Sunday, 27 October 2013

NHỮNG ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT CHO CÔNG CUỘC KINH BANG TẾ THẾ THỜI HẬU CỘNG SẢN (Lưu Nguyên Đạt, TS, LS)




Lưu Nguyễn Đạt, TS, LS
October 26, 2013 | Bình Luận

I. Từ Thực Trạng Phũ Phàng

Sau hơn 38 năm Cộng sản Việt Nam [CSVN] xâm chiếm Miền Nam và áp đặt một ngụy quyền toàn trị từ Mũi Cà Mâu tới “gần” Ải Nam Quan, dân tộc Việt đã phải đối mặt với một thực trạng phũ phàng là toàn cõi đất nước đã lộn đầu trở lại thời trung cổ hoang dã của chế độ phong kiến,[1] với quân vương bá chủ có quyền thế chấp hữu đất đai, rừng già, gấm vóc, nhân lực, tài lực; có quyền lợi muôn mặt chia chác lại cho quân thần nịnh bợ, tham nhũng.  Chế độ phong kiến đó nay tái thế với tập đoàn lãnh tụ CSVN, củng cố bởi các đảng viên mafia xã hội chủ nghĩa, nửa đỏ nửa đen; bành trướng bởi đội ngũ kinh tài thiển cận cùng các “nhóm lợi ích” đón gió, thất học; trấn an bởi hoả mù hương khói tôn giáo quốc doanh; áp đặt bởi guồng máy công an du côn, tàn bạo; tung hô, nặc nộ bởi thứ thẩm phán tôi tớ, sao y lệnh đảng.  Tất cả nhóm phiệt đầu sỏ ưu đãi này ăn bám vào đảng [có đảng có ta], trưng thẻ đảng để lấy ảnh hưởng, sớm chiều trở thành tầng lớp đại gia, chủ nhân ông của những “thái ấp” biến thành cơ xưởng kếch sù, chủ nhân bà của những “đất phong” làm tổ hợp kinh doanh gian trá, cướp đoạt từ hạ tầng nô dân thất thế, bất lực.   

Theo đà “diễn biến” cập nhật, chế độ phong kiến CSVN tự lột xác để trở thành một hiện tượng quái thai, nửa [a] pháp quyền đồng bóng [ẩn núp quyền thế hiến pháp lộn ngược[2] và luật lệ giả tạo, mãnh thú[3] để ra tay trả thù và trừng phạt nhân dân oan ức, khi họ minh mẫn khiếu nại công lý; nửa [b] phù thủy rừng rú, đầu nậu tài phiệt giang hồ, với cung cách bè phái, u mê tị hiểm, trong một xã hội mánh mung, sẵn sàng lường gạt lẫn nhau vì quyền lợi bong bóng giả tạo; trong một đại đồng ảo, mấp mé phá sản và cực kỳ chênh lệch về mặt xã hội, văn hoá.

Vậy sau khi chế độ phong kiến CSVN lỗi thời kia tự nổ, hay vì một áp lực chính trị, quân sự nào đó phải giải thể –như một điều kiện cần và đủ; như một biến cố chẳng đặng đừng, ắt phải có–, thì tổ chức lãnh đạo quốc gia trong tương lai cần dựng nước và phục vụ toàn dân ra sao?

Hay lại vô tình hay bất lực tái tục đường hướng bi thảm, đen tối của chế độ phong kiến, cường hào ác bá, cha chú lỗi thời, dù cải diện với một danh xưng khác, một ảo ảnh khác? 

Hay chỉ loay hoay thử thách với những phương thức cai trị phiến diện, vá víu, ngược xuôi, xuôi ngược để cuối cùng hy sinh thêm vài thế hệ nữa, vài thập niên nữa, trong vòng luẩn quẩn của bất lực chậm tiến, của ảo tưởng thiển cận, mù quáng!

II. Tới thời điểm “Hậu Cộng Sản”, chính quyền và toàn dân phải làm gì, làm những gì?  Đó là những câu hỏi cần phải trả lời kỹ lưỡng, sòng phẳng, phân minh.

