Wednesday, 16 October 2013

TẠI SAO HOA KỲ BẰNG MỌI GIÁ PHẢI TRÁNH VỠ NỢ ? (Lê Vy - RFI)




Lê Vy  -  RFI
Thứ tư 16 Tháng Mười 2013

Trong lúc mà thị trường tài chính thế giới đang hồi hộp chờ đón ngày 17/10, ngày mà Chính phủ Mỹ sẽ chính thức ra quyết định tăng mức trần nợ hay không thì cho đến nay, Washington vẫn chưa đạt được đồng thuận nào. Để giải thích cho những tác hại tồi tệ có khả năng xảy ra đối với nước Mỹ cũng như toàn thế giới, tờ báo đăng bài viết « Vì sao Hoa Kỳ bằng mọi giá phải tránh mất khả năng chi trả ? ».

Tác giả bài báo phân tích, để trả nợ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cần phải vay tiền. Nếu như cơ quan này mất khả năng vay mượn trên thị trường từ ngày 18/10, Mỹ sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng cạn tiền để thanh toán các khoản nợ. Trên nguyên tắc, Hoa Kỳ vẫn có đủ tiền dự trữ để chi trả tiền lời của các khoản nợ công. Nhưng luật pháp nghiêm cấm Bộ Tài chính trả cho chủ nợ này trước, chủ nợ kia sau. Ngoài ra, trên thị trường, ngay khi một chủ nợ không được thanh toán đúng kỳ hạn thì tiếng tăm của cả hệ thống tín dụng Mỹ cũng bị hoen ố. Thông thường, một quốc gia bị phá sản do bị mất tín nhiệm trước các chủ nợ. Tình trạng của nước Mỹ hoàn toàn khác : Đó là sự bất đồng về ngân sách giữa các phe trong nghị viện kéo nước Mỹ đến nguy cơ mất khả năng chi trả, chứ không phải là sự suy yếu về việc thu thuế hay về tăng trưởng.

Hệ thống tín dụng Hoa Kỳ giữ một vai trò quan trọng trên thế giới. Kinh tế và tài chính thế giới dựa trên sự tín nhiệm. Nếu như cường quốc số một thế giới mất khả năng chi trả và vay mượn thì nguồn lưu thông tài chính và thương mại trên thế giới sẽ nhanh chóng bị đóng băng. Vào năm 2008, ngân hàng Lehman Brothers bị phá sản, một cơ sở được xem là ít quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ, nhưng cũng đã làm tê liệt các dòng vốn tín dụng trên toàn thế giới. Quỹ tiền tệ quốc tế IMF và các ngân hàng lớn dự báo hậu quả mà Mỹ sẽ phải gánh chịu nếu mất khả năng thanh toán và vay vốn : Liên bang Mỹ sẽ mang nợ cao gấp 23 lần so với đợt phá sản vào năm 2008 của ngân hàng Lehman Brothers.

Báo Le Figaro còn nhận định, sẽ không có sự thay thế cho đồng đô la. Đồng đô la hiện là đồng tiền dự trữ hàng đầu của các nhà đầu tư khi xảy ra khủng hoảng, kể cả đợt khủng hoảng vào năm 2008-2009. Tuy nhiên, đồng đô la không còn được chuyển đổi sang vàng kể từ năm 1971. Các đồng tiền khác như euro, đồng nhân dân tệ, mà nay vẫn chưa được chuyển đổi hay đồng yên của Nhật , kể cả vàng, mà số lượng chỉ có hạn, cũng không thể thay thế được đồng đô la. Sức mạnh của đồng tiền này dựa vào nhiều nguyên nhân :  tầm cỡ của nền kinh tế Hoa Kỳ, luôn giữ vị trí số một thế giới, sự đa dạng phong phú của ngành nghề, sức mạnh của nền công nghệ Hoa Kỳ…

Cuối cùng, bài báo nhận định, các nhà đầu tư sẽ không tài nào tưởng tượng được một ngày Hoa Kỳ lại bị mất khả năng chi trả. Cả thế giới sẽ còn kinh ngạc hơn nếu ngày mai, chính phủ Mỹ vẫn không nâng được mức trần nợ, thì chứng khoán thế giới sẽ xuống giá ngay lập tức. Trong vòng vài tháng,  hàng triệu người Mỹ mất việc. Các đối tác thương mại và tài chính của Mỹ cũng bị vạ lây.

