Mặc Lâm,
biên tập viên RFA
2013-10-12
2013-10-12
Cái chết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tuần lễ
vừa qua đang khuấy động xã hội miền Bắc một cách tích cực hơn bao giờ hết. Từ
Quảng Bình ra tới Hà Nội, người dân xôn xao với những cảm nghĩ vừa giống lại
vừa khác nhau, nhưng nhìn chung là sự tiếc thương thành thật một danh tướng
Việt Nam vừa vĩnh viễn ra đi, mặc dù ông đã sống vượt sự tưởng tượng của rất
nhiều người: 103 tuổi.
Một
danh tướng cô đơn
Ông mất vào buổi chiều ngày 4 tháng 10 nên suốt đêm
đầu tiên không có một biểu hiện gì đáng kể. Thế mà sáng hôm sau, bắt đầu từ
chiếc cổng màu vàng quen thuộc của căn nhà số 30 đường Hoàng Diệu Hà Nội, người
dân bắt đầu tập trung ngày một đông dần. Ban đầu là len lén nhìn, sau đó là áp
sát vào chiếc cổng cũ kỹ mà chừng như gần một thế kỷ trôi qua không được trùng
tu. Cái cổng nhà ấy làm người biết ông càng chạnh lòng hơn khi so sánh nó với
ông khác nào những hoang phế lịch sử. Chiếc cổng còn đó tiếp tục làm vật chứng
khi chủ của nó đã ra đi mang những mẩu chuyện riêng tư của ông trở về cát bụi.
Những câu chuyện tư riêng buồn bã ấy đã theo ông hơn
50 năm. Ngắt nửa đời còn lại của ngôi sao Điện Biên Phủ và nhấn chìm nó vào sự
lãng quên. Thế lực chính trị từ thời đại Lê Duẩn trở đi đã vùi dập một con
người mà hàng trăm nhân chứng còn sống tới nay sẵn lòng lên tiếng khi được hỏi.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm xuống cũng là dịp cho
báo chí lấy công chuộc lại những sai lầm của họ từ nhiều chục năm qua. Sự im
lặng do bị cấm đoán từ Ban Tuyên giáo của nhiều đời Tổng bí thư đã khiến báo
chí trở thành giấy bản và trên ấy người ta không thể tìm ra ba chữ Võ Nguyên
Giáp ngay cả những dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ quan trọng. Có lẽ do
im lặng quá lâu nên khi được nói những điều cần nói, báo chí vận dụng hết tất
cả ngôn ngữ hay ho, có cánh nhất để viết về một vị danh tướng cô đơn, đã làm
nên lịch sử và cũng bị chính lịch sử ấy cùng với đồng lõa của nó bỏ quên.
Điều làm người đọc báo ngạc nhiên
trong mấy ngày qua khi hai từ đúng nhất dành cho ông là “danh tướng” lại không
thấy báo chí sử dụng vào những cái tít, mà thay vào đó là những câu chữ hết sức
lạc điệu nếu không muốn nói là quá đáng. Những cụm từ nâng cao ông lên nhưng
không chứng minh hay thuyết phục được người đọc có nhãn quan trung tính khiến
câu chữ mất hết tác dụng. Chỉ là một nhà giáo hiền lành sống cuộc đời đạm bạc
sau khi bị cô lập, nay người ta nâng ông lên thành “nhà văn hóa” khiến nhiều
người ngạc nhiên tự hỏi liệu sự vượt cấp này sẽ làm một người chứng ngộ như ông
cảm thấy ra sao?
Như chưa đủ thỏa mãn, một tờ báo lớn phong thánh cho
ông qua cái tựa “Nhân dân sẽ tôn thờ ông như một vị thánh” Giáo sư sử học Lê
Văn Lan thì cho rằng “từ nhân tướng, ông sẽ trở thành thánh tướng sau này”.
Cũng phong thánh nhưng nhà thơ Ngô Minh phong
trong một ý nghĩa khác, thánh đối trọng với quỷ, những con quỷ đã hãm hại người
hiền:
“Mở mắt ra mà nhìn hỡi kẻ tị hiềm
Ngững ngày này cho đến muôn sau
Tướng Giáp đã thành Thánh
Thánh trên TRỜI
Thánh giữa LÒNG DÂN
Ngững ngày này cho đến muôn sau
Tướng Giáp đã thành Thánh
Thánh trên TRỜI
Thánh giữa LÒNG DÂN
Hãy nhìn những dòng người trẻ già trai gái Hà Nội,
Mường Phăng,
Nước mắt mặn nối nhau về 30-Hoàng Diệu
Dòng người chợ Tréo, Đông Hà, Đồng Hới, Huế, Trường Sơn,
Nước mắt mặn dắt nhau về bờ Kiến Giang An Xá
Nấc nở khóc vị tướng của lòng mình
Khóc một MẶT TRỜI vừa tắt !
