28/10/2013
Ra khỏi nhà mới thấy lành lạnh,
tôi quay vào lấy thêm chiếc áo khoác. Trời u ám nhưng may không có mưa. Tới nhà
Trương Văn Dũng, len lỏi qua hai nhịp cầu thang hẹp, hai bên lổn ngổn những bao
và đồ vặt vì không biết để vào đâu, bước vào căn phòng cũng rất hẹp, thấy anh
đang nằm ngủ, chăn kéo lên tận cổ. Có vẻ như anh đang ngủ mệt. Tôi gọi nhẹ tới
lần thứ ba, anh mới từ từ mở mắt ra ngơ ngác mấy giây như chưa hiểu điều gì.
Nhận ra tôi, anh mừng rỡ, bảo vợ lấy nước cho tôi, kéo ghế cho tôi ngồi. Anh
chống tay định ngồi dậy nhưng vẻ rất khó nhọc. Tôi bảo anh cứ nằm, đừng cử động
nhiều.
Tôi nhìn kỹ, thấy mồm miệng anh
vêu vao, còn sưng húp mà lòng đầy thương cảm. Lật áo lên, nơi ba chiếc xương
sườn bị gãy, thấy bầm tím. Tôi hỏi sao không chịu đi bệnh viện, anh nói bác sĩ
bảo cứ nằm ở nhà vài tuần cho những xương gãy ổn định đã, bây giờ đi lại vận
động nhiều e đầu xương gãy chọc qua niêm mạc đâm vào phổi.
Trương Văn Dũng trên giường bệnh
Từ khi Dũng bị đánh, có nhiều
người quan tâm, mách cho tôi cách chữa chạy cho anh. Tôi mang đến một địa chỉ
của một ông lang có tiếng đưa cho vợ anh, dặn, nếu anh Dũng không đi được thì
người nhà hoặc anh em bạn mang phim X quang đến lấy thuốc, nghe hướng dẫn rồi
mang về đắp cho anh.
Dũng bảo, hôm nay, bà con dân
oan ở vườn hoa Lý Tự Trọng và bà con H’Mông cũng đến thăm, mua quà cho anh (bà
con H’Mông hôm qua lại về Hà Nội khoảng 30 người, sau đó lại bị hốt từ Vườn hoa
Lý Tự Trọng chở đến số 1 Ngô Thì Nhậm). Anh nói những thứ anh em mình giúp bà
con đợt trước chúng đã cướp sạch, bây giờ mình lại phải lo cho bà con từ đầu.
Qua những câu nói khó nhọc, tôi biết anh rất quan tâm đến bà con H’Mông. Hôm
anh bị công an đánh là hôm anh đến hỏi về số đồ đạc mà anh em chúng tôi đã giúp
bà con với ý định đem về cất đi, phòng khi bà con xuống Hà Nội có cái cho bà
con dùng. Anh xót của, xót cho bà con H.Mông và nghĩ mọi sự đơn giản nên ban
đầu chỉ đi có 2 người, không ngờ anh ra nông nỗi này.
Tiếp xúc với Dũng, tôi biết,
anh làm gì đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái, tính cách ngay thẳng, vô tư. Có
việc gì, anh có thể đi bất cứ giờ nào, bất chấp hiểm nguy.
Cũng chính vì thế, anh hay bị
bắt, bị đánh đập hết sức dã man. Thực ra, những việc anh làm đều không vượt quá
giới hạn của pháp luật nhưng làm cho công an khó chịu. Ví dụ nó to tiếng thì
anh to tiếng lại, nó đánh anh thì anh chửi lại. Ngay cả pháp luật còn cho phép
tự vệ chính đáng cơ mà.
Trương Dũng luôn luôn thiệt
thân, điều đó ai cũng rõ. Nhưng cũng chính vì sự xả thân ấy mà anh có được
những bức ảnh, những đoạn video clip có giá trị tố cáo rất cao. Nhưng cũng có
người bảo là anh “dại”.
Chẳng riêng gì việc chung, việc
riêng của ai đó cần đến anh, anh vẫn nhiệt tình như thế. Có lẽ vì thế mà anh em
trong gia đình, ai cũng thương anh. Ngôi nhà của anh tuy gọi là 3 tầng nhưng
mặt bằng chưa đến 20 m2 lại phải đi qua nhiều ngõ ngách
mới tới được. Có lần anh bảo tôi, nhà này các em nó bỏ tiền ra xây cho đấy chứ,
vợ chồng em làm gì có tiền. Ngay cả xe máy đang đi cũng là của các em nó cho cả
đấy. Vợ tôi nghe chuyện, bảo anh ấy sống tốt với mọi người thì mọi người mới
quan tâm, bù đắp cho anh ấy như thế chứ.
