Song
Chi/Người Việt
Friday, October 25, 2013 4:30:14 PM
Vụ một bác sĩ khoa Ngoại của BV Bạch Mai, Hà Nội, đồng thời là giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết nạn nhân rồi ném xác xuống sông Hồng để phi tang, đang làm rúng động dư luận xã hội Việt Nam mấy ngày nay.
Báo chí nhà nước và các trang blog, mạng xã hội tràn ngập thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ việc, chiếm hết sự chú ý của người dân. Những thông tin, sự kiện khác như tạm thời bị chìm đi.
Người ta nói về sự bàng hoàng, phẫn nộ, nhục, đau, không thể tin nổi... của mọi người. Về “nỗi xấu hổ của ngành y,” về tình trạng “y đức đã xuống thấp đến tận đáy,” sự buông lỏng trong việc quản lý các cơ sở thẩm mỹ và kiểm tra tay nghề của các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ trên phạm vi thủ đô Hà Nội và cả nước, một trong những nguyên nhân dẫn đến những ca chết người như vừa xảy ra, và việc truy trách nhiệm của các cá nhân, ban ngành liên quan...
Mức độ chấn động của sự việc có lẽ không thua kém gì khi xảy ra vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm tại BV Ða khoa, Hoài Ðức hay vụ tráo thủy tinh thể tại BV Mắt Hà Nội mới đây. Có khác chăng lần này thứ trưởng Bộ Y Tế thay mặt ngành y xin lỗi nhân dân, bộ trưởng Bộ Y Tế than thở “ tôi đau đớn, xót xa” v.v...
Nhưng có một điều chắc chắn, đây sẽ chưa phải là vụ việc kinh hoàng cuối cùng của ngành y Việt Nam.
Chỉ riêng trong năm nay, ngành y đã khiến người dân liên tiếp bị sốc với đủ thứ sai phạm, tiêu cực, kể cả tội ác của các y bác sĩ, cán bộ công nhân viên trong ngành, xảy ra hết bệnh viện, địa phương này đến phòng khám khác, địa phương khác.
Từ hàng loạt vụ tai biến dẫn đến đến tử vong của trẻ em sau khi tiêm vaccine 5 trong 1 Quinvaxem (mà sau khi ngưng một thời gian lại cho chích lại!), hàng loạt cái chết oan ức, tức tưởi của các sản phụ và cả em bé do sự thờ ơ, tắc trách, vô lương tâm của y bác sĩ. Những vụ chẩn đoán nhầm, phẫu thuật nhầm, những vụ ăn bớt thuốc của bệnh nhân bị bệnh phong, ăn bớt vaccine, chích vaccine hết hạn, vụ “nhân bản” phiếu xét nghiệm, tráo thủy tinh thể... Và bây giờ là bác sĩ làm chết người, thủ tiêu xác.
Rồi sau đó có gì thay đổi không? Không.
Khi chính người chịu trách nhiệm cao nhất là bà Bộ Trưởng Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến còn ngồi nguyên tại vị sau bao nhiêu tiêu cực tày đình xảy ra, không bị cách chức cũng không chịu từ chức, mặc dù đã có nhiều ý kiến, kiến nghị yêu cầu bà Tiến từ chức... Vậy thì đừng mong có bất cứ thay đổi nào.
Người Việt bây giờ sẽ có thêm một nỗi lo sợ, bất an, mỗi khi phải vào bệnh viện hay cần đến bất cứ một dịch vụ y tế nào, bên cạnh vô vàn những nỗi lo sợ, bất an thường trực lâu nay. Mặc dù vậy, người dân vẫn phải sống chung với điều đó, chỉ còn biết tự an ủi mình “Trời kêu ai nấy dạ,” “số chết thì phải chết.” Và thỉnh thoảng lại sốc vì một vụ động trời nào đó xảy ra, rồi lại quên, lại có những chuyện khác, còn kinh khủng hơn, ập tới...
Trong rất nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng nát bét, bại hoại về mọi mặt của xã hội, kể cả ngành y, có hai nguyên nhân chính: Một thể chế chính trị xã hội không coi trọng, thậm chí khinh rẻ con người. Trong một xã hội như vậy, mạng người trở nên quá rẻ rúng. Và luật pháp không nghiêm, do bị thao túng nặng nề bởi nạn tham nhũng.
