Tác giả:
Hòa Trần (tổng hợp) - Tuần
Việt Nam
Bài đã được xuất bản.: 04/09/2013 06:00 GMT+7
"Nếu
không có lương, lậu khủng khiếp thì ai dại gì đem tiền đi chạy chức, chạy
quyền. Thực tế chứng minh có chức, có quyền tất có bổng lộc, lương lậu".
Tuần qua, câu chuyện về lương khủng của các lãnh đạo một số công ty công ích tại TP.HCM đã khiến dư luận "nổi sóng". Cũng từ đó, có người đặt ra, lương trong các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước hay các công ty công ích như vậy vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm: "lậu" còn khủng hơn lương nhiều.
Tuần Việt Nam đã nhận được hàng trăm ý kiến độc giả gửi đến thảo luận xung quanh những vấn đề trên. Không ít ý kiến bức xúc, trăn trở, và cũng nhiều ý kiến "truy" trách nhiệm của các cơ quan quản lý liên quan, cũng như "hiến kế".
Lên quan đương nhiên hưởng "lộc"
"Tôi công tác trong ngành công an được 35 năm, cấp bậc trung tá. Lương của tôi cộng dồn 35 năm không bằng lương 1 năm của mấy ông sếp Cty công ích. Họ có công cán gì mà lương cao vậy? Thật bất công!" - độc giả tại Email Nhannghia...@gmail.com cảm thán.
"Lương khủng cho thấy sự móc ngoặc giữa cơ quan phê duyệt cấp Ngân sách với các DN này, vì hàng năm đều có thanh tra, kiểm tra cơ mà", độc giả Nguyễn Đức Thịnh đặt vấn đề.
Bạn đọc Kim Liên chỉ ra sự bất cập trong hệ thống lương: "Nhà nước để cho doanh nghiệp tự xây dựng bảng lương chi trả cho người lao động nhưng không có quy định rõ độ chênh lệch giữa người cao nhất và người thấp nhất là bao nhiêu lần. Trong bảng lương hành chính sự nghiệp nhà nước quy định độ chênh lệch giữa mức cao nhất và thấp nhất là 13 lần".
Hệ quả, theo độc giả này là: "Từ quy định không rõ đó, lãnh đạo các doanh nghiệp tận dụng kẽ hở của pháp luật, tự đặt ra cho mình mức lương khủng với độ chênh lệch gấp mấy chục lần so với mức lương của người lao động".
Không chỉ vấn đề lương, câu chuyện lậu còn "khủng" hơn lương cũng gây bức xúc không kém. Nhiều độc giả chỉ ra, chuyện này hầu hết mọi người đều biết, đều ngầm hiểu nhưng chẳng thay đổi được gì.
Độc giả tại Email Truongquoctoan@... cho rằng: "Ở VN có hẳn lực lượng cảnh sát chống rửa tiền, nhưng chẳng ai chịu thừa nhận tất cả những biệt thự, xe sang, các chuyến du lịch, du học của các quan chức và người nhà quan chức hầu hết đều có nguồn gốc từ tiền không rõ nguồn gốc. Điều nguy hiểm nhất và sẽ còn lây nhiễm qua nhiều thế hệ là người ta mặc nhiên gọi những khoản tiền đó là "Lộc". Đã lên quan thì đương nhiên có Lộc".
"Ở chỗ tôi, một ông trưởng phòng mà có xe ô tô con Camry 3.5, nhà to. Vợ con chẳng làm gì mà lương chỉ được 10tr/ tháng thì tiền đâu ra. Còn mấy ông sếp khác cũng toàn ô tô con, nhà lầu. Ai cũng biết nhưng chẳng làm gì được" - độc giả Đỗ Đức Huy kể ra một câu chuyện "mắt thấy tai nghe".
"Cái lương gọi là "khủng" mà đã như vậy thì "lậu" phải gấp hàng chục đến hàng trăm lần do quà, phong bì. Chính cái cơ chế "kín như bưng", " hũ nút " đã tạo điều kiện quá thuận lợi cho tham nhũng hoành hành" - độc giả Vũ Xuân Quang suy đoán.
"Lương có khủng cũng không bằng lậu, tiền lậu như ông Nguyễn Bá Thanh nói không phải bằng phong bì mà cả vali!" - độc giả Quốc Bảo hình dung mức độ hoành hành của nạn "lậu" khủng.
Chung quan điểm trên, bạn đọc Quốc Hiếu cảm thán: "Lương của sếp thì không đủ để uống cafe nhưng lậu để mua xe và xây nhà".
"Hoà Thân ở nước Tàu mặc dù doanh thu từ việc kinh doanh đã rất lớn, nhưng người ta đồ rằng tiền nhận được do hối lộ còn lớn hơn nhiều! Tôi cho rằng những vị quan chức có mức lương "khủng" thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm thôi. Tiền lương ấy ăn thua gì so với lậu" - bạn đọc Phạm Khoát.
Độc giả tại Email Ha...@yahoo.com chỉ ra logic: "Nếu không có lương, lậu khủng khiếp thì ai dại gì đem tiền đi chạy chức, chạy quyền. Chẳng ai dại gì đi ôm cái khó vào thân, chẳng có nhiều bổng lộc thì không ai tìm cách nhảy vào. Thực tế chứng minh có chức, có quyền tất có bổng lộc, lương lậu".
