Tue, 10/01/2013 - 06:38 — Kami
Được biết 0h00 ngày 23.9.2013
"TUYÊN BỐ Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị" (Tuyên bố 23.9) của
130 vị nhân sĩ và trí thức yêu nước trong và ngoài nước ký tên (đợt đầu) đã ra
đời. Và sau 06 đợt đã có tổng số khoảng 800 người đã ký tên ủng hộ bản tuyên bố
này. Số lượng này cho thấy cuộc vận động lần này của những người chủ trương
thành lập "Diễn đàn Xã hội Dân sự", một diễn đàn với mục đích nhằm
trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của
nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa cũng không tạo ra được sức thu
hút đáng kể lẽ ra nó sẽ phải có.
Đây là chủ trương đúng đắn,
đáng mừng. Đặc biệt là phù hợp với xu hướng chung của thế giới tiến bộ, mà
chính trị xã hội dựa theo công thức Nhà nước Pháp quyền - Xã hội Dân sự - Kinh
tế thị trường. Nhưng quan trọng nhất một vấn đề nghiêm túc và quan trọng như
thế, thì những người chủ trương thành lập "Diễn đàn Xã hội Dân sự"
cần phải được suy tính một cách thấu đáo để có các quyết định đúng đắn giúp cho
"Diễn đàn Xã hội Dân sự" phát huy tính hiệu quả trong hoạt động của
mình. Đó là phải làm sao để ý chí của những người ký tên ủng hộ trở thành những
hành động được thể hiện trong cuộc sống, chứ đừng để ký tên rồi kết cục lại
giống như các vụ việc khác. Đó là nguyên nhân mà "Diễn đàn Xã hội Dân
sự" cần phải là một tổ chức Xã hội Dân sự hoàn chỉnh và thực thụ?
Nếu xem kỹ Bản Tuyên bố 23.9", đặc biệt
là mục đích của nó là "nhằm trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp
phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách
ôn hòa" thì dễ khiến người ta cho rằng nó cũng chẳng có cái gì mới mẻ
nếu so với các diễn đàn (forum) chính trị khác, có khác thì chỉ khác ở cái tên.
Vì khái niệm "Diễn đàn trực tuyến, hay được gọi là forum, là nơi để cho
người dùng Internet trao đổi thảo luận. Phương thức thường được dùng trong diễn
đàn trực tuyến là người đầu tiên gửi lên một chủ đề (topic, thread) trong một
đề mục (category, forum) và sau đó những người tiếp theo sẽ viết những bài góp
ý, thảo luận lên để trao đổi xung quanh chủ đề đó.".
Trên thực tế hình thức diễn đàn
(forum) cũng đã bắt đầu lạc hậu, nhất là khi các mạng xã hội khổng lồ như
Facebook, Twitter... trở nên phổ biến và trở thành nhu cầu của một bộ phận
những người sử dụng internet ở Việt nam. Đồng thời việc trao đổi các ý kiến
nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ
một cách ôn hòa cũng đã có quá nhiều địa chỉ websit, diễn đàn... tiếng Việt còn
tồn tại hay đã biến mất từng tồn tại hơn chục năm trước đây.
Nói như vậy không phải là
chuyện bàn lùi. Tôi không tin những người chủ trương thành lập "Diễn đàn
Xã hội Dân sự" suy nghĩ ngắn như vậy, và chắc chắn họ không chỉ muốn những
người ký tên ủng hộ "TUYÊN BỐ Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị"
có cái đặc quyền là thành viên khi tham gia Diễn đàn này. Có lẽ rằng những
người chủ trương thành lập "Diễn đàn Xã hội Dân sự" có chủ ý nhằm để
thành lập một tổ chức xã hội và dân sự tự nguyện. Để tạo nên cơ sở của một
tổ chức xã hội tự vận hành, hoàn toàn khác với các cấu trúc quyền lực của nhà
nước mà ta thường hiểu dưới nghĩa Xã hội Dân sự. Điều này chúng ta đã thấy ở
Công đoàn Ðoàn kết ở Ba Lan, Hội Văn hóa Ucraina ở Liên Xô hay Phong trào Hiến
chương 77 ở Tiệp khắc v.v... trước đây (!?). Và trang Diễn đàn "Xã hội
Dân sự" ngoài mục đích là trang website chính thức của tổ chức có tên
"Diễn đàn Xã hội Dân sự", và sẽ là một bước đệm để làm giai đoạn
chuyển tiếp khi điều kiện cho phép tổ chức "Diễn đàn Xã hội Dân sự"
chính thức ra đời và đi vào hoạt động. Vậy điều kiện đó ở đây là gì và điều
kiện đó đang nằm ở đâu? Phải chăng đó là sự cho phép công nhận của chính quyền
hay vì chưa thoát ra khỏi nỗi sợ hãi?
