Tuesday 22 October 2013

LỐ BỊCH : KHI GÔNG TÍNH TỪ XHCN VÀO QUỐC HIỆU (Đào Thanh Hương - Diễn Đàn XHDS)




Dao Thanh Huong
23/10/2013

- Trên giấy, CNXH và tính từ của nó (XHCN) không xấu, mà đẹp, thậm chí cực đẹp. Bởi vì, trên giấy, CNXH hơn hẳn về mọi mặt so với CNTB. Các nước Thụy Điển, Phần Lan, Canada, Mỹ, Đức… và những nước tư bản phát triển nhất, đã là cái đinh gì, nếu đặt trước những gì mà CNXH từng hứa hẹn trên giấy?
- Nhưng đặt vào thực tế Việt Nam thì các từ này hết đẹp, lại còn lố bịch. Vì VN đã chính thức mang danh XHCN mà vẫn bị xếp hạng quá thấp so với các nước tư bản trung bình. Cứ tưởng chỉ Libya mới kệch cỡm khi ở trình độ bộ lạc mà vẫn xưng danh XHCN ư?
Trong quá khứ, chính cái gọi là CNXH hiện thực Liên Xô – dài tới 74 năm – đã tự phô bày quá đủ để nhân dân ở đó vĩnh viễn xin “cạch”. Tốn cả một kiếp người. Còn tại nước VN mang tên xã hội chủ nghĩa, thì CNXH đang là hiện thân của nhiều cái kém cỏi và xấu xa. Trải 37 năm (nửa đời người) liệu đã đủ để rút ra kết luận? Đó là: Muốn bêu xấu CNXH, không gì hiệu quả bằng dùng nó để đặt tên cho một nước đang bị xếp hạng thấp trên thế giới. Một học sinh trung bình, hoặc dưới trung bình, nếu tự ý thêu vào ngực áo  mấy chữ: Giỏi Nhất Trường… thì thật kệch cỡm.

CNXH trên giấy: Đẹp tuyệt trần
Đảng CS coi chủ nghĩa tư bản là xấu xa, bất công, hết thời… sẽ bị thay thế bằng một chủ nghĩa tốt đẹp hơn: Đó chính là CNXH, CNCS. Trên con đường tiến hóa nhân loại, chế độ sau phải tốt đẹp hơn chế độ trước, quả là quy luật. Vậy thì, hễ còn trương lên cái biển sặc sỡ CNXH, đảng CS còn chính danh để cầm quyền. Cương lĩnh 2011 tất nhiên phải ghi CNXH là “khát vọng” của nhân dân (!)
Để xứng với tên gọi CNXH, thì về mặt dân sinh, ít nhất phải hiện-thực-hóa hai điều cơ bản – mà người dân dễ thấy, mỗi khi quan sát thái độ bọn tư bản:
1) Giàu có hơn. Giàu “nứt đố, đổ vách”, nhờ năng suất cao. Của cải tuôn ra như thác đổ, khiến “bọn” tư bản phải tự thấy xấu hổ, chỉ muốn “đi vào lịch sử”…
2) Phân phối công bằng hơn. Thể hiện bằng thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, khiến dân tư bản thèm nhỏ rãi, cứ ùn ùn di cư sang – bất chấp ngăn cấm.
Được thế, một chế độ có quyền tự xưng là XHCN. Không được thế, chỉ là thậm xưng. Thậm xưng nào mà chẳng lố bịch?

CNXH trên thực tế
Dưng cơ mà, xét tương đối và so với xung quanh: từ khi vỗ ngực xưng là nước XHCN, Việt Nam không giàu hơn; nguy cơ tụt hậu cứ ngày càng hiển hiện. Còn khoảng cách giàu-nghèo đang doãng ra. Đại gia mua máy bay, trẻ nghèo chỉ mong “cơm có thịt”. Hỏi: Có kệch cỡm không, khi tên nước ta cứ đeo cái cục thừa có tên XHCN chỉ đẹp trên giấy?
Để khách quan, xin cứ đọc phần “đánh giá tình hình” ở Cương lĩnh và trong tất thảy các Nghị quyết lớn của đảng cầm quyền – kể từ khi nước ta có tên XHCN đến nay – và cứ góp nhặt tất cả những gì khả quan nhất trong đó… Rốt lại, chúng vẫn không có tý gì để so sánh với CHXN trên lý thuyết. Vậy, hà cớ gì mà cứ dùng cái tên quá đẹp để gọi một hiện trạng đủ xấu?

