Friday 11 October 2013

ĐẠI HỘI 28 của NGHỊ HỘI TOÀN QUỐC NGƯỜI VIỆT TẠI HOA KỲ KẾT THÚC TỐT ĐẸP (Tâm Việt - Việt Vùng Vịnh)




Tâm Việt
Wednesday, 09 October 2013 15:34

Diễn ra ở Quận Cam trong mấy ngày cuối tuần cuối cùng của tháng 9, Đại-hội lần thứ 28 của Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ đã kết thúc với một quyết-tâm mới vận-động thêm giờ cho Đài Á Châu Tự Do (RFA), đi tìm một giải-pháp hoà-bình cho chủ-quyền VN trên Biển Đông và hoàn-tất một cuốn phim mới về lịch-sử cận-đại VN. Cùng lúc, mọi người đến dự Đại-hội cũng hoan-nghênh những khoá huấn luyện tuổi trẻ hàng năm của Nghị-hội mang tên VAYLC (là chữ viết tắt cho Vietnamese American Youth Leadership Conference) mà khoá tháng 7 vừa qua đã là khoá thứ 12.

Tổ-chức ở Thủ-đô Tỵ nạn

Theo thông-lệ có từ ngày đầu (vào năm 1986), Nghị-hội cứ một năm tổ-chức Đại-hội ở Miền Đông thì lại đến một năm họp ở Miền Tây (hoặc ở Miền Nam hay Miền Trung-Tây Hoa-kỳ). Khi họp ở Miền Tây thì không cứ Nam hay Bắc Cali mà cũng có năm họp ở Seattle, TB Washington (vùng Tây-Bắc). Vì năm 2009 đã họp ở Dallas, Texas, nên năm nay Nghị-hội lại trở về miền Nam Cali.

Đại-hội họp ở Thủ-đô Tỵ nạn thì dễ thu hút người đến dự nhưng năm nay, ngày chính của Đại-hội, thứ Bảy 28/9, lại có quá nhiều sinh-hoạt khác tổ-chức cùng ngày nên cử-toạ cũng có phần loãng bởi bị chia xẻ với hai sinh-hoạt nổi khác vào cùng ngày và gần như cùng giờ: giỗ đầu của thi-sĩ Nguyễn Chí Thiện và giỗ thứ 12 của cựu-Tổng-thống Nguyễn Văn Thiệu.

Mặc dầu vậy, Đại-hội của Nghị-hội, họp ở Trung-tâm Hội-nghị Le-Jow của trường Coastline Community College, cũng đã được đón tiếp Thị-trưởng Tạ Đức Trí của thành phố Westminster, ông đã đến giúp khai mạc Đại-hội và tặng một bảng ghi công của Nghị-hội trong 28 năm qua. Cùng đi với ông còn có Nghị-viên Sergio Contreras đến chào mừng Đại-hội bằng tiếng Việt. Giám-thị Quận Cam, bà Janet Nguyễn, tuy có việc phải đi xa, đã gửi ba người phụ-tá đến dự và trao cho Nghị-hội một bản Tuyên-cáo của Quận Cam công-nhận những đóng góp đáng kể của Nghị-hội trong các lãnh-vực xã-hội, tỵ nạn, nhân-quyền và huấn luyện tuổi trẻ, khuyến khích tham-gia chính-trị trong dòng chính-mạch. Cuối cùng, Thượng-nghị-sĩ Tiểu-ban Lou Correa cũng lên chúc mừng Đại-hội thành công.

Trong một cử toạ khá chọn lọc, người ta để ý thấy không ít những bộ mặt khá quen thuộc trong cộng-đồng và ngay hai cụ ông cụ bà Nguyễn Tư Mô, 92 tuổi, cũng đã ở từ sáng đến tận gần 5 giờ chiều mới ra về. Chỉ có sự tương-đối vắng mặt của tuổi trẻ là cho thấy Nghị-hội cần làm việc nhiều hơn nữa để có thể "trao bó đuốc" cho những thế-hệ đến sau.