Đánh giá về sự ra đời của
"Diễn đàn Xã hội Dân sự", nhà báo Lê Diễn Đức trên trang facebook cá nhân có viết
rằng " Đây là một điều ảo tưởng. Thể chế độc tài toàn trị là thể chế
độc tôn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thể chế này không bao giờ tự nguyện chia sẻ
quyền lực khi còn ở thế mạnh. Khi và chỉ khi bị áp lực tranh đấu quyết liệt,
đông đảo và rộng khắp của toàn dân, thậm chí đổ máu, với ước nguyện thay đổi hệ
thống chính trị, thì chế độ này may ra mới ngồi vào bàn thương lượng, nhượng
bộ, hoặc phải chấp nhận các yêu sách của quần chúng. Diễn đàn Xã hội Dân sự,
thật khó mà có thể góp phần chuyển đổi thể chế toàn trị này qua dân chủ một
cách ôn hoà "bằng trao đổi và tập hợp các ý kiến". Ít ra ở Miến Điện
cũng đã có hàng ngàn người bị dìm trong bể máu, phong trào đối lập phát triển,
cộng với áp lực quốc tế, thì tướng Thein Sein mới buộc phải chấp nhận có chân
các đại biểu của đảng của bà Aung San Suu Kyi trong quốc hội. Tiến trình chuyển
hoá ôn hoà bắt đầu từ đây, nhưng vẫn còn đầy những thận trọng và gian
nan."
Tôi đồng tình với ý kiến của
nhà báo Lê Diễn Đức, nếu như "Diễn đàn Xã hội Dân sự" chỉ là một diễn
đàn có trang thông tin điện tử là nơi bày tỏ ý kiến của các tổ chức, các nhóm,
các cá nhân cùng theo đuổi mục đích nêu trên. Nhưng ngược lại "Diễn đàn
Xã hội Dân sự" là một tổ chức Xã hội Dân sự hoàn hảo thì đây là một lựa
chọn thông minh. Với điều kiện những người chủ trương thành lập không được
tránh né hai chữ tổ chức. Vì đó là lý do và là điều quan trọng nhất là cần phải
có một tổ chức hạt nhân làm tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của Xã hội Dân
sự ở Việt nam được hình thành một cách bài bản. Theo định nghĩa thì "Xã
hội dân sự là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng
phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,...thực hiện mối liên hệ giữa công dân với
nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình". Các tổ
chức Xã hội Dân sự có đặc tính chung là các tổ chức hoạt động độc lập và không
chịu sự chi phối của Nhà nước và chỉ khi đó thì các tổ chức Xã hội Dân sự mới
có thể hoạt động một cách hiệu quả mà không bị nhà nước kìm chế.
