Thursday, 5 September 2013

NÓI VỀ VẤN ĐỀ ĐA NGUYÊN ĐA ĐẢNG TRONG XÃ HỘI VIỆT NAM NGÀY NAY (Võ Hưng Thanh)




12:01:am 02/09/13

Vấn đề đa nguyên đa đảng hiện nay đang trở nên có ý nghĩa quan trọng nhất, thời sự và cơ bản nhất trong xã hội VN. Tức hiện tại, nước ta có cần đa nguyên đa đảng hay không, chính là vấn đề mà mọi người đang suy nghĩ cũng như muốn thảo luận. Sự suy nghĩ và muốn thảo luận đó nhằm ý nghĩa của một sự giải quyết vấn đề nào đó, nó như một lối thoát cho những bế tắc đang có, hay nó cần phải bị bác bỏ, để duy trì sự ổn định nào đó mà người ta muốn. Đó là cái nhìn tùy theo quan điểm mỗi người, những người trong đảng cs và những người không đảng, hay những người ở ngoài đảng cs hiện nay.

Có nghĩa vấn đề vừa mang tính chất nhận thức vừa mang ý nghĩa thực tiễn. Vấn đề có tính cách cấp tiến, hay vấn đề chỉ thuộc quan điểm bảo thủ. Vấn đề vừa do hoàn cảnh thúc đẩy giải quyết, hay vấn đề vốn chỉ mang tính cách cảm thức nào đó trong lòng, tức chỉ những suy nghĩ thầm kín, riêng tư của mỗi người. Trong bài viết này, tôi muốn phân tích từng khía cạnh, mổ xẻ tính cách khách quan hay tính cách chủ quan của nó, về phương diện nguồn gốc, về triển vọng tương lai, về mặt lý thuyết, lý luận khoa học, cũng như về mặt thực tế, cụ thể trong đời sống. Bởi đây là ý nghĩa cần nói nhất hiện nay nên không thể nào không đề cập tới được.

Đầu tiên phải nói xuất phát của vấn đề này trong quá khứ tại VN là do ý nghĩa của học thuyết mác xít, và cũng do hoàn cảnh đấu tranh chống Pháp giành độc lập cho đất nước trước kia. Học thuyết mác xít thì ai cũng biết rồi, nó được mệnh danh là học thuyết của giai cấp, của tương lai giải phóng nhân loại, của đấu tranh nhằm đi tới một thế giới quốc tế đại đồng hạnh phúc, nó cũng còn là học thuyết chủ trương chuyên chính của giai cấp mà cụ thể là của giai cấp, bởi trên nền tảng của đấu tranh giai cấp do Mác đã đưa ra và Lênin là người đầu tiên đã đưa vào thực hiện trên thế giới.

Trong lịch sử cận đại của VN, ông Hồ Chí Minh là một trong những người cs mác xít đã đầu tiên đưa lý thuyết Mác Lênin vào VN. Nhưng chính ông là người nổi bật hơn hết và thành công hơn hết trong việc lãnh đạo công cuộc kháng chiến chống Pháp đạt thắng lợi đồng thời cũng là người thắng lợi trong công cuộc thiết lập được chế độ cộng sản tại VN. Có nghĩa đảng cs VN chính yếu là do ông Hồ lập ra, và cho đến mãi ngày nay, hình ảnh ông Hồ luôn luôn là hình ảnh duy nhất không thay thế, độc tôn lâu dài, và tất cả mọi người đảng viên cs cũng như mọi người đi theo đảng cs đều gọi ông dưới danh từ là Bác Hồ.