Mới là THỜI KỲ QUÁ ĐỘ thôi mà…
Có thể, người ta giải thích rằng: Hiện nay mới là thời kỳ “quá độ tiến lên CNXH”, làm sao dám đem những tiêu chuẩn lý thuyết XHCN để so sánh? Toàn đảng, toàn dân phải đọc kỹ Luận cương mới nhất của đảng CS mà phấn đấu lâu dài chứ (!).
Nếu vậy, vấn đề đặt ra là: Thời kỳ quá độ sẽ dài bao lâu?
Nếu nó chỉ dài 20 hay 30 năm là đủ để nước ta vượt các nước tư bản, thì cái tên XHCN có thể đưa vào quốc hiệu ngay hôm nay. Tuy sớm một chút, không sao. Một đời người phấn đấu, đủ để nhìn thấy CNXH. Sẽ yên tâm mà nhắm mắt.
Khốn nỗi, toàn thể bộ Chính chính trị, toàn thể Ban bí bhư, toàn thể hội đồng Lý luận, thậm chí toàn thể ban Chấp hành trung ương đảng và toàn thể Quốc hội, Chính phủ… cãi nhau đến Tết cũng không dám thống nhất trả lời “một trăm năm”… để mà trở thành lũ khuếch khoác.
Trả lời “hai trăm năm” vẫn thiếu khiêm tốn…
Cứ trả lời “còn mù mịt” là đúng nhất.
Thế thì, tại sao suốt 30-40 năm nay, chúng ta cứ đặt tên nước để ngóng cái tương lai tốt quá trời (trên giấy) vẫn còn mù mịt, mông lung? Cứ như “lý ngư vọng nguyệt” (cá chép ngóng trăng)…
Đúng là không có cái bệnh “khiêm tốn cộng sản”, chỉ có bệnh kiêu ngạo CS – như có người đã nói. Khốn nỗi, kẻ kiêu ngạo vẫn thực sự có cái gì đó xứng đáng để kiêu ngạo. Đằng này, việc trót đặt tên nước là XHCN, khi có dịp may để sửa (sắp quyết định Hiến pháp) mà vẫn không sửa, thì… không phải kiêu ngạo nữa, mà là hoang tưởng, lố bịch, kệch cỡm…

Cụ thể hóa khái niệm lố bịch, kệch cỡm
Muốn có danh sách Bộ chính trị (cụ Tô Huy Rứa, cụ Đinh Thế Huynh, cụ Lê Hồng Anh, cụ Nguyễn Phú Trọng…), rồi danh sách Ban bí thư, Ban chấp hành trung ương hoặc Quốc hội… cứ lên mạng internet mà tìm. Quý vị trong các tổ chức này, dù đang ăn trên, ngồi trốc, cũng vẫn là con người, vẫn có quyền mơ ước và kỳ vọng vào con cái mình. Các vị có thể đặt tên cho con cháu mình để thể hiện kỳ vọng (như đảng đặt tên nước).
Nếu trong đám trẻ mẫu giáo xuất hiện các cháu có những cái tên (đại loại như): Tô Huy Thiên-Tài, Đinh Thế Đỉnh-Cao-Trí-Tuệ, Lê Hồng Hoa-Hậu-Quốc-Tế, hoặc Nguyễn Phú Thiên-Đường… cũng chẳng sao. Quyền đặt tên mà… Nếu chẳng may, hiện thực không chiều ý cha ông, thì sự lố bịch chỉ kéo dài tối đa 20 năm, rồi chính những đứa trẻ sẽ đòi cha-ông chúng phải đổi tên cho chúng. Không đổi? Chúng chửi cho, và tự chúng cứ đổi.
Thế còn đặt một quốc hiệu kệch cỡm, kéo dài tới vài trăm năm (hết thời kỳ quá độ) thì thanh minh cách gì – như phát biểu tại nghị trường của một số ông bà nghị sĩ – cũng phô bày một thứ tư duy lố bịch và kệch cỡm mà thôi. Chả lẽ lại kể tên các ông bà này ra đây?

Nếu QH cứ thông qua cái tên lố bịch và kệch cỡm?
Thì đó là tư duy của một đám kệch cỡm.
Tôi vẫn quỳ xuống mà vái cái tên Việt Nam thân thiết, gắn bó và thiêng. Đó là tên Tổ Quốc tôi. Tôi “ấy” vào cái tính từ kệch cỡm và lố bịch – như cái gông ma quái, nhưng mạ vàng – choàng lên cổ Tổ quốc tôi.    

Các bài liên quan


Dao Thanh Huong




No comments:

Post a Comment

View My Stats