Wed, 09/11/2013 - 18:11 —
ledienduc
Báo Thanh Niên đã tin, lúc hơn 14 giờ ngày 11/9, Đặng
Ngọc Viết (sinh năm 1971) đã vào trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Thành phố Thái
Bình, xông vào phòng làm việc của Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố Thái
Bình bắn vào những người đang ngồi làm việc tại đây.
Vụ nổ súng làm ông Vũ Ngọc Dũng
(51 tuổi), Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình, bị
bắn vào đầu, được đưa đi cấp cứu và chết tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) lúc 19
giờ cùng ngày.
Ngoài ra, 3 người khác cùng là
cán bộ của trung tâm này là Nguyễn Thanh Dương (38 tuổi), Vũ Công Cương (23
tuổi), Bùi Đức Xuân (38 tuổi) bị bắn vào đầu phải đưa đi cấp cứu.
Đặng Ngọc Viết đã lên trốn tại
một ngôi chùa. Sau đó, một số người dân địa phương đã phát hiện và báo tin Viết
đã tự sát. Một nguồn tin cho biết, Viết đã tự sát bằng cách tự bắn vào đầu.
Báo Tiền Phong nói về nguyên
nhân mà họ gọi là “do liên quan đến việc giải quyết đền bù đất đai”.
“Cụ thể, cách đây khoảng một
tháng, đội giải phóng mặt bằng tiến hành giải quyết đền bù cho một số hộ dân,
trong đó có trường hợp của nghi phạm này nhưng gia đình không đồng tình với
quan điểm giải quyết của cơ quan chức năng. Nghi phạm này đi làm tại TP.HCM và
mới về địa phương được khoảng một tuần”, báo Tiền Phong cho biết.
Rõ ràng phải có gì khuất tất
gây nên sự bất công quá mức chịu đựng, gia đình bị dồn vào đường cùng, thì mới
nảy sinh ra hành động trả thù khốc liệt như thế.
Chúng ta đã từng chứng kiến sự
bất công này khằp ba miền Trung Nam Bắc suốt hơn hai thập niên qua. Cảnh nông
dân ăn nằm vật vã nơi vỉa hè, công viên để khiếu kiện đất đai trở thành bức
tranh thường lệ. Bi kịch như nông dân Vụ Bản đeo khăn tang, nông dân Dương Nội
bày biện âm binh để đòi đất và giữ đất. Biết bao bà mẹ Việt Nam cầm những tấm
bằng "Tổ quôc ghi công" lê lết tìm đến các cơ quan công quyền với tờ
đơn khiếu nại trong vô vọng và bất lực.
Người ta đã phải khoả thân để
chống đối như hai mẹ con bà Phạm Thị Lài ở Cần Thơ, phải tự thiêu như bà Đinh
Thị Kim Liêng, phải nổ súng để bảo vệ thành quả mồ hôi nước mắt của mình như
Đoàn Văn Vươn ở Tiên lãng, Hải Phòng...
Cho dù chưa rõ hết ngọn nguồn
của việc nổ súng giết chết cán bộ, nhưng nói đến "Trung tâm Phát triển Quỹ
đất" là ngay lập tức, trong đầu người ta đã phác hoạ ra được hình ảnh của
sự chà đạp và các quan tham dùng luật rừng để ép buộc dân giao đất với những
điều kiện phi lý.
Đất đai là máu thịt của người
nông dân. Mất đất là mất hết. Đa phần, thậm chí có chút tiền đền bù, nhưng đã
quen với nghề nông từ bao thế hệ, cũng chỉ biết ăn xài đến lúc hết tiền là cũng
hết cơ nghiệp. Đất hay là chết!
Vì thế mới có âm vang tiếng
súng Đoàn Văn Vươn mà vì không chết nên anh phải chịu bản án 5 năm tù. Anh Viết
không muốn thế. Anh chọn cái chết!
Anh Trương Ba Không đã viết
status trên Facebook:
"Mình đã khóc khi đọc 6
bài báo về một chủ đề. Khóc âm thầm cho những nỗi đau riêng của những kiếp
người kém may mắn so với số đông cộng đồng, nhưng khi chợt biết anh Đặng Ngọc
Viết đã tự sát sau khi xả súng vào một nhóm quan chức địa phương Thái Bình, thì
mình đã khóc oà thành tiếng cho nỗi đau của cả một xã hội loạn".
Xã hội không loạn sao được khi
mà bà Phó
Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phải kêu lên rằng, giám sát nhiều nơi, thấy
chính sách an sinh đến địa phương thì bị “biến dạng”. “Ăn” của dân không chừa
chỗ nào, từ tiền bảo hiểm y tế của thương binh đến các cháu nghèo trường dân
tộc, liều vắc-xin con con của các cháu cũng bị “ăn”!
Bà Nguyễn Thị Doan đã từng có
lúc nói Việt Nam "dân chủ gấp vạn lần các chế độ tư sản", liệu bà có
giật mình nhớ lại không?
Quan lớn ăn lớn, quan nhỏ ăn
nhỏ, từ trung ương xuống địa phương, bệnh tham nhũng, bớt xén, rút ruột công
trình trở thành nạn đại dịch trong hệ thống chính trị. Chính hệ thống "dân
chủ gấp vạn lần các chế độ tư sản" này đã tạo ra những đặc quyền, đặc lợi
như thế, đã tạo ra một giai cấp thống trị nhẫn tâm và suy thoái như thế.
Xin được thắp nén nhang cho con
người bất hạnh Đặng Ngọc Viết.
Bi kịch về cái chết của anh làm
lắng đọng một điều tâm đắc: Cuộc sống là vô cùng cao quý, nhưng đôi khi vì
những giá trị đích thực của nó, con người buộc phải chết khi không còn nơi nào
nương tựa cho pháp lý, không còn lòng tin nào đối với thế lực cầm quyền.
Cái chết của anh là tiếng gọi
đánh thức lương tri và tinh thần tranh đấu chống lại bạo quyền của những người
còn sống.
Con giun xéo mãi cũng quằn, đó
là bài học lớn cho chế độ chuyên quyền, cố vị hiện tại của Đảng Cộng Sản Việt
Nam.
© Lê Diễn Đức - RFA Blog
No comments:
Post a Comment