Cấp bách, nhà lãnh đạo cần chọn lựa, phát huy và bảo toàn một căn bản sinh sống đầy đủ, đúng mức cho toàn dân.  Vậy, kinh tế, đúc kết từ “kinh bang tế thế”, về mặt vĩ mô,[4] phải là sách lược mẫu mực, toàn diện, xử dụng tài nguyên và các tiềm lực cơ bản liên hệ để phát triển đất nước và phục vụ toàn dân, một cách chân chính, trong sáng, có ý thức hiện đại và trách nhiệm cho tương lai.

Chính yếu, nhà lãnh đạo phải ý thức và bảo trọng tài nguyên và tiềm lực cơ bản trong nước, gồm truyền thống và năng lực nhân dân, môi trường đất đai, cơ sở kiến thiết, máy móc dụng cụ, kỹ thuật và nhất là kiến thức xử dụng và kết hợp những thành tố trên để tạo thành tổng lượng sản phẩm và dịch vụ hữu ích, cần thiết cho đời sống ngày càng tinh vi, văn minh, hướng thượng.

Về phân tích tương quan, kinh bang tế thế, pháp chế cai trị và các kế hoạch quản trị, kinh tài chỉ là những sách lược, phương thức, những phương tiện và thủ tục thi hành sứ mạng nhằm giải đáp nhu cầu an lạc, thịnh vượng mà toàn dân là cứu cánh, là trạm cuối cùng hưởng dụng thu lợi

Vậy điển hình, 90 triệu dân bao gồm dân tộc Việt nếu được “tiêu biểu vị thế” bằng 100 họ cổ đông ngang vốn, ngang quyền khi lập hội thu lời –xây dựng/tái thiết đất nước–, thì những cổ đông này đương nhiên có quyền tham gia hội đồng quản trị hay quyết định quyền lợi của họ với tư cách cổ đông, là người có cổ phẩn trong công ty “vận-nước”, mà 100 họ là đồng sở hữu chủ, trong thể chế dân chủ chân chính, với căn bản “dân-làm-chủ”, trực tiếp hay gián tiếp.

Kể cả người Việt hải ngoại cũng phải coi họ là sở hữu chủ vắng mặt, với quyền lợi nguyên vẹn, căn cứ vào văn tự chủ quyền pháp lý gốc, căn cứ vào mẫu mực công bằng xã hội, vào truyền thống văn hoá, lịch sử phân minh.

Vậy 100 họ bao gồm cả dân tộc Việt phải luôn luôn xác định chủ quyền tự quyết về quyền lợi, trách nhiệm và thế lực quốc gia của dân, do dân, vì dân, qua tiếng nói trung trực, minh mẫn của các tổ chức xã hội dân sự chuyên ngành, tự tin, tự trọng; của đảng phái đa nguyên, thực lực, vị dân; của các cơ quan ngôn luận, báo chí độc lập, chuyên nghiệp, sáng tạo, tự kiểm; của giới trí thức chân chính, dấn thân; của nền giáo dục học đường cẩn mẫn, cởi mở, trong sạch, cấp tiến; của tư duy và văn hoá dân tộc hội nhập, trưởng thành: quyền lực của dân phải do chính dân để ý chăm sóc, canh chừng, “tự bảo hiểm”, vì đó là quyền lợi và trách nhiệm của 100 họ — tập thể cổ đông sở hữu chủ duy nhất, tối trọng — của đất nước, trên toàn lãnh thổ, lãnh hải do tổ tiên, cha ông để lại. 

Chính quyền — từ dân – vốn là thành phần dân cử vào các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp chỉ có nhiệm vụ độc nhất là thượng tôn luật pháp, thi hành sứ mạng hiến định bảo vệ quốc gia và bảo trọng quyền lợi dân tộc. Nếu hoàn tất sứ mạng giao phó, nhà hữu trách, lãnh đạo dân cử, sẽ được lưu nhiệm bằng lá phiếu tín nhiệm của dân. Thực sự của dân.