Mấy phần trình bầy khái-quát

Sau phần nghi-lễ, ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ-tịch Hội-đồng Điều hợp Trung-ương Nghị-hội, đã giới-thiệu Dược-sĩ Nguyễn Mậu Trinh, Chủ-tịch Ban Chấp hành, lên trình bầy ít hàng về lịch-sử Nghị-hội, nỗ lực nối kết với các tổ-chức của người Việt quốc-gia tại các địa-phương trên toàn-quốc Hoa-kỳ. Ông nêu ra một vài thành-quả đáng kể của Nghị-hội như việc tham-gia ba lần kiểm-kê dân-số ở Mỹ (1990, 2000 và 2010), từ đó chúng ta có những con số chính-xác về cộng-đồng người Mỹ gốc Việt. Ông cho biết Nghị-hội là một loại "information clearinghouse" mà nhiều nơi đã dùng để tìm hiểu về người Việt, văn-minh, văn-hoá VN, sức mạnh của cộng-đồng chúng ta ở Mỹ v.v. Nghị-hội có người đi diễn-thuyết các nơi, như các đại-học, các tổ-chức cộng-đồng cũng như tham-gia chung trong nhiều công-tác với các tổ-chức khác trên đất Mỹ hoặc ngay cả với những cơ-quan, định-chế Mỹ như hệ-thống bảo tàng Smithsonian, Library of Congress (Thư-viện Quốc-hội HK)...

Bởi chúng ta sống trong một xã-hội đặt nặng khoa-học và những con số chính-xác, ông Bích trình bầy sau ông Trinh, nên chúng ta có thể đo được những kích thước của cộng-đồng chúng ta như: gần 1,6 triệu người Việt ở Mỹ là nhóm người gốc Á-châu Thái-bình-dương lớn thứ 4 ở xứ này; kiểm-kê dân-số liệt-kê mức lợi-tức của chúng ta (còn thua xa những nhóm như người Mỹ gốc Ấn-độ, Trung-hoa, Nhật-bản), mức học vấn của con em chúng ta (cũng vẫn sau mấy nhóm kia), sức mạnh kinh tế của chúng ta. Tỷ-dụ, mặc dầu chưa tới 2 triệu người, người Việt ở Mỹ có tới 229 nghìn cơ-sở kinh-doanh lớn nhỏ, bằng 7 lần số cơ-sở kinh-doanh của cả miền Nam vào năm 1978 và hơn 1/3 số cơ-sở kinh-doanh trên toàn-quốc VN hôm nay (600 nghìn cơ-sở trên một dân-số gần 90 triệu người). Chính vì vậy mà chưa đầy 4 triệu người Việt ở hải-ngoại đã gởi về trong nước được từ 8 đến 9 tỷ đô-la một năm, bằng 3 lần cả thế-giới cho Hà-nội vay một năm.

Phần trình bầy về Biển Đông

Phần thu hút sự chú ý nhất trong nghị-trình buổi sáng là phần do anh Hồ Văn Sinh thuộc VNCH Foundation trình bầy. Mở đầu, anh trưng ra bằng-chứng là Liên-hiệp-quốc vào tháng Năm 2009 đã có thư chính-thức thông-báo là đã chấp nhận hồ-sơ về lãnh-hải VNCH do cựu-Thủ-tướng Nguyễn Bá Cẩn nộp theo quy-định của Luật Biển năm 1982. Điều này cho thấy là VNCH vẫn có chỗ đứng trong một cuộc tranh-chấp về chủ-quyền biển đảo trên Hoàng-sa và Trường-sa, và cơ-sở pháp-lý trên hai quần-đảo này của VNCH vẫn có giá-trị hơn những lời đòi của Bắc-Việt, tức Hà-nội bây giờ, nhất là sau khi đã có công-hàm Phạm Văn Đồng (ngày 14/9/1958) công-nhận chủ-quyền của Bắc-kinh trên Biển Đông. Do đó mà một cuộc tranh đấu trên căn-bản hòa-bình dựa vào những hiệp-định quốc-tế như Hiệp-định Hoà-bình San Francisco (1951), Hiệp-định Đình chiến Genève (1954), Hiệp-định Hoà-bình Paris (tháng 1/1973) và Định-ước Quốc-tế Bảo đảm việc thi-hành Hiệp-định Paris (tháng 3/1973) có nhiều khả-năng mang lại thắng-lợi về cho VN--bởi cả bốn hiệp-định quốc-tế này đều đảm bảo sự toàn vẹn lãnh-thổ của miền Nam, trong đó có Hoàng-sa và Trường-sa.


