Friday 11 October 2013

TÀO LAO CHÍNH SỰ QUÊ NHÀ 3 (Người Buôn Gió)




Thứ sáu, ngày 11 tháng mười năm 2013

Thủ tướng NTD công du bên Hoa Kỳ để mượn cớ họp hội đồng LHQ, kỳ thực là trao đổi vấn đề kinh tế sinh tử với IFM và WB. Chính vì đây mới là mục tiêu trọng điểm, nên đoàn tùy tùng đi theo gồm những nhân sự cốt cán của chính phủ có Phạm Bình Minh, Nguyễn Văn Bình và Vũ Đức Đam.

Đoàn tùy tùng của chính phủ cho thấy, trọng điểm mà VN nhắm tới không nằm ở LHQ. Một bài phát biểu bóng bẩy và chung chung, chứa chan tình thương nhân sinh, thế giới dẫu có nhân văn đến đâu cũng chả giá trị mẹ gì. Vì một ông đứng thứ hạng ngoài 100 trên thế giới thì có nói hay đến mấy thì cơ sở để ông thực hiện là cực ít ỏi. Ngoài ra bài phát biểu còn có tính chất là thu hút dư luận quan tâm đến lời của ông thủ tướng, một kiểu nghi binh quen thuộc để đánh lạc hướng dư luận.

Dẫn theo những thành phần như vậy trong chính phủ, NTD đã nắm chắc đối tác đòi hỏi gì ở VN trong những năm tới đây. Đó là chính sách ngoại giao, kinh tế, điều hành vốn và ngân sách của chính phủ VN sẽ theo chiều hướng nào.

Trong lúc bộ sậu chính phủ công du ở Hòa Kỳ. Nhiều báo chí đồng loạt có bài phê phán chính sách kinh tế, hô hoán, dự báo kinh tế Việt Nam chạm đáy. Nguy cơ đổ vỡ, lạm phát, phá sản.... các trưởng ban nội chính trung ương cũng đột nhiên hoạt động tất bật. TBT Nguyễn Phú Trọng trở lại chính trường sau nhiều ngày im ắng đòi hỏi này nọ ở chính sách kinh tế, đấu tranh chống tham nhũng. CT quốc hội  Nguyễn Sinh Hùng cũng lớn đòi mổ xẻ tham nhũng.

NTD và bộ sậu trở về hôm trước, hôm sau chính phủ họp. Trong phiên họp NTD nhắc nhở báo chí đưa thông tin phải sát '' thực tế và có tính xây dựng, có tình đồng lòng ''...Lập tức các báo chí im bặt những tin xấu về kinh tế và các trưởng ban nội chính, TBT, CTQH đều lại im re. 

Người ta thắc mắc quan điểm của ông Sang thế nào trong thời điểm ấy. Thực ra ông Sang được lòng một số nhân sĩ, thế nhưng nhân sĩ hết phản đối này lại đến phản đối khác. Mà không phải phản đối nào ông Sang cũng hợp cả. Điện hạt nhân mà nhân sĩ đang phản đối lại là vấn đề mà ông Sang đang có những bước chuẩn bị thực hiện. Ít ai biết rằng trước khi đến Đan Mạch gây ầm ĩ về phát biểu nhân quyền, trước đó ông Sang đã dừng chân tại Hung Ga Ri vài ngày để xúc tiến việc nhờ Hung Ga Ri  đào tạo cán bộ điện hạt nhân. Điều đó cho thấy dự án làm nhà máy điện hạt nhân ở VN trước sau cũng đến, chắc chắn sẽ có những phản đối từ giới trí thức, khoa học. ( một đất nước ít gió và nắng như Đức lại từ bỏ điện hạt nhân đã lâu. Nhờ sử dụng năng lượng tự nhiên như nắng và gió mà nước Dức đã giải quyết tương đối nhu cầu điện của mình, thế nhưng ở Vn xứ sở của nắng và gió lại đi theo cái cũ của người ta bỏ đi là một điều khó mà không có phản ứng được). Vai trò đẩy tiến độ dự án điện hạt nhân mà ông Sang tham gia, đã khiến ông bùng nhùng giữa quan điểm của  giới  nhân sĩ và chính phủ. Ông Sang phải cẩn trọng khi muốn giữ lòng tin của nhân sĩ mà vẫn đu dây với chính phủ của NTD chẳng những chỉ điện hạt nhân mà còn nhiều dự án khác nữa. ( cuối cùng thì sau dự án đường sắt cao tốc không được triển khai, thì cũng có một dự án lớn gây tranh cãi khác được triển khai, ít nhà lãnh đạo cao cấp nào mà không đóng vai trò quan trọng trong một dự án lớn tầm thế kỷ của đất nước.)