Đúng ra trước kia ngoài đảng cs cũng còn một đảng duy nhất khác là đảng dân chủ vốn từng có sẵn. Nhưng sau khi miền Bắc chiến thắng miền Nam thống nhất đất nước, đảng dân chủ cũng đã bị giải thể và chỉ còn duy nhất có đảng cs mác xít cho tới nay. Rõ ràng hồi còn chiến tranh chống Pháp, sự loại bỏ các đảng khác ngay từ những ngày đầu kháng chiến cũng mang cả hai ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất là nhằm thống nhất lực lượng để tạo sự lãnh đạo duy nhất và sức mạnh duy nhất để chiến thắng. Ý nghĩa thứ hai không ngoài mục đích cuối cùng là thiết lập nhà nước cs để đi lên chủ nghĩa cs, thế nên sự độc đảng cs là điều không thể tránh khỏi và là điều được chủ trương ngay trong cơ bản.

Nói cụ thể và thực tế hơn, ngay khởi đầu phần lớn những người đi theo ông Hồ Chí Minh và đảng cs, tức là đi theo Bác theo đảng, là để nhằm chống Pháp, giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước mà không là gì khác. Chỉ riêng những nhân vật chủ chốt trong đảng, thân cận với ông Hồ nhất mới ngầm ẩn chủ trương giải phóng giai cấp, tức giai cấp công nhân và nông dân theo như quan niệm về mặt lý thuyết, chủ trương mục đích tối hâu là đi lên chủ nghĩa quốc tế vô sản, đi lên xã hội toàn cầu vô sản. Như thế ý nghĩa của sự chiến thắng đối với thực dân Pháp là sự chiến thắng của toàn dân không phân biệt, không phải chỉ của ông Hồ hay của đảng cs, mặc dầu ông Hồ và đảng cs đã trở nên như thành phần cốt lõi lãnh đạo không thể phủ nhận.

Cũng có nghĩa cuộc kháng chiến 9 năm rồi cuộc chiến tranh Việt Mỹ là một hình thức xen lẫn giữa chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa quốc tế. Chủ nghĩa quốc gia là nhằm giải phóng đất nước, độc lập dân tộc, còn chủ nghĩa quốc tế là nhằm thiết lập chế độ cs đi theo con đường cs. Điều đó dường như trong ý thức mỗi người cs đúng nghĩa đều có cả, chẳng phải chỉ cái này hay chỉ cái kia nhưng là cả hai cái. Và đó có thể nói là nền tảng sâu xa nhất cho mọi sự quyết tâm để cố giành chiến thắng tối hậu. Đặc biệt điều này hoàn toàn có trong hàng lãnh đạo đủ chốt nhất khi ấy như ông Hồ, ông Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp v.v… tức những người cốt cán ban đầu, còn những người hưởng ứng khác về sau thì vô số không thể nói hết.

Chỉ có điều, tất cả những người đầu tàu ban đầu kể trên, không phải chính họ độc lập nghiên cứu chủ thuyết Mác Lê rồi mang áp dụng một cách độc lập theo riêng sáng kiến, phương pháp, mục tiêu của mình, nhưng thực chất đều lấy bài bản đã có từ Liên Xô, Trung Quốc là chính yếu nhất, khiến nó gần như là sự nhập khẩu về mặt công thức, lý thuyết, còn phần thực hiện cụ thể mới chính do những người tại chỗ hay trong nước. Có nghĩa nó vừa hội đủ cả mặt lý thuyết, giáo điều vốn đã do Mác đưa ra không thể thay đổi mục đích, cùng với mặt thực hành thực tế từ các kinh nghiệm và phương thức cụ thể mà cách mạng cs Liên Xô, cách mạng cs Trung Quốc đã mang lại.

Nói cách rạch ròi hơn, học thuyết Mác chỉ được áp dụng lần đầu tiên ở Nga do Lênin thực hiện, sau đó mới lan sang các nước khác mà đặc biệt là Trung Quốc. Tức nó hoàn toàn chưa có kinh nghiệm lịch sử trước đó nơi nào khác cả trên toàn cầu. Bởi thế khi nhà nước LX và nhà nước TQ đã thiết lập được, đã thành công và đang đi lên, ý nghĩa của chân lý Mác Lênin quả đang nở rộ, trở thành như giá trị bất tử, trở thành như nền tảng duy nhất cho xã hội, cho nên ý nghĩa độc tôn về mặt lý thuyết là không tránh được, ý nghĩa độc đảng về mặt thực tế là hoàn toàn tự nhiên, cộng với lý thuyết chuyên chính ngay từ đầu do Mác đưa ra và sau này cả Lênin củng cố thêm cả về mặt lý luận cũng như về mặt thực hành, khiến cho ý nghĩa của sự đơn nguyên và sự đơn đảng như một sự quyết tâm, sự quyết chí, và sức mạnh khuynh loát nhất mà không bất kỳ ai hay lực lượng nào trong hoàn cảnh đó có thể làm khác hay đi ngược lại được.

