Friday, 11 October 2013

CÓ HAY KHÔNG ĐỐI LẬP Ở VIỆT NAM (Phạm Chí Dũng - Asia Sentinel)




Author: Pham Chi Dung 
Translated in English by Nguyen Khoa Thai Anh,
in French by Phan Van Song.
Published by Asia Sentinel.

Tell the World” (Defend the Defenders)

Ngày 4/10/2013 – Giới quan chức đảng và nhà nước vẫn có thể tạm ung dung thêm một thời gian nữa, bằng vào thực tồn gần như chưa hình thành một lực lượng đối lập nào ở Việt Nam.

Ngược lại, giới hoạt động dân chủ trong nước và cả hải ngoại lại có vẻ đang bỏ lỡ một cơ hội chưa từng có để làm nên một cái gì đó có tính “đối trọng chính trị”, đặc biệt sau khi tín hiệu “xoay trục” sang phương Tây đã phát ra bởi chuyến đi Hoa Kỳ của người đứng đầu nhà nước là ông Trương Tấn Sang vào tháng 7/2013, sau đó là đợt công du Paris của người điều hành chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Cần nhắc lại, văn bản có tên “Kiến nghị 72” của một nhóm nhân sĩ, trí thức bất đồng tại Việt Nam vào đầu năm 2013 đã cùng lúc dẫn tới hai chủ đề nóng bỏng mà hệ thống truyền thông của Đảng bắt buộc phải tương tác: có cần bỏ điều 4 hiến pháp về độc đảng hay không; và liệu đã hình thành một lực lượng đối lập ở Việt Nam hay chưa.

Một số người hoạt động dân chủ nhiệt tình nhất đã cố chứng minh sự hiện diện một thế lực đối lập với chính thể, thông qua 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội vào năm 2011 và hoạt động thông tin đa nguyên đa đảng của giới truyền thông xã hội từ đó tới nay.

Nhưng lại có một sự khác biệt rất cơ bản trong não trạng của giới trí thức được xem là gần gũi với Đảng. Trong cuộc trao đổi với đài BBC Việt ngữ ngày 26/4/2013, ông Nguyễn Đình Tấn – một giáo sư thuộc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, bày tỏ cách nhìn: “Thực chất ở Việt Nam hiện nay, có thể nói với Đảng Cộng sản Việt Nam không có đối thủ. Nếu thể hiện là đối thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một tổ chức, tôi nghĩ là không có”.

Suy nghĩ của ông Tấn chắc chắn mang tính đại diện cho một số không nhỏ trí thức trong hệ thống nhà nước – những người mà cho tới nay vẫn chưa tìm thấy lý do tồn tại nào khác ngoài mối liên hệ “còn đảng còn mình”.

Đối lập: có hay không?

Giáo sư Nguyễn Đình Tấn đã có lý, vì khách quan mà xét, câu trả lời là “Không”, cho đến thời điểm này.

Ngay cả đề xuất thành lập đảng Dân chủ Xã hội của luật gia Lê Hiếu Đằng ở Sài Gòn vào tháng 8/2013, mà suýt chút nữa đã “thành công”, cũng dường như không tạo ra một ấn tượng đủ lớn đối với đảng cầm quyền về một đối trọng chính trị nào đó.

Trong thực tế, một đối thủ chính trị đúng nghĩa phải bao hàm ít nhất bốn yếu tố: cương lĩnh, nhân lực, tài lực và sức ảnh hưởng trong dân chúng. Hoặc tối thiểu, đối thủ chính trị phải thể hiện bằng một tổ chức nào đó, dù là “hữu danh vô thực”.

Về mặt tổ chức, trước đây đã có hai đảng ngoài đảng Cộng sản là đảng Dân chủ và đảng Xã hội. Tuy nhiên đến năm 1988 cả hai đảng này đều rút lui, và từ đó đến nay đã không tồn tại một đảng phái nào khác ngoài đảng Cộng sản. Do vậy, có thể xác định là đến thời điểm này, vẫn chưa có một đối thủ chính trị nào đối với đảng Cộng sản. Do vậy đánh giá của ông Nguyễn Đình Tấn về “Đảng Cộng sản Việt Nam không có đối thủ” là hoàn toàn đúng, nếu chỉ xét về mặt hình thức.

Tuy nhiên nếu xét về lòng dân, thực chất nội dung trong lòng xã hội và cả trong lòng chế độ lại khác rất nhiều hình ảnh tưởng như nhất quán bên ngoài. Khác hẳn với hoàn cảnh chế độ được “dân tin, dân yêu” vào năm 1988, tình cảnh hiện thời đang mô tả cho một cuộc khủng hoảng niềm tin chưa từng thấy của đại đa số dân chúng đối với hầu như toàn bộ hệ thống đảng và chính quyền các cấp.

