Friday, 11 October 2013

CHO DÂN ĐÁNH BẠC ĐỂ GỠ SUY THOÁI ? (Phạm Chí Dũng)




Được đăng ngày Thứ sáu, 11 Tháng 10 2013 20:13

Nếu không có gì thay đổi thì trong tương lai chẳng mấy xa xôi, bất chấp mọi phản biện của giới trí thức và tiếng kêu gào của người dân bị trưng thu đất, các dự án đầu tư casino sẽ vẫn tiếp tục con đường của dự án sân golf, trở thành một kênh hứa hẹn bổ khuyết cho thâm thủng ngân sách đang có nhiều dấu hiệu cạn túi.

*

Đánh bạc quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt quen mồm
Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa
(Tục ngữ Việt Nam)

Đánh bạc quen tay
Ở một đất nước với cơ thể nông nghiệp vẫn còn đặc trưng bởi nền văn hóa lúa nước, một đất nước đang tiến vào thực trạng khốn khổ của nạn “nuốt” đất nông nghiệp bởi vô số quan chức đầu cơ cùng các nhóm lợi ích, một đất nước với quá nhiều vụ tự vẫn không thể thống kê ám ảnh bởi chuyện cờ bạc và nợ nần…, các casino vẫn điềm nhiên mọc lên ở nhiều địa phương, từ Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh đến Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang…
Một báo cáo của Bộ Tài chính cho biết tại Việt Nam hiện có 7 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh casino, trong đó có 5 dự án quy mô nhỏ (khoảng 15 bàn trò chơi và 80 máy trò chơi cho mỗi doanh nghiệp) tại Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng và Quảng Ninh và 2 dự án quy mô lớn đang và sắp triển khai tại tỉnh Quảng Nam và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tư tưởng thân hữu chính trị không chỉ đào sâu hố phân cách giàu nghèo xã hội, mà còn làm mờ đi cái ranh giới địa lý chừng nào các chính quyền địa phương vẫn bị co giật trong não trạng bầy đàn, đua nhau xin mở casino. Ngày càng xuất hiện nhiều cái tên mới, kể cả những chính quyền “vùng sâu vùng xa” như Yên Bái, Phú Thọ, Bình Thuận cũng đang ấp ủ giấc mơ tiến hành những dự án “đổi đời”, trong bối cảnh đất nước ngập ngụa trong vũng lầy suy thoái kinh tế từ ba năm qua.

Mới đây, tại Hội nghị của ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã “xin” Chính phủ “sớm có cơ chế để kêu gọi nhà đầu tư lĩnh vực dịch vụ, hoạt động casino tại Tam Đảo và cá cược đua ngựa tại Đại Lải”, với lý do là “nhiều nhà đầu tư Mỹ và Hàn Quốc rất quan tâm đến lĩnh vực này”.

Trung tuần tháng 9/2013, Tập đoàn ISC Corporation (Mỹ) và các đối tác của Tập đoàn Tuần Châu đã đến Quảng Ninh để bàn bạc về việc thực hiện siêu dự án vui chơi giải trí có casino với mức vốn đầu tư lên tới 7,5 tỉ USD ở Vân Đồn. Nếu được thoát thai, hiển nhiên số vốn đăng ký đầu tư của dự án này sẽ góp “một phần không nhỏ” vào tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu chết yểu.

Không khác với sự ngụy biện đối với trào lưu lấn chiếm đất đầu tư sân golf từ nhiều năm qua, cũng đã xuất hiện những ý kiến tô điểm cho “ích nước lợi nhà” của casino. Trong cái nhìn thiếu thực tâm nhưng thừa thực dụng của nhiều chính quyền địa phương, casino là một “cứu tinh” cho du lịch bản địa. Và cũng trùng khớp với dự án sân golf, hầu hết các dự án đầu tư casino đều mô tả triển vọng xán lạn về giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương và nguồn thu nhập sẽ dồi dào hơn hẳn để “xóa đói giảm nghèo”.

Chỉ có điều, người dân bản địa không lạ gì với câu chuyện sáo ngữ như thế. Một trong những nghịch lý trơ trẽn nhất đã xảy ra với những trường hợp như Phú Yên – nơi mà từ quá nhiều năm qua chính quyền nơi đây đã chẳng làm được việc gì có kết quả đáng kể để tận dụng tiềm năng du lịch sẵn có của mình, trong khi lại phải cầu cạnh đến nguồn thu nhập từ chuyện đánh bạc.

