Thursday, 5 September 2013

ĐÔI ĐIỀU VỚI ÔNG ĐẰNG VỀ LỜI HÔ HÀO LẬP ĐẢNG "DÂN CHỦ XÃ HỘI" (Trương Nhân Tuấn - Những Vấn Đề Việt Nam)




Lundi 2 septembre 2013

Cũng như từ ngữ « dân chủ », « dân chủ xã hội » là học từ chính trị, thường xuyên được diễn giải qua lăng kính (hay được thể hiện dưới) chủ nghĩa chính trị, do đó có ý nghĩa rất khác nhau.

Tại VN hiện nay, người ta thường lấy mô hình « dân chủ xã hội » ở các nước Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy… để làm kiểu mẫu cho sự phát triển quốc gia, nhằm thay thế mô hình xã hội « xã hội chủ nghĩa » của Mác-Lênin. Có lẽ GS Phan Đình Diệu là một trong những người đầu tiên ở VN đã mạnh bạo đề cao mô hình « dân chủ xã hội » từ đầu thập niên 90, sau khi chứng kiến sự sụp đổ của các chế độ cộng sản LX và Đông âu.

Cũng như « dân chủ » - « dân chủ nhân dân » qua lăng kính Mác-Lê – hoàn toàn khác với « dân chủ » của thế giới tự do, « dân chủ xã hội » của Mác-Lê hoàn toàn khác với « dân chủ xã hội » của các nước Bắc Âu.

Một cách đơn giản để phân biện đâu là dân chủ xã hội của tư bản và đâu là dân chủ xã hội của Mác là vai trò của nhà nước trong sinh hoạt kinh tế. Tức khác biệt giữa sự can thiệp chừng mực của Keynes trong các nước tư bản với sự áp đặt (truất hữu) thô bạo của Mác trong các xã hội xã hội chủ nghĩa.
Sự sai biệt này, trước đây GS Phan Đình Diệu đã thấy và nhắc : dân chủ thì phải đa nguyên vì đa nguyên luôn là điều kiện cần của dân chủ.

« Dân chủ xã hội » ở các nước Bắc Âu được xây dựng trên căn bản xã hội đa nguyên : dân chủ tự do. (Người ta còn gọi là capitalisme social – chủ nghĩa tư bản xã hội). Ta còn gọi các nhà nước này là « nhà nước phúc lợi ».

Hầu hết các nước Tây Âu giàu mạnh như Pháp, Đức, Anh, Ý… đều là các nhà nước phúc lợi, có một liều lượng ít nhiều « dân chủ xã hội ». Các chính sách về kinh tế và xã hội các nước này tương tự như nhau : mức thuế rất cao đánh lên tài sản và mức thu nhập cá nhân nhưng đổi lại, một nền giáo dục ép buộc và miễn phí, an sinh xã hội, quĩ hưu trí, quĩ gia đình… bảo đảm cho mọi thành viên trong xã hội. Một đứa trẻ sinh ra « phải » học cho hết cấp phổ thông, có « quyền » học lên đại học, hoàn toàn miễn phí. Người bệnh có « quyền » được chăm sóc chu đáo, được « quyền » nghỉ bệnh có lương. Sản phụ được « quyền » nghỉ ăn lương để nuôi con. Tất cả những đứa trẻ sinh ra, cho đến tuổi trưởng thành, đều được « quyền » hưởng phúc lợi, sinh ra từ thành quả phát triển của đất nước, dưới hình thức tiền trợ cấp gia đình. Công nhân có « quyền » nghỉ thường niên có lương, khi thất nghiệp có « quyền » hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp. Khi đến tuổi về hưu, có đi làm hay không có đi làm, đều có « quyền » hưởng tiền hưu bỗng do đóng góp lúc đi làm, hay tiền trợ cấp từ quĩ xã hội…

Như thế, mức phúc lợi của người dân tùy thuộc vào số thuế thâu vào, tức mức độ phát triển kinh tế của quốc gia. Dân chúng các nước Bắc Âu có mức phúc lợi lớn hơn các nước Tây Âu vì nhiều yếu tố : dân số thấp nhưng phong phú tài nguyên thiên nhiên. (Yếu tố địa chính trị, trái độn giữa hai khối tư bản – cộng sản, các nước này « trung lập » trong chiến tranh lạnh, cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lên văn hóa).