Riêng trong ngành y, từ quan niệm, mối quan hệ giữa y bác sĩ, cán bộ y tế và bệnh nhân đã bị sai lệch. Người dân đến bệnh viện cứ như đi nhờ vả. Còn y bác sĩ, nhân viên y tế thì coi bệnh nhân như gánh nặng, sự phiền phức, khám chữa bệnh mà cứ như đang gia ơn cho bệnh nhân. Nếu có “phong bì” thì có thể vui vẻ, tích cực hơn một chút.
Trong khi lẽ ra phải ngược lại. Nếu suy nghĩ một cách sòng phẳng, bệnh nhân vừa đóng thuế cho ngành y vừa phải bỏ tiền cho các dịch vụ khám chữa bệnh, họ phải được đối xử như người bán hàng đối xử với khách hàng, nghĩa là “Thượng đế.”
Còn nếu suy nghĩ sâu hơn, những người làm việc trong môi trường y tế phải xem công việc của mình là bổn phận, trách nhiệm, hơn nữa, trách nhiệm có phần thiêng liêng, cao cả hơn một số công việc, ngành nghề khác vì liên quan trực tiếp đến mạng sống con người.
Bệnh nhân là người bệnh, vì vậy cần phải thông cảm, nhẹ nhàng, chu đáo với họ, những nỗi đau đớn vì bệnh tật, sinh đẻ, lúc giải phẫu... của bệnh nhân là nỗi đau thường tình mà con người ai cũng sẽ có lúc phải trải qua.
Ðó là thái độ làm việc của y bác sĩ, nhân viên ngành Y ở tất cả các nước văn minh tiến bộ. Nhưng ở Việt Nam thì không.
Trong mọi xã hội, luôn luôn phải có cái gì đó dựa vào để làm điểm dừng, để giới hạn hoặc ngăn chặn mọi hành vi sai trái của con người. Ðó là luật pháp nghiêm minh và công bằng. Là niềm tin vào tôn giáo thiêng liêng. Là nền tảng vững vàng của giáo dục - một nền giáo dục đặt tính nhân bản, hướng thiện, tự do, tôn trọng con người lên hàng đầu. Và những chuẩn mực chung về đạo đức được cả xã hội tôn trọng, gìn giữ.
Trong xã hội Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, không có, không còn cái gì là thiêng liêng, là giới hạn. Luật pháp không ra gì. Tôn giáo bị tận diệt, triệt phá bao nhiêu năm, chỉ còn lại mê tín dị đoan là nhiều. Giáo dục hỏng. Những chuẩn mực đạo đức xã hội bị vứt dần vào sọt rác trong cơn say cuồng lao vào kiếm tiền, kiếm danh bằng mọi giá của cả dân tộc, như một cơn thèm ăn trả bữa bao nhiêu năm vẫn chưa hết nỗi ám ảnh của sự đói nghèo, lạc hậu, khó khăn thời chiến tranh ở miền Bắc và thời bao cấp trên cả nước.
Bộ máy quan chức từ trên xuống dưới không bao giờ đặt lợi ích của Tổ quốc, nhân dân lên trên hết, xem đất nước như một cái mỏ để đào, bán, khai thác, đổi chác... Xem nhân dân cũng vừa là một cái mỏ để bóp nặn, chất chồng lên đầu một đống thuế, vừa như một đám nô lệ.
Ðến lượt người dân dần dần cũng vậy, như người cùng
ở trọ trong một mái nhà chung, lợi ích, kể cả sinh mạng của người khác nhẹ như
không.
Trở lại với ngành y, nếu muốn thay đổi phải “giải phẫu” toàn bộ những căn bệnh của ngành. Phải cách chức từ bà bộ trưởng cho đến những quan chức có trách nhiệm, xử lý và trừng phạt đến nơi đến chốn tất cả những vụ tiêu cực, sai phạm, gây chết người với mức phạt nặng gấp năm, mười lần lâu nay.
Cấm tiệt nạn “phong bì,” cấm các bệnh viện sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, giờ công để làm ngoài giờ, làm “dịch vụ,” lẫn lộn công-tư trong “phong trào xã hội hóa” ngành y. Thực chất chỉ là lấy của công làm thành tư, tạo nên sự thiếu công bằng trong thái độ khám, điều trị bệnh nhân và tâm lý chỉ muốn làm ngoài giờ, làm thêm kiếm tiền của đội ngũ y bác sĩ.
Phải tách bạch hệ thống y tế tư và công, đã bệnh viện công là hoàn toàn miễn phí hoặc phí rất rẻ. Nâng tiền lương đủ sống cho y bác sĩ, nhân viên ngành y tế công khỏi phải vừa làm trong vừa tranh thủ làm ngoài. Rà soát tất cả những phòng khám tư, thẩm mỹ viện, cái nào chưa có giấy phép phải đóng cửa, bác sĩ muốn hành nghề lĩnh vực nào phải có bằng cấp, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đó.
