Phạm Thị
Hoài thực hiện
Tháng 10 26, 2013
Phạm
Thị Hoài: Thưa ông Nguyễn Quốc Quân, những chuyển động gần đây
nhất tại Việt Nam cho thấy nhu cầu hình thành các tổ chức chính trị và xã hội
dân sự ngoài vòng kiểm soát của Đảng Cộng sản đã được công khai phát biểu. Ông
đánh giá thế nào về khả năng và lộ trình hiện thực hóa nhu cầu ấy?
Nguyễn
Quốc Quân: Nói đến “lộ trình hiện thực hoá” này, tôi cho rằng
đoàn lữ hành đã đi được đoạn đường quan trọng đầu tiên. Đó là việc lực lượng
dân chủ đã có nhận diện khá giống nhau về 1) thực trạng, 2) nguyên nhân chính,
3) nhu cầu, và 4) phương cách giải quyết. Tóm tắt là, thực trạng: đời
sống đầy bất công, tụt hậu trong hầu hết mọi lãnh vực, tham nhũng và các “lỗi
hệ thống” không thể tự chữa, mất tự do và nhân phẩm…; nguyên nhân chính:
thể chế độc tài toàn trị; nhu cầu: tháo gỡ độc tài, xây dựng xã hội dân
sự và tiến tới thể chế dân chủ tự do; phương cách giải quyết: áp dụng
đấu tranh bất bạo động để nong xích và xây lực.
Trong diễn trình này, sự tiến triển đang tăng tốc
rất nhanh. Nhanh hơn dự kiến của cá nhân tôi. Chỉ vài năm trước thôi, khái niệm
xã hội dân sự còn khá xa lạ; phương thức đấu tranh bất bạo động (ĐTBBĐ) còn gặp
khá nhiều ngờ vực về mức khả thi của nó; v.v… Nhưng sự lớn mạnh của cộng đồng
mạng tại Việt Nam, những biến chuyển tại Bắc Phi và phản ứng của thế giới tiếp
sau đó, tôi nghĩ đã góp phần thuyết phục rất nhiều. Ngày nay, hầu như chẳng còn
ai đề nghị cách giải quyết nào khác ngoài con đường đấu tranh bất bạo động và
phát triển xã hội dân sự để tiến dần đến tự do và đưa đất nước đi lên.
Về mặt thực tiễn, bà con chúng ta cũng đang áp dụng
rất sáng tạo các chiến thuật ĐTBBĐ, từ chụp hình và quảng bá nhanh các hình ảnh
công an đàn áp, chụp hình các cá nhân có hành động côn đồ, đến các hành động
bất tuân dân sự ôn hòa như biểu tình ngồi, nằm giữa đường, mang hàng trăm các
tấm giấy lớn mà công an không giật xé hết được, cùng nhảy lên xe buýt để bị bắt
như các đồng đội khác, thoải mái đi học phương xa và trước khi về chụp tấm ảnh
“Free Us Now” chuẩn bị gửi lên mạng nếu bị bắt thật, v.v…
Đây chính là các nỗ lực nong xích, nong rộng vòng
xích kềm kẹp của nhà cầm quyền, để tiến dần đến việc đòi hỏi các quyền căn bản
của con người mà cả thế giới công nhận và Hà Nội đã ký kết, và ở cuối giai đoạn
đó mới có thể xuất hiện các tổ chức xã hội và chính trị độc lập. Chắc chắn
những người cầm quyền độc tài không tự nhiên cho phép hình thành các tổ chức
này. Chúng ta phải tranh đấu mới tiến tới lằn mức đó được.
Phạm
Thị Hoài: Trước đây và hiện nay cũng đã có một số đảng và tổ
chức chính trị đối lập hoặc độc lập ra đời ở Việt Nam. Số phận và tình trạng
của những tổ chức ấy hiện nay như thế nào, chắc chắn ông có theo dõi?
Nguyễn
Quốc Quân: Vâng, chúng tôi có theo dõi rất kỹ. Các nhân
sự chủ chốt bị trù dập rất nặng nề! Và chính Đảng Việt Tân cũng là một trong
những tổ chức chính trị bị tấn công rất nặng nề và liên tục đó.
