Thứ năm, ngày 05 tháng chín năm 2013
Hơn nửa thế kỷ sống ở nước Việt cũng có lắm điều để
nói về ăn, uống và sống theo cái nghĩa văn hóa xứ mình.
Nhớ những ngày còn niên thiếu, trước 30/4/1975, ở
thành phố biển Quy Nhơn trong bom rơi, đạn lạc. Lúc mà con người ta sống nay,
mà không biết ngay mai thức dậy có còn thấy cuộc sống sôi động quanh ta không?
Có những buổi tối cuối tuần cùng gia đình vào Snack Bar để ăn tối với những gia
đình quân nhân thời chiến.
Những buổi tối ấy, rất sôi động với nhạc của vũ
trường kiểu sân khấu nhỏ, những ồn ào với không khí bàn luận thời sự, chính trị
nước nhà của thế hệ cha ông. Nhưng cũng có những lúc mà có vài chú lính với huy
hiệu chiếc hòm và 3 cây đèn cầy trên ngực, vai áo bước vào Snack Bar, thì hầu
như mọi âm thanh ngưng bặt. Rồi mọi người yên lặng, nhìn nhau, lủi thủi rút lui
như những con cừu. Vì sợ họ đổ quặu, nhặn xị rút súng bắn thì tiêu.
Ngày ấy, lính này được đặt cái tên rất oai và rất
ghê rợn - Hồn ma biên giới. Họ là những người lính nhảy toán ra Bắc Việt, đa số
ra đi không có ngày về. Nên trước khi đi, họ được nhận tiền tử sĩ để tiêu xài,
rồi đi, và họ chả còn sợ ai, và họ quậy, kể cả quân cảnh cũng không muốn đụng
đến họ nữa là, nói chi đến cảnh sát hay quân chủng khác.
Thế rồi, sau 30/4/1975 một lối sống khác xuất hiện ở
thời bao cấp. Hầu hết dân Việt ở tỉnh lẻ, quán xá là trò xa xỉ. Sài Gòn lại
khác, quán cóc vỉa hè là một văn hóa sống mới cho phù hợp với thời kinh tế eo
hẹp. Nhưng cà phê thì mùi và vị của bắp rang nhiều hơn cà phê, vì làm gì có
được cà phê thật đến được mọi nơi, khi mà mang trong người chỉ 1kg cà phê đi từ
tỉnh này sang tỉnh nọ là buôn lậu?
Ăn cũng thế, không được ăn cơm trắng. Ăn cơm trắng
là lũ tiểu tư sản, Việt gian, phản động. Người Việt chân chính là giai cấp bần
cố nông, phải ăn cơm độn bắp, độn khoai. Thời đó, nhà mình luôn có 2 nồi cơm,
một nồi cơm trắng, một có độn mì hoặc lan, hoặc bắp. Ăn cơm luôn phải khóa
cổng, khi có khách đến trong lúc đang ăn, thì con ra mở cổng, mẹ đổi nồi cơm
độn khoai ra để chứng tỏ mình trung thành với cách mạng vì là giai cấp bần
nông.
Học sinh đến trường cũng thế, nam sinh không được bỏ
áo trong quần, nữ sinh không được mặc áo dài hoặc váy, không được mang giày hay
sandal, thậm chí không dám mặc quần áo mà không có miếng vá, để chứng tỏ mình
là bần nông. Nhưng rồi vải cũng không có may, cả xã hội mặc đồ rách là chuyện
thường tình. Cô giáo cũng không được mặc áo dài khi lên lớp, mà phải là áo cổ
cánh sen hay tai bèo, quần satanh hoặc Lãnh Mỹ A đen đứng lớp mới là đúng lập
trường quan điểm. Thầy giáo cũng thế, cấm cãi.
Lúc này, một câu nói nổi tiếng mà ai cũng thường
nghe là, ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn!
Thế rồi, khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, xã hội được
nới dây trói, con người ta bắt đầu được sống đúng theo nghĩa bản năng vật chất.
Văn hóa ăn, uống và sống bắt đầu trở lại thời miền Nam trước 30/4/1975. Ban đầu
còn giữ thuần phong mỹ tục. Nhưng rồi, thuần phong mỹ tục cũng dần rơi rụng.
Con người ta bắt đầu sống vội, sống hối hả. Nó giống
như cái lò so sau khi nén và buông ra, phản ứng dội về văn hóa sống bắt đầu
tràn đến những văn hóa ăn nhanh, đi vội, sống bạt mạng. Hối hả học hành bằng
cấp giả. Vội vã đi đường không tuân thủ luật để tai nạn giao thông. Nhanh nhạy
làm ăn, tập trung vào đầu tư ngắn hạn và thứ cấp kiếm lãi, mà không nghĩ đến
đầu tư dài hạn, vững bền. Nhanh chóng bán được bất cứ cái gì có thể bán từ tài
nguyên rừng, đến biển và kể cả đất đai tổ tiên để lại, và cũng không chừa lại
môi sinh để sống, cũng bán tuốt cả lương tâm và nhân cách.
Ăn, uống cũng thế. Văn hóa ẩm thực ăn vội, uống bừa
của một xã hội công nghiệp du nhập - với Pizza, Strabucks, Kentucky Fired
Chicken, fastfood, etc... Con người ta không còn cái văn hóa ẩm thực để thưởng
thức, và ăn là thuốc. Tuy hòa bình, êm tiếng súng, nhưng văn hóa sống nước Việt
hôm nay ăn, uống và sống không nghĩ đến ngày mai. Nó không khác thời chiến
tranh sợ tên rơi, đạn lạc.
“Phủ định cái phủ định là gì? Là một quy luật vô
cùng phổ biến và chính vì vậy mà có tầm quan trọng và có tác dụng vô cùng to
lớn về sự phát triển của tự nhiên, của lịch sử và của tư duy” - Friedrich Engels.
Nghĩ cho cùng, cái quy luật phủ định của phủ định
trong triết học nó được hiện thực hóa ở nước Việt trong 38 năm qua rất khách
quan và hiện thực - khuynh hướng của sự phát triển, theo đó sự phát triển của
sự vật, hiện tượng có xu hướng, khuynh hướng lặp lại giai đoạn đầu nhưng ở
trình độ cao hơn, phát triển theo hình xoắn trôn ốc. Nhưng 38 năm qua, sự phát
triển ấy là một vòng xoắn trôn ốc đi lên của sự đồi bại về văn hóa ăn, uống và
sống.
Văn hóa là cái gì, nếu không là những thói ăn, nết
ở, nếp nghĩ, hành động diễn ra lập đi, lập lại thường nhật quanh ta. Nhưng văn
hóa cũng có tốt, có xấu. Đó là hai mặt nhị nguyên của văn hóa. Nếu không được
xã hội chắt lọc, giữ gìn, ắt có ngày chúng ta sẽ bị hòa tan, chứ không còn giao
lưu và hòa nhập để phát triển.
Bài
đọc liên quan:
No comments:
Post a Comment