Nước mắt mặn nối nhau về 30-Hoàng Diệu
Dòng người chợ Tréo, Đông Hà, Đồng Hới, Huế, Trường Sơn,
Nước mắt mặn dắt nhau về bờ Kiến Giang An Xá
Nấc nở khóc vị tướng của lòng mình
Khóc một MẶT TRỜI vừa tắt !
Hãy mở mắt to ra mà nhìn hõi kẻ tỵ hiềm
Các vị còn sống đấy chứ? Nếu chết rồi thì con cháu hãy ghi
Một thời tim khô mắt tròn mắt dẹt
Dở thói côn đồ vu vạ anh hùng
Bôi đen lịch sử, đổi tráo tuổi tên…
Toan đánh hạ tướng uy danh lừng lẫy”
Các vị còn sống đấy chứ? Nếu chết rồi thì con cháu hãy ghi
Một thời tim khô mắt tròn mắt dẹt
Dở thói côn đồ vu vạ anh hùng
Bôi đen lịch sử, đổi tráo tuổi tên…
Toan đánh hạ tướng uy danh lừng lẫy”
Báo chí với những nhận định ưu ái nhưng khó tránh
tranh cãi ấy ngày một nhiều hơn trên các trang mạng xã hội hay trang blog nổi
tiếng. Ban đầu còn ít, càng gần ngày quốc táng sự tranh cãi gay gắt càng nhiều
hơn nhất là hiện tượng được gọi là “nhẫn” nơi vị tướng lừng danh này.
Giữ
gìn sự đoàn kết cho đại cuộc
Câu chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị cô lập và hãm
hại qua hai vụ án được nhiều người biết đến rất mù mờ trước đây được nhà báo
Huy Đức hé bức màn “Vụ án xét lại chống đảng” và “Năm Châu – Sáu Sứ” chi tiết
hơn khiến nhiều người nổi giận. Vừa thương vừa trách. Người ta không thể hiểu
được tại sao ông im lặng chịu đựng những năm tháng lao lý và cả những cái chết
oan khuất của các đồng chí dưới quyền nhưng vẫn không lên tiếng minh oan cho
họ.
Trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân số và
Sinh đẻ Có Kế hoạch, người ta không tin vào chữ “nhẫn” mà đại tướng từng xác
định. Sự im lặng kéo dài được hiểu là “cam chịu”, một trạng thái rất gần với
“hạ mình”, nhịn nhục. Vài người còn lớn tiếng gom vào một tính từ “nhục”.
Những hạt sạn ấy làm rất nhiều người cảm thấy bất
an. Cả hai bên, viên sạn “vụ án xét lại chống đảng” và chức vụ “nhục là chính”
làm người ta thương và trách ông. Lý tính và cảm tính không thể đồng hành, cả
hai vẫn mạnh ai nấy giữ tình cảm ẩn chút xót xa đối với vị tướng đã một thời
oanh liệt.
Một trong những comment rất kiềm chế xuất hiện trước
tiên sau khi đại tướng mất là của nhà báo Đoan Trang. Trên trang blog cá
nhân của mình cô viết:
“Nhiều người
thắc mắc về thời kỳ Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Dân
số và Sinh đẻ Có Kế hoạch. Người ta tự hỏi, vì sao một vị tướng lẫy lừng của
Quân đội Nhân dân Việt Nam lại chấp nhận một cương vị công tác có vẻ “thấp” đến
thế so với tài năng và danh tiếng của ông? Có lẽ đây sẽ là một vấn đề để mai
sau này lịch sử xem xét lại, nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác, cũng đã có
những ý kiến cho rằng một người trí thức cộng sản là phải như thế: Luôn luôn vì
cái chung, vì đại cục. Bởi, sẽ ra sao nếu vào những ngày tháng khó khăn sau
chiến tranh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng ảnh hưởng của mình trong quân
đội để đối đầu với những đồng chí của ông, nhằm giữ cho ông một cương vị, chức
vụ cao hơn?
“Ông đã chọn cách im lặng, không phải vì ông hèn, mà
vì ông là trí thức, và vì ông thấy cần phải giữ gìn sự đoàn kết cho đại cuộc” –
một người thân của ông có lần nói với tôi như thế.
