Nguyễn Văn Huy
Gửi đến BBC từ Paris, Pháp
Cập nhật: 14:46 GMT -
thứ hai, 9 tháng 9, 2013
Tin Hòa thượng Thích Quảng Độ từ chức lãnh đạo Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) ngày 01/09/2013 đã là một chấn động
lớn đối với những người mến mộ ông.
Nhưng sau hai ngày theo dõi
phản ứng của Phật tử và tiếp xúc với các chức sắc trong giáo hội, ngày 04/09,
Hòa thượng Thích Quảng Độ cho biết ông chấp nhận tiếp tục lãnh đạo Giáo hội,
sau khi chỉnh đốn lại thành phần nhân sự Văn phòng II Viện Hóa Đạo.
Đây là một tin mừng cho giới
tăng ni, Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vì, theo Thông
cáo báo chí ngày 05/09, "cuộc vận động Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn chưa
thành, lãnh thổ lãnh hải bị ngoại nhân xâm chiếm, nhân tâm ly tán, phân hóa,
đồng bào trong nước sống cảnh đói nghèo, thiếu tự do, nhân quyền, chế độ độc
tài toàn trị vẫn còn thống trị, để van nài Ngài trở lại lèo lái con thuyền Giáo
hội trên phong ba bão táp".
Nhưng rõ ràng đây là một thông
điệp chính trị. Thông cáo báo chí này để lộ những khó khăn mà Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất đang gặp phải. Người thuyền trưởng không thể rời bỏ
con tàu đang giữa phong ba bão táp.
Tất cả những vấn nạn mà Giáo
hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang gặp phải là chỗ đó: đạo và đời là hai
lãnh vực rất khó tách rời nhau trong sinh hoạt của hội Phật giáo Việt Nam Thống
nhất.
Sự gắn bó của Phật giáo giữa
đạo và đời không phải mới đây, quan hệ này đã xuất hiện ngay từ khi Phật giáo
được du nhập vào Việt Nam.
Được du nhập vào miền Bắc Việt
Nam (vùng Bắc Ninh hiện nay) cách đây hơn 2000 năm, đạo Phật đã được những
thương nhân và tăng sĩ Ấn Độ truyền bá rộng rãi trong chốn dân gian.
Thời đó dân chúng Việt gọi Đức Phật
là Bụt (Buddha), trong khi người Trung Hoa gọi là Phật Đà (Buddha phát âm theo
tiếng Hán, đọc ngắn lại là Phật); cách phát âm của hai phụ âm B (Việt) và Ph
(Hoa) rất giống nhau. Ngày nay Bụt chỉ còn được nhắc tới trong những truyện kể
dân gian, trong khi Phật được phổ biến rộng rãi trong kinh điển và chốn thị
thành.
Dưới thời Bắc thuộc, khi Phật
giáo Đại thừa được đưa vào miền Bắc, danh xưng Bụt bị biến mất nhường chỗ cho
danh xưng Phật. Cùng thời gian đó, hai tín ngưỡng khác cũng được người Hán đưa
vào miền Bắc: Khổng giáo và Lão giáo.
Khổng giáo là một triết lý cầm
quyền thể hiện qua phương pháp tu thân tề gia, trị quốc và bình thiên hạ của
người quân tử, trong khi Lão giáo là một triết lý sống thuận với trời đất qua
tu luyện của từng cá nhân. Từ đó, Phật giáo, Khổng giáo và Lão giáo từ đó trở
thành ba tôn giáo bám sâu vào sinh hoạt văn hóa dân gian của người Việt.
Mặc dù xuất hiện từ lâu đời,
đạo Phật chỉ lưu hành trong giới dân gian trong khi, ngược lại, giai cấp cầm
quyền lấy Khổng giáo làm kim chỉ nam hành động. Sự tách biệt này không phải vì
giáo lý đạo Phật mà vì triết lý thực dụng của đạo Khổng.
