Sunday, 13 October 2013

LÊ NGUYỄN - BÁO AN NINH THỦ ĐỔ BỊA CHUYỆN ĐƯỢC SAO ? (FB Tin Không Lề)





Trong bài “Ý kiến của kẻ phá bĩnh“, báo An ninh Thủ đô, Nhà báo (?) Lê Nguyễn viết: “Trên trang Tin không lề và sau đó được dẫn lên facebook có một bài viết của một nhân vật có tên Lê Anh Hùng có đưa ý kiến được gắn cho một nhân vật vốn là cựu binh, cựu tù binh Mỹ tại Việt Nam, nay là một nhân vật có vị trí cao trên chính trường Mỹ bình luận: ‘Võ Nguyên Giáp đã thắng chúng tôi trong cuộc chiến, chứ chưa bao giờ thắng trong một trận đánh’. Ý kiến này sau đó đã được xác minh không phải của chính khách người Mỹ này, tuy nhiên cũng đã dậy sóng với hàng nghìn sự quan tâm, hàng trăm ý kiến bình luận“.

Tin Không Lề”xin được trả lời ông (bà) Lê Nguyễn:

1- Đây là không phải là “bài viết của một nhân vật có tên Lê Anh Hùng” như nhà báo Lê Nguyễn viết. Đây là BẢN DỊCH của blogger Lê Anh Hùng. Bài mà blogger Lê Anh Hùng dịch là bài viết của ông John McCain, Thượng Nghị sĩ Mỹ. 

2- Bài viết “Võ Nguyên Giáp đã thắng chúng tôi trong cuộc chiến, chứ chưa bao giờ thắng trong một trận đánh” của Thượng Nghị sĩ John McCain là có thật, được đăng trên báo Wall Street Journal ngày 6/10/2013 (xem ảnh chụp lại), không phải như nhà báo Lê Nguyễn viết “Ý kiến này sau đó đã được xác minh không phải của chính khách người Mỹ này”. Nhà báo Lê Nguyễn không thể đổi trắng thay đen được, hãy xem link bài viết của ông TNS McCain (vẫn còn ở đây và ảnh chụp cuối bài).


Viết như thế, hoặc là nhà báo Lê Nguyễn không biết tiếng Anh để kiểm chứng, rằng bài viết đó của Thượng Nghị sĩ John McCain là có thật, hoặc là nhà báo Lê Nguyễn nghĩ rằng các độc giả trên Facebook không biết tiếng Anh để kiểm chứng thông tin, nên không biết được đâu là sự thật. Nếu nhà báo Lê Nguyễn nghĩ như vậy, xin hãy nghĩ lại, bởi rất nhiều độc giả trên Facebook có thể đọc được tiếng Anh, nhà báo không nên coi thường họ như vậy. 

3- Nhà báo Lê Nguyễn viết: “Và ngay trong trang tin này, trước đa số ý kiến chỉ trích sự ngu dốt, thiếu kiến thức khoa học, thiếu hiểu biết lịch sử chiến tranh Việt Nam của bình luận này, cũng đã có lẻ loi vài ý kiến đánh giá vớ vẩn để lộ sự thù địch qua lời lẽ ‘ngây thơ’, giả nai hòng tìm kiếm những lợi ích cá nhân”

Xin hỏi: Ai kiếm “lợi ích cá nhân” trong chuyện này? Thượng Nghị sĩ John McCain viết bài này, Blogger Lê Anh Hùng tình nguyện dịch bài, trang Tin Không Lề giới thiệu bài này với độc giả, hay nhà báo Lê Nguyễn?

4- Trích “Trên trang Tin không lề và sau đó được dẫn lên facebook”, trang Tin không lề là trang này, chỉ có trên Facebook, mà nhà báo Lê Nguyễn viết “sau đó được dẫn lên facebook” nào nữa? Hay là nhà báo viết bài đó chỉ dựa vào thông tin người khác nói lại, thực tế nhà báo chưa từng đọc stt đó trên FB Tin Không Lề đăng ngày 7/10/2013 về vụ này?