Sáu kẻ tra tấn bị kết án tại Trung Quốc

Sáu nhân viên điều tra của một trung tâm xét hỏi mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa bị kết án từ 4-14 năm tù tại tòa án thành phố Cù Châu, tỉnh Chiết Giang. Báo Libération quan tâm đến vụ án này qua bài viết : « Sáu kẻ tra tấn bị kết án tại Trung Quốc ».
Sáu người này đã thừa nhận hành vi tra tấn một kỹ sư 42 tuổi đến chết do anh ta bị tình nghi tham nhũng để buộc nhận tội. Tờ báo cho biết, những vụ như thế này lên đến hàng trăm tại Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, 800 000 trong tổng số 80 triệu đảng viên bị đặt dưới « sự điều tra » trong vòng 5 năm, từ 2003 đến 2008. Số liệu này cho thấy nhân viên điều tra của Đảng xử lý hàng ngày đến 500 nghi can. Bài báo miêu tả lại một số cảnh tra tấn dã man người kỹ sư bị tình nghi tham nhũng như anh bị làm nghẹt thở khi sáu tên tra tấn nhấn đầu anh vào một chậu nước lạnh. Ngoài ra, còn có một số đòn dã man khác như nạn nhân bị bắt đứng trong thời gian dài trên một tảng nước đá, khiến đôi chân và cơ thể thâm tím, cùng với dấu tàn thuốc lá bị bỏng trên người.
Thường thì tòa án Trung Quốc chẳng bao giờ xét xử loại tội hình sự này. Thế nhưng, trường hợp của người kỹ sư tại thành phố Ôn Châu đã trở nên rùm beng trên mạng, làm cho tòa án Ôn Châu phải chấp nhận giải quyết đơn kiện của vợ cũ nạn nhân. Trước phiên tòa, các bị cáo thuật lại đã cưỡng ép lột đồ nạn nhân, đánh đập và không cho nạn nhân ngủ. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định là chỉ « làm theo mệnh lệnh ».
Một giáo sư dạy luật cho biết : « Trong những năm 1990, nhân viên xét hỏi thường tiến hành thẩm vấn  trong các phòng khách sạn nhưng sau đó, Đảng Cộng sản đã cho xây dựng những địa điểm đặc biệt để điều tra xét hỏi». Các nơi này thường nằm ở ngoại ô, các phòng xét hỏi thường là ở tầng trệt để tránh nghi can nhảy lầu. Tại các trại giam mập mờ này, các hình thức tra tấn thể xác cũng như gây sức ép lên tâm lý nạn nhân rất phổ biến. Trong một số trường hợp được biết đến gần đây nhất, có vụ một quan chức tỉnh Trùng Khánh bị chết do lên cơn đau tim trong quá trình bị xét hỏi, một trong số đồng nghiệp của ông cũng đập đầu vào tường tự sát…

Matxcơva : vây ráp người nhập cư Kavkaz

Báo Le Monde hôm nay quan tâm đến tình hình nhận cư tại Nga qua bài viết : « Vây ráp người nhập cư Kavkaz ». Theo bài viết, dân chúng Nga kêu ca, chán ngán người nhập cư và yêu cầu chính quyền siết chặt chính sách nhập cư.

Biểu tình mang tính chất dân tộc chủ nghĩa, chống lại người nhập cư bùng phát vào cuối tuần qua tại Nga. Để làm nguôi dân chúng, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ nhiều người nhập cư : 1200 người nhập cư bị bắt. Từ nay, chợ bán sỉ rau quả  phía Nam Matxcơva bị xem như sào huyệt tội phạm có tổ chức, nơi y tế dơ bẩn và là một mối đe dọa cho an ninh quốc gia.
Maxime Kononenko, phóng viên viết xã luận trên báo Izvestiia, miêu tả người nhập cư trong lần xuất bản vào ngày 14/10 như sau : « họ không giấy tờ, không nói tiếng Nga, không học hành, không tên họ, chạy khắp nơi với con dao trong tay ».