Nếu đảng Cộng sản đủ can đảm chấp nhận tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý công khai và minh bạch về chủ đề đảng phái độc lập, rất nhiều khả năng sẽ có ngay một số tổ chức đảng ngoài đảng Cộng sản ra đời ngay vào thời điểm này.

Việc hình thành tổ chức và cương lĩnh ban đầu, kể cả hậu cần tài chính là không quá khó khăn đối với các nhóm chính trị độc lập, vấn đề còn lại là họ có tạo dựng được lực lượng và tạo được sức lan tỏa từ hoạt động của mình đối với quần chúng nhân dân hay không mà thôi.

Trước đây, người ta nhìn thấy hoạt động của vài ba nhóm dân chủ như Khối 8406 hay Bauxite Việt Nam. Nhưng trong thực tế, hoàn toàn chưa có một phong trào thống nhất về dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Chỉ có nhóm “Kiến nghị 72” mới nên được xem là điểm khởi đầu có tính tập hợp khá rộng rãi, tuy nội dung tranh đấu vẫn còn khá hạn hẹp.

Hiện thời, hoạt động dân chủ đa phần mang tính tự phát, với các cá nhân rời rạc, manh mún về tổ chức và phân tán tại các địa phương, chưa có được sự kết nối giữa những thành phố chính như Hà Nội và Sài Gòn, giữa hai thành phố chính này với một số địa phương khác như Đà Nẵng, Nghệ An, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ… Cũng gần như chưa có mối liên kết giữa các nhóm dân chủ người Việt ở hải ngoại với các nhóm dân chủ trong nước.

Do vậy có thể vẫn còn khá sớm để hình thành một chính đảng đối lập, cho dù đó là nhu cầu của không ít nhân sĩ, trí thức và cả giai tầng công nông. Bởi điều quan trọng nhất đối với chính đảng không phải là tên gọi hay một cái gì đó hữu danh, mà là hiệu quả vận hành thực tế của nó, ảnh hưởng của nó đối với các giai tầng dân chúng chủ chốt như nông dân, công nhân, tiểu thương, kể cả đối với tín đồ tôn giáo.

Trong điều kiện còn quá mong manh về lực lượng, việc đẻ non chính đảng sẽ có thể lợi bất cập hại, thế mong manh về tính hiệu quả sẽ dẫn đến hụt hẫng về lòng tin của dân chúng, chưa kể phải tiếp nhận nhiều khó khăn từ tác động ngăn cản của đảng cầm quyền.

Hai kịch bản chuyển hóa

Một cách khách quan, hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam chỉ mới đang ở bước đi đầu tiên, nằm trong giai đoạn đầu tiên của thời kỳ quá độ trước khi tiến tới một sự hoàn chỉnh nào đó, chẳng hạn như mô hình xã hội dân sự ở Việt Nam.

Thông thường, kịch bản loại trừ nhau chỉ xảy ra trong điều kiện xã hội đã hình thành một lực lượng đối lập và tiến tới đối kháng đủ mạnh để có thể nhắm tới mục tiêu thay thế chính thể đương nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đất nước suy sụp và khủng hoảng xã hội nổ ra. Hiện tượng “Mùa xuân Ả rập” tại một số nước Bắc Phi là một minh chứng gần gũi nhất.

Tuy vậy điều kiện của xã hội Việt Nam lại không giống như các nước Bắc Phi hay trường hợp lực lượng nổi dậy ở Syria, mà cho tới nay vẫn chưa hình thành một lực lượng đối trọng nào có tiếng nói đủ lớn, cho dù đã xuất hiện nhiều dấu hiệu về suy thoái kinh tế và khủng hoảng xã hội. Do vậy, trong ít nhất 3-4 năm tới sẽ rất khó có khả năng xảy ra kịch bản đối đầu trực tiếp nhằm loại trừ lẫn nhau.

Thay vào đó, một kịch bản “mềm” có thể dễ hình dung hơn nhiều là sẽ xuất hiện những tổ chức dân sự, có thể cả những kết nối để hình thành những phong trào phản biện xã hội trong 3-4 năm tới, tạo nên một số thành tố đầu tiên của mô hình xã hội dân sự tại Việt Nam. Mà mục tiêu của xã hội dân sự không phải là tìm cách thay thế hay lật đổ nhà nước, mà chỉ tác động để nhà nước nên hoặc phải thay đổi những chính sách, con người và việc thực thi chính sách bất hợp lý, gây bất công xã hội hoặc khiến công phẫn trong dân chúng. Do vậy so với đảng phái chính trị, xã hội dân sự sẽ thu hút rộng rãi hơn các thành phần tham gia.

