Saturday, 5 October 2013

'SHUTDOWN" (Lê Phan)




Lê Phan
Saturday, October 05, 2013 12:59:39 PM

Thế giới mới học được một tiếng Anh mới, “shutdown”. Một trong những tờ báo được kính nể nhất nước Pháp cũng đã dùng hai chữ viết dính liền nhau này để chỉ hiện tượng độc nhất vô nhị của Hoa Kỳ, đóng cửa chính phủ.

Trên thế giới chỉ có một quốc gia nữa có chuyện đóng cửa chính phủ và nó chỉ xảy ra có mỗi một lần và chắc không bao giờ xảy ra nữa. Quốc gia đó là Úc như tờ Washington Post đã nhắc nhở cho chúng ta.

Quả là năm 1975 Úc đã bị đóng cửa chính phủ cũng vì hai đảng cầm quyền ở hai viện quốc hội. Hạ viện do đảng Lao Ðộng của Thủ tướng Gough Whitlam chiếm đa số thông qua một luật chuẩn chi ngân sách cho chính phủ, nhưng Thượng viện, do đảng Tự do nắm không chịu thông qua trừ phi chính phủ chấp nhận những đòi hỏi vô lý của họ. Và họ cũng cãi nhau về luật chăm sóc sức khỏe. Phe đối lập ở Thượng viện muốn có bầu cử, mà họ tin là họ sẽ thắng. Thủ tướng Whitlam bác bỏ đòi hỏi của phe đối lập thành ra chính phủ liên bang không có ngân sách.

Nhưng mọi sự sau đó là một vở kịch đủ cả bi hài. Vào sáng ngày 11 tháng 11, Thủ tướng Whitlam gọi bầu cử nhưng chỉ bầu lại nửa thượng viện đến lúc phải bầu. Toàn quyền Sir John Kerr, đại diện của nữ hoàng, vốn trên nguyên tắc vẫn là quốc trưởng của Úc, triệu ông Whitlam vào và cách chức ông ta vào lúc 1:15 chiều hôm đó. Mười lăm phút sau, ông toàn quyền chỉ định lãnh tụ đối lập của đảng Tự do, ông Malcolm Fraser lên thay thế ông Whitlam. Ðến 2 giờ chiều, trước khi ai biết chuyện gì xảy ra, ông Fraser kêu đồng minh của mình ở Thượng viện lại và thông qua luật ngân sách. Và từ lúc đó là một sự xáo trộn khổng lồ. Hạ viện của đảng Lao Ðộng, biết được việc ông Whitlam bị cách chức và ông Fraser lên làm thủ tướng, đã bỏ phiếu bất tín nhiệm ông Fraser. Ðến 4:50 chiều, ông toàn quyền Kerr giải tán quốc hội, tức là cách chức hết tất cả mọi người trong một tuyên cáo kết thúc với lời “God Save the Queen”!

Mặc dầu một tháng sau dân chúng Úc đi bầu và ông Fraser thắng cử nhưng toàn thể các đảng phái ở Úc đều đồng ý là ông toàn quyền đã hành động vượt quá quyền hành của mình vì cũng như Nữ hoàng Elizabeth II mà ông đại diện, ông không có quyền cách chức thủ tướng hay lật đổ chính phủ. Quyền đó nằm trong tay quốc hội. Kể từ đó, cả hai đảng đã cùng nhau tăng cường cho hạ viện, giảm quyền của thượng viện, để đưa Úc trở lại đại nghị chế theo đúng kiểu Westminster, theo khuôn mẫu của Anh. Và cũng từ đó, toàn quyền chỉ đóng vai tượng trưng, nhưng có một số người Úc vẫn còn muốn cắt đứt luôn liên hệ đó với “mẫu quốc Anh.”

Chuyện đó dĩ nhiên không xảy ra ở Hoa Kỳ được.

Và kể từ năm 1975, việc “shutdown” chỉ có thể xảy ra ở Hoa Kỳ. Báo chí Âu châu, sau một hai ngày tương đối bình tĩnh, chế diễu, đã bắt đầu lo ngại.

