Thursday 10 October 2013

MỘT NƠI RẤT NHỎ Ở ĐỊA NGỤC (The New York Sun)





Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ Năm, 10/10/2013

(The New York Sun là một tờ báo thiên hữu, thành lập vào năm 2001 như là một tiếng nói đối lập với tờ báo thiên tả The New York Times - ND)

Các chết của Võ Nguyên Giáp, xảy ra khi Mỹ đang tính đến việc tìm cách “chuyển hướng” sang châu Á, là một thời điểm giữa sự thật và huyền thoại về Việt Nam. Huyền thoại - rằng Giáp, theo lời tờ Washington Post, vị “tư lệnh quân đội và anh hùng dân tộc, người đã lãnh đạo quân đội đánh bại người Pháp và sau đó là người Mỹ,” - chắc chắn sẽ được thêu dệt từ tờ báo này đến tờ báo khác trong những ngày sắp đến, khi vị Tướng đi về một nơi rất nhỏ ở Địa ngục, một cách chơi chữ để nhại lại tựa đề cuốn sách kinh điển của Bernard Fall viết về trận chiến Điện Biên Phủ, “Địa ngục ở một nơi rất nhỏ.”

Điện Biên Phủ, nơi người Pháp gặp thất bại, là chiến thắng lớn nhất trong sự nghiệp của Giáp, và chúng ta không phủ nhận điều ấy, cũng giống như những người Pháp dũng cảm từng ở đấy. Nhưng chúng ta phủ nhận về quan điểm rằng Giáp đã đánh bại người Mỹ. Không chỉ là vì vai trò của ông trong cuộc chiến Đông Dương thứ hai, từ 1960 đến 1975, không quan trọng như lần đầu. Nó còn bởi vì Quân đội Hoa Kỳ đã không thua ở Việt Nam. Nó đã thắng thế trong cuộc chiến chống lại Quân đội Bắc Việt do Liên Xô và Trung Quốc cộng sản hậu thuẫn cũng như lực lượng Việt Cộng. Nó đã đánh bại quân địch ở Tết Mậu thân mà trong đó cộng sản đã sát hại đến 6 nghìn người dân và tù binh tay không ở Huế*. Có thể Giáp là anh hùng dân tộc đối với một số người, nhưng ông cũng đã phục vụ một chế độ cộng sản vô lại.

Chúng ta đều biết được đến những tranh luận về sự kiện Tết Mậu thân, rằng mặc dù nó là một thất bại về quân sự đối với những người cộng sản, nhưng nó cũng là một chiến thắng chiến lược của họ trong chiến dịch nhằm bẻ gãy ý chí của Mỹ. Đúng là cuộc Tổng tấn công Tết, phát động vào tháng Giêng 1968, đã xảy ra sau chiến dịch cổ vũ hoà bình của Thượng Nghị sĩ Eugene McCarthy, rồi việc Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố không tái tranh cử, và việc khai mạc cuộc thương thuyết hoà bình vào cuối năm ấy. Chúng ta không tin rằng những điều này đều nằm trong hoạch định của Tướng Giáp, dù trong bất cứ vai trò nào khi cuộc tổng tấn công Tết được phát động. Nó cũng không xoá bỏ được điểm chính là dù nói kiểu nào đi nữa, Giáp chưa bao giờ đánh bại những người lính Mỹ.

Chúng ta luôn thích thú về một câu hỏi lắt léo về việc chiến tranh chấm dứt. Khi Quốc hội thứ 94 của Hoa Kỳ cuối cùng đã cắt đứt viện trợ cho Việt Nam tự do, có bao nhiêu lính Mỹ tham chiến còn ở đấy? Chúng ta từng đoán là vào khoảng 100 nghìn. Hoá ra khi Quốc hội cắt đứt viện trợ cho Việt Nam, số lính Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam là số không. Vào thời gian bầu cử năm 1974, khi đảng Dân chủ chiếm thêm phần đa số ở Hạ viện và rồi cuối cùng vào mùa xuân 1975, họ đã bất chấp Tổng thống Ford để chấm dứt hậu thuẫn cho Việt Nam tự do, con số quân nhân Mỹ ở bất cứ binh chủng nào chỉ còn lại vài chục, đa số là bảo vệ đại sứ quán.

Tờ New York Times tường thuật vào trưa nay rằng trong những năm cuối đời của Giáp, vị tướng già đã là “một chủ nhà hiếu khách đối với những người nước ngoại tại dinh thự riêng của ông tại Hà Nội, nơi ông đọc rất nhiều sách báo phương Tây, thưởng thức nhạc Beethoven và Liszt, và trở thành một nhà cải cách chuyên theo đuổi việc xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng việc cải cách thị trường tự do.” Tờ Times cho rằng “quan điểm của ông đã thay đổi.” Tờ báo trích lời ông nói rằng ngày xưa thủ thách lớn nhất của Việt Nam là “đất nước chúng tôi bị giặc ngoại xâm chiếm đóng.”

Vậy giặc là ai? Thế còn những kẻ cung cấp cái tư tưởng mà Giáp đã giúp áp đặt lên người dân Việt Nam dưới gót giày của cộng sản thì sao? Tờ Times nói rằng Giáp cũng đã thương tiếc cho tình hình “đói khổ và lạc hậu” của đất nước ông. Chúng chính là thành quả chủ yếu của hệ thống cộng sản mà Giáp đã vung gươm bảo vệ. Lý do mà cái chết của ông đáng được lưu ý ấy là cơ hội để làm sáng tỏ điểm này. Nếu không, tại sao chúng ta lại chuyển hướng đến châu Á và nếu chúng ta không hiểu được gì đã xảy ra thì lần này liệu chúng ta sẽ phạm sai lầm như thế nào?

----------

* Gần bằng ¼ số nạn nhân Ba Lan bị thảm sát ở Katyn, và gần 12 lần số người Việt Nam bị sát hại bởi những thành phần thuộc Sư đoàn Bộ binh 23 Hoa Kỳ tại Mỹ Lai.



No comments:

Post a Comment

View My Stats