Ðầu tư nâng cấp các bệnh viện tỉnh, thị trấn, vùng sâu vùng xa, để tránh tình trạng dồn về các bệnh viện ở thành phố lớn, gây nên tình trạng quá tải...
Ngay từ khâu đào tạo ngành y phải dẹp bỏ tình trạng mở lớp, mở trường vô tội vạ, đào tạo bát nháo, chỉ những trường trung cấp, đại học chuyên ngành có đầy đủ điều kiện mới được đào tạo nhân sự y tế, phạt nặng những trường hợp xài bằng cấp giả v.v...
Bao nhiêu việc phải làm, thì may ra mới có chút đổi thay. Nhưng muốn thực hiện cuộc đại giải phẫu ngành y, việc đó có lẽ nằm ngoài khả năng của bà Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đành mà cũng không hy vọng gì trong cơ chế, guồng máy hiện tại.
Bởi vì, mọi lĩnh vực trong xã hội từ chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, đạo đức con người... hiện nay ai cũng thấy là nát bét, không thể thay đổi, sửa chữa, bộ máy nhà nước từ trên xuống dưới cũng đành bất lực.
Vì nó là “lỗi hệ thống,” như chúng ta vẫn nói. Ðã là “lỗi hệ thống” thì chỉ có phá bỏ toàn bộ và làm lại. Nhưng đây lại là điều không bao giờ nhà nước này muốn làm.
Trở lại với ngành y, nếu muốn thay đổi phải “giải phẫu” toàn bộ những căn bệnh của ngành. Phải cách chức từ bà bộ trưởng cho đến những quan chức có trách nhiệm, xử lý và trừng phạt đến nơi đến chốn tất cả những vụ tiêu cực, sai phạm, gây chết người với mức phạt nặng gấp năm, mười lần lâu nay.
Cấm tiệt nạn “phong bì,” cấm các bệnh viện sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, giờ công để làm ngoài giờ, làm “dịch vụ,” lẫn lộn công-tư trong “phong trào xã hội hóa” ngành y. Thực chất chỉ là lấy của công làm thành tư, tạo nên sự thiếu công bằng trong thái độ khám, điều trị bệnh nhân và tâm lý chỉ muốn làm ngoài giờ, làm thêm kiếm tiền của đội ngũ y bác sĩ.
Phải tách bạch hệ thống y tế tư và công, đã bệnh viện công là hoàn toàn miễn phí hoặc phí rất rẻ. Nâng tiền lương đủ sống cho y bác sĩ, nhân viên ngành y tế công khỏi phải vừa làm trong vừa tranh thủ làm ngoài. Rà soát tất cả những phòng khám tư, thẩm mỹ viện, cái nào chưa có giấy phép phải đóng cửa, bác sĩ muốn hành nghề lĩnh vực nào phải có bằng cấp, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đó.
Ðầu tư nâng cấp các bệnh viện tỉnh, thị trấn, vùng sâu vùng xa, để tránh tình trạng dồn về các bệnh viện ở thành phố lớn, gây nên tình trạng quá tải...
Ngay từ khâu đào tạo ngành y phải dẹp bỏ tình trạng mở lớp, mở trường vô tội vạ, đào tạo bát nháo, chỉ những trường trung cấp, đại học chuyên ngành có đầy đủ điều kiện mới được đào tạo nhân sự y tế, phạt nặng những trường hợp xài bằng cấp giả v.v...
Bao nhiêu việc phải làm, thì may ra mới có chút đổi thay. Nhưng muốn thực hiện cuộc đại giải phẫu ngành y, việc đó có lẽ nằm ngoài khả năng của bà Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đành mà cũng không hy vọng gì trong cơ chế, guồng máy hiện tại.
Bởi vì, mọi lĩnh vực trong xã hội từ chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, đạo đức con người... hiện nay ai cũng thấy là nát bét, không thể thay đổi, sửa chữa, bộ máy nhà nước từ trên xuống dưới cũng đành bất lực.
Vì nó là “lỗi hệ thống,” như chúng ta vẫn nói. Ðã là “lỗi hệ thống” thì chỉ có phá bỏ toàn bộ và làm lại. Nhưng đây lại là điều không bao giờ nhà nước này muốn làm.
No comments:
Post a Comment