Wednesday, 18 September 2013

NHỮNG CÔNG DÂN CHỐNG THAM NHŨNG Ở VIỆT NAM (Transparency International)





Bản dịch của Lê Anh Hùng   (Defend the Defenders)

Phản ứng tàn nhẫn của tham nhũng: vụ Đoàn Văn Vươn
Đầu năm ngoái, gần thành phố cảng Hải Phòng, người nông dân nuôi trồng thuỷ sản Đoàn Văn Vươn đã tự vũ trang cho mình bằng bom và súng đạn tự chế trong cuộc kháng cự bạo liệt trước những quan chức chính quyền đến cưỡng chế thu hồi đất đai của ông.

Đoàn Văn Vươn nhận được tài sản của mình từ năm 1993 và giống như tất cả những người nắm giữ đất đai ở Việt Nam, ông chỉ có quyền sử dụng đất tạm thời. Lúc đó, ông đã chuyển vùng đất sình lầy này thành một cơ sở ăn nên làm ra bằng cách nuôi tôm và cá.

Cuộc đối đầu với các quan chức chính quyền làm cho 7 sỹ quan công an bị thương song tiếng vang mà vụ việc tạo ra đã khiến Thủ tướng Việt Nam công khai phê bình chính quyền địa phương ở Hải Phòng và tuyên bố vụ cưỡng chế là bất hợp pháp. Ngày hôm sau vụ cưỡng chế, hơn 100 cảnh sát và an ninh xông vào khu đất của ông Vươn, họ đập phá cả nhà ông lẫn nhà em trai ông, hai ngôi nhà thậm chí không nằm trong chỉ giới đất thu hồi.

Kể từ đó, Đoàn Văn Vươn và gia đình ông được phép giữ đất của mình vì một cuộc điều tra cho thấy là các quan chức địa phương đã sai khi ra lệnh cưỡng chế ông, nhưng tháng Tư vừa qua ông vẫn bị kết án 5 năm tù giam với tội danh cố ý giết người như là kết quả của sự xung đột với chính quyền.

Hai năm qua, Việt Nam đã chứng kiến những tấm gương khác thường về hiện tượng những người dân bình thường đứng lên chống tham nhũng. Song những công dân ưu tư này lại phải đối mặt với những thách thức khó khăn và trong một số trường hợp còn thấy mình bị các thiết chế mà họ chỉ trích biến thành mục tiêu vì sự dũng cảm của bản thân.

Vụ Đoàn Văn Vươn (xem phần đóng khung ở trên) là một dẫn chứng, một người kinh doanh nhỏ bị đẩy ra khỏi khu đất của mình vì một vụ tranh chấp: rốt cuộc ông đã dùng sức mạnh vật chất để đối đầu với chính quyền khi những đơn thư khiếu nại bị bác bỏ và mặc dù những yêu sách về đất đai của ông sau đó đã được chấp thuận nhưng ông vẫn bị kết án 5 năm tù vì tội cố ý giết người. Vài tháng trước đó, phóng viên điều tra Hoàng Khương, người đã bí mật điều tra để phơi bày nạn tham nhũng trong lực lượng công an nhưng lại bị kết án 4 năm tù giam vì hối lộ một viên cảnh sát trong một vụ giả dạng để điều tra do chính ông ông thực hiện và ghi âm nhằm phục vụ cho bài viết của mình.

Trong vụ Đoàn Văn Vươn, Toà àn Nhân dân Tp Hải Phòng sau đó đã nhận thấy rằng các văn bản về quản lý đất đai đã dẫn đến những sai lầm trong việc thu hồi đất đai của ông. Những người khác cũng từng chỉ ra rằng các vụ thu hồi đất trong một số trường hợp được những quan chức địa phương nhận “hoa hồng” từ các chủ đất mới thúc đẩy.


DŨNG KHÍ CỦA NIỀM TIN

Bất chấp những vụ trả đũa kiểu như thế, một số người vẫn sẵn sàng lên tiếng chống lại tham nhũng. Nhà giáo về hưu Lê Hiền Đức (80 tuổi, người từng được trao Giải thưởng Liêm chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2007) vẫn tiếp tục nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo tham nhũng liên quan đến đất đai, và hiện nay đã xuất hiện một trang mạng, www.toidihoilo.com, để mọi người gửi gắm và chia sẻ những trải nghiệm về hối lộ. Một nhóm sinh viên cũng đã xây dựng các bộ quy tắc ứng xử cho sinh viên và giáo viên như một phần của dự án School is Beautiful nhằm nâng cao sự liêm chính và minh bạch trong giáo dục.

