Tuesday 22 October 2013

MỘT CÁCH TIẾP CẬN & ĐẤU TRANH CHO DÂN CHỦ ĐÁNG ĐƯỢC KHÍCH LỆ (Adam Nguyen - Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự)




23/10/2013, 12:47 sáng

Tôi đánh giá cao cách tiếp cận và đấu tranh cho dân chủ của Luật sư Trần Vũ Hải, “Lấy ngay vũ khí của địch để đánh địch”. Đó là dùng ngay những phát biểu, câu chữ, bài viết, nghị quyết… của tập thể đảng cộng sản VN, của những cá nhân có quyền cao chức trọng trong bộ máy cầm quyền để tố cáo, đả phá những sai lầm của họ và để buộc họ phải thực thi những phát biểu, những cam kết nếu có của họ. Nếu họ không thực thi những nghị quyết, những cam kết, những phát biểu (có lợi cho dân) thì điều đó chứng tỏ bộ máy đó làm việc không hiệu quả, không trung thực, thậm chí có thể nói đó là lừa dối dân. Và tất nhiên một bộ máy cầm quyền như thế rất đáng bị loại trừ và phải bị loại trừ.

Đây là một sinh hoạt chính trị rất, rất, rất… bình thường trong thế giới văn minh hiện nay. Ở các nước văn minh dân chủ chỉ cần một phát biểu, một hành động sai trái của tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng hay bất kỳ một quan chức, nghị sĩ nào đó, liên quan đến đất nước hay thậm chí chỉ liên quan đến cá nhân, cũng khiến người đó phải từ chức, ra đi, thậm chi khiến cả đảng phái mà người đó tham gia bị mất quyền điều hành chính phủ, đất nước. Những điều này hầu như ai cũng biết, mỗi khi có sự kiện gì báo chí đều đăng tải, bêu riếu ầm ĩ. Sự thay đổi, sự từ chức, ra đi đó là điều chính đáng cần phải làm. Những người có khả năng hơn, trong sạch hơn, những đảng phái có đường hướng tốt hơn sẽ lên nắm quyền và điều đó giúp cho đất nước luôn luôn đổi mới và tiến bộ.

Trong tình hình hiện nay của đất nước, phương pháp tiếp cận và đấu tranh của LS Trần Vũ Hải, theo tôi, là hợp lý và tương đối an toàn hơn cả. Nó diễn ra trong hòa bình, trong ý thức xây dựng, cầu tiến, mong muốn xây dựng một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn. Dân chủ không thể diễn ra (đến) trong một ngày. Nhà cầm quyền có thể nhượng bộ hay không nhượng bộ, thực hiện hay không thực hiện những cam kết. Nhưng dù chỉ thực hiện một phần thôi cũng là tốt trong tiến trình dân chủ hóa, đem lại tiến bộ cho đất nước. (Bóc vỏ quả dừa phải bóc dần dần, không thể bóc ngay một lúc được). Nhưng nếu dù không đạt được một sự nhượng bộ nào trong trước mắt sự đề đạt này (của LS Trần Vũ Hải) cũng có một tác dụng nhất định. Tôi không tin trong trung ương đảng cộng sản Việt Nam ai cũng mù lòa hay câm điếc. Nếu họ được xem, được đọc những đề nghị loại này, họ it nhiều cũng phải có suy nghĩ.

Nhân đây, đề cập đến việc “được xem, được đọc” tôi xin mở ngoặc nói sang vấn đề này một chút. Đó là việc tôi băn khoăn không biết những bản kiến nghị, như bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp của 72 nhân sĩ trí thức có đến được với từng đại biểu quốc hội hay không. Họ có được TẬN TAY, TẬN MẮT đọc những dòng kiến nghị đó không, hay là chỉ nghe nói về nó. Tôi e rằng ai cũng nghe nói về nó nhưng không phải ai cũng được đọc nó, đọc nó rồi không phải ai cũng trăn trở suy nghĩ về nó, hoặc tệ hơn nữa là hiểu thấu đáo về nó (đây là tôi mới chỉ đề cập đến những đại biểu quốc hội, những người được gọi là nghị sĩ, có quyền thông qua, biểu quyết bản Hiến pháp hay các văn bản luật pháp khác). Vậy thì phải có “ai đó” giao đến tận tay cho họ bản kiến nghị (hard-copy) ấy chứ.

Đấu tranh cho dân chủ, hay nói một cách cụ thể hơn là đấu tranh cho sự tiến bộ của nước nhà là cả một sự dũng cảm, hy sinh và tốn kém nữa. Cá nhân tôi mong muốn một đất nước Việt Nam tiến bộ và phát triển, đi lên trong hòa bình, không đổ máu, không hận thù, ai cũng “có phần”, ai cũng có cơ hội bình đẳng để sống, để vươn lên…

Tôi cho rằng việc tuyên truyền, giác ngộ, nâng cao dân trí, hiểu biết về dân chủ cho mọi người dân là hết sức cần thiết và quan trọng, quan trọng hơn hết. Trong đó sự hiểu biết, giác ngộ cho chính những người cầm quyền, cho bộ máy công an, quân đội là chìa khóa để thay đổi.

