Đồng Chuông Tử
Gửi cho BBC từ Việt Nam
Cập nhật: 09:32 GMT -
thứ sáu, 13 tháng 9, 2013
Có thể khẳng định cột mốc từ năm 2010, Điện hạt nhân
(ĐHN) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chia rẽ dư luận ở Việt Nam.
Nổi cộm là cách tuyên truyền “tô hồng” phản cảm về lời giải cho bài toán năng
lượng quốc gia trong tương lai.
Đó là những ý tưởng nghịch mùa,
góp phần kéo giảm uy tín của đảng và là cách thức nhanh nhất tạo nợ nần chồng
chất lên đôi vai gầy oằn của gần 90 triệu dân nghèo.
Di chứng đau thương?
Khi Dự án ĐHN tượng hình và
giới lobby thở phào nhẹ nhõm ngay thời điểm Quốc hội thông qua, thì ngoài đồng
ruộng hay trong công xưởng, nhà máy, những đôi vai xương xẩu của nông dân, công
nhân và cả dân tộc lại thêm trĩu nặng nợ nần.
Người dân có thể cảm thấy vui
mừng và an ủi phần nào, nếu nợ nần mà phát triển kinh tế, văn hoá và an sinh xã
hội. Đằng này, nợ nần chỉ để đem lại bất an, chết chóc và di chứng đau thương
cho những thế hệ con cháu mai sau, là quá nhẫn tâm.
Những tiếng nói khả kính và
trái tim lương tri luôn bị cơn lên đồng lấn át và trù úm. Một Việt Nam ngột
ngạt, đáng thương và rừng rú mê man, mặc dù nhiều cánh rừng đã thực sự chết đi
hoặc thoi thóp bởi lâm tặc đỏ.
Một Việt Nam vẫn chưa ra ngoài
danh phận nước nghèo, phải cực khổ để thế giới công nhận nền kinh tế thị
trường, những điệu cuồng vũ của các số liệu, báo cáo của Chính phủ khiến hoài
nghi dâng cao. Trong khi, từ lâu Chính phủ đã đánh mất niềm tin với nhân dân ở
nhiều lĩnh vực nóng sốt.
Một Việt Nam thang bậc tiền
lương chỉ nhích nhắc chậm chạp, dự án xoá nhà tranh vách lá che mắt thế giới
phải chắc mót từng đồng từng cắc, bê tông hoá đường nông thôn cũng nài dân
nghèo chia sẻ, ngày Quốc khánh 2.9 cũng bấm bụng thôi rầm ran, hà cớ làm sao
nhiều dự án tiền trăm tỉ, ngàn tỉ đô la vẫn hàng ngày hàng giờ mọc lên như nấm
sau cơn mưa. Trong lúc nền kinh tế đang phải cắt giảm chi tiêu công, ngân khố
quốc gia sắp bị viêm màng túi vì muôn mặt khó khăn, do năng lực quản lí.
Tình hình bức tranh toàn cảnh
Việt Nam hơn thập niên đầu thế kỉ 21 ảm đạm kiểu nắng sớm mưa chiều, long đong
và tật nguyền. Thậm chí loè loẹt son phấn, thích vòi vĩnh và mít ướt như con
gái nhà giàu. Chẳng ai có thể ngờ, Việt Nam bước chân vào thế kỉ 21 với ngổn
ngang tâm chấn, hơn là thong dong tâm hồn tiến lên CNXH nhuộm rực màu hồng lí
tưởng.
Quốc hội cần khẩn trương “quyết lại”
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, người
có hơn 30 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực điện và năng lượng hạt nhân, trong một lần
trả lời phỏng vấn BBC từ Pháp quốc, đã tha thiết kêu gọi Chính quyền Việt Nam
cấp tốc trưng cầu dân ý về điện hạt nhân. Ông cảnh báo điện hạt nhân là mối
nguy hiểm ngàn đời, sẽ cắt đôi đất nước nếu có sự cố.
Có ý kiến còn quét cái nhìn
nhạy cảm, chính đáng “xây ĐHN, đất nước dễ dàng thành con tin chính trị”. Xét
về phần chìm của tảng băng, điều đó, không phải là không có khả năng xảy ra.
Trước đó, nhiều công trình
nghiên cứu của các nhà khoa học tên tuổi khẳng định Việt Nam không cần thiết có
nhà máy điện hạt nhân. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió là thế mạnh của
quốc gia nhỏ bé này, có thể thay thế nguồn điện cố hữu hiện nay. Bài học nhãn
tiền từ các nước giàu và lời khuyên chân tình của bạn bè năm châu dành cho
chúng ta, cơ quan nào ngó ngàng tới.
Trong lúc Việt Nam tích cực đẩy
mạnh tuyên truyền ĐHN đến người dân một cách phung phí và vấp phải làn sóng dư
luận lên cao, thì cùng thời điểm trên, hàng loạt quốc gia tiên tiến trên thế
giới đã quyết tâm dần loại bỏ nó, và hớn hở hướng tới nguồn năng lượng sạch, ít
tốn kém, hiệu quả kinh tế cao.
Trong nước tiếng nói uy tín mở
đường có Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân Đà
Lạt, đã viết nhiều bài tâm huyết, từ khuyên can nhẹ nhàng đến mạnh mẽ dứt khoát
không nên day dưa với ĐHN. Ông có câu nói nổi tiếng : “Ta chỉ yêu nước khi chịu
hy sinh”.
Bên cạnh đó là tiếng nói của
nhiều tầng lớp ưu tú của đất nước, đặc biệt là tiếng nói của những văn nghệ sĩ
nổi tiếng người Chăm bản địa, cư trú nơi Dự án nguy hiểm đáp xuống. Riêng nhà
thơ Inrasara đã có nguyên tập tiểu thuyết về điện hạt nhân, đến nay nhiều nhà
xuất bản trong nước đã từ chối cấp phép.
Nhưng hình như cái thế phóng
lao buộc phải theo lao là hiện tồn, ở vấn đề ĐHN của Chính phủ. Nhiều bài báo
trong nước đưa tin tất cả đã dọn dẹp sẵn chỉ chờ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
quyết định mà thôi.
Có lẽ ông Thủ tướng đang rất
đau đầu về làn sóng phản biện và phản đối. Trong một bài viết gần đây, nhà báo
Thục Quyên nhận định: “ Một quyết định sai lầm dù đã được quốc hội thông qua vẫn
là một quyết định sai lầm, cần bàn thảo lại và sửa đổi, ngay cả hủy bỏ”, “…và
không ngừng thay đổi theo đà tiến triển của nhân loại , thay đổi những quyết
định sai lầm có hại cho đất nước”.
Thiết nghĩ từ nay đến cuối năm,
khi Quốc hội vào phiên làm việc cần kíp phải khẩn trương mở cuộc trưng cầu dân
ý về ĐHN hoặc buộc phải “quyết lại” theo hướng có lợi cho hàng triệu người dân,
cho túi tiền quốc gia đang mùa khó và cho uy tín ngày càng sa lầy của đảng.
Bài viết phản ánh quan điểm
riêng và văn phong của tác giả, một blogger người Chăm sinh năm 1980, đang sinh
sống và làm việc ở Việt Nam.
No comments:
Post a Comment