Anh chỉ cho tôi lấy phim X
quang cùng kết luận của bác sĩ để trên bàn máy tính. Anh bảo ảnh đưa lên mạng
mờ quá, không nhìn rõ chữ. Anh nhắc tôi: “Cái ảnh anh với Lê Thiện Nhân mà Bùi
Hằng chụp là hai người đang bị cùm đấy, anh ghi chú là lúc chưa bị cùm không
đúng đâu. Nó cùm bằng cùm thẳng giữ chân nhiều người với nhau, anh không nhận
ra đấy. Chúng nó còn đứng lên thanh cùm nhấn cho dập mạnh xuống chân hai
người.”
Đúng là nhìn qua tôi không để
ý, tưởng chúng dùng còng số 8 dính tay hai vào với nhau, mà tôi trông hai người
như đang ngồi bình thường. Tôi bảo để tôi về cải chính.
Về chuyện công an thả anh ra,
anh kể, ban đầu, chúng nó đọc lệnh bắt, anh bảo, chúng mày làm, chúng mày đọc,
chúng mày nghe, tao không quan tâm. Cuối cùng thì chúng lại đọc quyết định cảnh
cáo vi phạm hành chính.
Chúng nó bảo thôi bây giờ trả
lại đồ cho anh rồi anh về. Anh nói:
- Vừa có lệnh bắt, giờ lại
quyết định cảnh cáo rồi cho về. Luật lá của các ông thế nào vậy, như thế chỉ
đáng ném vào sọt rác. Còn các ông thích bắt thì cứ bắt, tử hình thì cứ tử hình,
tôi vẫn thế.
Khi chúng trả iphone, máy ảnh…
cho anh, chúng bảo sao mà nhiều đồ nghề thế. Anh bảo, tôi phải mang đầy đủ theo
để cần thiết thì tác nghiệp. Tôi nói thật với các anh là clip quay ở sân bay
Nội Bài về vụ cưỡng bức Phương Uyên về Sài Gòn là tôi quay đấy. Tôi phải đánh
thẳng vào nỗi sợ hãi của cộng sản. Chúng nó nghe, nhăn nhở cười.
Kể đến đây, Dũng bảo tôi:
- Anh xem, chúng nó thi hành
pháp luật quái gở như vậy đấy, thích thì có ngay lệnh bắt, thấy bắt không nên
thì lại thả ra. Em chưa thấy bao giờ vừa có lệnh bắt, mấy phút sau lại cảnh cáo
vi phạm hành chính được.
Trương Dũng rất tin ở luật quả
báo. Anh nói tiếp:
- Cái thằng chỉ huy áo trắng
đục mà Minh Hằng chụp ảnh đưa lên, bảo nó sặc sụa mùi rượu ấy, anh còn nhớ
không. Lúc nó gọi tay chân của nó đến chỉ đạo, em nói với nó: “Ông đánh tôi,
bọn trẻ đánh tôi. Nhưng bọn trẻ thì tôi không chấp, vì chúng nó còn ít tuổi,
chưa biết suy nghĩ. Còn ông, tôi nói cho ông biết, bọn trẻ nó đánh tôi được thì
có lúc nó cũng đánh ông được, con ông rồi cũng có ngày nó treo ông lên nó đánh
cho mà xem”. Em nói thế, nó im không nói gì.
Chúng tôi nói với nhau nhiều
chuyện, cuối cũng lại quay về nỗi lo cho bà con H’Mông. Anh bấm máy rồi đưa cho
tôi nói chuyện với bà con. Bà con cho biết trong đợt cưỡng bức toàn bộ bà con
H’Mông về quê đêm 23 rạng ngày 24/10, vẫn còn một người bị đánh ngất, hiện nay
họ đưa đi đâu không rõ.
Dũng cũng cho biết, anh đã mua
vé máy bay để có mặt ở Long An trong phiên tòa xử Đinh Nhật Uy ngày kia 29/10.
Nhưng anh bị như thế này thì đi đâu. Anh bảo, nếu họ không chấp nhận cho người
khác đi thế thì coi như là bỏ chiếc vé ấy.
Nhìn qua cửa sổ, trời đã tối từ
khi nào. Tôi dặn anh thêm mấy câu để chuẩn bị chia tay.
Thấy tôi mở túi lấy ra chiếc
phong bì, anh vội nhỏm dậy: “đừng, đừng”. Tôi kịp ngăn lại bảo anh cứ nằm
xuống. Anh nói, có vẻ đã mệt lắm:
- Đừng… anh đừng làm thế… Anh
cũng đang đi viện mà… Em còn chưa đến thăm anh được…
Tôi bảo:
- Tôi đi viện về lâu dài, chưa
có gì nguy cấp. Anh em hoạn nạn phải có nhau. Thương tích của Dũng bây giờ là
quan trọng hơn cả. Mặt khác, tôi chưa đến nỗi khó khăn như Dũng.
Ra về, tôi cứ ám ảnh mãi về cái
ngôi nhà dựng trên cái mặt bằng bé tẹo với những nhịp cầu thang hẹp, về người
vợ tần tảo của anh một mình lo cho cả nhà, cảm thấy mình còn sướng hơn anh
nhiều.
.
28/10/2013
NTT
No comments:
Post a Comment