Tạ Dzu
27/10/2013
Kể từ năm 1945 đến nay, nhà nước CSVN đã đưa ra bốn
bản hiến pháp khác nhau nhưng chưa bao giờ người dân được quyền tham dự vào
việc quyết định sinh mệnh chính trị của mình thông qua tiến trình phúc quyết
hiến pháp. Nhân dân dưới chế độ cộng sản chỉ là công cụ và phương tiện phục vụ
cho ý đồ cầm quyền của đảng. Nhân dân chưa bao giờ là đối tượng phục vụ, là
thực thể lẽ ra phải là chủ nhân ông đất nước, có quyền lực thực sự.
Do đó, cần phải định nghĩa và đặt lại vai trò của
nhân dân trong hiến pháp.
‘Dân’
trong Nhân dân
Dân, là người trong mỗi xã hội riêng biệt. Do phân
bố địa lý, hòan cảnh lịch sử và văn hóa khác biệt, người dân tại mỗi quốc gia
mỗi khác nhau. Do đó, ‘dân’ mang tính đa nguyên tương đối. Muốn thế giới ổn
định, phải tôn trọng tính đa nguyên của (các) dân (tộc). Chủ nghĩa cộng sản đã
hòan toàn sai lầm khi chủ trương xóa bỏ dân tộc để mơ ước tiến đến đại đồng
quốc tế. Họ không nhìn ra và phá vỡ quy luật đa nguyên tương đối này. Trên bình
diện quốc gia, chính quyền cũng phải tôn trọng tính đa nguyên giữa các giai
tầng quốc dân. Chủ trương chỉ công nhận giai cấp công nhân hay những người được
đảng cộng sản chấp nhận, cũng phá vỡ quy luật đa nguyên của dân.
Một cách thông thường, nhân dân được hiểu là tất cả
mọi người dân trong một nước – toàn dân hay quốc dân. Từ điển tiếng Việt của
người cộng sản định nghĩa nhân dân là “khối người đông đảo làm nền tảng cho
một nước…” không mang ý nghĩa toàn dân. Nó là thuật ngữ mang ý nghĩa chính
trị, thuộc phạm trù ý hệ Mác Lê. Nhân dân, theo những người cộng sản, không
phải toàn dân mà “… gồm các giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư
sản dân tộc. Những tầng lớp ấy, do giai cấp công nhân lãnh đạo, cùng tham gia
chính quyền…” như Trường Chinh xác nhận trong dịp báo cáo trước Đại hội 2.
Điều này nêu lên ba quan điểm về nhân dân của người
cộng sản.
Thứ nhất, theo gót Mao Trạch Đông, Trường Chinh cũng
quy định có bốn giai cấp họp thành nhân dân nhưng không đưa ra tiêu chuẩn ổn
định để xác định giai cấp tính. Chẳng hạn thế nào là tiểu tư sản và tư sản dân
tộc? Tại sao rất nhiều tư sản dân tộc theo đảng từ những ngày đầu mà bị phản
bội, bị truy tố trước tòa án nhân dân hoặc bị âm thầm thủ tiêu dã man không ai
biết đến? Tại sao Giang Trạch Dân lại cho phép hàng ngũ đại gia tư bản - những
kẻ trên lý thuyết phải bị tiêu diệt - trở thành đảng viên theo thuyết “ba đại
diện” của ông ta?
Thứ nhì, theo lý thuyết, giai cấp công nhân lãnh đạo
tất cả các giai cấp khác; trên thực tế, chỉ những kẻ đại biểu mới được đứng
trong hàng ngũ này. Đảng cộng sản tự phong cho mình là đại biểu của giai cấp
công nhân. Mặc nhiên, chỉ có đảng mới thực sự lãnh đạo không chỉ ba giai cấp
còn lại, mà cả những ai không được may mắn quy định nằm trong bốn giai cấp
trên.
Thứ ba, mặc dù thòng thêm câu “cùng tham gia chính
quyền”, nhưng đại biểu những giai cấp còn lại không thực sự có thực quyền.
Những người ngoài đảng lại càng không. Điều 3 Hiến pháp 1980 định nghĩa nhân
dân như sau: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chủ tập thể
là nhân dân lao động bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể,
tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa và những người lao động khác mà nòng cốt là
liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”. Theo định nghĩa này
thì nhân dân không phải là toàn dân. Ngay cả những người cùng một giai cấp được
công nhận trước kia cũng bị phân biệt rõ rệt: Cùng là nông dân, nhưng nông dân
tập thể được đứng trong hàng ngũ nhân dân; nông dân cá thể thì không. Cũng vậy,
trí thức “Xã hội Chủ nghĩa” được nhìn nhận, trí thức “suông” thì không (*).
Đầu thập niên 90, do sự lung lay tận gốc rễ của chủ
nghĩa cộng sản với sự sụp đổ của các chế độ cộng sản Đông Ấu và Liên Xô, CSVN
đành phải đổi mới nội dung nhân dân nơi điều 2 Hiến pháp 1992: “Nhà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh
giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức”.