Tôi không có ý kiến. Vì tôi không ủng hộ lối tư duy
“nhẫn nhịn, im lặng trước cái xấu, vì đại cuộc”. Nhưng tôi lại cũng nghĩ,nếu Võ
Nguyên Giáp lên tiếng mạnh mẽ từ những năm ấy, ông chắc sẽ không tránh khỏi số
phận của Trung tướng Trần Độ sau này.”
Không nhẹ nhàng như Đoan Trang, nhà báo Phạm
Thành cũng là một chiến binh Điện Biên Phủ, có những giòng chữ cay đắng
hơn, tuy nhiên trong cái cay đắng ấy người ta nghe được mùi mặn của máu và nước
mắt:
“Đại tướng ra đi, người lính năm xưa của Đại tướng
thấy mừng hơn là buồn. Cứ tưởng tượng đến các tướng lĩnh dưới trướng Đại tướng,
mấy triệu binh sĩ trong đội quân của Đại tướng, ở dưới âm phủ đợi Đại tướng đã
lâu, nay quân, tướng được gặp mặt nhau, “tay bắt mặt mừng”, nói nói cười cười,
tâm tâm tư tư… thì Đại tướng như trở về Đại gia đình binh sĩ, chỉ có vui chứ
làm gì có buồn?
Vui, nhưng Đại tướng đừng quên, có lúc Đại tướng làm
Trưởng ban Dân số, lo sinh, lo đẻ đúng kế hoạch cho dân nước mình nữa đấy.
Chúc cho Đại tướng, dù ở đâu cũng là nhà quân sự tài
ba, đánh nhau giỏi; nhà kiến trúc lỗi lạc, chăm lo cho dân nước mình sinh đẻ
đúng kế hoạch.
Âm phủ như thế là vẹn cả đôi đường. Có tướng tài, có
người làm lính cho Đại tướng cầm quân đi đánh nhau, lo gì cách mạng xã nghĩa
của nước mình không tiến lên đến thế giới đại đồng, lo gì nhân dân không ngưỡng
mộ, lo gì thế giới không ngợi khen?
Người lính năm xưa của Đại tướng chỉ lưu ý với Đại
tướng một điều, Đại tưởng chớ đem chữ “Nhẫn” ra dạy cho sĩ quan và binh lính để
hưởng sự yên ổn, thái bình. Đại tướng mà dạy như thế chẳng ai chịu đi lính,
chẳng ai chịu hy sinh cho Đại tướng nữa đâu. Như thế Đại tướng lấy đâu quân
lính, lấy đâu ra “nhất tướng công thành vạn cốt khô” để Đại tướng làm Đại
tướng, làm Tổng Tư lệnh? Như thế sự nghiệp chấn hưng Chủ nghĩa xã hội dưới âm
phủ của Đại tướng sẽ không thành.”
Cả
triệu người chung một niềm mất mát
Trong khi Hà
Nội tràn ngập những nhánh hoa thương tiếc, Quảng Bình cố giấu những tiếng nấc
vào trong tim thì Sài Gòn tỏ ra không mấy sinh động trước biến cố này. Người Sài Gòn vẫn gạo chợ nước sông, trôi theo vòng quay miếng cơm manh
áo. Hình như cái chết của danh tướng Võ Nguyên Giáp không đủ sức lay động trái
tim của người Sài Gòn vì cái tên của ông không làm cho số lớn người dân miền
Nam hãnh diện. Nhiều người biết đến Điện Biên Phủ như một chiến thắng chung của
cả nước và Võ Nguyên Giáp nằm trong lòng họ chỉ là cái tên của một vị tướng tài
không hơn không kém. Một phần do chính quyền miền Nam không khuếch tán chiến
thắng của miền Bắc, một phần khác người dân chưa quen với cung cách tôn sùng
lãnh tụ mà Hà Nội vẫn dùng ngay cả sau khi Sài Gòn giải phóng.
Giòng chảy lịch sử bị chặn lại từ vĩ tuyến 17 khiến
Sài Gòn hững hờ với Điện Biên, hay nói đúng hơn hờ hững với Đại tướng Võ Nguyên
Giáp. Ông không chiếm lĩnh quả tim dân chúng miền Nam trọn vẹn cũng là điều dễ
hiểu. Nhưng với bản tính cởi mở, người miền Nam có thể rơi nước mắt khi hay tin
một người như ông vừa chết tại Hà Nội. Hai chữ đồng bào hình như gắn bó với
phương Nam hơn hai vùng còn lại.