Nhưng qua những cảnh trấn áp đó tôi càng biết ơn
những người đã hy sinh, đã dám chấp nhận cái giá phải trả ở vai trò những người
đi đầu đối diện với bạo quyền. Tôi muốn nói đến những vị khởi đi từ trong lòng
chế độ, sớm nhìn thấy đại hoạ của đất nước như các ông Nguyễn Hộ, Trần Độ,
Hoàng Minh Chính…, kéo dài đến các vị muốn tìm lại nhân phẩm cho dân tộc như
linh mục Nguyễn Văn Lý, Vi Đức Hồi, Điếu Cày, và nhiều anh chị em trẻ của ngày
hôm nay. Tôi cũng nhớ các nỗ lực từ bên ngoài, đã về để nối kết và tiếp sức với
người dân trong nước như các ông Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh, v.v…
Dĩ nhiên tôi vô cùng kính phục các vị ấy, với lòng
biết ơn vô hạn trước những tấm lòng sẵn sàng làm những viên gạch lót đường, sẵn
sàng hy sinh nong rộng vòng xích kiềm toả của chế độ độc tài. Nhờ đó, các nỗ
lực tiếp sau mới có thể mạnh bước trên con đường rộng hơn, tuy vẫn không kém
phần gay go.
Vì vậy, sau những hy sinh đó, tôi nghĩ rằng chúng ta
càng phải tiến tới để những hy sinh của những con người cao quí đó không bị
uổng phí. Dĩ nhiên, cách làm của chúng ta càng lúc càng phải hiệu quả hơn.
Chúng ta đang có nhiều bài học kinh nghiệm quí báu từ các dân tộc khác vừa mới
đi qua tình cảnh y như dân tộc chúng ta. Với đủ khiêm tốn, chúng ta có thể học
nhiều ở họ để tiết kiệm xương máu và thời gian cho dân tộc mình. Tôi rất vui
mừng được thấy các hoạt động của ông Lê Hiếu Đằng, nhóm Tuyên bố 258, Diễn đàn
Xã hội Dân sự, …
Phạm
Thị Hoài: Còn bản thân Việt Tân? Tổ chức của ông thực sự có
được ảnh hưởng tới mức nào ở Việt Nam?
Nguyễn
Quốc Quân: Về mức ảnh hưởng của Việt Tân ở Việt Nam thực
sự đến đâu thì chắc để tùy sự nhận định của chị cũng như bà con mình. Riêng tôi
thì chỉ muốn bộc bạch một suy nghĩ như thế này. Khoa học đã phát hiện sự vỗ
cánh của một con bướm nhỏ bé đã có thể góp phần tạo nên một cơn lốc! Nhà khí
tượng học Edward Lorenz đã gọi đó là “Hiệu ứng cánh bướm”. Tôi rất tin tưởng
khi mỗi người, mỗi nhóm, mỗi tổ chức, miệt mài vỗ đôi cánh của mình bằng lòng
nhiệt thành và khả năng đang có, thì TẤT CẢ đều có giá trị và ảnh hưởng tương
tác lên nhau. Bằng tấm lòng nhiệt thành ấy, Việt Tân đã và đang tiếp tục vỗ đôi
cánh của mình để hoà nhịp với bà con trong và ngoài nước.
Phạm
Thị Hoài: Một mặt, cái tên Việt Tân khiến không ít người e
ngại, không chỉ vì cáo buộc “khủng bố” từ phía chính quyền. Mặt khác, chính
việc có tương đối nhiều nhà hoạt động dân chủ trong nước bị bắt và kết án vì
được cho là đảng viên Việt Tân lại có vẻ như một sự quảng cáo ngoài ý muốn của
chính quyền cho tổ chức của ông. Sự thực nằm ở đâu?
Nguyễn
Quốc Quân: Hiển nhiên nhà cầm quyền Việt Nam không ngồi
yên nhìn bệ quyền lực độc tài của họ tan rã dần. Nhưng nếu tấn công lực lượng
dân chủ, họ sẽ mắc phải cái vấn nạn tiến thoái lưỡng nan, như mọi chế độ độc
tài khác. Tạm lấy Việt Tân làm thí dụ:
Nếu không nhắc tới Việt Tân, họ khó có thể báo động
nội bộ để đề phòng và đối phó với phương thức gia tăng sức lực toàn dân để toàn
dân cùng đứng lên tháo gỡ độc tài mà chúng tôi cổ xúy trong mấy thập niên qua,
tức loại đấu tranh toàn dân – toàn diện. Các chế độ độc tài coi thường ĐTBBĐ cứ
lần lượt ra đi. Giới lãnh đạo Việt Nam biết rõ điều này.
Còn nếu nhắc tới Việt Tân để báo động nội bộ, hù dọa
bà con nhằm cô lập và làm cho các hoạt động của Việt Tân khó khăn hơn, thì cùng
lúc họ cũng đang thú nhận là rất lo âu về mức độ hữu hiệu của phương pháp đấu
tranh này. Chính nhà cầm quyền làm người dân thêm ước muốn tìm hiểu về cái bí
quyết có thể biến những người dân tay không đứng đối diện ngang hàng với những
kẻ đeo đầy vũ khí.
