi các nữ lãnh đạo hội mời, ông nói: “Ăn Tết làm gì, con cái miền Bắc chết ở Trường Sơn chưa ai nói tới đã nói là dân miền Bắc vào đây vơ vét hàng hóa.” Theo ông Đậu Ngọc Xuân thì trước đó khi nghe bên công an báo cáo “miền Bắc vào đây vơ vét từ cái quạt máy, xe đạp,” ông Lê Duẩn tức lắm nhưng ngay khi đó ông không nói gì.
Bà Bảy Huệ, phu nhân của ông Nguyễn Văn Linh, đỡ lời: “Thưa anh Ba, đấy chỉ là số ít. Chúng em không bao giờ nói thế”. Ông Lê Duẩn tiếp: “Các chị không nói nhưng nghe ai nói phải vả vào mặt họ chứ. Có những việc ở trong này tôi đã phải giấu đồng bào miền Bắc, ví dụ như chuyện các chị để cho bộ đội chết đói ở Trường Sơn. Xương máu con người ta, người ta không tiếc, giờ mua cái quạt thì các chị kêu ca”. Theo ông Đậu Ngọc Xuân, nghe ông Lê Duẩn nói đến đó, “các chị Nam Bộ khóc như mưa.” (pp. 252-253)

Đấy là thời Lê Duẩn, nhưng hồi tháng Bảy năm nay (2013), nhân buổi họp giữa chủ tịch Trương Tấn Sang với tổng thống Obama tại Nhà Trắng, Nguyễn Hùng một nhà báo của BBC Việt ngữ, một bộ phận của thông tấn Anh quốc mà ai cũng biết 100% nhân viên được tuyển chọn là người Bắc – không biết bao nhiêu là người Hà Nội – đã phân tích và phê bình chuyện dịch thuật của 2 thông ngôn viên cho hai vị quốc trưởng trong bài: “Rớt mất đối tác toàn diện vì dịch thuật” một bài đầy cảm tính, thiếu trung thực. Vì thiên kiến sẵn có, anh Nguyễn Hùng đã tự ý chọn người thông ngôn của ông Sang và khen lấy khen để, cho rằng anh này “nói tiếng Việt giọng Bắc” trong khi đó trong suốt hơn khoảng 10 phút dịch thuật, không ai nghe anh (thông ngôn) ta nói một ngôn ngữ nào ngoài Anh ngữ. Và trong thực tế, khi tìm ra ngọn ngành thì người dịch cho chủ tịch Trương Tấn Sang chính là Phạm Xuân Hoàng Ân, con trai của ông Phạm Xuân Ẩn, gián điệp khét tiếng của Việt Cộng (The Perfect Spy) một người miền Nam. Điều này cho thấy tính kỳ thị vùng miền của anh Nguyễn Hùng rất nặng. Quý vị độc giả sẽ không đọc được câu hàm ý chê bai “nói tiếng Việt giọng Bắc” này vì đã có người khiếu nại lên BBC nên cụm từ chia rẽ phân biệt vùng miền nay đã bị loại bỏ.

Mục đích bài viết này muốn nói lên một não trạng, một tật thói cần phải loại bỏ cùng với những giả dối, lấp liếm mà chế độ Cộng sản đã thâm nhập vào phong hóa Việt Nam trong suốt 3/4 thế kỷ qua, cầu mong rằng trong giai đoạn này người Việt cần phải hiệp thông với nhau nhằm bài trừ chuyện đặc quyền, đặc lợi của đảng Cộng Sản hay bất kỳ một phe phái nào, hãy đối xử với nhau trong tinh thần bình đẳng và tử tế với ưu điểm và đặc tính thuần Việt. Còn chuyện:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
thì còn tùy vào cách xừ thế và phong thái cũng như văn hóa của từng con người, không tùy thuộc vào vùng miền. Do vậy ai cũng có thể là con người thanh lịch xứ Tràng An!

© Nguyễn Khoa Thái Anh
© Đàn Chim Việt




No comments:

Post a Comment

View My Stats