Nguyễn Ngọc Tư có cái nhìn theo góc của ngữ nghĩa
này. Tác giả “Cánh đồng bất tận” quan sát những diễn biến của người Sài Gòn và
trải lên giấy những hình ảnh xao động cảm xúc của người dân vốn ngoại cuộc với
chính trị nhưng luôn mở lòng ra với những điều đơn sơ xảy ra chung quanh như
chúng vẫn thế:
“Mà ông tướng đó cũng không phải ruột thịt, hay họ
hàng xa, hay láng giềng ở cạnh nhà. Ông giỏi thì khỏi nói, cái đó cả thế giới
chịu rồi, “nhưng tụi mình đâu phải thương chỉ mỗi chuyện đó”, bạn quệt cùi tay
chùi nước mắt, nói “nghĩ tới ông như là nghĩ tới ông nội mình, không hề có cảm
giác xa xôi vĩ đại”. Bàn bên mấy anh đòi nợ mướn cũng thôi chửi thề một con nợ
khó nhằn, một anh buột miệng “nhìn ổng hiền như con cọp ăn chay”. Màn hình đông
chừng mười lăm giây nụ cười hồn hậu của ông tướng. Tự biết trong lòng người
dân, hình ảnh ấy còn đọng lại rất lâu.
Bạn tôi tin hồi tại thế ông sống như mình có, không
cố ý sống sao cho dân phải khóc khi lìa cõi tục. Tự nhiên từ khí chất. Thấy ông
tưới phong lan, cũng lui cui như ông già kế bên nhà. Thấy nụ cười, biết rằng
những oan khuất nhục vinh đã bị ông phẩy tay bỏ lại. Chỉ dân là ông không quên,
khi thỉnh thoảng gửi báo những bài viết tâm huyết đóng góp cho chính sách dân
sinh.
Mấy hôm trước cà phê sáng với nhau bạn còn kêu xã
hội nhìn đâu cũng rẽ chia xáo xác. Sẵn sàng cãi nhau vì một cuốn sách, ông xài
điện thoại Mỹ tôi dùng điện thoại Hàn, vì em mê nhạc sến anh thích sang. Cảm
giác loạn lạc từ chính trường cho tới từng mái ấm, từng cái tổ của mỗi người.
Đi bên bờ vực ai không chịu được nấy rơi, tưởng không có gì ngăn lại được dòng
người chèn lấn. Bỗng tất thảy họ dừng lại chỉ vì một hơi thở vừa dứt vô phương
nối lại. Bạn rươm rướm nói, ông tặng cái chết của mình cho người dân như một
cơn mưa phúc lành. Họ, cũng như bọn tôi, ẩn nỗi tiếc thương ông già rực rỡ đó,
thấy tâm hồn mình bỗng dưng liền sẹo, bâng khuâng vì ý nghĩ mình cũng còn khả
năng khóc cho một người dưng.
Cách khóc mỗi người mỗi khác, có người tận nhà ông
già cúi đầu đặt bó hoa, người ở xa ngồi trước tivi lén kéo chéo áo lau đuôi
mắt, người nuốt trộng vào lòng, người lại thở hắt ngậm ngùi “rồi ai cũng về,
người ở đến gần một trăm lẻ ba năm chớ đâu ít ỏi gì, mà sao ai cũng tiếc, lại
có người ở mới sáu mươi mà dân ngán ngẩm thôi rồi”. Chỗ này chỗ kia, tiếng khóc
chưa bao giờ tạnh của những người trót sinh ra trên đời này, nhưng không mấy
khi cả triệu người cùng chung một niềm mất mát.
Bạn nói có bốn trong mười phần nước mắt đã chảy ra,
chúng ta khóc cho việc sau này chẳng còn ai đủ lớn để dân còn có thể thương chung,
khóc cùng. Cúi đầu trước ông, cũng đồng nghĩa bày tỏ thái độ với những ông quan
còn đang sống.”
Đúng như Nguyễn Ngọc Tư nhận xét, một sự ra đi gây
thương tiếc cho nhiều người như thế không dễ gì được lập lại trong vài mươi năm
tới. Hiền tài không có, nước mắt người dân lại phải cứ đổ ra cho gia đình, con
cháu và bản thân mình ngày một nhiều thì còn đâu dành dụm được cho các lãnh tụ
về sau, kể cả khi minh quân xuất hiện?
No comments:
Post a Comment