Saturday 21 September 2013

THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN CHO TƯƠNG LAI CỦA VIỆT NAM (BS Hồ Hải)




Thứ bảy, ngày 21 tháng chín năm 2013

Có một quy luật bất di, bất dịch là, không phải phong trào đòi nhân quyền hay tình hình dân hy sinh mạng sống, để đòi sự công bằng gần đây làm cho các chính khách đang cầm quyền ở Việt Nam hiện nay muốn thay đổi. Vì chưa bao giờ trong lịch sử của các đảng cộng sản có vai trò của người dân làm họ phải thay đổi. Mà phải thấy rằng, sự thay đổi bắt đầu từ nơi khác. Nơi mà quyết định đến sự sống còn của nhà cầm quyền Việt Nam hiện tại.

Gần đây cộng đồng Việt Nam trong nước có nhiều ý kiến nhìn tương lai nước Việt trái chiều nhau. Một lượng lớn nhìn sự phát triển của tương lai Việt Nam là sáng lạng. Một lượng người khác cũng không nhỏ hơn lại nhìn vấn đề này tối như mực Tàu.

Cả hai đều có lý lẽ để phân tích, nhưng để hệ thống những khó khăn và thuận lợi thì chưa được hệ thống mạch lạc. Bài viết này nhằm vào một số yếu tố thuận lợi và khó khăn của đất nước, hòng tìm ra con đường tốt nhất trong tương lai.

Thuận lợi

Thuận lợi đầu tiên của thế giới là, một loạt các thể chế độc tài ở các quốc gia nhỏ trên thế giới sau một thời gian đi theo con đường cộng sản hoặc xã hội chủ nghĩa, hoặc nền chính trị thần quyền, thế quyền cực đoan sụp đổ và chuyển đổi theo những cách khác nhau.

Ở Trung Đông và Bắc Phi là hậu quả của những cuộc cách mạng xã hội do người dân không còn chịu đựng được các chế độ độc tài. Ở Đông Nam Á lại tốt đẹp đến gây ngỡ ngàng cả thế giới, với Miến Điện tiên phong làm một cuộc cách mạng nhẹ nhàng hơn cả Đông Âu và Liên Xô cũ.

Thuận lợi thứ hai, và chính là động lực thúc đẩy buộc chính trị Việt Nam phải thay đổi là, kinh tế nước nhà đang trong cơn bĩ cực, chưa thấy đáy. Trong khi đó, đồng minh thân cận nhất, và cũng là quốc gia mà Việt Nam đã, đang sao y bản chính, nhờ vã, quan hệ làm ăn nhiều nhất, cũng là trụ cột cánh tả lớn nhất sau khi Liên Xô Đông Âu sụp đổ, là Trung Hoa đang trong cơn sóng dữ về kinh tế tài chính, vì một nền chính trị đã lỗi thời. Ốc chưa lo được mình ốc, thì làm sao ôm nỗi đàn em?

Nhưng cái động lực quan trọng nhất buộc chính trị và kinh tế Việt Nam phải thay đổi lại chính là nơi khác. Nơi mà nền chính trị và kinh tế hoàn toàn đi ngược với bản chính của Việt Nam đang sao chép - Hoa Kỳ và "tư bản giãy chết". Trong cơn bĩ cực cả kinh tế và chính trị thì cái phao cứu sinh của Hoa Kỳ xuất hiện - TPP: Trans-Pacific Partnership. Đây là cái quyết định sinh mệnh chính trị và kinh tế của nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện nay, nhưng nó cũng là rào cản khó khăn nhất không dễ vượt qua. Tại sao?

Khó khăn:

Khó khăn đầu tiên là địa chính trị. Nếu như địa chính trị là một thuận lợi to lớn cho Việt Nam, thì địa chính trị lại là khó khăn lớn nhất làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nước Việt hơn 2.000 năm qua. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Câu tục ngữ này cho tới nay đã luôn đúng cho Việt Nam, và một số quốc gia láng giềng với Trung Hoa. Với Việt Nam, hơn một nửa thời gian là chiến tranh và chịu làm chư hầu từ tư tưởng đến hành động, ngay cả hiện tại cũng không tránh khỏi. Nếu không nói rằng khi Trung Hoa còn vững vàng thì Việt Nam khó thay đổi. Bắc Hàn, Pakistan, Lào và Việt Nam không ngoại lệ, chỉ cách đây vài năm Miến Điện cũng vậy.

