Nguyễn
Trần Sâm
4-10-2013
Kính thưa Giáo Sư,
Trước khi đề cập đến vấn đề cần thưa với Giáo Sư, kẻ
viết bức thư này, một công dân Việt Nam hạng thấp nhất cả về địa vị xã hội lẫn
học hàm học vị, xin kính cẩn cúi mình trước nhân cách cao cả và những thành tựu
khoa học nổi tiếng thế giới của Ông. Chính vì uy tín lớn của Ông trong giới
khoa học và trong toàn xã hội mà mỗi lời nói của ông trên các phương tiện
truyền thông đại chúng có thể có những tác động đáng kể đối với nhận thức của
quảng đại quần chúng.
Điều làm tôi băn khoăn muốn thưa với Giáo Sư là phát
biểu mới đây của Ông về Đề án đổi mới toàn diện giáo dục. Khi được phóng viên
hỏi, Ông đã nói:
“Đây là đề án đổi mới giáo dục tốt nhất từ trước đến nay” và “Đây là cơ hội tốt nhất để giáo
dục lột xác và lấy lại niềm tin của nhân dân”.
Bằng những phát biểu như vậy, đương nhiên Giáo Sư đã
bày tỏ sự ủng hộ nhiệt thành việc triển khai “đề án” đó.
Vâng, xin thưa Giáo Sư, hoàn toàn có thể đó là một
bản đề án rất tốt, không những tốt hơn mọi đề án đã từng có, mà thực sự là rất
tốt. Nhưng xin được nêu ra những câu hỏi sau đây:
Một: Người thực hiện (và đặc biệt là nhóm người nắm
quyền sử dụng số tiền nhà nước chi cho bản đề án đó) gồm những ai?
Hai: Có phải từ trước đến giờ chưa có đề án nào đặt
vấn đề đổi mới theo những cách rất hay ho và nghe ra rất hợp lý hay không, mà
tại sao giáo dục vẫn trở nên tồi tệ như hiện nay?
Ba: Người ta đưa ra bản đề án đó nhắm tới những mục
đích gì?
Bốn: Giáo Sư có thể nói gì về giáo dục nước nhà sau
10 năm thực hiện bản đề án đó?
Thưa Giáo Sư,
Chẳng biết Giáo Sư nghĩ sao, nhưng đa số dân đen
chúng tôi đã quá chán ngán và mệt mỏi với những đề án này, chương trình nọ. Từ
gần 30 năm nay, giáo dục nước nhà đã trải qua biết bao nhiêu những cơn đau cải
cách và đổi mới. Hàng núi mỹ từ đã tuôn ra, nghe mà nức lòng. Hàng đống những
nhóm giải pháp đã được áp dụng để kéo giáo dục ra khỏi vũng bùn. Và sau mỗi
giai đoạn cải cách hay đổi mới, người ta lại thấy khẳng định trong những bản
tổng kết rằng giáo dục đã “đi lên”. Vâng, lần cải cách nào, lần đổi mới nào
cũng “đi lên”, nhưng kết quả là sau mấy chục năm nó lại tồi tệ hơn khi bắt đầu
có cải cách. Vì sao vậy? Đó là vì, mặc dù những gương mặt cụ thể có thể thay
đổi, nhưng đội ngũ những người thực hiện cải cách vẫn thuộc một tập đoàn đó,
tập đoàn không bao gồm những người uyên bác nhưng lại có quyền tuyệt đối trong
việc biến những ý kiến chủ quan thành “chân lý”, tập đoàn mang tính chất một
nhóm lợi ích, nắm trong tay và tự ý thao túng những nguồn tài chính khổng lồ!
Đó là cách nghĩ đơn giản của đám dân đen chúng tôi
để trả lời hai câu hỏi đầu. Về câu hỏi thứ ba, chúng tôi xin thưa: ngoài việc
lấy thành tích, “đề án” còn có một mục đích khác nữa. Chỉ cần nói đến một “tiểu
đề án” cũng sắp “triển khai” là viết lại toàn bộ sách giáo khoa phổ thông
(vâng, lại viết lại SGK!) với số tiền dự chi là 70 ngàn tỉ đồng, trong khi một
số chuyên gia tính ra chỉ cần chi 70 tỉ, là đủ thấy cái Đề án đổi mới toàn diện
nó nhắm tới cái gì rồi. Than ôi!