Về Lão giáo, do không nắm vững
triết lý Đạo (Con đường), nghĩa là sống thuận với trời đất và thiên nhiên để
tìm sự bình an trong tâm hồn, những phương pháp tu luyện trở thành huyền bí
dành riêng cho những phái đạo gia khí công, hay biến cải thành những giải thích
siêu nhiên (tử vi, phong thủy…) dành cho quần chúng.
Đạo Phật chỉ thực sự phát triển
và thịnh vượng dưới thời nhà Lý (1009-1225), trở thành tôn giáo chính của
triều đình, giai cấp tăng lữ trở thành công bộc của triều đình và được hưởng
bổng lộc như những công thần.
Sang thời nhà Trần (1225-1428),
giai cấp tăng lữ tiếp tục đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong xã hội, nhà
chùa có ruộng đất riêng và nô tì riêng.
Nhưng khi tiếp cận với quyền
lợi và cuộc sống xa hoa, giới tăng lữ xa rời đạo lý và xử sự như người trần
tục, hai đại thần Lê Quát và Trương Hán Siêu đã nhiều lần phê phán gay gắt giới
tăng ni và khi quân Champa tiến công vào Thăng Long, giới sư sãi cũng bị đôn
quân đánh giặc như dân thường.
Năm 1396, sau khi khống chế nhà
Trần, Hồ Quý Ly áp dụng nhiều chính sách thuận với Khổng giáo nhằm loại bỏ ảnh
hưởng của đạo Phật ra khỏi cung đình, những sư sãi bị sa thải lui về ở ẩn trong
các chùa chiền làng xã xa xôi để tránh nạn.
Ngược lại, trong dân gian, những
sinh hoạt của Phật giáo đã trở thành nếp sống văn hóa chung của người Việt, như
tụng kinh, thờ cúng, bố thí, trai đàn (cầu siêu), phóng sinh, ăn chay…
Dưới thời hậu Lê (1427-1789),
ảnh hưởng của Phật giáo bị loại hẳn khỏi chốn cung đình và trở thành một tôn
giáo dân gian, với những cái hay và cái dở của nó.
Vua Lê Thánh Tông (1460-1497)
chính thức lấy Khổng giáo làm quốc học và tình trạng này kéo dài cho đến hết
thời Pháp thuộc (1884-1945), nghĩa là trong suốt thời nhà Nguyễn (1802-1883).
Một sự kiện cần được nhắc tới
là trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627-1775), đặc biệt là dưới thời các
chúa Nguyễn (1558-1777), đạo Phật ở xứ Đàng Trong được tôn vinh trở lại.
Nhiều chùa chiền lớn đã được
xây dựng, một số vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay như chùa Linh Mụ, chùa Từ Đàm
(Huế), chùa Sùng Hóa (Phú Vang)… Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) còn cho người
sang Trung Hoa thỉnh bộ Đại tạng kinh, xây Tàng kinh lâu để bảo quản.
Trong giai đoạn này, nhiều tăng
sư Đại thừa đã trực tiếp từ Trung Hoa vào Đàng Trong giảng kinh, nhiều tổ đình
được thành lập. Một cách vô tình, Huế trở thành tổ đình, trung tâm sinh hoạt
của đạo Phật trong suốt thời nhà Nguyễn.
Dưới thời Pháp thuộc, vì Phật
giáo được coi là một tôn giáo dân gian, chính quyền thực dân Pháp đã để dân
chúng Việt sống đạo một cách bình thường.
Đạo Phật được xếp vào hạng hội
đoàn văn hóa và chỉ bị chi phối bởi Luật hội đoàn 1901.
Từ khi xuất hiện cách đây trên 2000 năm, rất nhiều tông
phái Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa đã được du nhập vào Việt Nam.
Phái Đại thừa (Mahayana) chiếm đa số với các tông phái
Bắc tông, Thiền tông (Zen), Tịnh Độ tông, Mật tông (Vajrayana); phái Tiểu thừa
(Theravada) chỉ giới hạn ở miền Nam với các tông phái Nam tông, Phật giáo
nguyên thủy, Phật đường Nam tông Minh sư đạo.
