Fri, 09/06/2013 - 23:24 — ledienduc
Tổng thống Mỹ George W. Bush tiếp Nguyễn Tấn Dũng tại Nhà
trắng năm 2008 - Ảnh: OnTheNet
Như vậy là kể từ chuyến thăm Mỹ chính thức cuối tháng 6/2008, và chuyến đi
làm việc tháng 4/2010, ông Nguyễn Tấn Dũng lại qua Mỹ.
Theo nguồn tin của BBC, ông Dũng sẽ tới New York để
dự kỳ họp lần thứ 68 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng
9, cụ thể là từ 26/9 đến 28/9.
Lịch trình làm việc của ông thủ tướng hiện vẫn
còn đang được thảo luận và lên kế hoạch, đặc biệt là các cuộc gặp mặt
song phương Việt-Mỹ.
Rất có thể ngày 28/9 ông Dũng sẽ có mặt ở thủ đô
Washington DC và có cuộc tiếp xúc với các giới hữu trách Mỹ.
Được biết, quan
tâm của ông Dũng trong chuyến đi này là giành được chân thành viên của Hội
Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014- 2016 và thoả thuận với Hoa Kỳ
về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái
Bình Dương (TPP).
Mặc dù là chuyến đi làm việc, không phải thăm chính thức,
nhưng tầm mức của chuyến đi này có thể còn quan trọng và thực tế hơn sứ mệnh
trong chuyến công du của chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi cuối tháng 6/2013.
Trước hết ông Dũng là người đứng đầu chính phủ, người sẽ thực thi các hiệu quả
của các thương thuyết. Nhưng trên hết, ông Dũng là người nắm thực quyền, nếu
không nói là thực quyền nhất, trong bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
(ĐCSVN) hiện nay.
Tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
(United Nations Human Rights Council - UNHRC) là một tổ chức trực thuộc Đại Hội
đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Tổ chức này được ra đời ngày 15/03/2006 sau khi Đại Hội
đồng LHQ thông qua nghị quyết nghị quyết A/RES/60/251 thành lập một tổ chức
nhân quyền mới, thay thế Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, cơ quan đã từng soạn
thảo ra bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế lịch sử năm 1948, chấm dứt hoạt động
năm 2006.
Nghị quyết được sự ủng hộ của hầu hết các thành viên LHQ,
trừ Mỹ, Israel, Palau và quần đảo Marshall bỏ phiếu chống, Belarus, Iran và
Venezuela bỏ phiếu trắng.
Ngày 19/06, UNHRC đã họp phiên đầu tiên tại Genève (Thụy
Sĩ) với sự tham gia của trên 100 quốc gia. Ông Luis Alfonso de Alba (người
Mexico) được bầu là Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền. 47 thành viên đầu tiên của
Hội đồng Nhân quyền được bầu chọn vào ngày 9/05/2006.
Nhiệm kỳ của các thành viên là 3 năm, nhưng để đảm bảo sự
hoạt động liên tục, từng phần số ghế thành viên sẽ được bầu lại, phân bổ theo
các châu lục. Các quốc gia thành viên LHQ có thể ứng cử vào một trong các ghế
dành cho châu lục của mình.
Trong cuộc họp cấp cao UNHRC 29/2/2012, ông Lê Lương
Minh, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, tuyên bố Việt
Nam là "ứng cử viên của ASEAN vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ
2014-2016".
Muốn trúng cử, mỗi ứng viên phải đạt được số phiếu tuyệt
đối trên tổng số 192 thành viên LHQ, nghĩa là phải có từ 97 phiếu thuận. Trong
quá khứ, các châu lục thường dùng thủ thuật để bảo đảm cho ghế cho mình là đưa
ra số ứng viên khít với số bầu. Thí dụ Á Châu đưa ra 5 ứng cử viên cho 5 ghế
khuyết lần này. Đại hội đồng LHQ rất khó xử, nếu bỏ phiếu thuận thì mang tiếng
là bỏ cho có, nếu bỏ phiếu chống, thì sẽ phải bầu đi bầu lại hoặc chất vấn lại
các ứng viên.
Tuy nhiên, gần đây các thành viên của Đại Hội đồng LHQ đã
thực tế hơn. Nếu thấy một ứng cử viên quá bất xứng thì họ nhất định không bầu
cho và bắt khối khu vực liên hệ phải đưa ra ứng cử viên mới. Ví dụ, Tây Âu
và các Quốc gia khác đưa ra 5 ứng viên Đức, Hy Lạp, Irland, Thụy Điển, Hoa Kỳ
cho 3 ghế bầu. Thế nhưng đến nay chỉ có khối này làm như vậy còn các châu lục
khác vẫn bám vào cách thức cũ.