Khó khăn thứ hai là tư tưởng chủ đạo mọi hành động. Tư tưởng quyết định mọi hành động, nhưng nước Việt hơn 100 năm qua, chưa có nhà tư tưởng nào nắm được chính quyền. Ngược lại, những chính khách chèo lái con thuyền Việt Nam chỉ là những người đi sao chép và áp dụng những tư tưởng của trời Tây, hoặc trời Đông một cách méo mó, phi khoa học. Cho nên hình thái kinh tế chính trị tại Việt Nam sau thời Pháp thuộc ở miền Bắc, và sau 1975 trong cả nước chưa bao giờ là do người Việt tạo ra để phù hợp với dân và nước Việt, mà toàn là bản sao của ngoại bang.

Khó khăn thứ ba là khó khăn về văn hóa. Văn hóa làng xã, ăn chắc mặc bền của tiểu nông nó là cái tốt, nhưng nó lại là cái xấu khi cần thay đổi. Đó là 2 mặt cho mọi vấn đề ở Việt Nam trong hàng ngàn năm nay. Văn hóa là động lực của sự phát triển, mà cũng là nguyên nhân níu kéo xã hội chậm tiến. Đặc biệt, vừa cách đây 2 hôm người ta vẫn còn tổ chức hội nghị khoa học ca ngợi cái đề cương văn hóa 1943 là chính trị, kinh tế, khoa học, dân tộc và tinh hoa của thời đại, trong khi nó là nguyên nhân của suy đồi văn hóa và giáo dục trong suốt 70 năm qua.

Khó khăn cuối cùng là quyền lợi của các nhóm trong hệ thống cầm quyền. Mọi thay đổi đều dẫn đến giảm và hạn chế quyền lợi của các nhóm cầm quyền, mà đặc biệt là chế độ đơn nguyên tập quyền hiện nay ở Việt Nam. Các thế hệ thứ tư trở về trước đã có phần miếng bánh, có thể họ muốn thay đổi, nhưng thế hệ kế tiếp bánh chưa được chia phần. Hơn nữa, thay đổi không khéo, thì có thể diễn ra tình trạng đòi bạch hóa tội trạng. Trong khi đó, hai cái phàm là của Mao nó làm ra một nhùi rối bùng nhùng, không thể gỡ ra khỏi tình trạng chính trị hiện nay.

Để gỡ rối cho tình hình kinh tế chính trị hiện nay là những thách thức và cơ hội của nhà cầm quyền tôi đã viết bài: Xóa cấm vận, WTO và TPP, những cơ hội cho Việt Nam từ Hoa Kỳ. Và điều đó đã được khẳng định trong một phỏng vấn mới đây với ông có kinh nghiệm về đàm phán về WTO và BTA với Hoa Kỳ rằng, trong năm 2013 việc để Việt Nam vào được TPP là không có. Nhưng nếu điểm lại lịch sử thì, việc đàm phán những vấn đề lớn này của Việt Nam luôn có đơn vị thời gian bằng thập niên. Trong khi đó đàm phán TPP hiện đang ở năm thứ 3.

Tất cả những thuận lợi và khó khăn trên đã được minh chứng qua con đường đi của 27 năm qua chỉ có cởi trói, không có đổi mới, và sao y bản chính của Trung Hoa. Mọi sự cởi trói hay siết lại - nôm na là mở cửa he hé, rồi khép lại - đều vì sinh mạng chính trị của giai cấp cầm quyền.

Và cũng dễ dàng thấy được rằng, tương lai trong thập niên này, tình hình chính trị và kinh tế Việt Nam chưa thấy có ánh sáng để khởi sắc.


Được đăng bởi Hồ Hải vào lúc 10:05 http://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif

-----------------------------




No comments:

Post a Comment

View My Stats