Mỗi tông phái có nhiều hệ phái nhỏ, Đại thừa Thiền tông
có những chi phái Trúc Lâm, Hoa Nghiêm, Liễu Quán… Ngoài ra có nhiều tông phái
chỉ phát sinh tại miền Nam Việt Nam như Phật giáo Hòa hảo, Tứ ân Hiếu nghĩa,
Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Bữu sơn Kỳ hương...
Nói chung, cho tới năm 1954, Phật giáo tại Việt Nam chưa
bao giờ được tổ chức thành một giáo hội chính quy mà chỉ có những tông phái và
chi phái riêng biệt và sinh hoạt độc lập với nhau.
Hơn nữa, do không có một cơ quan Phật học chủ đạo để đào
tạo giới tăng lữ, ai cũng có quyền đi tu và có thể trở thành tăng sĩ, tăng sĩ
nào có công xây chùa thì được trụ trì tại chùa đó.
Do thiếu sách báo viết về Phật học, trình độ thuyết pháp
của những vị sư ở thành thị và thôn quê rất là chênh lệch và nghi thức phụng
pháp giữa hai vùng cũng hoàn toàn khác nhau. Tại nhiều nơi, nhất là trong các
chùa lớn, những thiền sư trụ trì tự in sách Phật giảng dạy giáo lý cho tín đồ
và khách thập phương.
Chính qua những buổi thuyết giảng này mà uy tín của mỗi
vị thiền sư tỏa rộng trong khắp dân gian và trở thành cấp lãnh đạo tự nhiên của
Phật giáo. Trong nhiều trường hợp, những cấp lãnh đạo này là một đe dọa cho các
chính quyền đương thời.
Ảnh hưởng chính trị
Tại miền Bắc, sinh hoạt của các giáo phái và những cơ sở
Phật giáo (chùa chiền, đền thờ, am tự…) đã gần như hoàn toàn nằm trong tay
chính quyền cộng sản, những vị sư trụ trì trong các chùa đều do nhà nước bổ
nhiệm và sinh hoạt của những cán bộ nhà nước.
Những hình thức cầu siêu, cúng bái đều bị cấm đoán và bị
cho là mê tín dị đoan, việc tuyển dụng sư sãi rất là hạn chế và phải được chính
quyền chấp nhận.
Tại miền Nam, dưới thời đệ nhất cộng hòa (1954-1963), đạo
Phật vẫn phát triển một cách bình thường với sự hội nhập của nhiều nhà sư và
Phật tử từ miền Bắc di cư vào.
Năm 1954, toàn miền Nam có 2.206 chùa chiềng lớn nhỏ, con
số đó đã tăng lên gấp đôi vào năm 1963 với 4.776 cơ sở.
Về tổ chức, Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, được thành lập
từ năm 1951 và trụ sở đặt tại Sài Gòn, là cơ quan điều hành các hội đoàn Phật
giáo Đại thừa trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa; miền Trung và miền Nam
cũng có những tổng hội Phật giáo riêng, sinh hoạt độc lập với Tổng hội Sài Gòn,
như Giáo Hội Tăng Già Trung Phần, Tổng hội Phật Giáo Thừa Thiên, Tỉnh Hội Phật
Giáo Thừa Thiên…
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, vụng về hay cố ý,
chính quyền Ngô Đình Diệm đã thi hành một số biện pháp phân biệt đối xử đối với
đạo Phật giáo.
Lúc đầu, các cấp lãnh đạo Phật giáo phản đối việc áp dụng
đạo Dụ số 10 ban hành ngày 6/8/1950 dưới thời cựu vua Bảo Đại, theo đó những tổ
chức tôn giáo được xếp ngang hàng với các hội đoàn và những hạn chế của nó, như
không được quyền nhận tiền trợ cấp, giới hạn quyền sở hữu bất động sản…
Tiếp theo là Công điện số 5159 ngày 6/5/1963 cấm treo cờ
tôn giáo vào dịp lễ Phật Đản hai ngày sau đó gây bất mãn trong giới Phật tử
Huế.
Ủy ban liên phái bảo vệ Phật giáo để tranh đấu đòi bình
quyền tôn giáo được thành lập, nhiều vị lãnh đạo đã bị bắt giam.