Cũng trong kịch bản “mềm”, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều phản ứng về tư tưởng dẫn đến hành động của ngày càng đông những cán bộ lão thành, đảng viên về hưu và cả một bộ phận công chức, viên chức đương nhiệm đối với chính thể, dẫn đến sự phân hóa tư tưởng và phân hóa nội bộ ngày càng trầm trọng.

Một số đánh giá mang tính ước đoán cho biết hiện thời trong nội bộ có ba nhóm quan điểm chính. Nhóm thứ nhất gồm khoảng 30% trí thức trong đảng và hệ thống nhà nước, bao gồm cả quan chức, được xem là nhóm “trung thành” và có quyền lợi thiết thân với chức vụ và các đặc quyền trong hệ thống. Ngược lại, nhóm thứ hai có khoảng 20% trí thức trong các cơ quan nhà nước, không phải đảng viên hoặc vẫn là đảng viên, nhưng có tư tưởng cấp tiến, muốn thay đổi, song chưa có điều kiện để thể hiện quan điểm và hành động của họ. Nằm giữa hai khuynh hướng vừa đề cập là nhóm thứ ba với khoảng 50% trí thức trong đảng và nhà nước- những người không gắn bó đặc biệt với quyền lợi và chức vụ, mang quan điểm trung dung.

Nếu thực tế gần đúng với những tỷ lệ trên thì một xã hội dân sự được tổ chức tốt sẽ có thể thu hút đến ít nhất phân nửa số trí thức đang làm việc cho hệ thống của đảng và nhà nước.

Kịch bản Miến Điện?

Trong những năm tới, sự chuyển hóa của nền chính trị Việt Nam rất nhiều khả năng sẽ chịu tác động về dân chủ và nhân quyền của quốc tế, sức ép của các nhóm và phong trào phản biện trong nước, và từ chính trong nội bộ. Do vậy, kịch bản chuyển hóa chính trị ở Việt Nam có khả năng sẽ là quá trình ma sát liên tục, bắt đầu từ dạng ma sát thô giữa các lực lượng chính trị mới và lực lượng chính trị cũ. Xu hướng dân chủ có thể sẽ dần hình thành ngay trong nội bộ đảng, được tác động bởi một nhóm người được xem là “cải cách”, “cấp tiến” hay đơn giản là chỉ muốn thay đổi vì những động cơ cá nhân nào đó. Cũng có một xác suất nhỏ trong 3-4 năm tới là nhóm người này sẽ tạo được ảnh hưởng mang tính quyết định và làm thay đổi hẳn cục diện chính trị đất nước.

Nếu khả quan, đến một thời điểm nào đó, ma sát thô sẽ chuyển thành ma sát tinh, và những “người cũ” sẽ tìm thấy một mối giao cảm nào đó với những “người mới”, và ngược lại.

Đặc biệt, nếu phong trào dân sự có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và những nhà nước nhân quyền ở Hoa Kỳ và Tây Âu, xác suất thành công của nó sẽ có triển vọng hơn hẳn.

Ai đó có thể cho cái cách như thế là “diễn biến hòa bình”, nhưng cứ nhìn vào tình cảnh hỗn loạn ở Syria và Ai Cập thì có lẽ chẳng chính khách Việt Nam nào muốn đất nước rơi vào cảnh đổ máu để không ai còn chốn nương thân.

Hiện nay, người ta đang bàn tán rất nhiều về những kinh nghiệm mà giới chính trị Miến Điện đã tích lũy được. Rõ ràng, Tổng thống Thein Sein và nhóm lợi ích chính trị của ông đã thành công trong việc tránh khỏi một cuộc đổ máu vô ích cùng nền kinh tế suy sụp.

Nếu giới chính khách Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ của phương Tây như Miến Điện và do đó có thể tạm phục hồi nền kinh tế, dân chủ cũng từ đó có triển vọng rõ rệt hơn, đặc biệt là đất nước tránh khỏi một cuộc đối đầu quyết liệt giữa dân chúng bất mãn và phẫn uất đối với nhiều chính quyền địa phương và cả với chính quyền trung ương…, thì đó sẽ là kịch bản tối ưu cho tương lai dân tộc.

Phạm Chí Dũng



No comments:

Post a Comment

View My Stats