Wednesday, 16 October 2013

BIỂU TÌNH CÂM ? (Phương Bích)




Thứ tư, ngày 16 tháng mười năm 2013

Bài viết này tôi chỉ nói về một hiện tượng mà bề ngoài ai cũng thấy, đó là trong những câu chuyện thường ngày, khi người ta nhắc đến từ ông đại tướng, chẳng cần nói tên, người ta vẫn nghĩ ngay đó là cụ Võ Nguyên Giáp, cứ như thể cái từ đại tướng chỉ dành cho cụ. Điều này hẳn nhiều người không thích. Nhưng xét ra cho cùng, một phần do chính họ tạo dựng nên chứ ai?

Chi tiết cuộc đời của cụ đại tướng nhiều người không biết. Nhưng chuyện cụ bị đảng và nhà nước đối xử không được tử tế lắm, thì hầu như ai cũng biết. Thậm chí người ta còn thì thầm những chuyện rất hoang đường, rằng có kẻ xấu bụng muốn cụ chết, nên người nhà cụ phải rất thận trọng để bảo vệ cụ. Miệng lưỡi thế gian, ai cấm được.

Nhiều năm cuối đời, cho dù cụ đã rất cao tuổi, nhưng trước những vấn đề hệ trọng của đất nước, một bộ phận không nhỏ trong dân chúng, vẫn nhen nhóm một niềm hy vọng mỗi khi cụ lên tiếng góp ý. Và như mọi khi, người ta lại thở dài thất vọng, khi đảng và nhà nước không hề quan tâm đến ý kiến của cụ.

Nay cụ mất đi, đành rằng cụ sống thế là rất thọ, nhưng với không ít người, chỗ dựa tinh thần cuối cùng của họ cũng đã mất theo. Chả thế một bác trong đoàn người “cơm nắm muối vừng”, từ tít Nghĩa Lộ lặn lội về Hà Nội viếng cụ, rầu rĩ phát biểu rằng có nhẽ đây là lần cuối về thủ đô, vì chẳng còn ai để chúng tôi yêu nữa. Nghe câu nói mộc mạc, chân thành của bác ấy, vừa thấy buồn cười, vừa tội nghiệp cho những ai chả còn người để yêu.

Dân tình bàn tán cả ngoài đời lẫn trên mạng, rằng đảng và nhà nước phải bàn tới 2 ngày để quyết định chuyện quốc tang. Nhưng hình ảnh lá cờ rủ kèm băng tang, hay thiếu tiếng đại bác, làm sao thuyết phục được bằng hình ảnh cả triệu người đưa tiễn đại tướng?

Bố tôi không xem ti vi, cũng không đọc báo, chỉ nghe đài nói, cũng biết người đi viếng và đưa cụ Giáp rất đông. Bố tôi không bình luận gì, chỉ thủng thẳng nhận xét, rằng như thế cũng là một hình thức biểu tình – biểu tình câm!

Hình :

Cho dù bản tính người Việt ta là hay tò mò, hay bị hiệu ứng đám đông, nhưng không vì thế mà phủ nhận được ảnh hưởng của cụ đối với “một lượng không nhỏ” trong dân chúng. Tôi tin những người khóc trong đám tang là thật, không phải hội chứng khóc như bên Bắc Hàn. Vì khóc ở đây không những có thể bị cười nhạo là vờ vịt, mà còn bị cho là đại nghịch không chừng.

Mặc dù biết cụ Giáp bị thất sủng hàng mấy chục năm qua, người ta vẫn nườm nượp kéo đến nơi ở của cụ để viếng, chứ không phải nơi đảng và nhà nước tổ chức lễ tang. Đừng nói là đám viếng thì các cấp chính quyền địa phương không ngăn cản. Nếu đó không phải là cụ Giáp, mà là một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng nào đó thử xem?

Như vậy, bằng thái độ phớt lờ nghị định 38, người đi viếng vẫn tự phát tụ tập đông người mà không cần xin phép. Nhìn theo một góc độ nào đó, đây giống như một cuộc biểu tình câm vĩ đại, hoàn toàn tự phát, lên tới cả triệu người. Với số lượng người như thế này, bất cứ một sự ngăn cản nào cũng sẽ trở thành cực kỳ nguy hiểm. Không ngăn được thì đành hòa mình vào vậy? Có người còn nhận xét, trong cả triệu người đó hình như không có bóng dáng một lá cờ đỏ sao vàng nào.

Đôi khi không cần nói ra thành lời, không cần bạo lực mà chỉ cần sự câm lặng, cũng có thể phản ánh trung thực thái độ của người dân. Người có tự trọng sẽ thấy xấu hổ trước sự câm nín của cả biển người này.

---------------------

Lòng thành của đảng và nhà nước đối với cụ Giáp chỉ đến thế. Khi Quốc tang còn chưa kết thúc, thi hài cụ còn chưa trở về với đất, thì thủ tướng Trung Quốc đã mò sang viếng thăm Việt Nam. Người ta không chỉ ban lệnh hạ cờ, mà còn vội vã đi thu cờ. Đành rằng đã đón khách thì không thể treo cờ rủ, nhưng thế mới thấy cả chủ lẫn khách đều ngoại giao kém, chả ai mò sang chơi khi nước bạn có quốc tang cả. Thiên hạ bức xúc thì độc miệng lắm, tôi chả dám kể ra đây đâu.


Được đăng bởi Phương Bích vào lúc Thứ tư, tháng mười 16, 2013




No comments:

Post a Comment

View My Stats