Hiện nay ở Việt nam, các tổ
chức Xã hội Dân sự hoạt động hợp pháp được biết đến đó là các tổ chức phi chính
phủ (NGO). Tuy vậy, các hoạt động của các tổ chức NGO này thường bị giám sát
chặt chẽ của nhà nước. Bên cạnh đó người ta còn biết đến các tổ chức mang màu
sắc của các tổ chức Xã hội Dân sự trên mạng internet, như nhóm 72, nhóm công
dân tự do, nhóm Tuyên bố 258, Câu lạc bộ No-U... Cho dù các nhóm này chưa được
tổ chức một cách quy củ và có các hoạt động cần phải có, nhưng ít nhiều nó cũng
đã tạo nên các ảnh hưởng nhất định đối với chính quyền. Một điểm cũng cần phải
nhắc đến là các tổ chức Xã hội Dân sự không có mục tiêu tranh giành quyền lực
với các chính đảng cầm quyền, nhưng nó sẽ là điểm tựa cũng như nền tảng để ủng
hộ cho một chính đảng hay tổ chức chính trị có chung mục tiêu và chủ trương khi
cần thiết. Và thành viên của các tổ chức Xã hội Dân sự, khác hẳn với đảng viên
hay hội viên của các chính đảng, các tổ chức chinh trị, đó là ngoài một số nhân
vật chủ chốt chịu trách nhiệm đối với tổ chức thì những thành viên chỉ đóng vai
trò các ủng hộ viên của tổ chức. Họ hầu như không chịu bất cứ ràng buộc gì đối
với tổ chức ngoài sự tình nguyện, để đóng vai trò cá nhân của mình thông qua
các tổ chức Xã hội Dân sự để thúc đẩy cơ chế kiểm soát và điều chỉnh đối với hệ
thống nhà nước. Do đó trong thể chế dân chủ nghị viện thì các tổ chức Xã hội
Dân sự sẽ không bao giờ xuất hiện trong nghị trường, mà nếu có thì sự xuất hiện
của các lãnh tụ của tổ chức Xã hội Dân sự thì sẽ dưới màu áo của một đảng chính
trị khác. Vai trò quan trọng nhất của tổ chức Xã hội Dân là sự thể hiện thông
qua các hoạt động của nền chính trị "đường phố" để tạo áp lực. Đây là
yếu tố lý luận cần nhấn mạnh, để tạm coi là có thể tạo sự an toàn trong thể chế
toàn trị ở Việt nam.
Một tổ chức Xã hội Dân sự cũng
là một hình thức Hội đoàn, nhưng phạm vi bao phủ của nó rộng rãi hơn và điều
cốt yếu nó là mang tính tập hợp thành viên tham gia các hoạt động cụ thể trên
cơ sở tự nguyện. Nhiều người vẫn cho rằng tính nguy hiểm của một tổ chức Xã hội
Dân sự sẽ ít hơn so với các chính đảng hay các tổ chức chính trị khác. Tuy vậy
đảng CSVN thì họ luôn
coi rằng "“Xã hội dân sự” – một thủ đoạn của diễn biến hòa
bình". Vì theo họ "Xã hội dân sự là gì, đây có phải là một trong
các phương thức hoạt động nhằm chuyển hóa chế độ mà những thế lực chủ mưu diễn
biến hòa bình (DBHB) đã áp dụng thành công ở Ðông Âu, Trung Ðông, Bắc Phi, và
hy vọng sẽ thành công ở Việt Nam?". Nói như thế để lường trước và nhận
thấy sự thật, không được tránh né.
Do đó, "Diễn đàn Xã hội Dân sự" phải là một tổ
chức phi lợi nhuận, do những người cụ thể ở trong hay ngoài nước lãnh đạo và
chịu trách nhiệm. Nguồn
tài chính cho "Diễn đàn Xã hội Dân sự" là các khoản thu từ các ủng hộ
viên và các nhà hảo tâm. Một điều quan trọng là, tổ chức này cần phải có là
biểu tượng hay biểu trưng của mình để các ủng hộ viên thông qua việc trưng biểu
tượng này để bày tỏ ủng hộ của mình đối với các hoạt động của tổ chức phát
động. Chứ không thể kiểu chung chung, để những người chủ trương thành lập
"Diễn đàn Xã hội Dân sự" ẩn mình trong danh sách những người ký tên
vào Tuyên bố 23.9 như hiện nay, theo lối cả làng nhận tội đánh chết hai kẻ trộm
chó ở Bắc giang. Đã xác định làm chính trị thì cần phải có đầy đủ mọi tố chất,
trước hết phải là lòng dũng cảm. Chắc chắn nhóm chủ trương khởi xướng Tuyên bố
23.9 đã có danh sách một ban lãnh đạo lâm thời của tổ chức này, song vì nhiều
lý do mà họ chưa công bố. Điều đó cũng khiến cho uy tín và sự thu hút của tổ
chức này đã và đang có nhiều hạn chế nhất định trong việc thu hút lực lượng ủng
hộ. Cứ thử tưởng tượng rằng, tổ chức "Diễn đàn Xã hội Dân sự" có một
bộ chỉ huy với các nhân vật có tên tuổi trong và ngoài nước và có số lượng ủng
hộ viên khoảng một vạn người. Đồng thời có sự thống nhất hành động với các tổ
chức và nhóm khác dã có như Hội đồng Giám mục, nhóm các chức sắc tôn giáo, nhóm
công dân tự do, nhóm Tuyên bố 258, Câu lạc bộ NoU, v.v... hoặc của nhiều cá
nhân ở trong và ngoài nước mang tinh thần yêu nước và khát vọng dân chủ thì cái
gì cũng đều rất có thể.