Điều đó đã khiến ông sẽ không còn là hy vọng của sự đổi mới nào nữa. Có chăng chỉ là những phát biểu trừ sâu với mọt tầm cấp huyện cho khớp nhịp với những phát biểu đình đám của ông trước kia.

Hội nghị trung ương 8 vừa sát ngày kết thúc, tin tức về sự đứng vững của NTD đã nhanh chóng lọt ta ngoài. Lập tức những kẻ đầu tư trên những dự án đang giằng co như Ecopak công khai thuê xã hội đen dưới sự bảo trợ của công an tiến hành ráo riết mạnh mẽ việc triển khai tiếp tục dự án, sau bao ngày im ắng nghe ngóng động tĩnh. Bản báo cáo bế mạc hội nghị trung ương 8 do TBT NPT không còn nhắc mạnh đến những khiếm khuyết của chính sách kinh tế, những thiệt hại trầm trọng của các tập đoàn nhà nước....chỉ có những từ chung chung. Đổi lại ông Trọng được quyền lớn tiếng khẳng định vai trò của ĐCS. Những chuyện hiểm nguy về kinh tế trước hội nghị được nhắc tới ầm ĩ nay mất tích trong bản tổng kết bế mạc của ngài TBT ĐCSVN, cuối cùng vẫn chỉ có thế lực thù địch, diễn biến hòa bình, nguy cơ mất vai trò lãnh đạo của ĐCS, triệt tiêu các nhóm đối lập là còn mạnh mẽ trong phát ngôn truyền thống của ngài TBT.

Vấn đề hội nghị 8 dường như ngã ngũ, ĐCSVN tiếp tục vai trò chắc chắn lãnh đạo, dưới sự đảm bảo của bộ máy chính phủ đương thời. Đổi lại những chuyện lớn lao, khó khăn về kinh tế hãy để chính phủ tháo gỡ từng bước, ngăn chặn lạm phát, ổn định kinh tế, chính trị xã hội....

Tháo gỡ khó khăn của chính phủ NTD là.

Cho Vinashin phát hành trái phiếu 600 triệu usd  trả nợ dưới sự bảo lãnh của chính phủ. Điều đó có nghĩa trách nhiệm của ai đó khiến Vinashin nợ cả núi tiền sẽ được gác lại, vì hiện giờ Vinashin vẫn tồn tại. Khi nó chưa chết sập thì chưa thể khẳng định trách nhiệm để kỷ luật ai. 12 năm sau khi trả dứt điểm hết nợ, lúc đó sẽ còn quy được trách nhiệm cho người đã về hưu hay không.? Thường thì lãnh đạo cao cấp tầm UVBCT đã về hưu thì chưa có tiền lệ đưa ra xét trách nhiệm. Nhưng phải nói rằng thuyết phục được các chủ nợ chấp nhận cho Vinashin hoãn kéo dài qua trái phiếu là một thành công của chính phủ VN. Chủ nợ Luân Đôn đành phải nhượng bước trước những thiện chí của các chủ nợ khác của Vinashin. Phân hóa được cả chủ nợ để khiến họ không đi được đến thống nhất kiện tụng quả là tài tình, nhưng lý do gì khiến các chủ nợ khác chịu phân hóa không thống nhất với chủ nợ Luân Đôn.? Tại sao viêc giãn nợ lại nhanh chóng đạt thỏa thuận chỉ qua điện đàm với Nữu Ước ngay khi hội nghị trung ương 8 kết thúc.?

