Wednesday, 18 September 2013

VỀ SỰ THÀNH LẬP ĐÀI Á CHÂU TỰ DO (Tâm Việt - Việt Báo)




09/18/2013

Lời Toà Soạn: Hôm rồi, bà Libby Liu, TGĐ Đài Á Châu Tự Do (RFA), có đi với anh Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Ban Việt-ngữ, sang Bắc Cali để gặp gỡ một số nhà báo VN tại tiệm Hội An của L.S. Nguyễn Minh Tâm để nói về triển-vọng của Đài trong tình-trạng ngân-sách Mỹ đang bị cắt giảm. Thiết tưởng đây cũng là một cơ-hội để nhắc đến những ngày đầu tranh đấu khá cơ cực để vận-động cho việc thành-lập Đài, trong đó cộng-đồng VN đóng một vai trò then chốt.

*

Chỉ mấy tuần sau khi Chương-trình Việt-ngữ của Đài Á-châu Tự do (RFA) phát thanh về Việt-nam, ông bà Shep Lowman đã có nhã-ý tổ-chức một buổi tiếp tân để chào mừng Đài và ban Việt-ngữ. Tại đây, anh Lionel Rosenblatt, một "hiệp-sĩ" lo cho người tỵ nạn VN, lấy làm lạ là không hiểu sao, anh lại không biết tí gì về cái dự-án này. Anh hỏi: "Đâu ra cái ý-tưởng [lập đài]?" Một chị bạn Trung-hoa của tôi liền trả lời: "Thì đó là do vụ Thiên-an-môn chứ sao?"

Sự thực không hề là do vụ Thiên-an-môn, ít nhất cũng theo như những tài-liệu chứng-vật mà ta hiện còn. Ngay từ Lễ Tạ Ơn năm 1982, Liên-đoàn Tự do (Freedom Federation), một tổ-chức chống Liên-Xô được thành-lập để ủng-hộ Công-đoàn Đoàn-kết Ba-lan từ năm 1980, đã nảy ra ý muốn vận-động lập một đài tương-tự như Đài Âu-châu Tự do nhưng nhắm vào Á-châu. Thế là G.S. Nguyễn Ngọc Bích, một thành-viên của Liên-đoàn thời bấy giờ, được yêu-cầu phác-thảo một dự-án theo hướng đó (cả 4 năm trước vụ Thiên-an-môn, xảy ra vào tháng 6/1986).

Khi mới viết xong, ai cũng cho đó là một dự-án điên khùng bởi một đài Á-châu Tự do đã từng được dựng ra từ năm 1947 rồi 1951 nhưng sau đó thất bại hoàn-toàn. "Một tiếng kêu trong sa-mạc," có người phẩm-bình vì theo ông ta, "Mỹ đã bỏ rơi VN từ năm 1975, họ đâu còn muốn dính dáng gì đến VN nữa!" Thế nhưng khi hai người của Liên-đoàn Tự do được vào làm việc, một người, Linas Kojelis, ở Tòa Bạch Ôc dưới thời ông Reagan, và một người, Rolf Dammann, đi làm cho bà Dân-biểu Helen D. Bentley trên Quốc-hội thì tự-nhiên, mọi sự bắt đầu nhúc nhích. Bà Bentley tự-thân là người gốc Nam-tư nên bà rất hiểu CS, do vậy nên bà sớm ủng-hộ dự-án thành-lập Đài Á-châu Tự do.

Rồi vụ Thiên-an-môn xảy ra, và Dân-biểu John Porter ở Illinois chủ-trương lập ra đài Trung-quốc Tự do (Radio Free China).

Tuy-nhiên, với hai dự-luật nội-dung gần giống nhau mà lại tách rời, đi song song thì khó có đủ người ủng-hộ để đi đến đâu. Do vậy mà đến tháng 4 năm 1991, Nghị-hội Toàn-quốc Người Việt tại Hoa-kỳ (lập ra tháng 8/1986) đã cộng-tác với Hội-đồng Bảo vệ Tự do (Council for the Defense of Freedom) của Mỹ để mời bà Bentley và ông Porter đến một hội-nghị nguyên ngày để bàn xem có thể sát-nhập hai dự-luật về Đài ACTD và Đài TQTD thành chung một dự-luật được không? Vụ thu xếp này sau đó đã thành công và số người ủng-hộ việc lập Đài ACTD và số người ủng-hộ việc lập Đài TQTD đã đồng-ý ngồi lại với nhau để đẩy một đài duy nhất, đem con số dân-biểu ủng-hộ lên gần 40 người, nghĩa là khoảng 1/10 số dân-biểu ở Hạ-viện. Với một khối dân-biểu như vậy đằng sau việc thành-lập Đài ACTD, việc trở nên rất dễ kêu gọi các dân-biểu còn lại vào ủng-hộ cho dự-luật.

Tới đó thì Toà Bạch Ốc (thời TT Reagan) cảm thấy bắt đầu phải nhìn vào vấn-đề khả-thi của Đài ACTD. Đến tháng 12/1991, ủy-ban do Tổng-thống chỉ-định đã nộp "Phúc-trình của Ủy-ban nghiên cứu về Phát thanh Quốc-tế của Chính-phủ Hoa-kỳ" ("Report of the President's Task Force on U.S. Government International Broadcasting") được công-bố, theo đó "Có nhiều người ở Hoa-kỳ cho rằng ta nên gộp những quốc gia khác, nhất là Việt-nam, vào trong một chương-trình phát thanh điền-thế về Á-đông. Ủy-ban đã nhận được hàng trăm lá thư từ các thành-viên trong cộng-đồng người Mỹ gốc Việt kêu gọi việc khuyến-cáo nên có một ban Việt-ngữ." Ở một đoạn khác bản phúc-trình còn nói là "cộng-đồng người Mỹ gốc Việt đặc-biệt mãnh-liệt khi khẳng-định với Ủy-ban là một ban truyền thanh điền thế về VN sẽ giúp vào cuộc tranh đấu cho tự do ở đó."