Ở đây phải coi là vấn đề nghiêm
túc, là vấn đề lập Hội. Cho dù trên thực tế pháp luật ở Việt nam không cho
phép, nhưng văn bản Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt nam năm 1992 có thừa
nhận. Có nghĩa rằng việc làm đó không trái pháp luật mà là do pháp luật chưa có
hay vi hiến. Lỗi đó hoàn toàn thuộc về nhà nước và chính quyền. Do đó vấn đề
đặt ra ở đây là bước tiếp theo "Diễn đàn Xã hội Dân sự" sẽ phải thực
hiện vai trò liên kết mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà
nước áp bức các công dân của mình trong vấn đề lập Hội. Thử hỏi vấn đề này các
vị nhân sị và trí thức yêu nước khả kính đã ký tên không làm thì ai sẽ làm? Và
chắc chắn rằng họ thừa kiến thức, khả năng thực hiện được điều đó.
Được biết những vị tham gia ký
tên ủng hộ Tuyên bố 23.9 hầu hết là khách quen của hàng loạt các Kiến nghị,
Tuyên bố... của các vị nhân sĩ và trí thức yêu nước trong và ngoài nước trong thời
gian qua. Do vậy, cũng như con rắn phải có đầu, một tổ chức Xã hội Dân sự phải
có những người lãnh đạo cụ thể. Đây không chỉ là đòi hỏi của thời cuộc mà nó
còn là trách nhiệm của tổ chức này. Chỉ có thể như thế thì tổ chức "Diễn
đàn Xã hội Dân sự" mới trả lời được điều thắc mắc của không ít người quan
tâm đến tổ chức "Diễn đàn Xã hội Dân sự" và sẽ có nhiều người ký tên
tham gia và ủng hộ. Quan trọng hơn nó sẽ hình thành và phát triển để trở thành
tổ chức trọng tâm của Xã hội Dân sự, có khả năng làm đối trọng và góp phần
chuyển đổi thể chế chính trị của Việt nam từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn
hòa
Việc thành lập tổ chức
"Diễn đàn Xã hội Dân sự", để thực hiện vai trò một tổ chức Xã hội Dân
sự nhằm giải quyết và thúc đẩy mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để
cho nhà nước áp bức các công dân của mình. Đây là vấn đề lớn, đúng trọng tâm nó
khác hẳn với Kiến nghị Bauxite, Đường sắt cao tốc... hay Góp ý sửa đổi Hiến
pháp 1992 trong thời gian vừa qua. Đó là sẽ không dừng lại ở việc tham gia ký tên
ủng hộ mà là các hoạt động cụ thể do tổ chức "Diễn đàn Xã hội Dân sự"
khởi xướng. Việc này cũng tương tự như việc thành lập tố chức Con đường Việt
nam, Mạng lưới blogger Việt nam v.v... nhưng nó ở một tầm mức và cấp độ cao hơn
nhiều. Do vậy cần phải được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc và chắc từng
bước. Điều quan trọng là phải chuẩn bị các thế hệ lãnh đạo dự bị để sẵn sàng kế
tiếp nhiệm vụ của tổ chức này.
Từng bước, từng bước... đi vững
chắc, chắc chắn sẽ đi tới thành công.
Ngày 01 tháng 10 năm 2013
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của
Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
---------------------------------------------------------------
TUYÊN BỐ VỀ THỰC THI QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ
Bauxite Việt Nam 23/09/2013
Gia
Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2013-09-23
BBC
Việt Ngữ
23/9/2013
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/09/130923_civil_society_declaration.shtml
Phạm Chí Dũng
23/9/2013
Mặc
Lâm, biên tập viên RFA 2013-09-23
Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự 24-9-2013
RadioCTM
24/09/2013
No comments:
Post a Comment