Tóm lại, theo tôi, Việt Tân tạo ảnh hưởng cỡ nào
không quan trọng. Sự kiện phương thức ĐTBBĐ được chấp nhận để tháo gỡ độc tài
và đưa đất nước chúng ta đi lên ngang tầm với nhân loại mới là điều quan trọng.
Và đó thực sự là tâm nguyện của tất cả anh chị em Việt Tân.
Phạm
Thị Hoài: Song Việt Tân cũng bị dị nghị rằng vô trách nhiệm và
phô trương thanh thế khi tổ chức một số hoạt động dẫn đến những án tù nặng cho
người tham gia.
Nguyễn
Quốc Quân: Thưa chị, đây là một hiểu lầm đáng buồn vì nó
tạo khoảng cách giữa những người cùng chí hướng với nhau, mà đó cũng là điều
chế độ độc tài rất mong muốn.
Theo nhận thức bình thường của chúng ta, đặc biệt
của những người đang sống trong các thể chế dân chủ, thì mục tiêu lớn nhất của
mọi đảng phái chính trị là nắm quyền. Và để đạt được điều đó thì người dân phải
biết đến đảng mình, tức là phải tìm mọi cách để phô trương thanh thế. Đảng phái
nào càng khao khát cầm quyền sẽ càng dễ chấp nhận những thủ thuật hèn kém, quỉ
quyệt, hay dùng chính đảng viên để trả giá hi sinh, v.v…
Tôi có thể hãnh diện để nói rất thành thật rằng Đảng
Việt Tân có quan niệm khác hẳn. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, mục tiêu
tối hậu của Việt Tân là CANH TÂN ĐẤT NƯỚC. Điều này đã được ghi rõ trong cương
lĩnh và được duy trì trong hành động suốt hơn 30 năm qua. Đối với chúng tôi,
đứng trong hay ngoài chính quyền không là mục tiêu mà cũng chẳng là vấn đề. Có
khác chăng là cách thức làm việc vì phương tiện để canh tân đất nước ở hai vị
trí đó có khác nhau mà thôi.
Một truyền thống khác nữa của Việt Tân là LÃNH ĐẠO
LUÔN ĐI ĐẦU. Các chiến hữu lãnh đạo của chúng tôi ở cấp nào thì luôn là những
người lãnh nhận những công việc nhiều rủi ro nhất ở cấp đó. Cá nhân tôi cũng
nằm trong nguyên tắc này. Chính người trưởng nhóm của tôi cũng đã đi trước tôi
một bước ở những công tác rủi ro.
Trong vô số những công việc suốt 3 thập niên qua, dù
anh chị em chúng tôi cố gắng đến đâu đi nữa vẫn có những lần bị trắc trở. Có vụ
việc công luận biết, nhưng cũng có những vụ việc bà con không biết. Và dĩ
nhiên, đối với các việc làm thành công, nếu giữ kín được thì chúng tôi phải giữ
kín. Lý do rất đơn giản là để có thể tiếp tục thực hiện.
Do đó, trong một vài vụ bị trắc trở, tôi biết một số
anh chị em đã tự đấm ngực trách mình, mà còn phải nghe những dị nghị rằng “vô
trách nhiệm hay phô trương thanh thế” thì thực sự là họ đau lòng lắm!
Phạm
Thị Hoài: Các khóa huấn luyện đấu tranh bất bạo động do Việt
Tân tổ chức thường bị chính quyền tính sổ nặng nề, vì sao không đơn giản tổ
chức các khóa này trên mạng?
Nguyễn
Quốc Quân: Về các khóa học trên mạng, phải nói rằng đây
là cách làm dễ nhất, ít tốn kém tiền bạc và thời giờ nhất. Cách học này chính
là những bước đầu tiên mà chúng tôi thực hiện. Nhưng nó chỉ có thể đạt tới một
số kết quả giới hạn nào đó thôi. Trong một số trường hợp, chúng tôi bắt buộc
phải bổ sung thêm các cách huấn luyện khác. Kinh nghiệm của các dân tộc khác,
và trong thời gian gần đây chúng ta thấy một số tổ chức khác của người Việt
cũng đi đến cùng một kết luận như vậy về nhu cầu huấn luyện trực diện với nhau.
Và việc này chúng tôi đã thực hiện trong nhiều năm qua với nhiều cá nhân và
nhiều nhóm khác nhau.
