Saturday 12 October 2013

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP & NHỮNG ƯỚC NGUYỆN KHÔNG THÀNH (Đặng Văn Việt / Gia Minh - RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-10-10

Một chỉ huy quân đội trong chiến tranh chống Pháp được mệnh danh Con hùm xám đường số 4, trung tá Đặng Văn Việt là sĩ quan dưới quyền Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước sự ra đi của người chỉ huy trước đây, ông Đặng Văn Việt có một số chia sẻ về tình cảm riêng đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng như một số những điều mà ông cho là ước nguyện không thành và bi kịch trong cuộc đời của người mới qua đời.

Những sức cản của chế độ

Trước hết ông Đặng Văn Việt bày tỏ:

Đặng Văn Việt: Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, tôi là người may mắn gần gũi với Bác Giáp không phải hằng năm, hằng tháng mà có khi hằng ngày khi tôi ở Bộ Tổng Tham Mưu thời kỳ 46. Đến năm 47 tôi lên mặt trận đường số 4 Cao - Bắc - Lạng lại phụ trách trung đoàn chủ lực trực thuộc Bác Giáp, cho nên cấp trên trực tiếp của tôi là bác Giáp. Trong các chiến dịch lớn nhỏ, Bác Giáp lại có thiện ý - vào những lúc khó khăn nhất, trong những trận có tính chất quyết định nhất- đều nghĩ đến sử dụng Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng, trung đoàn của tôi mà tôi là chỉ huy trưởng.
Lần này Bác Giáp mất, đối với tôi là một tổn thương lớn trong tình cảm, quan hệ giữa người thủ trưởng và người cán bộ chỉ huy trực tiếp. Tôi với Bác Giáp có rất nhiều kỷ niệm: vui có, buồn có. Lúc này Bác Giáp ra đi rồi, tôi mong Bác sẽ yên vui nơi cực lạc và sẽ luôn theo dõi sự tiến triển của đất nước. Về mặt tâm linh, nếu như những điều gì mà Bác trong lúc còn sống không làm được; về mặt tâm linh khi Bác qua đời mà thực sự có ảnh hưởng, tôi cũng mong Bác phát huy được tác dụng của Bác đối với những người lãnh đạo hiện nay, giúp cho đất nước phát triển tốt hơn, đẹp hơn.

Gia Minh: Ông biết Đại tướng có những ước nguyện mà không thực hiện được, vậy xin ông cho biết vì sao trong đời Đại tướng không thể thực hiện được những ước nguyện đó?
Đặng Văn Việt: (Cười) Nói chung Bác Giáp là người có công lớn đối với đất nước, nhưng trong cuộc đời của Bác cũng có những cái bất hạnh mà nếu như không phải là những người ở gần Bác không thể hiểu được.
Ví dụ bản thân tôi là một cán bộ trực quyền, dưới quyền của Bác Giáp; đáng lẽ Bác Giáp sử dụng những cán bộ thân cận như vậy cho những việc lớn; nhưng có khi Bác bị sức cản của những lực lượng xung quanh, làm cho Bác không thực hiện được. Đơn cử trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nếu tôi còn ở trong chiến dịch ấy và dưới quyền chỉ huy của Tướng Giáp, tôi có thể giải quyết trận đánh A1 - trận quyết định chiến trường nhất của chiến dịch - một cách nhanh gọn hơn. Nhưng chính sách cán bộ lúc ấy điều tôi đi ra khỏi và vô hiệu hóa khả năng của cán bộ, tôi không được dưới quyền chỉ huy của Tướng Giáp nữa, nên trận đánh ấy phải trả giá rất đắt. Và Tướng Giáp rất đau lòng khi nghĩ đến không có những cán bộ tin cậy muốn dùng mà không được dùng như tôi chẳng hạn. Đó là một ví dụ có tính cách cá nhân mà Bác thì biết.

Chuyện độc quyền lãnh đạo

Gia Minh: Hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam người ta có những ý kiến khác nhau khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước những luồng ý kiến như thế, ông nói thế nào?
Đặng Văn Việt: Theo tôi, Tướng Giáp tuy rằng trong suốt cuộc đời đã là người đứng đầu Quân đội Nhân dân Việt Nam và đã đưa cuộc chiến tranh chống Pháp và sau này chống Mỹ đi đến thành công; nhưng  tôi là người ở gần Tướng Giáp suốt trong một thời gian dài, tôi cũng hiểu Tướng Giáp gặp một số những trắc trở mà Tướng Giáp không vượt lên được. Ví dụ như vấn đề sử dụng cán bộ thì chính sách sử dụng cán bộ của chế độ cộng sản dựa trên chủ nghĩa thành phần, chủ nghĩa lý lịch thành ra những người mà hơi bị vướng vào thành phần bị loại dần ra khỏi quân đội, và những người có trình độ mà Tướng Giáp tin cậy, ông không được dùng. Tôi tin đó là suy nghĩ không vui của Tướng Giáp trong quá trình làm tổng tư lệnh.
Tuy nhiên Tướng Giáp cũng có thời kỳ vượt lên được khó khăn đó, ví dụ trong thời gian chiến tranh luôn bên cạnh có những ông cố vấn Trung Quốc, giữa cố vấn Trung Quốc và Việt Nam có khi có những bất đồng, không đồng nhất với nhau; nhưng Tướng Giáp sau khi xuất phát từ thực tế chiến trường đã giữ được không hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của cố vấn như trong chiến dịch Điện Biên: việc đánh nhanh, rút nhanh chuyển qua đánh chắc, thắng chắc là sáng kiến của Tướng Giáp. Hay như trong chiến dịch biên giới Thu - Đông 50, chủ trương đánh Cao Bằng, trận mở màn cho chiến dịch, sau khi đi nghiên cứu lại thực địa, Tướng Giáp đồng ý với tôi là người trung đoàn trưởng có nhiệm vụ đánh Cao Bằng là đánh Cao Bằng khó và có thể thương vong lớn, Tướng Giáp đi nghiên cứu lại thực địa và thay đổi chủ trương, vì đánh Cao Bằng 99% sẽ thất bại. Chiến dịch biên giới mà ngay từ trận đầu thất bại thì sẽ ảnh hưởng đến cục diện của cuộc kháng chiến.

Gia Minh: Lịch sử tại Việt Nam ghi về Tướng Giáp có còn điều gì chưa được nói ra không?
Đặng Văn Việt: Về điểm ấy như tôi nói: trong điều hành chiến tranh và đất nước luôn có những mâu thuẫn, những người lãnh đạo cao như Tướng Giáp, như Bác Hồ không phải lúc nào cũng được nghe hết cả đâu! Đơn cử như cải cách ruộng đất, Bác Hồ không muốn làm theo lối Trung Quốc, nhưng Bộ Chính Trị quyết định làm theo lối Trung Quốc thành ra Bác Hồ cũng chịu. Còn nhiều chuyện khác nữa cũng tương tự như vậy.
Chuyện độc quyền lãnh đạo với tập trung tất cả vào Bộ Chính Trị, lấy thiểu số phục tùng đa số; những nguyên tắc ấy làm cản trở cho việc bảo vệ những sáng kiến đúng, những nhận thức đúng trước những đa số sai lầm.

Gia Minh: Chúc ông khỏe, xin chào.

----------------------------------

XEM THÊM :


Trách nhiệm với non sông   (Bài số 2)  12:01:am 04/05/13

Trách nhiệm với non sông  (Bài số 1)    12:01:am 24/04/13



No comments:

Post a Comment

View My Stats