Cũng như phong trào làm sân golf trước đây, giờ đây từ Bắc vào Nam lại đang hình thành một phong trào chạy chọt xin làm casino. Trong bối cảnh mặt bằng dân trí hầu như không được nâng lên, mặt bằng thu nhập ngày càng bị chia cắt bởi hố phân hóa xã hội càng ngoác rộng, chính quyền một số địa phương chỉ thuần túy chạy theo tính thời thượng của những dự án được coi là “cứu tinh” cho phát triển kinh tế của địa phương mình, trong lúc chẳng mấy hình dung ra cái hệ lụy đầy tính bi kịch mà các sòng bạc có thể tiêu diệt đến phân nửa ý thức văn hóa còn sót lại trong đầu lớp trẻ.

Làm như mèo mửa
Cũng như hàng loạt hậu quả từ trào lưu đầu tư sân golf vô tội vạ, tính hiệu quả kinh tế của các dự án casino hoàn toàn chưa xứng đáng với việc đánh đổi cơ chế mở cửa. Ở một số nơi như casino Đà Nẵng, phản ảnh của những khách chơi người Mỹ đã cho thấy lượng khách tham gia vào casino này chỉ lèo tèo, cho dù cơ sở vật chất đã ngốn một khoản đầu tư rất lớn. Tương tự, những casino khác cũng không khả quan hơn hiện trạng “cầu” đối với sân golf là mấy.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết trong năm 2012, doanh thu của 5 casino đang hoạt động khoảng 930 tỉ đồng, nộp ngân sách khoảng 254 tỉ đồng và giải quyết khoảng 200-500 lao động trực tiếp tại mỗi điểm kinh doanh casino. Báo cáo của một số cơ quan khác cũng nhuốm tươi thành tích như vậy.

Song người ta đang tự hỏi các cơ quan bộ thành lập ra để làm gì, nếu chỉ làm được những báo cáo quan liêu đến mức “nói như rồng leo” như thế. Bởi theo đánh giá chung của giới kinh tế, hoạt động của các casino này đã không mang lại nhiều hiệu quả kinh tế.

Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội lại khẳng định casino là hoạt động kinh doanh nhạy cảm, không nên khuyến khích phát triển.

Tại một đất nước mà thói quen cờ bạc đã ăn sâu vào bản thể của cộng đồng dân cư, bất cứ một loại hình cờ bạc nào, từ loại thô thiển như cá độ và chơi số đề đến loại được ví là cực kỳ cao cấp như thị trường chứng khoán, cũng đều thu hút không nhiều thì ít sự tham gia tự nguyện của những người dân nặng lòng dị đoan vào tính may rủi.

Một lần nữa, giới chuyên gia phải lên tiếng: việc cấp phép cho các dự án casino cần hết sức thận trọng và cần được chính quyền kiểm soát chặt chẽ để tránh những hậu quả tai hại về mặt kinh tế-xã hội. Đặc biệt, hết sức cẩn trọng khi xem xét có cho người Việt vào các casino hay không.
Song thực tế lại đã chứng minh rằng trên cả lớp dân thường, tầng lớp quan chức mới là những người tiêu xài ghê gớm nhất trong các sòng bạc. Đặc biệt với những quan chức mang đặc tính “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, mối dây gắn liền từ ăn vặt đến tham nhũng, từ tham nhũng đến rửa tiền đã hằn sâu trong tâm não họ.

Casino chính là một trong những chỗ để rửa tiền hiệu nghiệm nhất tại Việt Nam, dành cho giới đầu cơ và “một bộ phận không nhỏ” thuộc giới quan chức Việt Nam.

Ăn vặt quen mồm
Những vụ việc tức nước vỡ bờ như Tiên Lãng ở Hải Phòng, Văn Giang ở Hưng Yên, Dương Nội ở Hà Nội… không phải là bài học đáng lãng quên nhanh chóng.

Cũng như những dự án sân golf đã nuốt đất của dân mà do đó đã gây ra phản ứng đất đai trên diện rộng, bất kỳ một dự án casino nào, với tính chất “khu liên hợp” hay “tổ hợp”, cũng liên quan đến một diện tích đất không nhỏ.

Hiện thời, “đất cũ” trong các đô thị hầu như đã không còn. Chỉ còn “đất mới”, hay nói khác hơn là đất nông nghiệp của người nông dân. Có vẻ như bất cứ địa điểm đắc địa nào được nhà đầu tư nước ngoài hay các đại gia tài chính, ngân hàng và bất động sản trong nước “chấm”, đều dễ dàng được chính quyền địa phương gật đầu. Nhưng những địa điểm đó cũng đa phần liên quan đến đất thuộc quyền sử dụng của các gia đình nông dân.