Chỉ sau khi khủng hoảng kinh tế từ vài năm nay (từ năm 2005), mức phúc lợi của người dân các xứ Tây Âu bị giảm sút đáng kể. Nhưng dầu vậy, ở các mặt giáo dục, an sinh xã hội, hưu trí… vẫn còn ở mức chấp nhận được.

Như vậy, « dân chủ xã hội » ở các nước Bắc Âu (và Tây Âu) được xây dựng trên một xã hội đã có sẵn một nền kinh tế năng động, (một nguồn tài nguyên dồi dào), một nền chính trị dân chủ tự do (đa nguyên). Nếu tính « bổ đồng », thời gian để xây dựng lên một nhà nước « phúc lợi » như vậy phải là 30 năm. Mà trong thời gian phát triển, các nước này thường xuyên đứng đầu trên thế giới về các mặt kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật…

Xây dựng lên một nhà nước phúc lợi khó biết bao nhiêu, nhưng « bọn tư bản dẩy chết » chúng xây dựng được.

Thế giới cộng sản đã xây dựng « dân chủ xã hội », « một thế giới không còn người bóc lột người », như thế nào ? Ở đây người ta lấy cái « nghèo » chia đều cho mọi người, xem đó là « công bằng xã hội ». Đây không phải là « công bằng » mà là « cào bằng », là đập phá chứ không phải là « xây dựng ». Đập phá, cào bằng ai làm cũng được, càng ngu dốt thì càng làm tốt thôi. Nhưng xây dựng thì rất khó, vì nó cần kiến thức, cần chuyên môn, cần vốn liếng…

Xây dựng một đất nước đã khó, một nhà nước phúc lợi càng khó thiên nan, vạn nan.

Ông Lê Hiếu Đằng, trong những ngày trên giường bệnh, nhắc đến « dân chủ xã hội » như là một lối thoát cho chính trị VN. Ông hô hào các đảng viên bỏ đảng, tuyên bố thành lập đảng « dân chủ xã hội ».

Tôi cảm nhận những khắc khoải, những thao thức của ông Đằng, trước cái bất công, cái nghèo đói của đại đa số người dân trong xã hội VN hiện nay. Dĩ nhiên, đứng trước một thảm cảnh như vậy, ai có lương tri cũng mong muốn người dân thoát cảnh bất công, nghèo khổ. « Dân chủ xã hội » chợt nghĩ đến như là một phản xạ tự nhiên. Nhất là những người như ông Đằng, theo cộng sản vì tưởng rằng « chủ nghĩa cộng sản » sẽ xây dựng được một VN tốt đẹp (như là các nước Bắc Âu).

Đây là một sai lầm chết người. Biết bao nhiêu xương máu VN đổ xuống tưởng rằng chỉ để thực hiện điều đó.

Tôi cũng có những giây phút khắc khoải và phản xạ như ông Đằng, mặc dầu sống tại nước ngoài. Tôi đã từng lên án trường phái « tân tự do – néolibéralisme » đã làm kinh tế thế giới khủng hoảng nặng nề. Khi chỉ số phát triển của quốc gia giảm, dĩ nhiên mức thuế thâu vào sụt giảm, mức phúc lợi của người dân do đó giảm theo. Ở một số nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp… cuộc khủng hoảng kinh tế đã đưa đất nước vào vòng phá sản, đưa hàng chục triệu người không có công ăn việc làm, trong khi mức phúc lợi giảm, đôi khi truất mất.

Nhân danh cái gì, cho ai mà chúng đổ rác trên đầu trên cổ của đại đa số dân nghèo ?

Làm sao không uất ức ? Vì thế, trong dòng máu của tôi cũng chảy một phần « dân chủ xã hội », một lý tưởng về nhà nước phúc lợi.

Ở các nước Tây Âu, một xã hội dân chủ tự do, người ta có thể điều chỉnh lại, đặt ra các luật lệ khắc khe hơn để những con thú « tân tự do » không còn tác yêu tác quái như trước nữa. Những « phúc lợi » mà người dân đã đạt được, trong nhất thời bị bớt đi, nhưng không thể mất được.

Nhưng khi nói « dân chủ xã hội » cho VN thì tôi nghe không ổn, ông Đằng ơi !. « chỉ là mơ thôi… », lời bài hát của ai trong tình cảnh nào đó, xem ra cũng hợp.