*
*

* Xem: Ý kiến của kẻ phá bĩnh, và bài dịch trên Blog Lê Anh Hùng:

John McCain: “Võ Nguyên Giáp đã thắng chúng tôi trong cuộc chiến, chứ chưa bao giờ thắng chúng tôi trong một trận đánh.”
Để đánh bại bất kỳ đối thủ nào, vị tướng Bắc Việt Võ Nguyên Giáp chấp nhận thương vong khổng lồ và sự tàn phá gần như toàn bộ đất nước

John McCain | Wall Street Journal | 6.10.2013
Người dịch: Lê Anh Hùng

Tôi từng gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người vừa mới mất hôm thứ Sáu – hai lần. Lần đầu tiên diễn ra trong một bệnh viện quân đội của Việt Nam, nơi tôi được đưa đến không lâu sau khi bị bắt năm 1967. Bố tôi là tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, và điều đó khiến tôi trở thành đối tượng gây tò mò trong một số giới của nhà cầm quyền Bắc Việt.

Tôi vẫn còn nhớ một vài vị khách cao cấp bên cạnh những lính gác hay những người thẩm vấn mà tôi tiếp xúc hàng ngày. Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng của Bắc Việt, là người duy nhất mà tôi nhận ra. Ông chỉ ở lại một lát, nhìn tôi chằm chằm, rồi im lặng bỏ đi.

Cuộc gặp gỡ thứ hai của chúng tôi diễn ra đầu những năm 1990, trong một trong nhiều chuyến công tác của tôi tới Hà Nội để bàn về vấn đề POW/MIA (tù binh và những trường hợp  mất tích trong chiến tranh) và việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trước đó, tôi đã đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch và Thứ trưởng Lê Mai sắp xếp một cuộc phỏng vấn ngắn với vị tư lệnh huyền thoại của quân đội Bắc Việt.

Hôm sau, tôi được dẫn vào phòng tiếp đón lớn của Phủ Chủ tịch (vốn do người Pháp xây dựng theo phong cách Beaux-Arts cho Toàn quyền Đông Dương), nơi vị tướng đang đợi. Tươi cười, nhỏ nhắn, cao tuổi nhưng hoạt bát, và trong bộ đồ màu xám cùng caravat, thật khó mà nói rằng trông ông giống với tiếng tăm thời chiến của mình như một chiến binh tàn nhẫn với tính khí quyết liệt.

Võ Nguyên Giáp hồ hởi đón tôi dưới bức tượng bán thân khổng lồ của Hồ Chí Minh, người đã dẫn dắt Việt Nam trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cả hai chúng tôi đều vỗ vai nhau như thể là những đồng chí lâu ngày gặp lại chứ không phải là cựu thù.

Trước khi cuộc gặp diễn ra, tôi hy vọng cuộc thảo luận sẽ tập trung vào vai trò lịch sử của ông. Sau khi từ Việt Nam trở về quê hương năm 1973, tôi đọc tất cả những gì đến tay mình liên quan đến cuộc chiến của người Pháp cũng như cuộc chiến của người Mỹ ở đây, bắt đầu với tác phẩm “Hell in a Very Small Place” (Địa ngục ở vùng đất chật hẹp đó), công trình nghiên cứu kinh điển của ông về cuộc bao vây năm 1954 tại Điện Biên Phủ, nơi chế độ thuộc địa của Pháp thực sự chấm dứt và thiên tài của Võ Nguyên Giáp lần đầu tiên trở nên hiển nhiên trước một thế giới đang kinh ngạc.

Tôi muốn nghe Võ Nguyên Giáp mô tả về trận đánh kéo dài gần hai tháng kia, muốn ông giải thích về cách thức mà quân đội của ông đã khiến người Pháp phải sửng sốt khi làm nên điều không thể là đưa những khẩu pháo băng qua bao núi non và rừng rậm. Tôi còn muốn trao đổi với ông về một kỳ tích hậu cần khác nữa: đường mòn Hồ Chí Minh.