Tờ Le Monde, trong một bài bình luận mang cái tên lý thú “Jefferson, reveille-toi, ils sont devenus fous!” (xin phép dịch thoát ra là “Jefferson ơi, tỉnh dậy đi, họ đang trở thành khùng hết rồi”) Với lời lẽ văn hoa cố hữu, Le Monde viết “Hồi xửa hồi xưa có một nước Cộng hòa biết vượt qua được những khác biệt chủ thuyết. Nước cộng hòa đó được đa số cai trị ở trung tâm, một vị trí thần bí, tâm điểm nơi mà nghệ thuật chính trị có thể sản xuất ra những gì thông minh nhất, và, thường đạt những gì cao quý nhất: Sự cải tổ qua việc dung hòa. Nền Cộng hòa đó đã tìm được đa số lập trường của những người trung dung từ hai tập đoàn lớn trong nước, những người cộng hòa và những người dân chủ. Và từ đó họ đã đạt những thành quả vô cùng quan trọng: New Deal, nhà nước phúc lợi, cuộc chiến chống lại những chế độ độc tài toàn diện to lớn của Thế kỷ 20, dân quyền, chinh phục không gian... Thường bị lôi cuốn bởi những tranh cãi chủ thuyết của thời đại khác, Lục địa cũ đã thấy ghen tị với sự uyển chuyển của chế độ chính trị Hoa Kỳ”.

Nhưng theo Le Monde Hoa Kỳ đã đánh mất sự trung dung, một nền chính trị đồng thuận và chính vì vậy họ kêu gọi một trong những vị cha già của dân tộc hãy thức tỉnh để cứu nguy cho Hoa Kỳ.

Ở Luân Ðôn, tờ Financial Times (FT) nói đến “Decline and fall of American Politics (Sự suy tàn và sụp đổ của chính trị Hoa Kỳ). Mở đầu với nhận xét là những gì xảy ra tại Quốc hội đã tạo phản ứng ngạc nhiên và đau lòng cho những ai yêu mến lý tưởng dân chủ mà nền Cộng hòa Hoa Kỳ đã được dựng nên, tờ báo viết “Chi tiết về ngân sách, đáng lý ra là đề tài tranh luận, hầu như không được nhắc đến. Thay vì đó, điều gây bế tắc là sự nhất quyết của các người Cộng hòa thuộc đảng Tea Party là không một ngân sách nào, ngay cả một ngân sách tạm, có thể thông qua nếu không có chuyện trì hoãn cải tổ y tế Hoa Kỳ.”

FT nói đến việc là không thể có cách nào mà bên Dân chủ chấp nhận đòi hỏi đó bởi “Luật Affordable Care Act là thành quả nổi bật nhất của chính phủ Obama; từ bỏ nó là một món tiền chuộc ông ta không thể trả được. Nhưng đảng Tea Party sung sướng trong sự vô lý của mục tiêu này.” FT nói là sự phản logic của lập trường của Tea Party bao gồm cả những đòi hỏi của họ. Luật chăm sóc sức khỏe của ông Obama là một điều mà trên nguyên tắc công tâm không ai chống lại được. Nhà nước đã cung cấp y tế cho nhiều triệu người qua Medicaid và Medicare, mà bên Cộng Hòa không có kế hoạch hủy bỏ. Cải tổ y tế của ông Obama không đưa chính phủ đâm đầu vào việc cung cấp dịch vụ y tế mà chỉ trợ giá cho việc tham gia sâu rộng hơn vào một hệ thống tư nhân trong một chương trình tương tự đã được chính ông Mitt Romney đưa ra ở Massachusetts.

FT viết tiếp “Khía cạnh đáng hổ thẹn của sự vô lý của phe Tea Party là sự phản bội các giá trị Hoa Kỳ mà họ nói là họ đại diện. Cải tổ y tế đã được ghi thành luật của Hoa Kỳ. Tổng thống đã là người chủ trì chính của luật này đã được tái đắc cử. Hơn 40 cố gắng hủy luật đã thất bại bởi phe Cộng hòa không có những đòn bẩy hiến định để giúp họ thành công. Ông Obama đúng khi cả quyết là 'một nhóm của một đảng trong một viện của Quốc hội trong một ngành của chính quyền' không thể, trong một nền dân chủ, để cho phép thay đổi luật chống lại ý muốn của nhân dân được bày tỏ qua lá phiếu.”