Ông lấy gì để xây dựng một nhà nước dân chủ xã hội (như các xứ Bắc Âu) mà không thông qua dân chủ đa nguyên (như lời GS Phan Đình Diệu) ? Ở đây người ta xây dựng nhà nước phúc lợi bằng tiền thuế, bằng sự năng động của nền kinh tế quốc dân. Trong khi nhà nước XHCN của VN, kinh tế quốc doanh là chủ đạo, thực tế cho thấy nó không phát triển sinh lời để đóng góp vào phúc lợi cho toàn dân. Ngược lại, nền kinh tế nhà nước này đã trở thành gánh nặng cho đất nước.

VN đi theo mô hình TQ. Một nước phát triển chỉ về kinh tế, như Trung Quốc, sẽ dây dựng lên một thứ chủ nghĩa tư bản quyền lực man rợ, chỉ tạo ra bất công xã hội, không bao giờ xây dựng được một nhà nước phúc lợi.

Ước mơ nào cũng đẹp, nhưng đó là điều hướng tới. Muốn xây dựng một « nhà nước phúc lợi » như các xứ Bắc Âu, tôi e VN phải mất nhanh thì vài chục năm, chậm thì vài thế kỷ.

Tình trạng bệ rạc của VN hiện nay, nhà thuơng, trường học… lần hồi phải trả phí, trong khi việc miễn phí là điều căn bản của mọi quốc gia bất kể sắc thái chính trị. Tài nguyên khai thác cạn kiệt trong khi cơ sở hạ tầng không xây dựng được. Những công trình quan trọng đều có vốn, hay « viện trợ » của nước ngoài. Con người lý ra là đối tượng phục vụ của nhà nước, của bất kỳ quốc gia nào, thì ở VN con người trở thành « nguồn lực » để nhà nước « xuất khẩu lao động ». Ở các xứ tiên tiến, khi chỉ số thất nghiệp tăng thêm phần trăm nào thì chính phủ đang lãnh đạo mất lòng dân thêm phần trăm ấy.
Một chế độ như vậy, một đảng lãnh đạo như vậy, đưa đất nước từ thảm cảnh này đến thảm cảnh khác, đến nay mới quyết định « tính sổ với đảng » cũng là hơi chậm, phải không ông Đằng ?

Nhưng có còn hơn không, dầu trễ nhưng cũng hơn là « không bao giờ ».

Tôi thắc mắc về ngôn từ « dân chủ xã hội » nhưng tôi hoan nghênh việc ông hô hào lập đảng khác. Tôi thấy nhiều người lên tiếng phê bình ông lập đảng, lề phải và lề trái. Tôi không thấy ai đưa lời thuyết phục. « Lề phải » thì khỏi nói. Lý lẽ quá tệ. Có điều họ có súng trong tay. Họ nói thế nào cũng là « chân lý ».

Tôi lạc quan xem việc hô hào lập đảng của ông Đằng như là bước đầu của sinh hoạt dân chủ, đa nguyên chính trị ở VN. Ai chống thì chống, tôi ủng hộ, nếu « dân chủ xã hội » ở đây là một « ước mơ » để hướng đến.

Làm chính trị thì đối tượng là làm cho dân giảu, nước mạnh, mọi người được an lành, hạnh phúc. Vấn đề là làm thế nào ?

Đảng CSVN đã từ thất bại này sang thất bại khác, nhưng sai thì sửa, quyền lãnh đạo nhất định không buông, mà quyền này chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ có thực quyền trong đảng.

Đảng CSVN đã phản bội lại lý tưởng của các đảng viên có lý tưởng, như ông Đằng. Việc ông Đằng, cũng như nhiều đảng viên có lý tưởng khác, chưa bỏ thẻ đảng, sẽ là một dấu hỏi lớn cho những người quan tâm.

Sẽ mất thì giờ biết bao nhiêu, nếu « dân chủ xã hội » mà ông Đằng nói lại đặt lên nền tảng Mác-Lênin. Nếu vậy suy nghĩ chi lôi thôi, giao quách cho đảng CSVN, họ có nhiều « kinh nghiệm » hơn. Đất nước mấy lần được « cào bằng », không phải hay sao ?.

Sự minh bạch trong ngôn từ là điều cần thiết để được mọi người ủng hộ. Ông Đằng nói đi, cương lĩnh thế nào, xây dựng đất nước ra sao ? xã hội tổ chức ra sao ? các mặt văn hóa, kinh tế, giáo dục, quốc phòng, ngoại giao ?

Lề trái cũng nên ngồi yên, đánh tá lả trước khi nghe người ta nói phải trái là không đúng, phải không ?


Publié par Nhan Tuan Truong à 01:25

No comments:

Post a Comment

View My Stats