Theo tôi đánh giá, quá nửa dân số Việt Nam hiện nay không có sự hiểu biết về những giá trị về nền dân chủ văn minh phương tây. Số người được gọi là biết thì cũng biết lờ mờ không sâu. Điều này giải thích tại sao ở Việt Nam không có những phong trào dân chủ sâu rộng và mạnh mẽ như ở các nước Đông Âu. Điều này có nguyên nhân cơ bản là do bộ máy tuyên truyền của chính quyền. Do tuyên truyền nên hiện nay trong ý thức của người dân (nhất là những người trong bộ máy công an, quân đội, cả lính, cả sĩ quan) có những nhận thức rất sai trái, ví dụ như: dân chủ là phản động (họ gọi và coi những người theo dân chủ là những “thành phần phản động”), dân chủ là bạo loạn (họ ra sức loan tin những cuộc bạo loạn ở những nước có những cuộc cách mạng dân chủ gần đây, mà không nêu một mặt tốt nào về nó), dân chủ là xấu xa (họ kết án những người đấu tranh cho dân chủ với những bản án hình sự, bới móc những chuyện cá nhân riêng tư của những người đấu tranh cho dân chủ, mục đích là khiến cho người dân nghĩ đó là những thành phần xấu xa, không tốt)….

Cũng giống như thời xóa bỏ chế độ quản lý kinh tế kế hoạch tập trung, bao cấp (cho những người không đáng được bao cấp), đã xảy ra sự hoảng hốt ở một số bộ phận dân chúng (hội chứng gà công nghiệp) khi chuyển sang “phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” mà thực chất là phát triển kinh tế tư bản, nói rõ hơn là sản xuất, làm ăn, buôn bán theo cái cách mà các nước Anh, Mỹ Pháp, tây Âu đang làm… Thực tế đã cho thấy đất nước phát triển đi lên, giàu có hơn trước. Đây là một tiến trình lịch sử tất yếu và không thể đảo ngược khi mà đảng công sản Việt Nam đứng trước thảm trạng kinh tế đất nước cực kỳ nghèo nàn và lạc hậu. Đây cũng chính là cái cách để đảng cộng sản Việt Nam duy trì quyền lực lãnh đạo đất nước.

Ngày nay sau hơn 20 năm “đổi mới”, đất nước muốn tiếp tục phát triển phải được sang trang mới là “dân chủ hóa”, con nhộng phải chuyển hóa thành con bướm, đó là điều tất yếu. Đảng cộng sản Việt Nam muốn tiếp tục duy trì vị thế “tiên phong” lãnh đạo đất nước cần phải đổi mới hơn, thức thời hơn, TRẢ LẠI cho người dân quyền làm chủ. Nếu đảng cộng sản Việt nam không tự làm điều này tất sẽ bị tiến trình lịch sử thải loại và khi đó đảng chỉ còn cái nhơ danh mà thôi.

Nói tóm lại tôi ủng hộ đề nghị của LS Trần Vũ Hải. “Xây dựng một nhà nước pháp quyền….” như chính tuyên bố của báo cáo chính trị của trung ương đảng cộng sản Việt Nam, nếu được như thế, cũng chính là một bước tiến tới dân chủ. Tôi xin nhắc lại, đấu tranh cho dân chủ không phải là đấu tranh chống lại ai cả, mà chỉ là đấu với cái xấu, cái bảo thủ, cái sự trì trệ, cái độc tài độc đoán, đấu tranh cho dân chủ chính là sự đấu tranh cho sự tiến bộ của nước nhà.

Tôi biết rằng có những chiến sĩ công an Việt nam, do được cấp trên giao phó, đang ngày đêm theo dõi những trang mạng loại này và có thể biết đâu đó đang có một chiến sĩ đọc những dòng này của tôi. Sở dĩ tôi phải viết chi li một số vấn đề ở trên (đối với một số người có thể cho là không cần thiết) là để giải thích rằng dân chủ không phải là xấu, dân chủ tốt cho mọi người dân lương thiện, không việc gì phải hoảng sợ khi thấy dân chủ xuất hiện. Tôi xin nhắc lại, đấu tranh cho dân chủ không phải là đấu tranh chống lại ai cả, mà chỉ là đấu với cái xấu, cái bảo thủ, cái sự trì trệ, cái độc tài độc đoán, đấu tranh cho dân chủ chính là sự đấu tranh cho sự tiến bộ của nước nhà.

Cầu mong cho thái bình, thịnh vượng đến với mọi người dân Việt chúng ta!


* Bài viết trên là một phản hồi của độc giả trong bài Những bài viết của LS Trần Vũ Hải nhân Kỳ họp 6 Quốc hội Khóa 13 (Bài 1), tựa do Diễn đàn XHDS đặt.




No comments:

Post a Comment

View My Stats