Tôi hiểu ông tự hào về danh hiệu “Napoleon đỏ” của mình, và tôi cho rằng ông sẽ tận dụng mọi cơ hội để thoả mãn trí tò mò của tôi về những chiến công của mình. Tôi muốn chúng tôi hành xử như hai sỹ quan quân đội hồi hưu hay hai cựu thù hồi tưởng về những sự kiện lịch sử mà ở đó ông từng đóng một vai trò quyết định còn tôi chỉ là một nhân vật nhỏ bé. Tuy nhiên, ông lại trả lời phần lớn các câu hỏi của tôi một cách ngắn gọn, cung cấp thêm ít ỏi thông tin ngoài những gì mà tôi đã biết, rồi phẩy tay ra dấu không quan tâm.

Giờ đây tất cả đều đã là quá khứ, ông nói. Bạn và tôi nên bàn về một tương lai mà ở đó hai nước chúng ta không phải là kẻ thù mà là bạn bè. Và chúng tôi đã làm như vậy, hai chính khách bàn về cái công chuyện quốc gia chung đã đưa tôi đến Việt Nam.

Võ Nguyên Giáp là một bậc thầy về hậu cần, nhưng danh tiếng của ông thì còn bắt nguồn từ nhiều thứ khác.  Những chiến công mà ông giành được là nhờ vào một chiến lược kiên trì mà ông và Hồ Chí Minh tin chắc là sẽ thành công – một quyết tâm sắt đá là chấp nhận tổn thất khổng lồ và sự tàn phá gần như toàn bộ đất nước để đánh bại mọi kẻ thù, bất kể chúng hùng mạnh đến đâu. “Các bạn giết 10 người của chúng tôi thì chúng tôi cũng giết một người của phía bạn”, ông nói, “nhưng cuối cùng, các bạn sẽ mệt mỏi với điều đó trước chúng tôi”.

Võ Nguyên Giáp thi hành chiến lược đó với một ý chí sắt đá. Ở Điện Biên Phủ, quân Pháp đẩy lùi hết đợt tấn công vỗ mặt này đến đợt công kích trực diện khác. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một thảm hoạ về mặt quân sự mà trên thực tế đã phá tan Việt Cộng. Nhưng Võ Nguyên Giáp vẫn kiên định và chiến thắng.

Người Mỹ chưa bao giờ thua Bắc Việt trong một trận đánh nào, nhưng họ lại thua trong cuộc chiến. Các quốc gia, chứ không phải quân đội của chúng, mới là kẻ chiến thắng trong các cuộc chiến. Võ Nguyên Giáp đã hiểu điều đó, còn chúng tôi thì không. Người Mỹ tỏ ra mệt mỏi với cuộc chết chóc sớm hơn người Việt Nam. Thật khó mà bảo vệ chiến lược đó về mặt đạo lý, nhưng bạn lại không thể phủ nhận thành công của nó.

Gần cuối cuộc gặp, tôi lại thử thái độ trung thực của Võ Nguyên Giáp một lần nữa. Tôi hỏi ông là có phải ông từng phản đối việc Việt Nam xâm lược Campuchia không. Ông lại phủ nhận điều ấy, với một câu theo kiểu “các quyết định của đảng thì luôn luôn đúng”.

Câu trả lời đó đã kết thúc cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Chúng tôi đứng dậy, bắt tay, và khi tôi định quay gót ra về thì ông nắm lấy tay tôi rồi nói nhỏ: “Các bạn là kẻ thù đáng tôn trọng.”

Tôi không biết ông muốn hàm ý điều đó như một sự so sánh với những kẻ thù khác của Việt Nam, người Tàu, người Nhật, hay người Pháp (những kẻ đã sát hại vợ ông), hay như một sự thừa nhận ngầm rằng chúng tôi đã chiến đấu cho lý tưởng chứ không phải cho một đế quốc nào và rằng chủ nghĩa nhân đạo của chúng tôi đã góp phần vào thất bại của chúng tôi. Mà có thể là ông chỉ muốn vuốt ve tôi thôi. Bất kể ông muốn hàm ý điều gì đi nữa thì tôi cũng ghi nhận tình cảm đó.

  • John McCain là thượng nghị sỹ Đảng Cộng hoà của bang Arizona; ông từng là ứng cử viên của Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008.
  •  



No comments:

Post a Comment

View My Stats