Saturday, 14 September 2013

GỬI NHỮNG NGƯỜI ĐANG SẮP TỰ SÁT Ở VIỆT NAM (Lê Nguyên Hồng)




Thứ bảy, ngày 14 tháng chín năm 2013

Đây là những lời thật gửi cho những con người có thật đang nung nấu ý định tự sát ở Việt nam bằng tự thiêu, bằng súng đạn và bằng vô vàn cách khác. Thông thường, khi bị dồn vào đường cùng, con người ta mới phải tìm đến cái chết để đòi sự công bằng, giải tỏa nỗi oan ức, đó là điều phải đến khi người ta bị bế tắc hoàn toàn…

Sự việc anh Đặng Ngọc Viết nổ súng tiêu diệt những tên cán bộ đảng viên Đảng Cộng Sản mà anh căm thù ở Thái Bình và đã tự sát ngay sau đó trong ngày 11/09/2013, chính thức gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn tự sát của người dân thấp cổ bé miệng, họ không còn gì để mất, sẵn sàng tự thiêu để kêu oan, đổi mạng bằng cách trực tiếp nổ súng vào kẻ cầm quyền để tự đòi công lý cho mình.

Trước hết, người viết bài này xin có một lời khuyên: Bạn không nên tự sát vì không có bất cứ thứ gì quý hơn cuộc sống của chính bạn. Nhưng nếu một khi bạn không còn cách nào khác, không còn con đường nào khác thì bạn hãy chọn cho mình một cái chết có ý nghĩa – đó chính là cách đánh đổi với giá cao nhất  – Và bạn có thể thanh thản vì cuối cùng nếu có phải hy sinh mạng sống thì bạn vẫn là người chiến thắng!

Con giun xéo lắm cũng quằn – người xưa đã nói như vậy. Sức chịu đựng của con người có hạn, không thể làm con sâu cái kiến mãi được. Đến nước đường cùng, những người liều thân sẽ nghĩ: Đời người chẳng ai sống mãi được, đến khi quá già ắt con người phải chết, chết trước chết sau chẳng khác nhau là mấy, và họ sẽ làm liều…

Trường hợp anh Viết lại tương đối khác, anh đã chọn con đường phản kháng bằng bạo lực và chấp nhận đánh đổi mạng sống của bản thân với vài viên cán bộ nhà nước. Đây có lẽ là một kế hoạch có tính toán nghiêm túc nhiều ngày của anh Viết trước khi hành động, và đó chắc chắn là một hành động có logic hợp lý, nhưng chưa hoàn toàn thông minh.  


Những người như anh Đặng Ngọc Viết cần phải nhìn thấy rõ đâu là căn nguyên gây nên sự bất công của gia đình anh, kẻ xứng đáng phải bị anh giết chết là kẻ nào? Cứ cho là anh Viết đã  giết chết được dăm mười tên cán bộ tham nhũng áp bức nhân dân tại Thái Bình, nhưng còn hàng trăm ngàn kẻ khác từ Bộ chính trị Trung ương ĐCSVN đến cấp thôn xã, phường ấp, khắp cả nước, vẫn đang sống nhởn nhơ trên mồ hôi xương máu đồng bào thì làm sao mà giết hết được chúng?

Một khi đã dám chết như anh Viết thì nên chọn cho mình một cách đấu tranh khác có thể chết, nhưng rất nhiều khả năng không bị chết mà chỉ bị đàn áp, tù đày, nhưng cơ may chiến thắng là rất lớn đang rộng mở, đó là nhắm vào chế độ, nhắm vào cái nguồn gốc sinh ra những tên cán bộ tham lam tàn ác, là Đảng Cộng Sản Việt Nam, là nhà nước Việt Nam hiện nay do họ lãnh đạo.

Những người gánh chịu bất công nếu nổi loạn làm liều, nổ súng vào bọn cướp nhà cướp đất, cướp miếng cơm manh áo của người dân cùng khổ như gia đình anh Đoàn Văn Vươn hồi năm 2011 hay anh Đặng Ngọc Viết vừa qua, chỉ có thể giết được vài con tép riu, trong khi đó những con cá mập đáng chết lại nhởn nhơ ngoài tầm với của các anh, và chúng mới chính là kẻ đáng phải ăn đạn nếu không thể khác.