Cuối cùng, nếu nói đến 10 năm sau khi bắt đầu thực
hiện cái “đề án” đó, dân đen chúng tôi xin mạn phép đánh cuộc với Giáo Sư rằng
giáo dục sẽ tồi tệ hơn hiện nay, bất kể Giáo Sư có thể đưa ra bao nhiêu phép
chứng minh khoa học rằng nó sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều. Vâng, vì không đủ
trình độ để phân tích, chứng minh một cách khoa học, chúng tôi chỉ xin nói ngắn
gọn: đánh cuộc! (Trừ trường hợp bản “đề án” đó hay bản khác tương tự được một
tập đoàn khác thực hiện.)
Chúng tôi biết rằng các công trình của Giáo Sư đóng
góp rất nhiều cho khoa học thế giới, nhưng Việt Nam ta còn lâu lắm (có thể mấy
trăm năm nữa) mới có thể đủ văn minh để ứng dụng các công trình đó. Vì vậy, với
mong muốn được nhờ Giáo Sư một chút gì đó, chúng tôi xin thỉnh nguyện Ông một
điều: Xin đừng làm cho một thiểu số dân đen tiếp tục có cái nhìn mơ hồ về giáo
dục nước nhà, và nói chung về tương lai đất nước.
Xin kính chúc Giáo Sư mạnh khỏe và trường thọ!
Kính thư,
Công dân NGUYỄN TRẦN SÂM
*
One comment on “Thư ngỏ gửi Giáo Sư Hoàng Tụy”
NGUYEN HOAI TRAN
Tôi ủng hộ ý kiến của Nguyễn Trần Sâm và cũng kính xin GS
Hoàng Tụy hãy xem lại lời nói của GS khi trả lời phỏng vấn. Vì GS là người đóng góp nhiều nhất và có thiện chí nhất trong việc chấn
hưng nền giáo dục nước ta đang giẫy chết trong vóng tay bảo bọc của nhóm lợi
ích nên khi GS cho là đề án đổi mới tốt nhất từ trước đến nay thì họ sẽ nhảy
cởn lên và ăn mừng hoành tráng.
Thưa GS , giáo sư có thấy là người ta dự trù kinh phí cho
việc viết lại SGK đến 70000 tỷ đồng thì GS có thấy con số nầy phi lý đến mức
nào và người dân sẽ phải đóng thuế bao lâu để ‘làm mồi béo bở” cho bọn tham
nhũng. Nhìn kỹ lại xem người ta chỉ dự trù đổi mới cho những năm tiếp theo và
đâu có gì mới lạ ngoài chuyện thi cử và chương trình học quá tải , SGK lạc hậu
rườm rà.
Mới đây Bộ GD còn cho biết là năm 2014 vẫn thi tốt nghiệp
phổ thông và như vậy thì chuyện thi ĐH-CĐ tốn kém và căng thẳng chắc chắn phải
còn.
Đúng vậy không GS?
Chúng ta là những con vật thí nghiệm của những người điều
hành Bộ GD mà thôi. Sách GK là chuyện xảy
ra từ bao lâu mà họ vẫn cứ bảo an tâm chờ đợi đến năm 2016 mới có thay đổi và
ai biết thay đổi ra sao?
Giữa thời đâi toàn cầu hóa như hiện nay thì 3 năm nữa các
nước khác đã đi đến đâu hay họ dừng lại để chờ VN.
Thưa GS , năm nay tuổi GS cũng khá cao và không hiểu GS
còn đủ kiên nhẫn và nghị lực để chờ Bộ GD đổi mới không?
Phải nói là tôi rất chán nản mỗi khi nghe quí vị lãnh đạo
ngành GD nói về đổi mới và có cảm giác như họ xem người dân VN là những người
không hiểu biết gì hết trong việc nhận định vấn đề.
Sau cùng cũng xin cầu chúc cho GS khỏe mạnh và trường thọ để xem rõ thành
tựu của đổi mới GD ở nước VN ta./.
No comments:
Post a Comment