Phạm Thị
Hoài
Tháng 10 2, 2013
Thủ tướng Việt Nam – và những
người viết cho ông bài
diễn văn vừa đọc ngày 27-9 trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc – có
lẽ đã rất đắc ý với câu trích dẫn “Một người vì tất cả, tất cả vì một người”.
Mang lời thề sống chết vì nhau
của ba chàng ngự lâm trong một cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp Pháp lấy bối cảnh là
thế kỉ 17 để rọi sáng phương châm cộng tác phát triển của thế giới hôm nay, xin
lỗi, là chệch hơi nhiều nốt. Tất nhiên trong thế giới hôm nay câu đó vẫn dùng
tốt – và dùng nhàm – đặc biệt trong phim mafia rẻ tiền, trên sân cỏ và
bên bàn nhậu, nhưng tưởng rằng nó sẽ đóng đinh ấn tượng cho một cử tọa chính
trị quốc tế thì trong trường hợp đáng thông cảm nhất, đó là bệnh tưởng bở ở văn
chương.
Hình : http://www.procontra.asia/wp-content/uploads/2013/10/TT-Nguyễn-Tấn-Dũng-cà-vạt-vàng.jpg
Tôi để ý, cùng với những chiếc
cà-vạt ngày càng nhiều mầu[1],
các bài diễn văn xuất khẩu của ông Nguyễn Tấn Dũng cũng ngày càng văn vẻ. Chúng
còn lâu mới biến người đứng đầu chính phủ Việt Nam thành một nhà hùng biện. Ông
vẫn liên tục vấp trên những dòng chữ mà người ta thấy rõ là không tuôn ra từ
chính ông: ngôn từ đang phát ra và ông chẳng có gì thuộc về nhau, mỗi bên đi
một ngả như người dưng nước lã; thậm chí người ta còn phải lo rằng ông bị biến
thành trò cười trên truyền thông nước ngoài[2].
Chúng cũng không hóa phép biến một chính khách chải chuốt tỉnh lẻ thành một
ngôi sao trên chính trường quốc tế, Thủ tướng Việt Nam có diện cà-vạt đính kim
cương và trích dẫn Shakespeare thì cũng chỉ cao bằng đúng tầm bệ đỡ của quốc
gia mà ông đại diện. Nhưng phải thừa nhận rằng những bài diễn văn ấy đỡ “phô”
hơn, thậm chí dễ chịu hơn hẳn, và khác xa những diễn văn nội địa của chính ông
và các nhà lãnh đạo ở trong nước. Khác từ cách hành văn khác đi.
Một câu văn chính trị chuẩn
trong tiếng Việt hiện đại là một thiết kế gợi nhớ đến những dàn giáo trùng
trùng lớp lớp. Nó có thể mở đầu như sau: “Thực hiện Nghị định A, nâng cao
quyết tâm B, phát huy thế mạnh C, kiên quyết khắc phục yếu kém D, chủ động nắm
bắt thời cơ Đ, tăng cường quản lí E, đề cao tinh thần F, thắt chặt G, củng cố H…”
Sau hàng ngàn cụm vị ngữ nối tiếp nhau xông lên ấy, chủ ngữ cũng xuất hiện,
chẳng hạn “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta“, để ngay sau đó chủ ngữ
siêu nhân ấy sẽ thực hiện hàng vạn hành vi phức tạp trong cùng một câu, có thể
như sau: “khai thác các lợi thế I, xây dựng vững chắc K, chỉnh đốn toàn diện
L, phát triển sự nghiệp M, phát huy những mặt tích cực N, hạn chế những tiêu
cực O, hoàn thiện và mở rộng P, đào sâu và đẩy mạnh Q, tích cực triển khai R,
quyết liệt thực hiện S…”[3]
Có người giải thích cho tôi rằng những dàn giáo chóng mặt này không xuất hiện
trong các diễn văn xuất khẩu của Thủ tướng, đơn giản vì lí do dịch thuật. Tôi
không thấy việc dịch những quái vật tiếng Việt ấy sang một ngôn ngữ quốc tế là
bất khả, song tác động của loại diễn văn dàn giáo đó như thế nào, chính ông Thủ
tướng và nhóm ghostwriter của ông biết hơn ai hết. Chính trị không phải
chỉ là nói gì, mà nói như thế nào. Chính trị còn là phong cách.
Người ta nói đến Abenomics của
Thủ tướng Nhật Abe Shinzō, Likonomics
của Thủ tướng Trung Quốc Li Keqiang (Lí Khắc Cường) như những chương trình cải
cách sâu rộng hai nền kinh tế quốc dân này. Tôi nghĩ Thủ tướng Việt Nam cũng có
thể cống hiến một khái niệm, Duconomics, mà nội dung là duy trì một nền
kinh tế bí hiểm ở trong nước kết hợp với phong cách cà-vạt diêm dúa và
diễn văn xuất khẩu bay bướm ở nước ngoài.
Trở lại với chuyện lời thề. Trái với dư luận dai dẳng và đôi khi sốt hầm hập
về tranh chấp ở tam giác thượng tầng chính trị Việt Nam, càng ngày tôi càng có cảm giác
rằng bộ ba ngự lâm Nguyễn Tấn Dũng – Trương Tấn Sang – Nguyễn Phú Trọng là một
khối bền vững, cùng sống, cùng chết và cùng hết lòng phụng sự chiếc ngai vàng
của Đảng theo một phân công lao động hoàn hảo. Trong khi người đứng đầu
chính phủ đánh bóng một bộ mặt Việt Nam văn minh, hội nhập, tân thời thì ông
trùm Đảng mài vũ khí giáo điều và vị Chủ tịch Nước làm chiếc đồng hồ quả lắc,
để thỉnh thoảng phát ra thậm chí vài tín hiệu như thể chúng ta đang ở những
phút cuối cùng trong đêm trước của một cuộc cách mạng đầy mong đợi.
“Một người vì tất cả, tất cả vì
một người”, lời thề ngự lâm như một trích dẫn dở ở bục Liên Hiệp Quốc là thực
tế không cần trích dẫn tại chóp bu quyền lực chính trị Việt Nam.
© 2013 pro&contra
Đệ tử cà-vạt số một của Thủ
tướng chắc chắn là Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, đệ tử cà-vạt số hai có thể
là Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
[2]
Mấy ngày trước trên
kênh truyền hình Pháp Canal+, khán giả có thể thưởng thức xuất diễn
của Thủ tướng Việt Nam khi ông ”trở lại thăm nước Pháp ở Châu Âu và trên thế
giới“.
[3]
Hiến pháp Việt Nam, văn bản chính trị tối cao của quốc gia, là chỗ lí tưởng để
trưng bày những mẫu văn dàn giáo như vậy. Ví dụ: “Nhà nước ban hành chính
sách đầu tư, phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; huy
động các nguồn lực để xây dựng nền y tế hiện đại, công bằng, hiệu quả; phát
triển nền y học Việt Nam theo hướng kết hợp đông y và tây y, phòng bệnh và chữa
bệnh; thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân và tạo điều kiện để mọi người dân được
chăm sóc sức khỏe; ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho đồng
bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác.”
(Điều 62.1. Dự thảo sửa đổi 2013)
No comments:
Post a Comment