Đúng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nguồn gốc của mọi nguồn gốc dẫn đến bất công, bất bình đẳng, kẻ ăn không hết người lần không ra, đó chính là nước ta có sự cầm quyền của một tập đoàn độc tài độc đảng, là bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương gồm toàn cán bộ là những kẻ sâu dân mọt nước!

Nếu ai đó bị oan ức, bị hà hiếp, bị cướp nhà cướp đất, bị ngược đãi.., hãy đừng làm đơn xin xỏ chính quyền làm gì cho mất công tốn sức vì rốt cuộc sẽ chẳng đòi được sự công bằng. Cán bộ nhà nước các cấp công khai bao che cho nhau vì chúng là một guồng máy Mafia gồm 100% đảng viên Đảng Cộng Sản từ trung ương đến địa phương. Chúng không thể triệt hạ nhau vì quan hệ móc xích “tiền – quyền” đã gắn chặt chúng với nhau thành một thể thống nhất…

Vậy người dân phải nhắm vào những nhóm đầu sỏ, những kẻ có khả năng tác động vào hệ thống pháp luật và hệ thống công quyền ở thượng tầng bộ máy nhà nước. Muốn hạ đo ván chúng người dân phải làm gì, đây là câu hỏi rất dễ trả lời: Phải có đông người ủng hộ mình, phải có quốc tế ủng hộ mình và mình phải cương quyết, khôn khéo mới được…

Nhìn lại những phản kháng thành công tại một loạt các nước Cộng Sản Đông Âu cách nay trên dưới 20 năm, ta thấy chỉ khi có hàng trăm ngàn, hàng triệu người nhất tề đứng lên thì chế độ Cộng Sản mới chịu sụp đổ. Nhưng nói thì dễ còn khi hành động lại nảy sinh muôn vàn cái khó, một khi những người đấu tranh chưa có sự ủng hộ của số đông.

Những người đang có suy nghĩ trả thù rồi tự sát như anh Đặng Ngọc Viết hãy cố nghĩ rằng: Nếu dùng cái tay, ta chỉ diệt được vài con rận, còn nếu dùng cái đầu ta có thể giết được hàng trăm con hổ dữ. Và muốn làm vậy thì hoàn toàn không thể nóng vội. Đầu tiên ta hãy nói với những người anh em của ta, bạn bè của ta, người quen của ta (tất nhiên là nhất là cả những người ta quen trên mạng Internet) rằng hãy ủng hộ ta vì ta ghét lũ cán bộ ăn trên ngồi chốc, ghét những kẻ giàu có ngạo mạn khinh người, ta sẽ lên án bọn chúng mọi nơi mọi lúc có thể…

Bước thứ hai, ta hãy nói với mọi người là ta sẽ đòi thay đổi chế độ, ta bí mật đi rải truyền đơn tố cáo nhà nước cầm quyền, kêu gọi người dân cất tiếng nói chống áp bức bất công… Những việc làm đó thực ra là quyền bất khả xâm phạm của con người, nhưng với chế độ Cộng Sản thì chúng quy kết là tội “tuyên truyền chống nhà nước”, vì vậy phải khéo léo mà hoạt động.

Nhiều năm qua đã có những con người mạnh mẽ, dám hy sinh mạng sống, đã dũng cảm chống lại cường quyền như blogger Điếu Cày, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, chị Bùi Thị Minh Hằng, cô Phạm Thanh Nghiên, cô Hồ Thị Bích Khương, sinh viên Phương Uyên, Nguyên Kha vv… Thực tế chứng minh rằng họ là những người hoàn toàn không sợ chết giống như anh Đặng Ngọc Viết. Nhưng họ đã chọn con đường khác thông minh hơn…