Nghị quyết thành lập UNHRC ngày 15/3/2006 có nêu rõ các
thành viên trong Hội đồng Nhân quyền phải đạt tiêu chuẩn cao nhất trong việc
thúc đẩy và bảo vệ các quyền căn bản của con người.
Trong khi đó, Việt Nam là nước vi phạm nghiêm trọng nhân
quyền. Bắt giữ các bloggers có ý kiên ôn hoà, kiểm duyệt thông tin, xuất bản
chặt chẽ; ban hành các nghị định không đúng với các cam kết quôc tế và vi hiến
về tụ tập đông người, kiểm soát mạng xã hội, đàn áp giáo dân, v.v... là những ví
dụ rõ ràng nhất.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ
trách khu vực Châu Á trong tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, nói:
“Họ bỏ tù trên chục năm đối với những người thực thi
quyền bày tỏ quan điểm cá nhân như Điếu Cày hay Tạ Phong Tần. Thật quá tàn
nhẫn. Điều này hoàn toàn trái ngược với cam kết của Hà Nội về tôn trọng nhân
quyền và cách hành xử như vậy hoàn toàn không xứng đáng để Việt Nam ngồi vào
chiếc ghế của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc”.
Việt Nam tuyên bố Hội đồng Nhân quyền phải dựa trên các
nguyên tắc "minh bạch, khách quan, không thiên vị, không chính trị hóa,
không chọn lọc, không áp dụng tiêu chuẩn kép trong việc giải quyết các vấn đề
về quyền con người". Nhung họ quên rằng, không phân biệt màu da, lãnh thổ,
quyền cơ bản của con nguời là phổ quát, không có đơn hay kép và nó liên quan
mật thiết đến hệ thống chính trị.
Đợt vận động nhân quyền "Triệu Con Tim, Một Tiếng
Nói" của đài truyền hình SBTN, các đợt vận động khác của Ủy ban Bảo vệ
Quyền Làm Người Việt Nam, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền và Hành động Chung Cho
Nhân quyền, Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS.., hay Mạng Bloggers Việt Nam với
Tuyên bố 258, khẳng định Việt Nam "chà đạp nhân quyền trầm trọng, không đủ
tư cách của một thành viên hiểu và tôn trọng đầy đủ các quyền con người để phân
xử sự vi phạm nhân quyền của các nước khác".
Nguyễn Tấn Dũng sẽ khó ăn nói, bao biện khi mà các cáo
buộc của các tổ chức đã được chuyển đến Hội đông Nhân quyền LHQ và các cơ quan
hữu quan với những chứng cứ rõ ràng. Chắc chắn ông ta sẽ lặp lại những ý kiến của đoàn Việt Nam trước đó:
“Giống như nhiều quốc gia khác, luật pháp tại Việt Nam
được bảo vệ và hành xử mà chẳng có biệt lệ nào. Nhân quyền và các tự do cơ
bản được luật pháp bảo đảm, nhưng mọi sự lạm quyền hay tìm cách phá bỏ hoặc vi
phạm luật pháp, đặc biệt nhằm gây rối xã hội, kích động phân biệt chủng tộc,
tôn giáo, căm thù và bạo động, đều bị ngăn ngừa và trừng phạt”.
Tuy gặp khó khăn hơn, nhưng với cách phân bổ khu vực và
bầu bán như đã trình bày, rất có thể Việt Nam vẫn sẽ giành được phiếu, vì là
đại diện duy nhất cho khối Asean. Trong quá khứ, một số nước có hồ sơ nhân
quyền kém như Cuba, Ai Cập dưới thời Mubarak hay Libya của Gaddafi đều đã có
lúc là thành viên Hội đồng.
Tham gia TPP
Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nếu không nói là
quan trọng nhất của Việt Nam, bởi vì cán cân thương mại hai chiều so với Trung
Quốc tuy kém hơn, nhưng xuất khẩu qua Mỹ có thặng dư lớn, trong khi với Trung
Cộng bị nhập siêu khoảng 20 tỷ USD. Trong năm 2012 tổng kim ngạch mậu dịch hai
chiều lên tới 24,4 tỷ đô la. Việt Nam xuất khẩu 19,6 tỷ USD sang Mỹ và nhập lại
chưa đầy 5 tỷ USD hàng hóa. Trao đổi thương mại song phương có khuynh hướng
tăng lên trong quý đầu năm 2013.
Dự tính nếu Việt Nam tham gia TPP, một khu vực thị trường
thương mại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập
khẩu của Việt Nam, có thể tạo cú hích mạnh, giúp GDP tăng thêm 26,2 tỉ USD.