Ngược lại, nếu đảng phái và nhà cầm quyền dân cử tại chức điều hành, quản trị việc nước mà phản bội dân, ngược đãi, lường gạt dân, gây tổn hại cá nhân hay tập thể, họ sẽ  tức khắc bị coi là lạm quyền, cướp quyền, là vi phạm hiến pháp, luật pháp, nên sẽ bị truất phế, giải nhiệm, hay bị xử lý nghiêm chỉnh, theo luật định, hay căn cứ vào mức độ vi phạm khế ước song phương mà người dân và kẻ chấp chính – quản lý quốc vụ — đã cam kết và nhận thi hành.

III.  Để Tạm Kết

Ở ngay những bước đầu cuộc hành trình vĩ mô quản trị đất nước, phục quốc an dân, kinh bang tế thế, những người có trách nhiệm, có thẩm quyền, có lương tri và lương tâm, có nhu cầu chính đáng, cần xác định rõ rệt:

[1] toàn dân có thực quyền sở hữu và hưởng thụ tư sản[5] tài sản công hữu,[6] sử dụng, khai thác, kiểm soát công sản, hạ tầng cơ sở, giang sơn, lãnh thổ, lãnh hải;[7] toàn dân có quyền lợi và trách nhiệm bảo toàn định mệnh an sinh, phú cường của họ; toàn dân có quyền tự do cử người đại nhiệm quản lý tài sản và quyền thế của họ; toàn dân có quyền giải nhiệm kẻ bất xứng, bất tài, hay truất phế kẻ bất hảo, phản quốc, hại dân.

[2] chính quyền, đảng phái chỉ là những đối tác quốc vụ hợp hiến, hợp pháp; chính quyền, đảng phái chỉ là những công bộc hội đủ tư cách và khả năng, có bổn phận bảo vệ, phát triển đất nước, có sứ mạng phục vụ toàn dân, nâng cao dân trí, cải tiến đời sống dân gian, theo nhiệm kỳ và khế ước công vụ.  Chính quyền, đảng phái phải thi hành sứ mạng đó, trên căn bản dân chủ chân thực — nguyên vẹn, toàn diện–, của dân, do dân, vì dân.  Ngược lại là vi hiến, là phạm pháp, là bất chính, là khả trừng.

Xác định danh chính ngôn thuận, biết rõ cung cách, quyền lợi và trách nhiệm của từng vị thế dân sự và quốc sự là những điều kiện tiên quyết ngay khi nhập cuộc kinh bang tế thế, nhằm phát triển tiến bộ; nhằm hoàn tất sứ mạng làm người Việt Nam tự do, tự chủ, sung túc, tử tế, trong một đất-nước-Việt trung hậu, vẹn toàn, trong sáng, công bằng, lương thiện.

Trân trọng,
TS-LS Lưu Nguyễn Đạt


CHÚ THÍCH 
[1] In medieval times the system of feudalism dominated. With feudalism, there was a strict class system consisting of nobles, clergy and the peasants. In the system, the king owned almost all the land and under him were a series of nobles that had land holdings of various sizes. On these landholdings were series of manors. These were akin to large farming tracts in which the peasants or serfs worked the land in exchange for protection by the nobles.
[2] Điều 4 trong bản “Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – 2005 – Bản sửa đổi), có đoạn viết như sau: “Đảng Cộng Sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”
[3] Việc sử dụng điều 79 và 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam đối với những nhà hoạt động bất chính kiến vi phạm luật nhân quyền quốc tế.
[4] Macroeconomics [kinh tế vĩ mô] is the study of the entire systems of economics. Microeconomics [kinh tế vi mô] is the study of how the systems affects one business or parts of the economic system.
[5] private property/private ownership
[6] condominium/”divided co-property” (co-propriété divisée) is used, although the colloquial name remains ‘condominium’. In France, the equivalent is called copropriété (co-ownership).
[7] do dân đóng góp các sắc thuế kiến thiết quốc gia, mua công khố phiếu bảo trì hạ tầng cơ sở, công sản, lãnh thổ, lãnh hại.



No comments:

Post a Comment

View My Stats