Quy định này không còn phân biệt tính chất nông dân
(cá thể và tập thể) và trí thức (XHCN và không XHCN) nữa. Nhưng trong điều 4
ngay sau đó, giai cấp công nhân và nhân dân lao động lại được nhấn mạnh như lực
lượng chính trong nhân dân. Do đó, “nhân dân” vẫn mang tính chuyên quyết, chỉ
vì quyền lợi và sự tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam, không vì quyền lợi và sự
tồn tại của toàn dân. Họ luôn mập mờ và trí trá trong quy định nhân dân. Khi
cần, họ sẵn sàng lôi kéo những thành phần ngoài đảng, thậm chí thuộc giai cấp
đối nghịch đứng chung hàng ngũ nhân dân; lúc không cần, người cộng sản sẵn sàng
loại bỏ không thương tiếc (*).
Đây là cách nhìn và hành động của những nhà nước
thiếu văn minh, của những chính quyền độc tài mà luôn hô hào dân chủ giả dối.
Trong một chế độ dân chủ, nhà nước, được toàn dân
trao thẩm quyền điều hành các hoạt động xã hội, phải tạo điều kiện cho mỗi cá
nhân, các giai tầng và xã hội dân sự phát huy hết khả năng, sinh hoạt hòa hợp
nhịp nhàng, thúc đẩy cả xã hội tiến bộ và phát triển.
Vai trò của nhà nước hiện đại, theo quan niệm mới,
nghiêng nhiều về quản trị và điều hành (managing) thay vì cai trị, lãnh đạo
(ruling). Mọi người dân ngày càng được khuyến khích tham dự vào đời sống chính
trị chung. Đây là nền dân chủ với nội dung mới - nền dân chủ toàn dân và trực
tiếp (empowered, parcitipatory democracy).
Chỉ khi nào đại diện toàn dân từ các địa phương được
chính người dân cử vào cơ quan quyền lực cao nhất là quốc hội, chứ không phải
bao gồm toàn các đảng viên cộng sản, thông qua đầu phiếu tự do, thì tính đa
nguyên của dân mới được bảo chứng. Quốc hội phải hoạt động độc lập với đảng
nhằm bảo đảm tính trung thực của các quyết định do quốc hội đưa ra liên quan
tới đời sống hàng ngày của dân. Đảng phải sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp
cho phép, quy định trong hiến pháp được toàn dân phúc quyết. Đây là điều quan
trọng trong việc xác định chức năng giữa đảng và nhà nước, giữa vai trò thiết
kế chính sách (chính) của ngành lập pháp và quản trị hành chánh (trị) của ngành
hành pháp. Như vậy, lập pháp là quyền của dân, hành pháp thuộc về chính quyền,
tư pháp đứng độc lập.
Quan hệ giữa nhà nước và quốc dân phải là quan hệ hỗ
tương hợp tác, thông lưu trên dưới, đối lập mà thống nhất, không phải là lãnh
đạo một chiều từ trên xuống. Nhân dân phải được tự do, trực tiếp tham dự vào
các sinh hoạt chính trị thông qua những đại diện do chính họ bầu lên, cùng nhà
nước thiết kế và thực hiện (chấp hành) dân sinh, chứ không chỉ là đặc quyền của
các đảng viên cộng sản, dễ trở nên lạm dụng quyền lực đi đến độc tài chuyên
chế. Thực thi được điều này thì đó mới là một chính quyền văn minh, tôn trọng
người dân và được toàn dân tin tưởng, kính trọng, không cần sử dụng bạo lực mà
vẫn giữ được ổn định xã hội.
Dân chủ phải gắn liền với dân chứ không phải với
đảng. Xây dựng hiến pháp mà không gắn với (toàn) dân khiến đảng luôn phải dối
trá, lúc nào cũng tìm cách lừa bịp dân.
Vào đầu tháng 10, Tổng Bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú
Trọng, trong tư cách đại biểu quốc hội đã gặp gỡ cử tri các quận Tây Hồ và Hoàn
Kiếm, tuyên bố rằng dự thảo Hiến pháp được tuyệt đại đa số người dân đồng tình.
Nhưng ngay sau đó, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam,
Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng đã
công bố kết quả cuộc khảo sát có tên gọi Chỉ số Công lý 2012, cho thấy 65.4%
dân chúng Việt Nam không biết cũng như không tham dự vào kế hoạch sửa đổi hiến
pháp. Chỉ số Công lý 2012 đã chứng minh ông Trọng dối trá. Không người dân nào,
ngoại trừ các đảng viên Đảng CSVN, được tham gia vào tiến trình dự thảo hay
phúc quyết hiến pháp. Đảng CSVN đang sửa đổi hiến pháp là nhằm biện minh cho sự
cầm quyền của họ chứ không cho toàn dân.