Theo nghiên cứu của Giáo sư Mỹ Peter Petri (Ðại học
Brandeis) với tư cách là cố vấn cao cấp của Dự án Hỗ trợ Thi hành Pháp luật về
Hội nhập Kinh tế (Usaid/Star Project), thì khi TPP đi vào hiện thực, Việt Nam
được cho là nước hưởng lợi lớn nhất từ TPP, sẽ tăng thu GDP thêm khoảng 26,2 tỷ
USD nếu chưa tính Nhật Bản.
Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP,
các sản phẩm xuất khẩu trong các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP
thì mới được hưởng ưu đãi. Ðây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập nguyên
liệu từ các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc (36%), Hàn Quốc (18%), Ðài Loan
(15%) để gia công hàng xuất khẩu. Nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu,
qua Mỹ (hiện tại 4%), Nhật bản (hiện tại 5%), hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ
không được hưởng ưu đãi thuế 0%. Tuy nhiên Mỹ đã du di cho Việt Nam thời gian 3
năm để thực hiện.
Thế nhưng, Việt Nam còn những vấn đề hóc buá khác. Với
bài "Vietnam's Need for the TPP",
ngày 2/09/2013 trên Asiasentinel, tác giả David Brown liệt kê một số rào
cản chủ yếu gồm: Sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài; Áp đặt
mạnh mẽ quyền sở hữu trí tuệ; Quyền tự chủ cho các nghiệp đoàn; Bảo vệ môi
trường; Tôn trọng nhân quyền.
Trong những vấn đề trên, "Sân chơi bình đẳng cho
các nhà đầu tư nước ngoài", "Quyền tự chủ cho các nghiệp đoàn"
và "Tôn trọng nhân quyền" là những bài toán khó nhất cho
chế độ CSVN.
Vấn đề bình đẳng sân chơi bị vướng các doanh nghiệp nhà
nước gồm những tập đoàn, tổng công ty được đặc quyền, đặc lợi, được ưu đãi về
vốn, nhưng đồng thời cũng là nhũng hang ổ khổng lồ của tham nhũng và rút ruột
công trình trong các dự án lớn.
Quyền tự chủ cho các nghiệp đoàn đặt ra cho hệ thống một
điều khó có thể chấp nhận. Đó là công nhân được thành lập công đoàn độc lập để
tranh đấu bảo vệ quyền lợi trước giới chủ. Điều này đe doạ quyền lực của ĐCSVN.
Cho đến này, Liên đoàn Lao động là công cụ của Đảng và là tổ chức công đoàn duy
nhất. Quyền đình công và thương lượng của công nhân bị giới hạn. TPP đòi hỏi
các thành viên phải đáp ứng các chuẩn mực của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Vấn đề nhân quyền, như đã trình bày ở phần trên, Việt Nam
thuộc diện đội sổ. Nhiều dân biểu quốc hội Hoa Kỳ có cái nhìn tiêu cực về cách
thức Hà Nội đối xử với những người bất đồng chính kiến và có thể nêu những hạn
chế về tự do ngôn luận như một lý do để phản đối việc phê chuẩn TPP.
Vòng đàm phán 19 tại Brunei kết thúc hôm 30/8 cho thấy
vòng chót vào tháng 10 tới sẽ khó đi đến thoả thuận chung.
Như vậy, Nguyễn Tấn Dũng sẽ phải đương đầu với những
thách thức về mặt cải tổ chính trị, nhân quyền và "còn cả sự hoài
nghi rằng TPP sẽ không đáp ứng được những kỳ vọng mà người ta đã quảng
bá". Được nhiều, nhưng buộc phải thay đổi, như thế sẽ mất những đi đặc
quyền mà hệ thống chính trị đang tạo ra.
Nhưng dường như Hà Nội đã quyết tâm hướng về phía trước,
nỗ lực để tham dự TPP. Các rào cản khác có thể sẽ được Nguyễn Tấn Dũng năn nỉ
xin trì hoãn thời gian thực hiện. Tình hình xem ra rất có khả năng như thế. Nếu
như vậy, thì chỉ có thể là chiến thuật câu giờ, lừa gạt.
Người Việt hải ngoại
Trong ngày 26/06/2008, khoảng một ngàn người Việt hải
ngoại đã tập trung trước khách sạn The Westin Oaks trong khu thương mại
Galleria tại Washingtonn DC, nơi Nguyễn Tấn Dũng và phái đoàn đến để ký kết
thương mại với các công ty Mỹ, phản đối chuyến thăm, đòi Nguyễn Tấn Dũng thực
thi dân chủ, trả tự do cho những nhà bất đồng chính kiến và cải thiện nhân
quyền.
Lần này, được biết đông đảo người Việt, cũng sẽ có chương
trình "đón tiếp" Nguyễn Tấn Dũng tại New York hoặc Washington DC. Tất
cả báo hiệu một chuyến đi Mỹ chẳng lấy gì vui vẻ.
© Lê Diễn Đức
No comments:
Post a Comment