Đấy ý nghĩa và nguồn gốc đầu tiên của tính đơn nguyên và tính độc đảng trong các nước cs vốn là như thế. Và hoàn cảnh riêng biệt, đặc thù của VN thì cũng không khác nhau như thế. Bởi vậy, ý nghĩa hay yêu cầu của vấn đề đa nguyên đa đảng từ trước cho đến nay là không thể đặt ra ở hầu hết các nước cs, trong đó có VN. Và ngay cả bây giờ cũng vậy, khi nào đảng cs còn cầm quyền một cách tuyệt đối hay còn cho sự cầm quyền đó là hoàn toàn tuyệt đối. Do đó trường hợp phát biểu của ông Lê Hiếu Đằng vừa qua muốn thành lập một đảng mới ngoài đảng cs, và đồng thời được ông Hồ Ngọc Nhuận hưởng ứng, hậu thuẫn ngay mà chưa có tiếng nói chính thức nào của đảng cs, quả là hoàn toàn đột xuất, đặc thù, chưa có tiền lệ, dầu bất ngờ hay không bất ngờ cứ chiếu theo những gì ông Đằng đã nói và ông Nhuận đóng góp thêm, bởi ông Đằng vẫn còn là đảng viên cs và ông Nhuận là người từ xưa đến nay vẫn nhiều công sức đóng góp cho đảng.

Thế nhưng chủ đích của bài viết này không nhằm xoáy vào chỗ thực tế đó, nhưng chỉ nhằm phân tích phần nào đó về mặt lý thuyết hay lý luận của vấn đề đa nguyên đa đảng. Ai cũng biết ý nghĩa của đa nguyên đa đảng là hoàn toàn nghịch lý, mâu thuẫn, không dung hợp được với lý thuyết và bản thân của mục tiêu đảng cs. Có nghĩa điều đó chỉ có thể chấp nhận được khi nào đảng cs không còn cho lý thuyết Mác là duy nhất và tuyệt đối đúng nữa, khi nào các hoàn cảnh xã hội thực tế bên ngoài và bên trong của bản thân đảng cũng của đất nước đã xảy ra thực sự. Và điều đó thì với những kinh nghiệm và khách quan vừa qua, rõ ràng nhiều điều trên thế giới đã hoàn toàn thay đổi và cả nhiều điều trong nước cũng thế.

Bây giờ thì từ lâu nay lý thuyết Mác đã có nhiều người phân tích rành rẽ mà không còn chỉ hoàn toàn cao xa, hay có gì bí mật như trước kia nữa. Ý nghĩa của giai cấp, của kinh tế xã hội nói chung thực tế cũng đã có khác. Đặc biệt khối LX đã hoàn toàn không còn nữa, TQ với VN thì có bao nhiêu vấn đề thực tế mâu thuẫn từng xảy ra, đang hiện có, và còn có thể tiếp tục xảy ra. Đã không còn chiến tranh lạnh toàn cầu của hai cực, hai khối đối nghịch như trước kia nữa. Đã có sự hội nhập hiệu qủa của mọi nước vào nền kinh tế thị trường toàn cầu nói chung. Kể cả đã có nghị quyết của Nghị Viện châu Âu phần nào đã quy tội cho học thuyết Mác về các điều gây ra trong thực tế thế giới. Ngay cả nước Nga và các nước XHCN Đông Âu cũ ngày nay cũng đều đa đảng mặc dầu đảng cs vẫn cứ đang hoạt động. Còn các nước tự do tư bản khác của phương Tây hay các nơi khác từ xưa đến nay thì vấn đề đa nguyên đa đảng vẫn đều khách quan, tự nhiên, chẳng có gì đáng nói hết.

