HT, VRNs
Đăng bởi lúc 6:52 Sáng 4/09/13
VRNs (04.09.2013) - Sài
Gòn – Vào lúc 8 giờ 30, ngày 03.09.2013, cha Antôn Lê Ngọc Thanh, CSsR khai
giảng “Khóa huấn luyện Truyền thông cho các Tôn giáo”, tại Dòng Chúa Cứu Thế,
38 Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn.
Cha Thanh cho biết, có 10 vị
thuộc các Tôn giáo ghi danh tham gia khóa huấn luyện này. Cụ thể 7 vị
thuộc Phật Giáo Hòa Hảo thuần túy (PGHH), 2 vị chức sắc Tin Lành và 1
phật tử thuộc GH Phật Giáo VN Thống nhất. Nhưng hôm nay, chỉ có 3 vị
thuộc PGHH tham gia khóa huấn luyện, các vị còn lại bị công an ngăn cản và đe
dọa ngay từ nhà.
Anh Nguyễn Ngọc Tân, Chánh Thư
ký PGHH thuần túy cho biết, tất các vị thuộc PGHH ghi danh tham gia khóa huấn
luyện bị công an mời lên làm việc với nội dung “Tham dự khóa huấn luyện kỹ năng
truyền thông ở TP.HCM”, vào thứ sáu ngày 31.08.2013 vừa qua, trước 04 ngày khi
khóa huấn luyện truyền thông diễn ra.
Theo nội dung và thời gian của
thư mời thì hôm nay, tức ngày 03.09.2013, anh Tân sẽ phải lên làm việc với công
an thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Nhưng anh Tân kiên quyết không lên làm
việc với công an, thay vào đó anh Tân đã tham gia khóa huấn luyện truyền thông
tại DCCT, Sài Gòn.
Anh Tân nói: “Học tập là quyền
con người và của mọi người, vậy tại sao nhà cầm quyền lại xen vào và ngăn cản
sự học tập của tôi. Nhà cầm quyền luôn chia rẽ Giáo hội PGHH và DCCT”.
Công dân có quyền và nghĩa vụ
theo học các lớp đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tác… được quy định ở Điều
59 Hiến pháp 1992: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân… Công dân có
quyền học văn hoá và học nghề bằng nhiều hình thức…”. Điều 60 Hiến pháp 1992
quy định, “Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng
chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn
học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền
tác giả, quyền sở hữu công nghiệp”.
Mục đích của khóa huấn luyện
truyền thông nhằm truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm làm truyền thông cho
những người muốn học. Và khóa huấn luyện truyền thông không nằm trong hệ thống
giáo dục quốc dân: nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc
dân… (Điều 1, Luật Giáo Dục), tức không chịu điều chỉnh bởi Luật Giáo dục về
“quản lý nhà nước, điều kiện thành lập, xin phép…”. Luật Giáo dục chỉ điều
chỉnh “về hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống
giáo dục quốc dân…”. Mà hệ thống giáo dục quốc dân được định nghĩa tại khoản 2
Điều 4: “Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao
gồm: Giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo; Giáo dục phổ thông có tiểu học,
trung học cơ sở, trung học phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp có trung cấp chuyên
nghiệp và dạy nghề; Giáo dục đại học và sau đại học (sau đây gọi chung là giáo
dục đại học) đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ,
trình độ tiến sĩ.”
Về vai trò của các vị chức sắc,
nhà tu hành… cơ sở tôn giáo “có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo trong phạm vi
phụ trách, được giảng đạo, truyền đạo tại các cơ sở tôn giáo” được quy định tại
khoản 2, Điều 11 Pháp lệnh Tín Ngưỡng Tôn Giáo (TNTG). Truyền thông xã hội là
nội dung Giáo lý Công giáo cần được giảng dạy (số 2488 tt và số 2525 – Sách
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo). Ngoài ra, Sắc lệnh về các phương tiện truyền
thông xã hội và tuyên ngôn về giáo dục Kitô Giáo được nhắc đến một cách
long trọng trong Công đồng Vatican II, vì đây là một trong những phương tiện
đắc lực nhất để rao giảng Phúc Âm và đối thoại với thế giới.
Đối với các Tín hữu Kitô Giáo,
hoặc những người khác có quyền “tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ
hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo, được quy
định tại khoản 1, Điều 9 Pháp lệnh TNTG. Còn với các vị thuộc các tôn giáo khác
có quyền tự do tìm hiểu giáo lý của một tôn giáo khác, nhưng họ có quyền quyết
định theo hay không theo giáo lý tôn giáo đang tìm hiểu, được quy định tại Điều
1 Pháp lệnh TNTG: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc
không theo một tôn giáo nào”.
Giấy mời : http://www.chuacuuthe.com/images2013/013.jpg
Ông Nguyễn Văn Thơ, Hội trưởng
PGHH thuần túy Đồng Tháp cho hay: “Tôi cho hai cháu của tôi tham gia khóa huấn
luyện truyền thông ở DCCT và công an đã mời hai đứa lên làm việc vào ngày 31.08
vừa qua. Công an nói với cháu tôi là, nếu PGHH có tổ chức khóa huấn luyện thì
nên đi, còn DCCT tổ chức thì không nên đi vì DCCT chống cộng, chống đảng… Nếu
hai cháu tôi đi học thì công an sẽ mời lên làm việc liên tục. Đây là cách nhà
cầm quyền chia rẽ các tôn giáo và nói xấu tôn giáo này với tôn giáo kia. Do đó,
các tôn giáo chúng ta phải hỗ trợ, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau”.
Ông Thơ cho biết thêm: “Hôm qua
(thứ hai 02.09.2013) và hôm nay có 10 công an đứng trước cửa gia đình tôi, để
cản trở không cho hai cháu tôi đi tham dự khóa huấn luyện. Ngày mai,
04.09.2013, công an huyện mời tôi lên làm việc”.
HT, VRNs
No comments:
Post a Comment