Tiếp theo đó, Quốc-hội cũng tạo ra một ủy-hội lưỡng đảng để nhìn vào vấn-đề phát thanh vào Trung-quốc (bản tường-trình của Ủy-hội này được in ra vào tháng 9/1992, theo đó "một nhóm đối-kháng của người Việt ở ngoài này gần đây đã bắt đầu phát thanh một giờ một ngày từ Mạc-tư-khoa [về VN], dùng đài chuyển vận 250 KW của Mạc-tư-khoa. Có những nguồn tin từ VN cho biết chương-trình đó đã trở thành chương-trình radio ăn khách nhất ở đó." Đây là nói đến chương-trình phát thanh Irina, "Đài Tự Do phát thanh từ Mạc-tư-khoa," do Irina Zisman và Hoàng Dung cộng-tác để phát thanh vào trong nước. Chương-trình này do Nghị-hội và Tổ Chức Phục Hưng tài-trợ trong năm 1991-1992.)

Dự-luật về Đài ACTD chẳng mấy lúc thu hút nhiều sự ủng-hộ quá đến độ Cơ-quan Nghiên cứu của Quốc-hội (Congressional Research Service) được lệnh phải ra một bản "tóm lược vấn-đề" ("Issue Brief") để trả lời tất cả những câu hỏi mà các văn-phòng Quốc-hội cần câu trả lời. Bản tóm lược cập nhật của CRS mang tên "Radio Free Asia" do Kennon H. Nakamura thuộc ngành Ngoại-giao Quốc-phòng trong cơ-quan đó đã được in ra vào ngày 17/2/1994.

Tới đó thì phong trào ủng-hộ việc thành-lập Đài ACTD trong cộng-đồng người Việt và các bạn Đông-dương của họ, đã tập hợp thành Ủy-ban Đông-dương vận-động cho Đài ACTD (Indochinese Committee for Radio Free Asia) do G.S. Nguyễn Thanh Trang ở San Diego, CA, cầm đầu sau khi ông đi dự Diễn-đàn Chính-trị của Tổng-liên-hội NVTD tổ-chức ở Montréal vào tháng 9/1991 về. Xong đến lượt Tổ Chức Phục Hưng cũng nhập cuộc ủng-hộ và vận-động rất mạnh qua tờ Diễn Đàn Thanh Niên của họ, nhất là trong việc gây quỹ vận-động. Cuối cùng, cả Ủy-ban Đông-dương lẫn Tổ Chức Phục Hưng đã cùng với Nghị-hội tổ-chức hai chuyến đi vận-đông qui-mô trên Quốc-hội thành công tới mức báo Orange County Register vào cuối năm 1991 đã phải gọi cuộc vận-động hành-lang này là "tổ-chức còn giỏi hơn cả kỹ-nghệ thuốc lá," một nhận-định của bà Marge Cook thuộc Ủy-ban do Tổng-thống chỉ-định về Phát thanh Quốc-tế. "Và xem chừng họ cũng có kết-quả như kỹ-nghệ kia," tờ báo kết-luận.

Đến khi Hội-nghị Liên-kết, tập-hợp được nhiều tổ-chức của người Việt trên khắp thế-giới, được thành-lập (vào tháng 4/1995), Hội-nghị cũng quyết-định đứng đằng sau cuộc vận-động này. Tới đó thì Đài ACTD đã gần đến ngày thành hiện-thực. Trong cuộc tranh cử Tổng-thống năm 1992, cả hai ứng-cử-viên Bill Clinton và George W. Bush đều tuyên-bố là ủng-hộ việc thành-lập Đài ACTD. Rồi khi ông vào Toà Bạch Ốc, ông Clinton đã giữ lời hứa khi dự-luật về Đài ACTD được Quốc-hội thông qua để thành luật (1994). Cho niên-khoá 1995 Tổng-thống Clinton đã đưa vào một dòng trong ngân-sách của ông, cho 10 triệu đô-la để thành-lập Đài ACTD. Tháng 3/1996, Đài trở thành sự thực dưới tên Asian Pacific Network nhưng sau đó, Quốc-hội buộc phải đổi tên trở lại thành Đài ACTD (Radio Free Asia). Tháng 9 năm đó, Đài bắt đầu phát thanh tiếng Hoa (phổ-thông) vào Trung-quốc và đến tháng 2/1997, đúng vào đêm Giao thừa ở VN (Tết Đinh-sửu), ban Việt-ngữ có buổi phát thanh đầu tiên vào Việt-nam. Lúc đầu, ngân-sách còn được quyết-định năm một nhưng tới ngày hôm nay, ban Việt-ngữ đã phát thanh được 16 năm và còn khả-năng phát thanh nhiều năm nữa, cho đến ngày tự do và dân-chủ, nhân-quyền trở thành như hơi thở của hơn 90 triệu dân ở trong nước.


No comments:

Post a Comment

View My Stats