Sau khi bày tỏ lo ngại là không những muốn đóng cửa chính phủ, bên Cộng hòa còn muốn phá hủy luôn mức khả tín của Hoa Kỳ. Tờ báo kết luận “Nếu việc đi giây ở Quốc hội có kết quả là tạo xáo trộn thị trường, gián đoạn trật tự tài chánh thế giới, đã được gây dựng theo khuôn mẫu của Hoa Kỳ, sẽ rất trầm trọng. Việc phe Cộng Hòa không màng đến niềm tin vào quốc gia của họ phải chấm dứt.”

Và sau cùng chúng tôi xin phép được trích tờ The Economist. Ðây là một tờ báo chuyên về kinh tế tài chánh, một tờ báo mà lập trường có lẽ gần với bên Cộng hòa hơn bên Dân chủ, nhưng chính The Economist cũng phải nói “No way to run a country”. Than thở, “Ðất của những người tự do đang càng ngày càng có vẻ như không cai trị được nữa. Quá đủ rồi”, tạp chí viết “Ðòi hỏi nguyên thủy của họ là đòi hủy bỏ mọi ngân khoản cho Obamacare. Nói cách khác, họ muốn những người Dân chủ đồng ý giết thành quả lớn nhất của tổng thống của họ. Việc đó không thể nào xảy ra.”

The Economist giải thích là ngay cả yêu cầu hoãn việc buộc cá nhân phải mua bảo hiểm, một việc mà mới nghe có vẻ ôn hòa nhưng không phải vậy. Obamacare dựa trên hai nền tảng. Mọi người phải mua bảo hiểm và các hãng bảo hiểm bị cấm bắt người ta trả nhiều hơn nếu người ta đã mang bệnh. Nếu chỉ có điều thứ nhì được áp dụng, thì những người đau bệnh sẽ vội đi mua bảo hiểm còn những người khỏe mạnh chờ đến khi đau mới mua bảo hiểm. Công ty bảo hiểm sẽ nâng premiums hay là phá sản, làm cho mua bảo hiểm cần trợ giúp rộng lớn. Obamacare sẽ đi vào một vòng xoáy của thất bại và sụp đổ.

Tờ báo nói điều thứ nhì mà bên Cộng hòa đang tìm cách lập tiền lệ là một đảng với một số ủng hộ nhỏ nhoi khi cử tri trao Tổng thống và Thượng viện cho đảng kia, lại đặt điều kiện đóng cửa chính phủ trừ phi đảng đa số phải chấp nhận sửa những luật họ không ưa. Tờ báo viết “Hoa Kỳ sẽ vĩnh viễn tê liệt và người Mỹ sẽ vĩnh viễn đối diện với bất định.”

Về giải pháp thì tờ báo nói là về lâu về dài Hoa Kỳ phải giải quyết sự phân cực. Vấn đề vốn đặc biệt trầm trọng ở Hạ viện vì nhiều tiểu bang cho phép các chính trị gia phân định bản đồ cử tri của chính mình. Cũng chẳng ngạc nhiên khi họ vẽ những đơn vị an toàn nhất cho mình. Ðiều này có nghĩa một dân biểu không sợ thất cử mà chỉ lo bị thách thức ở các cuộc bầu sơ bộ trong đảng. Và do đó họ chỉ lo chiều lòng nhóm cực đoạn bên phe họ thay vì là đi tìm một lập trường trung dung. Không thể cai trị nước như vậy được. Cải tổ đơn vị bầu cử, giao việc phân định đơn vị cho những ủy ban độc lập sẽ không ngay lập tức làm cho Hoa Kỳ dễ cai trị hơn, nhưng ít nhất nó sẽ làm cho bớt đi dây và thêm common sense.



No comments:

Post a Comment

View My Stats