Chung quan điểm trên, bạn đọc Đỗ Văn Mác nhìn nhận: "Nếu không có các khoản lậu khổng lồ thì chẳng ai thèm chạy chọt tốn kém để được vào các cơ quan nhà nước làm gì. Nhưng cũng chẳng làm gì được họ cả đâu, mà có bắt họ thì xử cho có thôi".
"Nếu cứ kiểm soát thu nhập thì ai còn dám làm sếp nữa. Có lẽ 99% lãnh đạo tự ý xin từ chức thôi" - bạn đọc tại Email Huysy78@... "hài hước".
"Khi "lậu" lớn hơn lương thì thật sự chỉ làm rối trật tự xã hội, gia tăng bất công vì "lậu" suy cho cùng chỉ là ăn vào tài nguyên, tiền thuế, và sức lao động của người dân" - độc giả Bình Minh khái quát hậu quả của "lậu" khủng.
Sao chưa ai xin từ chức?
Trước thực trạng lương, lậu khủng một cách bất thường và thiếu minh bạch, nhiều độc giả đưa ra đề xuất xử lý. Câu chuyện lớn nhất là vấn đề sự nghiêm minh của pháp luật, các chế tài, của những người đứng đầu...
"Hãy kiểm tra, thanh tra, kiểm toán ngay và tất cả các công ty, doanh nghiệp Nhà nước để khắc phục tình trạng lương khủng tùy tiện. Phải xử lý thật nghiêm, truy thu lại số tiền hưởng bất hợp pháp, kể cả biện pháp bằng hình sự, mới mong đem lại quyền lợi thực sự cho người lao động" - độc giả Phạm Thanh Tùng quyết liệt nêu vấn đề.
Tôi thiết nghĩ nhà nước nên cấp tốc tổng kiểm tra cả nước tất cả các doanh nghiệp nhà nước về tình trạng trả lương khủng cho các cán bộ và xử lý thích đáng theo pháp luật, đúng người đúng tội - độc giả tại Email Truonghanthienthu2@g... cảnh báo.
Theo độc giả tại Email Vinhnd...@gmail.com, "Việc có thể làm ngay là chi cục thuế có thể kiểm tra tổng tài sản của các cán bộ có chức có quyền nhằm truy thu thuế thu nhập cá nhân (như thế sẽ lộ ra tham nhũng kể cả người đã hạ cánh an toàn).
"Chẳng cần hỏi ai, cứ lập trang WEB về vấn đề lương lậu này và để những người phải cống nạp nói thì sẽ biết ngay thôi", bạn đọc tại Emai Kcxdv...@gmail.com đưa ra một giải pháp minh bạch thông qua công nghệ.
Còn độc giả Phạm Văn Biển lại góp ý cần sửa đổi từ hệ thống lương: "Nhà nước nên có hệ thống lương thống nhất, tránh tùy tiện mạnh cơ quan nào cơ quan đó làm. Mình tự ký vào quyết định lương mình cao, sao không thích cho được, tôi nâng lương trong nhóm tôi cao sao không thích được!
Không ít độc giả "truy" vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước khi để xảy ra tình trạng lương, lậu khủng như vậy.
"Cần xem xét cả trách nhiệm cơ quan nhà nước tại sao lại để vi phạm và bất công diễn ra lâu như vậy. Cần sự kiên quyết và nghiêm minh từ phía các cơ quan nhà nước trong việc xử lý những vi phạm này để người dân thấy được niềm tin" - bạn đọc tại Email Doanquynhan...@yahoo.com thẳng thắn.
Bạn độc Bùi Đán chất vấn: "Ngày càng nhiều những vụ động trời của doanh nghiệp nhà nước bị phanh phui khiến dư đặt câu hỏi vai trò quản lý nhà nước, vai trò công đoàn thanh tra đang ở đâu? Không lẽ tồn tại để lĩnh lương hay đã bị vô hiệu hóa đến khi sự việc phanh phui đều "đồng ca" thiếu kiểm tra giám sát".
Vai trò cá nhân của lãnh đạo thành phố HCM, vai trò giám sát của Quốc hội cũng được các độc giả đặt ra "mổ xẻ".
"Chuyện lương khủng, lãnh đạo thành phố HCM mà trước tiên là chủ tịch thành phố là người phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Các vị chính là người đặt bút ký quyết định thành lập và hoạt động, bổ nhiệm chủ tịch HĐQT, giám đốc... của các công ty nhà nước đó" - bạn đọc Sơn Lam chỉ rõ.
Bạn đọc tại Email Hatrunguk@... đặt vấn đề: "Những việc như thế này, nhiều năm qua cứ nói đi nói lại. Cần xem lại việc chống tham nhũng ở cấp lãnh đạo cao nhất ý chí thế nào? Quốc Hội chưa thể hiện rõ vai trò giám sát. Cơ quan chống tham nhũng thì tìm ra được vài vụ như muối bỏ biển".
"Đề nghị Ban Nội chính TW vào việc ngay. Đây là liều thuốc thử tài ông Bá Thanh. Nhân dân đang chờ ông" - độc giả tại Email Hthu...@gmail.com đề nghị đích danh.
"Ai để xảy ra chuyện lương khủng? Không nói ra thì ai cũng biết, chỉ thắc mắc là tại sao không thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm và xin từ chức?" - độc giả tại Email Hakhanh04@... bức xúc đặt thẳng vấn đề.
No comments:
Post a Comment