Biểu tình và chống biểu tình đã làm nhiều người thiệt
mạng và phong trào chống đối chính quyền Ngô Đình Diệm lan rộng trên khắp miền
Nam, mà cao điểm là ngày 11/6/1963 với cái chết của Hòa thượng Thích Quảng Đức.
Chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1/11, chấm dứt nền Đệ nhất cộng hòa.
Nhắc lại, trong thời gian từ 1960 đến 1963, chính quyền
cộng sản miền Bắc tiến hành cuộc tiến chiếm miền Nam bằng võ lực, Hoa Kỳ muốn
đưa quân vào can thiệp nhưng gặp sự chống đối của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Cuộc tự thiêu của Hòa thượng Quảng Đức ngày 11/6 và cú
đảo chánh ngày 1/11/1963 đều do Hoa Kỳ dàn dựng để lấy cớ bênh vực Phật giáo
nhằm thành lập một chính quyền thân Mỹ tại miền Nam.
Từ sau khi được tự do hành đạo và tổ chức giáo hội, những
cấp lãnh đạo tông phái Phật giáo nhận thấy muốn có tiếng nói mạnh trong và
ngoài nước thì phải được kết hợp thành một tổ chức có quy củ như Giáo hội Công
giáo La Mã, với những chức vụ và cơ quan chức năng liên hệ.
Nhưng khi biến ước muốn thành hiện thực, sự việc đã không
dễ dàng: Tổng hội Phật giáo Việt Nam quá yếu, chỉ có danh mà không có thực, còn
những tông phái Phật giáo khác thì có rất nhiều và rất phân tán.
Ngày 31/12/1963, đại diện 11 tông phái và hội Phật giáo
Bắc tông và Nam tông đã cùng nhau họp tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn, để soạn thảo
Hiến chương thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Ngày 4/1/1964,
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời và trở thành cơ quan lãnh đạo
sinh hoạt Phật giáo trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Cơ quan điều hành giáo hội gồm hai viện: Viện Tăng Thống
(giáo luật) và Viện Hóa Đạo (điều hành). Hòa thượng Thích Tịnh Khiết làm Tăng
thống (chủ tịch), Thượng tọa Thích Tâm Châu làm viện trưởng Viện Hóa Đạo và
Thượng tọa Thích Trí Quang làm tổng thư ký Viện Tăng Thống. Chùa Ấn Quang tại Sài
Gòn được chọn làm trụ sở sinh hoạt của Giáo hội, tức Viện Tăng Thống. Viện Hóa
Đạo, trụ sở đặt tại Việt Nam Quốc tự đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn.
Do quen với sinh hoạt tự do và tự trị từ lâu đời, những
tăng sĩ và cư sĩ của giáo hội mới này chưa quen với sinh hoạt có tổ chức, hơn
nữa nhiều tăng sĩ đã bỏ ra nhiều công lao muốn được trao những vai trò quan
trọng hơn, nhưng thực tế đã không như mong ước.
Tuy mang danh là một giáo hội tôn giáo, nhưng Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất hoạt động như một tổ chức chính trị năng động.
Chính vì thế ngay sau khi vừa ra đời, việc điều hành Giáo hội đã gặp nhiều khó
khăn.
Khó khăn
1. Bất mãn nội bộ giữa hai Viện
Với những thành tích trong cuộc tranh đấu tại Huế, Thượng
tọa Thích Trí Quang muốn nắm giữ một vai trò tích cực hơn trong việc biến Phật
giáo thành một lực lượng quần chúng đáng kể để đấu tranh chính trị bạo động với
chính quyền quân sự miền Nam mà chức vụ tổng thư ký của ông không đủ điều kiện
để thực hiện. Trong khi Thượng tọa Tâm Châu thì ngược lại, cổ động đường lối
đấu tranh ôn hòa để đạt mục tiêu.