Ngày 19 tháng 11 năm 1863, khi đến thăm mặt trận tại
Gettysburg, Tổng thống Hoa Kỳ, A. Lincohn, đã tuyên bố rằng chính phủ là “của
dân, do dân, vì dân”. Định nghĩa này giúp người dân hiểu dễ dàng và giống nhau.
Chính quyền Mỹ không cần phải quy định ai là (nhân) dân, ai không. Câu nói đơn
giản đó khiến mọi người hiểu rõ ràng rằng chính quyền là do (toàn) dân lập ra,
bằng bầu cử tự do, dựa vào dân và để phục vụ dân, chứ không phải để cai trị
dân. Chính vì không phân biệt giai cấp, lấy toàn dân làm nền tảng và là cứu
cánh, hiến pháp Hoa Kỳ cho tới nay chưa phải thay đổi, chỉ cần tu chính.
‘Nhân’
trong Nhân ân
Nhân, là con người trong dòng lịch sử nhân loại nói
chung. Dù thuộc dân tộc nào, con người cũng là nhân. Ở đâu, có mầu da nào, mang
quốc tịch nào, con người đều phải được tôn trọng nhân phẩm như nhau, có quyền
con người như nhau. ‘Nhân’ mang tính nhất nguyên tuyệt đối.
Để công nhận một cuộc hôn nhân mới, một gia đình mới
giữa hai người nam và nữ, xã hội nào cũng có nghi thức nhằm ra mắt, giới thiệu
hai người với cộng đồng. Đó là tính nhất nguyên của nhân. Tổ chức đám cưới như
thế nào, mời bao nhiêu người, cô dâu thay bao nhiêu chiếc áo, họ hàng và bạn bè
mừng tiền mặt hay tặng phẩm cho đôi trẻ, mang tính đa nguyên, khác nhau
tùy mỗi dân tộc, mỗi xã hội.
Trong tương quan giữa mình với người khác, nhân loại
luôn chọn lựa cách ứng xử phù hợp với đời sống con người, phù hợp với nhân tính
nhất, gọi là nhân đạo - đường sống, lối sống người. Dù ở chân trời góc
biển nào, con người cũng hành xử như thế, cổ đại cũng như hiện đại, tuy mức độ
có khác nhau tuỳ vào tri thức ở giai đoạn đó, nhưng luôn là lối sống tương hợp
với nhân tính, dần rời xa vật tính. Dù trong nhiều thời kỳ lịch sử, con người
đã (và đang) có nhiều hành động, tư tưởng xa rời nhân tính, nhân đạo, nhưng
rồi, qua thời gian tiến hóa, con người lại sửa sai và trở về với nhân đạo.
Qua quá trình sống hàng ngàn năm, chục ngàn năm như
thế, con người dần tìm ra bảng giá trị chung mà mọi người, mọi dân tộc đều thấy
hợp lý.
Kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, con người
thức tỉnh ra, thấy cần phải sống hòa hợp với nhau hơn thay vì gây chiến. Trong
thời đại toàn cầu hóa, mỗi dân tộc lại thấy ra hai con đường sống: không chỉ
đời sống quốc dân của dân tộc, mà còn có đời sống quốc tế của dân tộc nữa.
Giao thoa giữa các nền văn hóa, việc làm ăn buôn
bán, du lịch thăm thú nhau giữa các quốc gia, càng làm cho mọi người thấy tầm
quan trọng của những gía trị chung buộc phải tôn trọng, mới dễ tạo nên sự ổn
định toàn cầu.
Hiện tại, bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền nói về
quyền con người và nền chính trị dân chủ đích thực, tham gia bởi toàn dân chứ
không chỉ còn là công việc của đảng phái, là những giá trị phổ quát, thành tựu
văn minh chung của toàn thể nhân loại. Với giá trị chung đó, các chính quyền
độc tài, trong đó có cả Trung Quốc và Việt Nam đã ký vào bản Tuyên ngôn, không
thể biện luận dối trá rằng nhân quyền của chúng tôi khác với nhân quyền Tây
phương, nhằm tước đoạt quyền làm người của dân.
Nhà nước nào càng đi gần với bảng giá trị chung và
tôn trọng người dân, xã hội của nhà nước đó càng phát triển trong hòa bình và
ổn định.
Hiến pháp dựa vào toàn dân với những giá trị chung
của nhân loại thì lâu bền; dựa vào đảng và những người được đảng công nhận là
nhân dân sẽ sớm bị đào thải. Hành động chỉ công nhận nhân dân theo định nghĩa
của đảng còn tạo ra phân biệt đối xử, gây chia rẽ mọi tầng lớp quốc dân, không
thể đưa đất nước đến phát triển và ổn định lâu dài.
T.D.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN
--------------------------------------------
(*) Trần Thanh Hiệp (2012). Việt Nam Trên Đường
Đi Tới Tương Lai Dân Chủ Hóa. Paris: Tủ Sách Thái Bình Dương, pg 11-13.
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 02:25
No comments:
Post a Comment