Kiểm tra và bố ráp cũng diễn ra tại các khu chợ khác của thủ đô Mátxcơva. Nhờ vào các vụ bạo động vừa qua mà các cơ quan nghiên cứu dịch bệnh đã mở to mắt ra và chợ rau quả Biriouliovo bị đóng cửa để « kiểm duyệt y tế ». Chính quyền đang bàn đến việc đóng cửa luôn khu chợ cũng như những quán ăn vỉa hè mà chủ tiệm là những người gốc Kavkaz và Trung Á.

Pháp : Trộm cắp dụng cụ nông nghiệp tăng

Một loại hình tội phạm mới được báo Le Figaro quan tâm ngay trên trang nhất là nạn trộm cắp các dụng cụ nông nghiệp. Trang bên trong tờ báo đăng bài viết : « Kẻ trộm cắp vơ vét nông thôn ».

Theo các nguồn tin từ tờ báo, 7 800 vụ trộm cắp được cảnh sát thống kê trong lĩnh vực khai thác nông nghiệp từ tháng một đến tháng chín vừa qua, tức là tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tội phạm ăn cắp các vật dụng như : máy kéo, máy nông nghiệp, chất đốt và cả hoa màu, gia súc.Le Figaro thốt lên : « Người nông dân bực tức khi các vụ ăn cắp tái diễn nhiều lần » và khẳng định rằng thủ phạm không phải là những tay trộm vặt hay các tên cướp trong làng mà dường như thủ phạm là những băng nhóm có tổ chức, sau khi ăn trộm sẽ tuồn hàng sang Đông Âu và thậm chí sang châu Phi. Cảnh sát đang lên kế hoạch đáp trả nhưng hiện tại người nông dân rất phẫn nộ và đe dọa sẽ thi hành công lý theo cách của họ.

Thị trường thuốc lá điện tử tại Pháp phát triển mạnh

Trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta đã có sách điện tử (e-book) thì giờ đây cũng có thuốc lá điện tử (e-cigarette). Kinh doanh loại sản phẩm này sẽ sớm mang lại lợi nhuận cao. Báo Le Figaro chạy tựa trên trang nhất: « Thị trường thuốc lá điện tử, đối tượng của mọi sự ham muốn ». Mục kinh tế trên báo Le Figaro cũng dành bài viết khá dài cho chủ đề này.

Sự thành công khi bán thuốc lá điện tử (e-cigarette) trên thị trường khiến các nhà công nghiệp và thương nhân bán thuốc lá phải ngạc nhiên, khi thấy lượng thuốc lá truyền thống bán ra hạ. Đến cả Nhà nước cũng bắt đầu tính toán lợi hại khi mất một khoản thu nhập thuế từ thuốc lá. Do đó, tất cả đều đang chuẩn bị thay đổi chiến lược để tận dụng cơ may mà mặt hàng thuốc lá điện tử đầy lợi nhuận mang lại.

Theo số liệu từ Cơ quan Phòng ngừa thuốc lá Pháp OIT(Office français de prévention du tabac), có 13,5 triệu người hút thuốc trên 18 tuổi ; 6,7% doanh thu  về thuốc lá thuộc về chủ công ty thuốc lá ; 50% doanh thu của thuốc lá điện tử thuộc về nhà phân phối. Báo Le Figaro còn cho biết, đa số các nhà phân phối Pháp nhập thuốc lá điện tử từ Trung Quốc. Số lượng cửa hàng bán sản phẩm này cũng bùng nổ từ 4 năm nay (600 cửa tiệm tại Pháp). Thị trường tiêu thụ mặt hàng này phát triển nhanh từ 10 năm nay, trước tiên là trên mạng internet, sau đó mở rộng ra các cửa hàng bán thuốc lá, tại một số cửa hàng dược phẩm hay một số trạm dừng trên xa lộ.

Trang nhất các báo

Hầu hết các nhật báo ra ngày hôm nay 16/10/2013 đều đăng một tin vui dành cho người sử dụng điện thoại di động hay tiếp xúc nhiều với sóng antenne hằng ngày như sử dụng điều khiển từ xa, máy tính xáy tay… Đó là sóng điện thoại hay điện từ không hề gây tác hại đến sức khỏe con người, nhưng các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo không nên sử dụng quá nhiều trong một ngày.



No comments:

Post a Comment

View My Stats