2. Khác biệt về khuynh hướng chính trị giữa hai vị lãnh đạo
Sau 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được
chia làm hai khối: khối Ấn Quang và khối Việt Nam Quốc Tự. Khối Ấn Quang, gồm 3
đoàn thể, do Thượng tọa Thích Trí Quang và Đại đức Nhất Hạnh lãnh đạo biểu lộ
khuynh hướng thân cộng (Mặt trận Giải phóng Miền Nam) và hoạt động chống lại
chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, mà cao điểm là cuộc bạo loạn cướp chính quyền
năm 1966 nhưng bị thất bại.
Khối Việt Nam Quốc Tự, với 8 đoàn thể, biểu lộ khuynh
hướng thân chính quyền và được công nhận là đại diện Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất.
Lực lượng Phật giáo Việt Nam được thành lập dưới quyền
lãnh đạo của Viện Hóa Đạo để tranh đấu và đề đạt nguyện vọng như yêu cầu chính
quyền quân sự tái lập lại chính quyền dân sự và Mặt trận Giải phóng miền Nam
giải giới và rút về vĩ tuyến 17.
Sự phân chia giữa hai khối kéo dài cho đến khi chính
quyền Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ ngày 30/4/1975.
3. Chia rẽ ngay trong phong trào Phật giáo
Mặc dầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã chính
thức thành lập với sự kết hợp 11 tông phái và hội Phật giáo, một số tăng sĩ
khác vẫn tiếp tục sinh hoạt riêng và lập những hội đoàn khác.
Những tổ chức thân với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là
Viện Cao đẳng Phật học, được thành lập ngày 13/3/1964, nhằm đào tạo và cấp bằng
cấp Phật học; Giáo hội Thiền tông Việt Nam được thành lập tháng 11/1964; liên
phái Phật tự khu vực Sài Gòn Gia Định tách khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất để thành Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam tháng 12/1964.
Những tổ chức Phật giáo thân với Mặt trận Giải phóng Miền
Nam rất nhiều và thường được sử dụng như những cơ sở giao liên, tất cả đều đặt
dưới sự điều động của Hội Lục hòa Phật tử do Mặt trận Giải phóng Miền Nam thành
lập.
Ngay sau 30/4/1975, chính quyền
cộng sản Việt Nam áp dụng chính sách hạn chế hoạt động tín ngưỡng đối với mọi
tôn giáo. Toàn bộ những cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Viện
Hóa Đạo cũng như Ấn Quang, bị chính quyền mới tịch thu, nhiều vị sư lãnh đạo tị
nạn sang nước ngoài như Thích Tâm Châu, Thích Nhất Hạnh.
Những hình thức lễ lạc lớn của
Phật giáo đều bị cấm, kể cả việc treo cờ. Cuối năm 1975, nhiều cuộc đụng độ
giữa Phật tử và công an đã xảy ra, 12 người tự thiêu nhưng cũng không
làm thay đổi quyết tâm đặt giáo hội Phật giáo dưới quyền kiểm soát của chính
quyền cộng sản.
Những cơ sở công ích còn lại
của giáo hội Phật giáo cũng lần lượt bị đóng cửa hay quốc hữu hóa, như cô nhi
viện Quách Thị Trang, Viện Đại học Vạn Hạnh, nhà xuất bản Lá Bối.
Các cấp lãnh đạo Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất bị coi là phản động, cũng đã lần lượt bị bắt giam: Hòa
thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và Thích Thiện Minh.
Những người đã từng ủng hộ Mặt
trận Giải phóng Miền Nam trước kia và đang có chân trong Mặt trận Tổ quốc và
Quốc hội, như Hòa thượng Thích Đôn Hậu, cũng bị đối xử thô bạo vì dám chống lại
chính quyền.
Áp lực
Để hóa giải ảnh hưởng của Giáo
hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và nắm Phật giáo trong tay, ngày 7/11/1981
chính quyền cộng sản Việt Nam cho ra đời Hiến chương thành lập Giáo hội Phật
giáo Việt Nam, qui tụ 9 tổ chức giáo hội, hội, và hệ phái trên toàn quốc, trụ
sở đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Sơ đồ tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam không khác gì sơ đồ của một
đảng phái hay hội đoàn dân sự, với những cấp trung ương, tỉnh thành, quận
huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh.