Đó là DATC.

DATC một công ty mua bán nợ có số vốn hàng nghìn tỷ do nhà nước cấp sẽ phụ trách với Vinashin trong việc giải quyết nợ nần dưới cái tên gọi là '' tái cấu trúc''. Rút cục thì con dại cái mang. Tiền nhà nước gọi cách khác là tiền của đất nước mà thôi. Một khi đất nước đã đứng ra làm con tin để bảo lãnh nợ, thì có gì mà các chủ nợ phải ngại. 12 năm oằn lưng trả món nợ này chưa chắc đã là thảm họa, bằng khi mắc nợ có những việc khác phải nhượng bộ.

Nhưng dù sao đi nữa thì nếu không có những thỏa hiệp nằm bên ngoài khuôn khổ thì mười DATC cũng chẳng có giá trị gì. Một công ty mua nợ do nhà nước lập ra, mua nợ hay bảo lãnh nợ cho các công ty , tập đoàn quốc doanh khác cũng do nhà nước ấy lập ra, lấy gì mà đảm bảo được chữ tín.?

Cái chính là những thỏa hiệp, cam kết ấy của chính phủ Việt Nam là gì để các nhà tư bản thế giới chấp nhận.?

Đổi mới về ngoại giao - đang có tin Phạm Bình Minh sẽ làm phó thủ tướng
Đổi mới về chính sách chính phủ - đang có tin Vũ Đức Đam sẽ làm phó thủ tướng.
Đổi mới về kinh tế - thống đốc Nguyễn Văn Bình đi Hoa Kỳ họp IFM và WB sẽ chủ trì phiên họp 11 nước châu Á - Thái Bình Dương.

Chắc chắn sắp tới Việt Nam sẽ đi theo lộ trình kinh tế có sự dẫn dắt, điều chỉnh hoặc sự đồng ý của các chủ nợ quốc tế. Song song với những cải thiện về ngoại giao.

Bài học nào rút ra cho những nhà đấu tranh dân chủ, những người mơ ước có một mùa xuân Ả rập, cách mạng Hoa Lài ở Việt Nam qua những diễn biến xảy ra như trên.? Tại sao trong lúc nền kinh tế VN đứng trước bờ vực thẳm chông chênh, chính phủ VN vẫn được sự trợ giúp từ tư bản quốc tế. Cho dù sự giúp đỡ không ồ ạt ngay tức khắc, nhưng nó vẫn là sợi dây lằng nhằng cho VN tự bám vào vận động, để không xuống rớt vực thẳm luôn.

Tại sao họ không để chính phủ VN sụp đổ vì nợ nần, suy thoái kinh tế, và để một lực lượng tiến bộ khác nên lãnh đạo, rồi họ đổ tiền vào để vực Vn dậy như đã làm với các nước khác.?

Các bạn hãy tìm câu trả lời.

Nhưng câu trả lời sẽ rõ ràng hơn khi các bạn bình tâm, không đả phá, không công kích, không kéo chân nhau. Hoặc các bạn dấn sâu thêm nữa vào những đả phá, công kích, kéo chân, quy chụp nhau thật nặng nề như những kẻ thù một sống một còn, bạn sẽ thấy ngay vì sao.?

Nói chung thì đây là bài viết chém gió, bình loạn, mua vui. Cho thiên hạ giải trí, tiêu khiển. Người viết giờ cũng đéo còn chính kiến gì nữa, bơ thừa sữa cặn của tư bản cấp cho đã làm thoái hóa, nhụt chí khí rồi.  

Bên này thịt, cá quy ra tiền VNĐ còn rẻ hơn ở nhà, lại chất lượng kiểm dịch tốt. Mua 3 euro tức gần 90 ngàn VNĐ được 5 quả bầu dục, 1 kg xương dính đầy thịt vì bọn nó lọc rối. Về ninh xương nấu cháo, ăn với bầu dục trần hành tây. A hhhhaaa..ăn xong lại phải đi tắm nước lạnh.

Được đăng bởi nguoibuongio1972 vào lúc 08:31

-----------------------




No comments:

Post a Comment

View My Stats