Và sau hết, cũng cần nhấn mạnh đây là các quyền của
con người – quyền tìm kiếm kiến thức và thông tin – mà nhà cầm quyền Hà Nội đã
ký kết với thế giới. Tôi nghĩ rằng khi có những trắc trở ngoài ý muốn, chúng ta
càng phải vạch trần hành động vi phạm nhân quyền của Hà Nội trước thế giới và
càng tranh đấu cho các nạn nhân, thay vì trách ngược. Tương tự như khi có vụ
cướp giật, chúng ta cần giúp chặn bắt kẻ cướp chứ không thể đứng trách là các
nạn nhân đã giữ đồ đạc của mình quá hớ hênh.
Phạm
Thị Hoài: Bắt bớ và tù đày là những điều hiển nhiên trong hoạt
động chính trị đối lập hoặc độc lập trong một thể chế như Việt Nam. Ông cũng
từng bị ngồi tù hai lần, mỗi lần nhiều tháng, tại Việt Nam. Song cũng có lời
nhận định rằng là một công dân Hoa Kỳ, ông có thể ít nhiều “yên tâm” bước vào
tù vì có thể tin chắc rằng cánh cửa tù sẽ mở ra một ngày không xa, trong khi
các nhà hoạt động sống trong nước không thể có được “bảo hiểm” này. Phần lớn
các đảng viên Việt Tân sống ở hải ngoại về nước hoạt động cũng thường chỉ phải
trải qua một thời gian giam giữ tương đối ngắn, trước khi bị trục xuất. Làm thế
nào để thuyết phục những người trong nước, khi vạch xuất phát của họ được kẻ
sẵn bằng một mầu hoàn toàn khác?
Nguyễn
Quốc Quân: Hiện nay đảng viên Việt Tân có người ở ngoài
nước, có người ở trong nước và chúng tôi đều biết sự khác biệt này. Đó là lý do
tôi vô cùng trân quí các chiến hữu quốc nội của tôi và luôn thấy là các đóng
góp của tôi, kể cả thời gian ở tù, không đáng là gì so với những anh chị em
trong nước đang đối diện với phiền toái và hiểm nguy hàng ngày.
Chúng ta biết rõ rằng công an và an ninh cộng sản
Việt Nam là bậc thầy của những hành động ám sát, khủng bố, thủ tiêu, giết chóc…
nên phải hiểu rằng họ sẽ không từ hành động bạo lực nào để bảo vệ chế độ của
họ. Năm 2007 khi họ bắt nguội tôi ở Tây Ninh sát biên giới Cam Bốt, trong phòng
điều tra họ doạ: “Anh đừng có nói linh tinh, chúng tôi thả anh qua biên giới
cho người khác đập đầu chết bây giờ”. Tôi thoáng rùng mình khi nhớ đến Lê
Trí Tuệ, nhưng kịp trấn tĩnh lại vì nhớ rằng họ chưa kịp khai thác gì mình. Cho
nên sau này khi công tác tại Việt Nam tôi cố giảm thiểu cơ hội bị những “tai
nạn có sắp xếp” trong bóng tối. Tôi tin rằng các anh em dân chủ có “quốc tịch
nước ngoài” cũng nhận thức rõ cái giới hạn của lợi thế đó.
Khi nhập dòng đấu tranh, dù trong hay ngoài nước,
mỗi người đều tìm cách tận dụng cái lợi thế của riêng mình. Nhưng một khi đã
vào cuộc thì không có nỗi sợ nào nhỏ hơn nỗi sợ nào đâu. Vấn đề là nỗ lực vượt
qua nỗi sợ của mình thôi. Đặc biệt khi nhìn đồng đội phải gánh quá nặng và quá
gian nan, mỗi người dễ gác nỗi sợ của mình qua bên hơn, để giữ bình tĩnh và có
những quyết định sáng suốt hơn.
Một điều đáng mừng trong thời gian qua là càng ngày
tù đày càng chỉ là nỗi lo thôi chứ ít còn là nỗi sợ. Có vị xem vào tù là “giấc
ngủ trưa” và đã hành xử đúng như vậy. Thái độ khi bước ra khỏi tù không thua
gì, và còn có phần mạnh hơn, ngày bước vào tù. Tinh thần ấy lan toả đến lực
lượng dân chủ nói chung và đến rất nhiều các bạn trẻ gần đây như Phương Uyên,
Nguyên Kha, Quốc Uy, Châu Văn Thi, Bùi Tuấn Lâm, Trần Hoài Bảo, …
Chính các bạn ấy đủ trưởng thành và đảm lược để tự
chủ quyết định sau khi đã cân nhắc lợi hại cho chính mình. Với tinh thần cùng
đến với nhau, họ tự xác định vạch mức xuất phát cũng như mức đến – Không cần ai
thuyết phục.