Có người sẽ nói rằng làm như anh Viết mới đúng, còn làm như những nhà đấu tranh dân chủ kể trên chẳng bõ gãi ngứa cho chế độ. Đây là quan điểm rất sai lầm, vì những người như anh Viết chỉ giải tỏa cho bản thân chút căm giận ngắn ngủi, báo chí làm ồn ào lên, rồi sự việc sẽ lại chìm vào quên lãng. Nhưng chọn phương án hành động như các nhà đấu tranh ôn hòa đang làm mới khiến cho chế độ khiếp sợ và chỉ có con đường đó mới có thể thay đổi được gốc rễ vấn đề…

Tuy nhiên nếu trong tay bạn đang có hàng chục ngàn tay súng, có vũ khí khí tài hiện đại để “chiến” thì vấn đề lại khác. Vậy những việc làm nhỏ lẻ như của anh Viết rất ít giá trị. Mặc dù có thể nó cũng khiến cho nhà cầm quyền phải có những phương án đối phó, đôi khi là nhả ra cho dân (người liên quan trong vụ việc) đôi chút quyền lợi. Nhưng về cơ bản trên toàn quốc thì đâu vẫn hoàn đấy mà thôi. Bằng chứng về vụ án Đoàn Văn Vươn còn đó, nghĩa là chẳng thể thay đổi được gì nhiều. Ấy là chưa nói đến chuyện nếu anh em nhà anh Đoàn Văn Vươn ngày đó mà bắn chết vài ba viên cán bộ công quyền thì chắc chắn có người trong nhóm của họ sẽ phải lãnh án tử hình…

Mấy ngày gần đây trên mạng Internet cũng đã có nhiều phát biểu tung hô anh Đặng Ngọc Viết: Nào là anh hùng, nào là dũng cảm, nào là ghi tên vào lịch sử vv… Những hãy thử nhìn ra những nước và khu vực như Apganixtan, Iraq, miền nam Thái Lan, Pakistan vv.., liên tục có những vụ giết người hàng loạt nhằm vào cảnh sát, quân đội, chính quyền, nhưng họ không thể làm gì được hơn là vô tình giết hại những thường dân vô tội là chính, nhà cầm quyền tại các nước đó lại càng có cơ sở để lên án những người chống đối là những kẻ khủng bố…

Nếu hàng loạt những vụ bắn giết xảy ra như anh Viết đã làm thì cũng chỉ làm xáo trộn chút nào xã hội và gây hoang mang cho bản thân những người dân lành vô tội, còn những kẻ có thực quyền thì chúng có đủ lực lượng bảo vệ đến từng cọng tóc, chẳng ai làm gì chúng được. Điều đó còn tạo cơ hội cho nhà cầm quyền có cớ thẳng tay giết hại những người đấu tranh.

Như vậy nếu ai đã dám quên mạng sống của mình thì hãy dấn thân, vì họ coi như mình đã chết (thậm chí chẳng cần phải đến mức như vậy) nên hãy mạnh mẽ đương đầu với nhà cầm quyền. Họ chỉ cần biết học hỏi một số phương cách đấu tranh bất bạo động là sẽ có thể trở thành một ngôi sao thực thụ. Trong trường hợp bị bắt bớ tù tội thì đó vẫn sẽ là cơ hội cho họ tiếp tục đấu tranh tại các phiên tòa và ngay trong nhà tù như các anh Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cày đã từng làm thành công…

Những người sắp tự tử vì thất bại, vì bị áp bức, vì bị cướp bóc, vì bế tắc trong cuộc sống, hãy chọn cho mình con đường hành động dài hơi có ích cho đất nước là hơn. Không những họ sẽ không chết vì ngày nay chẳng ai có thể kết tội tử hình cho một người đấu tranh ôn hòa, mà họ còn có cơ hội ghi tên mình vào lịch sử. Rồi mai đây, khi nước nhà có tự do dân chủ, những con người như Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Phương Uyên, Nguyên Kha vv.., sẽ được xã hội tấn phong.

Vẫn biết mọi người đều có quyền hành động theo ý mình muốn, ngay cả trong trường hợp tự sát. Nhưng theo bạn, giữa việc nổ súng giết vài tên cán bộ hạng ruồi muỗi và dấn thân vào con đường tranh đấu không bạo lực nắm chắc phần thắng, bạn nên chọn cách nào?

Lê Nguyên Hồng


No comments:

Post a Comment

View My Stats