Tới đây, nghỉ giải lao, ông Bích đã phải xin phép vắng mặt một lúc để sang lễ giỗ đầu của thi-sĩ Nguyễn Chí Thiện ở Trung-tâm Công-giáo bởi ông đã nhận lời sang nói chuyện bên đó về tình thân của ông với thi-sĩ, cũng như những nỗ lực của chính cá-nhân ông và nhiều người khác giới-thiệu thơ văn Nguyễn Chí Thiện ra với thế-giới, sang các tiếng Anh, Pháp, Đức, Tiệp, Hòa-lan v.v.

Vận-động thêm giờ phát thanh cho Ban Việt-ngữ Đài RFA

Tới giờ cơm trưa, ông Đỗ Như Điện thuộc Phong trào Giáo-dân VN lại chạy từ bên Trung-tâm Công-giáo sang nói chuyện với Nghị-hội về cuộc vận-động tăng giờ phát thanh tiếng Việt về trong nước của Đài RFA (Á Châu Tự Do). Theo ông Điện, cuộc vận-động này được G.S. Nguyễn Thanh Trang và ông Trần Quốc Bảo, hai người chủ chốt trong cuộc vận-động vào đầu thập niên 1990 cho việc thành-lập Đài ACTD, đang khơi động trở lại vì tình-hình bang-giao Mỹ-VNCS đang qua một giai-đoạn then chốt. Mặc dầu vậy, số giờ phát thanh của Đài ACTD về VN (90 triệu dân) vẫn chỉ có 2 giờ một ngày trong khi số giờ phát thanh về Tây-tạng (3 triệu dân) lên tới 10 giờ một ngày. Đây là một sự thiếu cân-bằng trầm trọng và ta cần đòi có thêm giờ phát thanh về VN để tăng cường tiếng nói của người Việt hải-ngoại và của phong trào dân-chủ trong nước. Đề nghị này đã được mọi người tán thành và Nghị-hội hứa sẽ tham-gia vào cuộc vận-động này.

Sau ông Điện, đến phần ông Bích trở lại trình bầy về "Tình-hình Bang-giao Mỹ-VNCS ở ngưỡng cửa Hiệp-định Đối-tác TPP" (Xuyên Thái-bình-dương). Theo ông Bích, đây là lúc cộng-đồng hải-ngoại nên vận-động và nhấn mạnh vào chuyện Hà-nội phải tôn-trọng những quyền căn-bản và nhân-quyền của người dân. Tại sao? Bởi Hà-nội rất cần Mỹ trong chuyện này mà Mỹ cũng đã tỏ ra rất bực bõ về thành-tích nhân-quyền gần như không có cải thiện gì hết. Rồi ông Kerry hết còn là nút chặn đạo-luật nhân-quyền H.R. 1987 của ông Chris Smith ở trên Thượng-viện nên thời-cơ rất thuận lợi cho việc chúng ta vận-động với các thượng-nghị-sĩ.

Triển-vọng của Phong trào Dân-chủ trong nước

Sau cơm trưa, cuộc thảo-luận bàn tròn về "Triển-vọng của Phong trào Dân-chủ trong nước" do ba diễn-giả nổi tiếng đã giữ cử toạ ở lại đến gần cuối ngày. Diễn-giả đầu tiên, ông Trần Quốc Bảo thuộc Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, đã phác-hoạ những nét chính của phong trào Dân-chủ ngày càng lớn mạnh trông thấy ở trong nước, từ những tiếng nói lẻ tẻ năm xưa sang những phong trào ngày càng rầm rộ của tuổi trẻ, phụ nữ, các bloggers, các thành-phần chống Trung-quốc, các dân oan, các người lao-động, thậm chí của cả các tôn-giáo. Tiến-sĩ Nguyễn Bá Tùng, diễn-giả thứ hai, thì đưa ra một cái nhìn lý-thuyết gồm 4 yếu-tố cần và đủ cho một cuộc cách mạng hoà-bình. Mặc dù ông khá lạc-quan, ông vẫn cho là các yếu-tố kia chưa hội đủ nên có thể còn phải chờ một thời-gian nữa thì may ra mới có chuyện gì xảy ra. Diễn-giả cuối, Luật-sư Trần Thanh Hiệp từ Pháp sang, thì lại cho rằng tình-hình cũng đã khá chín muồi và ta phải tập trung vào hành-động, nhấn mạnh cuộc tranh đấu pháp-lý và chính-trị.