Và đó mới là tia hy vọng cho đất nước chúng ta.
Chúng ta vẫn thường nói lịch sử Việt Nam luôn xuất hiện những hào kiệt trong
những lúc đen tối nhất. Nay các hào kiệt đang đứng, đang đi, đang sống ngay
giữa chúng ta đó. Những người có bề ngoài bình thường nhưng với trái tim và khí
phách bên trong rất phi thường.
Phạm
Thị Hoài: Tuy nhiên có những trách cứ rằng việc Việt Tân công
khai ủng hộ một số nhà hoạt động dân chủ trong nước là gây hiểu lầm bất lợi cho
họ, và chính họ cũng luôn nhấn mạnh rằng mình là những cá nhân độc lập không ở
trong một đảng phái, tổ chức chính trị nào.
Nguyễn
Quốc Quân: Việc chị nêu là có, nhưng còn hai vế nữa mà
có lẽ công luận chưa biết tới. Đó là chúng tôi cũng nhận được một số trách cứ
với đại ý: có vẻ như Việt Tân chỉ quan tâm đến người của mình mà ít lên tiếng
hay vận động cho những người của các tổ chức khác hay những người hoạt động độc
lập trong lực lượng dân chủ. Có lời trách còn đi xa hơn nữa về “trách nhiệm
phải lên tiếng” của Việt Tân. Sau hết, chúng tôi cũng nhận được sự dặn dò trước
của một số nhà hoạt động là cứ vận động cho họ, bất kể các tuyên bố công khai
của các vị ấy.
Vì vậy, trong mỗi lần Việt Tân công khai lên tiếng
ủng hộ ai, đặc biệt là các vị đang bị xách nhiễu, giam cầm, chúng tôi phải đắn
đo nhiều, dựa trên ba yếu tố: 1) ước nguyện của nhà hoạt động ấy nếu chúng tôi
có sự dặn dò từ trước; 2) ước nguyện của gia đình nhà hoạt động ấy nếu họ đang
ở trong tù; 3) nhu cầu vận động ngay lúc đó có đòi hỏi phải lên tiếng ủng hộ
công khai không.
Nhưng quan trọng hơn nữa, theo tôi nghĩ, chúng ta
cần tránh rơi vào cái bẫy mà chế độ độc tài toàn trị rất muốn. Đó là tạo khoảng
cách tối đa giữa các lực lượng đối kháng để muôn năm trường trị. Cứ mỗi lần họ
bảo “vì có hội ABC ủng hộ nên họ đánh” thì các nhà hoạt động lại tránh ABC ra;
rồi thì sau một thời gian tránh mãi, chúng ta sẽ chỉ còn những cá nhân rời rạc,
không kết hợp với nhau được để đủ sức gỡ bỏ xiềng xích độc tài. Chúng ta cũng
thấy rõ là Việt Tân chỉ bị dùng làm cái cớ cho mục tiêu trên mà thôi. Trong
nhiều vụ việc gần đây, dù không dính dáng gì đến Việt Tân, các nhà hoạt động
vẫn bị bắt đó thôi.
Sau hết, trong ĐTBBĐ, chúng ta cần bắt đầu hành xử
các quyền đương nhiên của mình dù những người cầm quyền có chấp nhận hay không.
Và lại còn phải nhấn mạnh những quyền ấy hơn nữa khi nhà cầm quyền ra những đòn
phép để người dân tự rút quyền của mình lại. Họ càng ra các đòn phép về mặt nào
thì chúng ta càng biết các hoạt động của chúng ta về mặt đó đang “đánh đúng
chỗ” và đang làm họ lo âu.
Phạm
Thị Hoài: Dị nghị, bất hòa, chia rẽ, hữu danh vô thực…, có
lẽ còn phải thêm vào danh sách nhược điểm này nhiều đặc tính tiêu cực khác của
các đảng phái và tổ chức chính trị Việt Nam ở hải ngoại. Ông đã có gần 30 năm
hoạt động chính trị ở hải ngoại. Nếu không phải là những lời lạc quan chung
chung, ông có thể thực sự nói gì về năng lực và tương lai của những đảng phái
này?
Nguyễn
Quốc Quân: Thưa chị, Việt Tân có nguyên tắc cho mọi
thành viên là chỉ góp phần xây dựng sự đoàn kết chung trong lực lượng dân chủ,
chứ không làm sứt mẻ sự đoàn kết đó, đặc biệt là không phê bình các tổ chức
khác. Do đó, tôi xin phép không vi phạm nguyên tắc này.