Song từ Tiên Lãng, một hệ lụy lớn được khởi phát, dẫn đến hệ lụy đối với casino: một khi dự án casino được chuẩn y, gần như chắc chắn nó sẽ phải đối mặt với công đoạn đầu tiên: bồi thường và giải tỏa. Công đoạn này, gần như tất yếu, sẽ dẫn đến công đoạn tiếp theo: cưỡng chế giải tỏa.
Công đoạn tiếp theo cũng là nguy cơ tiếp nối. Rất có thể sẽ lại phát sinh một làn sóng phản đối mạnh mẽ của nông dân như đã từng biểu hiện đối với các dự án sân golf. Và nếu không cẩn thận, làn sóng phản ứng ấy có thể dẫn đến những xung đột ghê gớm – điều đã hiển thị ở Tiên Lãng.
Nhìn lại các cuộc khiếu kiện đất đai diễn ra ở Việt Nam từ những năm 2000-2001 cho tới giai đoạn cao điểm 2008-2009 và đến cả hiện thời, rất nhiều nông dân từ các địa phương – nơi phổ biến cơn lốc sân golf lấn chiếm đất canh tác – đã lặn lội đến tận các cơ quan trung ương ở Hà Nội để khiếu kiện. Nội dung khiếu kiện cũng không nằm ngoài những “đặc thù” của vấn đề thu hồi đất làm dự án ở Việt Nam: bồi thường không thỏa đáng, không bảo đảm tái định cư và môi trường sinh sống làm ăn cho nông dân sau khi bị thu hồi đất, nạn nhũng nhiễu của cán bộ thu hồi đất và hành vi ép dân của chính giới chủ đầu tư dự án…

Nếu hình ảnh cưỡng chế đất làm casino tái hiện những bi thảm đã xảy ra với nhiều dự án sân golf, hàng loạt hậu quả sẽ lặp lại. Khi đó, không chỉ là hậu quả về môi trường, sự mất ổn định của quy hoạch mà hậu quả với tính hệ thống của nó còn đào sâu vào khía cạnh phân cách giàu nghèo – một trong những bất ổn nghiêm trọng của xã hội đương thời Việt Nam.

Cũng khi đó, tại nhiều địa phương sẽ tái diễn cảnh “ăn vặt quen mồm” bằng cách ép giá, ép dân, hiện tượng liên kết giữa chủ đầu tư và chính quyền nhằm cưỡng chế thu hồi đất của dân…, để từ đó tích tụ, tích lũy ngày càng sâu những phản ứng bức xúc, phẫn uất của người dân mất đất, giúp xúc tác đầy đặn cho những tiền đề tạo ra khủng hoảng xã hội và còn có thể tạo dấu ấn cho những động loạn chính trị.

Ngủ ngày quen mắt
Trở lại thời điểm cuối năm 2011, Bộ Chính trị đảng đã phải ra nghị quyết tìm cách “giữ bằng được” 3,8 triệu ha đất trồng lúa. Khi đó, có đến gần 140 dự án sân golf đang đe dọa tống cổ người dân ra khỏi đất đai canh tác của họ.

Còn vào thời điểm này – gần cuối năm 2013– bắt đầu xuất hiện những thông tin hành lang về khả năng “ngân sách nhà nước kiệt quệ”. Một đề xuất hiếm có tiền lệ của Bộ Tài chính về giảm 100.000 đồng mức lương tối thiểu của người làm công ăn lương trong khu vực nhà nước là một minh chứng cho tin tức vỉa hè ấy. Một minh chứng khác không kém thuyết phục là bội chi ngân sách được Chính phủ đề xuất nới trần từ mức 4,8% lên 5,3%.

Nếu không có gì thay đổi thì trong tương lai chẳng mấy xa xôi, bất chấp mọi phản biện của giới trí thức và tiếng kêu gào của người dân bị trưng thu đất, các dự án đầu tư casino sẽ vẫn tiếp tục con đường của dự án sân golf, trở thành một kênh hứa hẹn bổ khuyết cho thâm thủng ngân sách đang có nhiều dấu hiệu cạn túi.

Trong khi đó, những nhóm lợi ích đã làm cháy túi ngân sách quốc gia chắc chắn vẫn sẽ ung dung tẩu tán tài sản và rửa tiền trong các sòng bạc được các cơ quan thực thi pháp luật nhiệt tình bảo hộ.

Phạm Chí Dũng


No comments:

Post a Comment

View My Stats