Một số sáng kiến như thế đã được thừa nhận và hỗ trợ bởi chính phủ và các đối tác phát triển ở Việt Nam thông qua Chương trình Sáng kiến Chống tham nhũng ở Việt Nam (VACI)


ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Báo cáo Tham nhũng Toàn cầu năm 2013 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) nhận thấy rằng quản lý đất đai là lĩnh vực được cảm nhận tham nhũng nhiều thứ hai ở Việt Nam với tỷ lệ hơn một trong năm người tiếp xúc với các dịch vụ đất đai từng hối lộ trong năm ngoái. Không những thế, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai dường như còn đang diễn ra ngày càng xấu hơn tại các đô thị ở Việt Nam, với 34% công dân thành thị từng một lần hối lộ năm 2013, so với mức 25% trong một cuộc khảo sát tương tự của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2010.

Tình trạng tham nhũng trong lực lượng công an và tư pháp cũng đang ngày càng tăng. Tỷ lệ công dân đô thị ở Việt Nam trong số những người tiếp xúc với hai lĩnh vực này từng một lần hối lộ công an đã tăng lên 64% (từ mức 49% năm 2010) và tư pháp là 22% từ mức 16% năm 2010).


HIỆU ỨNG CỦA BIỆN PHÁP TỰ KIỂM SOÁT
Tham nhũng là lỗi hệ thống trong những thiết chế chủ chốt với nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, và điều này cho thấy tình cảnh khó khăn mà những người như ông Vươn phải đối mặt. Câu chuyện được quảng bá tốt của ông cũng như các vụ việc tương tự đã châm ngòi cho những cuộc phản đối của công chúng, qua đó người ta nhận thấy người dân ngày càng tức giận trước tình trạng quản lý yếu kém cũng như sự thiếu minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động của các quan chức chính quyền. Nhưng các công dân Việt Nam nói chung bắt đầu ngày càng bi quan về vai trò mà người dân có thể thực hiện trong công cuộc chống tham nhũng.

Năm 2013, 53% dân cư đô thị ở Việt Nam không đồng ý rằng người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong công cuộc chống tham nhũng, so với mức chỉ 33% năm 2010. 79% người dân cho biết họ sẽ không báo cáo về tham nhũng vì “điều đó sẽ không tạo ra sự khác biệt” hoặc vì “họ sợ hậu quả”. Trong tất cả các nước được khảo sát ở Đông Nam Á thì công dân Việt Nam là những người ít sẵn sàng báo cáo tham nhũng nhất, đồng thời cũng là những người ít từ chối đưa hối lộ nhất.

Những ví dụ tích cực về sự đối đầu thành công với nạn tham nhũng mang tính hệ thống có thể thay đổi thực trạng trên. Và giữa lúc mức độ tham nhũng ở Việt Nam được cảm nhận là ngày càng tăng lên còn niềm tin của công chúng vào nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền lại ngày càng đi xuống thì việc nêu bật thành công và kêu gọi nhà chức trách hỗ trợ chứ không tấn công những người đang tìm cách phơi bày tiêu cực vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng.



5 comments:

  1. có một sự thật không thể phủ nhận là vấn đê tham nhũng ở việt nam ngày càng phức tạp, dù không muốn thì chúng ta cũng phải thừa nhận điều đó, nó chẳng tích cực gì, chính vi vậy, toàn thể nhân dân việt nam cần phải tích cực hỗ trợ những cơ quan có chức năng để có thể tiến hành thành công công tác đấu tranh vơi tham nhũng

    ReplyDelete
  2. chống tham nhũng luôn luôn là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, không phải bây giờ mà lúc nào cũng phải xác định nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với nhân dân việt nam , chính vì vậy đảng và nhà nước ta luôn luôn quan tâm tới việc đấu tranh chống tham nhũng , thực tế thì công tác chống tham nhũng đang được thực hiện rất tiến bộ

    ReplyDelete
  3. nhân dân việt nam đã và đang tích cực trong công tác đấu tranh với tham nhũng ,bởi vì họ nhận thứ được rằng tham nhũng chính là nguyên nhân trực tiếp khiến đất nước suy yếu , khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng, và thực tế đã chứng minh vai trò của người dân trong đấu tranh chống tham nhũng là vô cùng quan trọng

    ReplyDelete
  4. nhiệm vụ chống tham nhũng ở việt nam la nhiệm vụ của toàn đảng, toàn dân, toàn quân việt nam, mà không chỉ là nhiệm vụ chống tham nhũng, tất cả những công viêc của đát nước thì nhân dân luôn luôn có một vai trò hết sức quan trọng, bởi nhân dân việt nam chính là những người chủ thực sự của đất nước mình

    ReplyDelete
  5. ai nói vai trò của nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng là không quan trọng vậy , đúng la chẳng có hiểu biết gì ,chắc là không sống ở việt nam mà toàn nghe những thông tin ở đâu đâu nên mới nói vậy, thực sự ấy, thì vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh với tham nhũng là vô cùng quan trọng, đảng và nhà nước ta cũng luôn xác định được điều đó rồi

    ReplyDelete

View My Stats