Tôi chỉ xin trình bày một suy nghĩ là mọi tổ chức,
kể cả Việt Tân, nói cho cùng đều chỉ là phương tiện để các thành viên đạt đến
một mục tiêu chung nào đó. Nếu phương tiện nào không còn đáp ứng mục tiêu của
các thành viên nữa thì tiến trình chọn lọc tự nhiên sẽ xảy ra thôi. Và các tổ
chức mới, đáp ứng đúng nhu cầu hơn, sẽ xuất hiện.
Do đó, việc đồng bào chúng ta muốn đứng lên giải
quyết chuyện đất nước mới quan trọng. Khi đã có mục tiêu chung, ước muốn chung
đó ở mức nóng bỏng lên rồi, thì chính đồng bào chúng ta sẽ chọn phương tiện nào
hữu hiệu nhất cho riêng mình để tiến tới. Bà con mình đang mỗi ngày một đông
chọn lựa bước tới cái Đúng, cái Tốt, cái Thiện thay vì chọn chùn chân khi thấy
cái Sai, cái Xấu, cái Ác…
Chúng tôi cũng tin rằng sẽ tới lúc tất cả các đảng
phái đều thấy nhu cầu liên minh phối hợp với nhau thực sự, trong tinh thần đối
tác bình đẳng chia nhau gánh vác những đòi hỏi vô cùng to lớn của công cuộc đấu
tranh cho dân chủ và canh tân đất nước.
Phạm
Thị Hoài: Những người trực tiếp điều hành một tổ chức chính
trị không thể chỉ làm công việc này vào Chủ nhật. Họ buộc phải là những người
hoạt động chuyên nghiệp, toàn thời gian. Ban lãnh đạo Việt Tân và bản thân ông
có là những người hoạt động chính trị chuyên nghiệp như vậy không?
Nguyễn
Quốc Quân: Đúng như chị nhận định là những người trực
tiếp điều hành một tổ chức chính trị cần hoạt động chuyên nghiệp và toàn thời
gian. Do điều kiện eo hẹp về tài chính và một số giới hạn khác trong cuộc sống,
việc hoạt động toàn thời của một đảng viên không những là một quyết định gay go
của chính mình mà còn cần đến sự hỗ trợ tinh thần và hi sinh của những người
thân trong gia đình nữa.
Việt Tân có bao nhiêu người như vậy? Xin thưa là
chưa đủ để đáp ứng hết các nhu cầu.
Nhưng đó chưa phải là điều quan trọng tôi muốn được
chia sẻ ở đây. Nếu nói yếu tố “chuyên nghiệp” như là sự chuyên tâm học hỏi kinh
nghiệm về trách vụ được giao, và nói yếu tố “toàn thời” như là số lượng 40 giờ
một tuần dành cho công việc ấy; thì ở trong cũng như ngoài nước, Đảng Việt Tân
may mắn có một tập thể không ít các anh chị em, cùng chung một lý tưởng và
quyết tâm như thế. Họ vắt ra những mẩu thời gian và phương tiện xen kẽ với công
việc kiếm sống, góp nhặt thì giờ quí giá của gia đình, giảm bớt những sinh hoạt
giải trí khác để góp sức với đồng đội trong tổ chức.
Và đặc biệt, những con người toàn tâm toàn ý cho
việc chung như vậy không chỉ có trong các tổ chức chính trị. Nếu nhìn kỹ hơn ta
sẽ bắt gặp ở một số vị hoạt động trong cơ chế cộng đồng, trong các trường dạy
Việt ngữ, trong môi trường truyền thông, văn hoá, xã hội… hoàn toàn thiện
nguyện. Động lực duy nhất khiến chúng ta cứ tiếp tục hoài như vậy là nhu cầu
được làm điều Đúng, điều Đẹp, điều Ưa Thích. Tôi tin tưởng ở tính hướng thiện
của con người là nhờ quí vị ấy. Và vì thế tôi có quyền lạc quan về giai đoạn
canh tân Việt Nam sau này.
Phạm
Thị Hoài: Một tổ chức chính trị đương nhiên là cần kinh phí
hoạt động, cần rất nhiều. Kinh nghiệm của ông trong lãnh vực này như thế nào?
Nguyễn
Quốc Quân: Nhận xét của chị rất chính xác, mọi loại hoạt
động đều phải có chi phí, từ tiền in ấn, điện thoại, máy móc, đến những vé xe
đò, xe lửa, máy bay, đến việc giúp đỡ gia đình các nhà tranh đấu đang bị giam
cầm, v.v… thậm chí cả đến tiền hối lộ để vượt qua một số rào cản. Chính vì thế,
công an và an ninh Việt Nam luôn tìm mọi cách để khống chế và bao vây kinh tế gia
đình các nhà bất đồng chính kiến trong nước và xuyên tạc các nỗ lực kinh tài
chân chính của các tổ chức chính trị.