Bởi mọi ý nghĩa của lịch sử xã hội và thế giới từ trước đến nay đều hoàn toàn đa dạng. Mọi nguyên nhân và kết quả đều phát sinh cũng như đạt đến một cách hoàn toàn tự nhiên, khách quan, chẳng có ai tiên liệu hay quyết định được một cách tuyệt đối cả. Đó chính là ý nghĩa của đa nguyên, có nghĩa không có gì mang tính cách tất yếu hay tất định ngay từ đầu, mọi cái đều là kết quả phù hợp hoặc ngẫu nhiên của lịch sử mà hoàn toàn không có gì tiên thiên, tiền định, hoặc nhất thiết và tuyệt đối chắc chắn, theo như một quy luật hay một công thức được quan niệm tiền chế ngay từ đầu cả thảy. Không có nguyên tắc tất định (determinism) nào trong lịch sử, bởi như thế là siêu hình, là mê tín, thì mọi chủ trương đơn nguyên đều không thể chấp nhận được, và đó cũng chính là ý nghĩa, cơ sở của nguyên tắc đa nguyên, về mặt lý thuyết cũng như về mặt thực tế.

Cũng có nghĩa bất cứ đảng phái nào đều là những tập hợp các cá nhân con người cụ thể. Chúng có thể được hình thành theo các hoàn cảnh và điều kiện của lịch sử khách quan, nên chúng cũng có thể biến chuyển, không có gì tất yếu, vĩnh cửu hoặc bó buộc nhất thiết cả. Kể cả đảng cs hay mọi đảng phái chính trị khác cũng chỉ như vậy. Sở dĩ có sự quá đề cao, thần thánh hóa đảng nào đó là do sự độc chuyên, là do yếu tố quyền lực áp đảo tạo thành, mọi sự thần thánh hóa chỉ là kết quả của các tuyên truyền thêu dệt và giả tạo thế thôi. Không có một đảng phái hay thực thể nào gọi được là ưu việt, là siêu nhiên trong chính cuộc đời thực tại, cụ thể này.

Vả lẽ về mặt công bằng và khoa học, không ai được quyền tự mình khống chế hay tự ý tuyên bố độc tôn điều gì đó trong đời sống xã hội theo kiểu áp đặt người khác. Bởi mọi sự độc tôn sẽ làm mất các yêu cầu cạnh tranh lành mạnh, không còn chân lý tự nhiên, khách quan nữa, tất cả đều trở nên kệch cỡm, giả tạo, đều trở thành lũng đoạn và chận đứng các yêu cầu phát triển đa diện, lành mạnh, tốt đẹp của toàn xã hội nói chung. Ý nghĩa khách quan, tự nhiên và đúng đắn của tính đa đảng là như thế. Bởi theo phán đoán, nhận thức tự nhiên, khách quan, đúng đắn, không đóng khung, không o ép, không bị che mờ, không bị lệch lạc hay tiên kiến, thì bất kỳ ai cũng đều nhận thức mọi sự đa dạng đều cần thiết, công bằng cũng như mang lại nhiều hiệu quả.

Cho nên bởi hoàn cảnh bó buộc một chiều của toàn xã hội từng ngự trị quá lâu khiến cho lòng người thành tê liệt, chai lì, tiêu cực và vô cảm, do đó khi thấy ông Đằng ông Nhuận gióng lên điều gì quả thật bất ngờ, khác lạ, làm cho nhiều người lúc đầu thì ngờ nghệch, hoài nghi, trong khi nhiều người khác lại phấn khởi, hi vọng, kể cả cũng biết đâu chỉ là ảo tưởng. Bởi thế, không phải chính ông Đằng ông Nhuận ngày nay quyết định được điều gì, đạt được thành công ra sao, có nhiều người sẽ hưởng ứng tham gia vào đảng các ông này thành lập hay không, mà chính là ý nghĩa thích ứng hay sáng suốt tiên liệu của nhà nước hay của đảng đang cầm quyền hiện nay.