Quyết tâm biến Giáo hội Phật
giáo Việt Nam thành một công cụ chính trị của chế độ thể hiện rõ rệt trong Điều
7 của Hiến chương:
"Giáo hội Phật giáo Việt
Nam hoạt động theo đúng Giáo pháp, Giáo luật Phật chế và Pháp luật của nước
Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức
thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".
Ngoài ra Hội đồng Trị sự, tức
cơ quan điều hành, còn có nhiệm vụ giới thiệu tăng ni, cư sĩ Phật tử tham gia
các cơ quan dân cử, tổ chức chính trị xã hội.
Từ sau khi Giáo hội Phật giáo
Việt Nam ra đời, mà quần chúng Việt Nam gọi là 'Giáo hội Phật giáo nhà nước'
hay 'Giáo hội Phật giáo quốc doanh', tầm hoạt động và ảnh hưởng của Giáo hội
Phật giáo Việt Nam Thống nhất suy giảm hẳn.
Tăng sĩ thuộc Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất bị chính quyền cộng sản Việt Nam gây áp lực gia nhập
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nếu muốn tiếp tục trụ trì hay ở lại trong những cơ
sở tu hành.
Hiện nay Giáo hội Phật giáo
Việt Nam Thống nhất chỉ còn giữ được khoảng 10% tổng số cơ sở đã có trước 1975.
Tất cả những cơ sở còn lại được chính quyền cộng sản Việt Nam giao cho Giáo hội
Phật giáo Việt Nam quản lý.
Can thiệp
Sự can thiệp của chính quyền trực tiếp vào cách hành đạo đã khiến sinh
hoạt của Phật giáo Việt Nam suy đồi. Một số sư sãi được chính quyền đề cử trụ
trì đã biến chốn thờ phượng thành nơi giải trí và buôn thần bán thánh.
Nhiều cán bộ cao cấp trong
chính quyền bỏ tiền xây chùa và mướn sư sãi trông nom với hy vọng được về cõi
Niết Bàn sau khi chết. Có chùa còn tạc tượng bồ tát Hồ Chí Minh, có tượng được
dát vàng, để thờ ngang với các chư Phật.
Hiếm thấy một vị sư nào có nước
da cháy nắng, gầy ốm còn đi khất thực hay sống trong những ngôi chùa ảm đạm để
tu thiền và giảng thuyết.
Ngày nay, nhiều khách thập
phương đến chùa để cầu xin trúng số hay thỏa mãn tình duyên nhiều hơn là để cầu
nguyện.
Thêm vào đó, sự tuyển chọn
người đảm nhiệm nhiều chức vụ tôn giáo do chính quyền quyết định. Sinh hoạt của
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang bị chính quyền cộng sản Việt Nam trần tục hóa.
Trước chính sách trần tục hóa
của sinh hoạt Phật giáo, sự tồn tại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất
là rất cần thiết, vì đó là một đối trọng.
Nhưng Giáo hội Phật giáo Việt
Nam Thống nhất hiện nay không còn thống nhất như trước. Tầm vóc hoạt động của
giáo hội trong và ngoài nước đã bị thu hẹp nhưng tranh chấp quyền lực vẫn tiếp
tục xảy ra ngay trong nội bộ Giáo hội mà vụ Thích Chánh Lạc là một thí dụ.
Thêm vào đó, Giáo hội Phật giáo
Việt Nam Thống nhất đang đối đầu với nguy cơ lão hóa.
Hòa thượng Thích Quảng Độ năm
nay đã 85 tuổi, những người có thể kế tục chắc chắn không còn trẻ và cũng không
có tầm vóc uy tín và bản lĩnh như ông.
Nếu không đào tạo được những
thế hệ thay thế, sự tồn tại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang bị
đếm ngược.
Bài viết thể hiện quan
điểm riêng của tác giả Nguyễn Văn Huy từ Paris. BBC tiếp tục đón nhận
các bài và các dòng ý kiến khác nhau về chủ đề này.
No comments:
Post a Comment