Việt Tân, cũng như các tổ chức chính trị khác, phải
tự mình lo các chi phí cần thiết tối thiểu để có thể chủ động trong các sinh
hoạt căn bản và trường kỳ. Để đáp ứng nhu cầu ấy, ngoài các cơ sở kinh doanh và
đầu tư độc lập của tổ chức, các đảng viên Việt Tân tùy theo hoàn cảnh riêng đã
và đang cống hiến trí tuệ, thì giờ, công sức, cũng như tài chính để góp chi phí
trong sinh hoạt địa phương và quốc nội.
Chúng ta lại còn có khối người Việt nặng lòng với
quê hương đang sống trên khắp thế giới. Sự tự lập này rất cần thiết để giữ được
độc lập trong những quyết định tốt nhất cho đất nước.
Ngoài ra, chúng ta còn có nhiều tổ chức nhân quyền
đang rất quan tâm đến tình trạng chà đạp nhân quyền tại Việt Nam và sẵn lòng
giúp chúng ta một số phương tiện. Tôi tin là khi dân tộc Việt Nam sẵn sàng cho
một cuộc đổi thay bằng một cuộc tranh đấu ôn hòa trên đường phố như tại Ai Cập,
hay tại các cuộc cách mạng màu, thế giới sẽ nhập cuộc cùng với chúng ta. Xu
hướng của nhân loại đã rất rõ.
Phạm
Thị Hoài: Về lâu dài, mỗi chính đảng hay tổ chức chính trị
muốn tham gia vào tiến trình chuyển hóa xã hội buộc phải có đội ngũ chuyên gia
của mình về các lĩnh vực thiết yếu trong xã hội. Ông có thể khoe chút ít về đội
ngũ ấy của Việt Tân không?
Nguyễn
Quốc Quân: Điều làm tôi tạm yên lòng là anh chị em Việt
Tân có mặt trong đủ loại ngành nghề, đủ loại tầm mức, và đủ mọi lứa tuổi; nhất
là lứa tuổi từ 20 đến 40, trội cả về chất lẫn lượng. Nhưng chúng tôi cũng biết
rất rõ là dù với lực lượng gấp nhiều lần hiện nay, Việt Tân vẫn không bao giờ
nghĩ một mình Việt Tân có thể chuyển hóa cả xã hội. Rộng hơn nữa, không một
giai cấp nào hay ngay cả một mình chính phủ (dân chủ trong tương lai) có thể
giải quyết vấn đề của đất nước sau bao năm bị tàn phá tan hoang trong mọi lãnh
vực.
Để băng bó lại đất nước về mọi mặt và đưa đất nước
đi lên, TOÀN THỂ DÂN TỘC trong nước và trên khắp thế giới phải góp phần. Việt
Tân dù lúc đó nằm trong hay ngoài chính quyền sẽ chọn lãnh vực mà chúng tôi có
thể đóng góp hữu hiệu nhất. Chọn lựa này vừa dựa trên nhu cầu đất nước vừa dựa
trên sức lực thực tế của Việt Tân vào lúc đó.
Cám ơn chị cho cơ hội khoe nhưng xin khất cho đến
ngày đất nước mình cất cánh đã. Và lúc đó có lẽ chúng ta chỉ có một niềm tự hào
chung là đội ngũ chuyên gia Việt Nam hùng hậu cả trong lẫn ngoài nước đã đổ hết
tài năng ra để đưa đất nước bắt kịp với thế giới trong thời gian kỷ lục.
Phạm
Thị Hoài: So với các đảng phái và tổ chức chính trị ở hải
ngoại, sự hiện diện của Việt Tân trên truyền thông hiện đại là tương đối mạnh.
Song, xin lỗi ông, xếp hạng truy cập website chính thức của Việt Tân cũng như
Đài Chân trời Mới cho thấy tầm ảnh hưởng của những cơ quan ngôn luận này khá
khiêm tốn. Các trang mạng xã hội của Việt Tân cũng vậy. Tôi có cảm giác rằng
thay vì thực sự dùng Internet như một vũ khí, các nhà hoạt động chính trị chỉ
nói về cái vũ khí ấy.
Nguyễn
Quốc Quân: Chà, câu này nghe thì cũng rát thật đấy nhé,
nhưng đó cũng lại là điều khá đặc thù mà tôi vẫn quí nơi chị Hoài. Phần đáp lại
dễ nhất của tôi là tự nhận Việt Tân còn yếu về mặt này.