Bởi ai cũng biết thành lập một chính đảng không phải là trò chơi, mà phải có trách nhiệm nghiêm túc và mục đích đúng đắn thật sự. Do đó phải có đảng cương, có tiêu chí, có đường lối và có mục tiêu hoạt động cụ thể, có kỷ cương đàng hoàng để mọi người đều biết. Độc đảng trong hoàn cảnh và thời đại mới, như trên đã nói, quả thật chẳng hay ho gì. Nhưng ngược lại, đa đảng một cách tạp nhạp, nhăng nhố thật sự cũng kém giá trị và không đạt kết quả lợi ích chung. Tức có nghĩa phải kinh qua tiến trình lịch sử lâu dài rồi mới đi tới sàng lọc có hiệu quả của toàn xã hội. Ngay như đảng cs ngày nay cũng như thế. Nó đã trải qua cả chặng đường dài 83 năm với biết bao thăng trầm và biến cố. Kể cả ngày nay nó phải đối mặt với nhiều vấn đề khách quan thực tế mà trước kia chưa từng có.

Nên nói chung lại, ngày nay học thuyết Mác không thể cách nào lội ngược được dòng lịch sử khách quan của thế giới được nữa, hệ thống đảng cs toàn thế giới trước kia cũng không còn có mặt, ngày nay mọi nhận thức khoa học của con người đều phát triển, thế giới đã đi tới những khúc quanh mới, nhiều nước trước kia cùng hội cùng thuyền nay đã bỏ xa VN, cho dù họ chẳng hề được lãnh đạo bởi đảng cs, bởi thế ngày nay chỉ thực tế đa nguyên đa đảng đúng đắn, tích cực mới huy động, khuyến khích, tập hợp được mọi sức mạnh chính trị của toàn dân, tránh được mọi chủ quan, độc quyền, lạm dụng hoặc đặc quyền riêng, mới thực hiện được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và đưa đất nước mau chóng đi lên, thoát ra khỏi mọi trì trệ để phát triển có kết quả. Bởi độc đảng thực chất chỉ có một bộ phận nào đó của xã hội là thật sự tham gia chính trị, còn phần lớn đều vòng ngoài tất cả.

Bởi vậy để tiên liệu và đi đầu tất cả những điều đó, nhà nước hiện tại cần sáng suốt, tích cực đưa ra luật pháp hiệu quả về đa nguyên đa đảng một cách khách quan và thiện chí thật sự. Điều đó cũng tạo nên một nền móng ổn định và vững chắc cho xã hội trong thời gian chuyển tiếp ban đầu. Tất nhiên trong ý nghĩa đó, đảng cs cũng bình đẳng với tất cả các đảng phái khác (có thể chỉ hai hay ba, bốn, không cần nhiều) trong ý nghĩa hợp tác chung của toàn xã hội. Mọi sự cạnh tranh lành mạnh và xây dựng đúng đắn là như vậy. Bởi vì mục đích cao cả và tối hậu nhất của cách mạng đúng nghĩa thật sự, đều chỉ là con người nói chung, xã hội nói chung, toàn dân và đất nước nói chung, không phải chỉ nhằm phục vụ riêng cho cá nhân hay tập thể nào, quá khứ cũng thế, hiện tại cũng thế, mà mãi mãi trong mọi tương lai lâu dài cũng đều phải thế. Trong ý nghĩa đó, đảng cs ngày nay cũng sẽ mãi mãi tồn tại, cho dù giả định biết đâu sau này, tùy diễn tiến, nó có đổi thành tên gọi khác, hay là chuyển biến theo chiều hướng chính đáng, cần thiết nào đó khác thì cũng vậy.

© Võ Hưng Thanh
© Đàn Chim Việt



No comments:

Post a Comment

View My Stats