Sau phần trình bầy, nhiều người đã xin lên góp ý và đến đây, người ta thấy thành-phần phụ nữ lại đặc-biệt hăng say tham-gia phần thảo-luận. Người ta thấy có bà Minh Châu, nữ-quân-nhân Diệu Chi, cô Hồng Quyên và Luật-sư Bùi Kim Thành hăng hái lên phát biểu làm sôi nổi hẳn cuộc hội-luận. Dầu sao, ai cũng cho rằng phong trào Dân-chủ trong nước đang có những bước đi bảy dặm và cộng-đồng hải-ngoại cần yểm-trợ tối-đa cho cuộc đấu tranh trong nước thành-tựu.

Trình bầy của Vietnam Film Club

Cuối ngày, anh Chu Lynh của Vietnam Film Club đã lên trình bầy về công việc làm của Câu-lạc-bộ làm phim tài-liệu mang tên nói trên, thành-lập cách đây 3 năm (2010) tại một Đại-hội của Nghị-hội ở Virginia. Vietnam Film Club đã sản xuất được một phim rất thành công mang tên Hồn Việt về Quốc-kỳ và Quốc-ca VN. DVD này giờ đây cũng đã có phiên-bản tiếng Anh, The Soul of Vietnam, để đưa vào các thư-viện công-cộng, các đại-học và trung-học của Mỹ. Hiện, đang có một số bạn bè ở Đức và Pháp đã tình nguyện dịch sang phụ-đề tiếng Đức và tiếng Pháp.

Ngay trong lúc này, VFC đang thực-hiện cuốn phim tới về lịch-sử cận-hiện-đại VN và cũng đã xong khoảng 3 chương trong phim đó, những chương như "Nhân Văn-Giai Phẩm," "Cải cách ruộng đất"... Nhân dịp này, anh Chu Lynh cũng cho chiếu chương về "Cải cách ruộng đất" mà anh cho biết là chưa hoàn-hảo. Dầu sao anh cũng xin chiếu để lấy ý-kiến của mọi người có mặt, ngõ hầu làm cho thành một chương sống động và đầy đủ, hoàn-hảo hơn.

Cuối ngày, gần 5 giờ chiều, mọi người mới chịu ra về và mặc dầu có người đến từ 9 giờ sáng, không thấy ai than phiền là buổi họp vô ích. Trái lại, có một nữ-thính-giả đến dự nguyên ngày còn tặng $500 để Nghị-hội có thêm phương-tiện làm những việc hữu ích như đã được bàn đến trong một ngày hội-luận vừa qua.

Được hỏi cảm nghĩ của ông về Đại-hội năm nay so với mọi năm, ông Bích nói: "Chúng tôi không thể thành công được nếu đã không có sự tận tình tiếp tay của VNCH Foundation, của Viện Việt Học, của một số anh em cựu-chiến-binh và H.O., và một số cá-nhân thân-tình với Nghị-hội ngoài những người cơ-hữu của Nghị-hội tại chỗ. Ngoài ra, chúng tôi đặc-biệt cám ơn các cơ-quan truyền-thông như mấy tờ nhật-báo lớn trong vùng, Đài Little Saigon Radio, Đài Little Saigon TV, nhà báo Đỗ Dũng và Người Việt TV, Đài SBTN, Đài Free VN News của ông Bùi Bỉnh Bân, Chương-trình Văn-hóa NBLV... đã phỏng vấn hay đến ghi lại một ngày Đại-hội của chúng tôi. Những bức hình hay thước phim được ghi lại hôm đó sẽ giúp những ai ở xa hiểu rõ hơn việc làm của Nghị-hội trong thời-gian qua."



No comments:

Post a Comment

View My Stats