Anh chị em đã cố gắng nhiều nhưng chắc chắn là còn
phải học hỏi nhiều hơn nữa các cách để vượt qua những khó khăn sau đây:
Như chị biết, tất cả các trang liên hệ đến Việt Tân
đều bị chặn ở trong nước. Đại khối bà con chúng ta trong nước phải vượt qua
nhiều khó khăn về tiền bạc, thời giờ, kiếm người hướng dẫn, v.v… mới tiếp cận
được với môi trường Internet. Nay lại còn phải học thêm cách vượt tường lửa,
giấu IP, v.v… Bên cạnh đó là những hù dọa tâm lý của công an. Để đối phó với
một nhà cầm quyền mà tổ chức Phóng viên Không Biên giới và nhiều tổ chức nhân
quyền khác liệt vào loại “Kẻ thù của Internet”, chúng tôi đã cố gắng cập nhật
liên tục các cách vượt rào tại trang NoFireWall.blogspot.com
và dùng một số phương tiện Internet khác để chuyển tải đến các tụ điểm không
minh danh Việt Tân hầu có thể với tay đến đồng bào mà ít bị ngăn chặn hơn. Dĩ
nhiên tôi không liệt kê ra đây.
Và sau hết, bên cạnh các phương tiện “high-tech”
đang nổi trội, chúng tôi cũng không xem thường một số cách khác mà mình gọi nôm
na là “low-tech”.
Phạm
Thị Hoài: Ông có cho rằng trong tình thế hiện tại, không thể
nhấc Đảng Cộng sản ra khỏi một giải pháp chính trị cho Việt Nam?
Nguyễn
Quốc Quân: Tôi cho rằng mọi chế độ độc tài khi còn nắm
quyền, dù là trong những tháng chót, đều cố tạo cho người dân có ấn tượng như
thế.
Tôi nghĩ là nhấc được, nếu dân tộc chúng ta muốn.
Điều đã khá rõ là ai cũng thấy thể chế độc tài dìm đất nước chúng ta trong lạc
hậu. Các lớp sơn bề ngoài nay không còn che mắt được mấy ai nữa. Dứt khoát độc
tài phải bị tháo gỡ. Nếu Đảng CSVN không chấp nhận điều đó thì họ phải bị loại
bỏ khỏi bất cứ giải pháp chính trị nào cho đất nước. Còn nếu họ chấp nhận nằm
trong pháp luật của một thể chế dân chủ và để tùy người dân chọn lựa bộ phận
lãnh đạo, thì họ có thể tồn tại được chứ, như các đảng cộng sản tại Âu châu
thôi.
Nhưng quan trọng là Đảng CSVN phải ngưng các hành
động bạo hành càng ngày càng tệ hại đối với người dân. Mức độ nhẫn nại và chịu
đựng của dân tộc có giới hạn. Nếu họ cứ tiếp tục xem dân là kẻ thù như hiện nay
thì sẽ đến lúc dân tộc dứt khoát coi họ là kẻ thù. Điều này đã thấy tại nhiều
chế độ độc tài, gần đây nhất là Libya và Syria.
Phạm
Thị Hoài: Ông có một tấm gương nào không?
Nguyễn
Quốc Quân: Có đôi lúc, thoáng nghĩ tấm gương của mình là
Mẹ Theresa, Đức Phật Thích Ca, hay Nguyễn Thái Học… Nhưng rõ là không phải, tôi
vẫn cảm thấy rung động và hạnh phúc hơn rất nhiều khi được gần gũi trực tiếp
hoặc gián tiếp với những tấm gương đời thường xung quanh, đặc biệt là những anh
chị em đang dấn thân trong nước vì tương lai của dân tộc mình. Những hành động
phi thường của họ đã làm cuộc đời đẹp và có ý nghĩa hơn. Với tôi, việc phi
thường ở đây là việc vượt thắng giới hạn của chính mình để thực hiện một việc
công ích, mà tầm vóc công việc có thể cũng rất bình thường. Và những tấm gương
này không xa lạ gì lắm đâu, tôi không chỉ nhớ tên mà còn có thể hình dung từng
khuôn mặt và một số giọng nói nữa. Tôi thường xuyên lấy họ làm động lực và đích
nhắm để cố gắng phấn đấu những lúc mệt mỏi.
Phạm
Thị Hoài: Cảm ơn ông Nguyễn Quốc Quân đã trả lời phỏng vấn.
© 2013 pro&contra
No comments:
Post a Comment