Phạm Thị
Hoài
Tháng 9 24, 2013
Bầu cử ở Đức chưa bao giờ là một sự kiện hoành
tráng, trống dong cờ mở ầm ĩ, truyền thông rầm rộ, sân khấu chói lòa, hồi
hộp thót tim đến phút chót. Tôi đã tưởng năm nay nó còn đạt đến đỉnh cao về sự
nhạt.
Không nhạt sao được. Mọi kết quả đều đã được báo
trước. Uy tín của bà Merkel trong dân chúng mạnh tới mức có tờ báo đã gọi bà là
“người khổng lồ”, vây quanh bởi một loạt các “chú lùn”. Bà đã cầm quyền hai
nhiệm kì và trong tám năm thế giới xung quanh chìm trong khủng hoảng, nước Đức
dường như chưa một ngày chỉ nhúng một ngón chân vào đó. Trái lại. Chưa bao giờ
đất nước này thịnh vượng và bình yên hơn; số người thất nghiệp, đặc biệt trong
thanh niên, ít hơn. Chưa bao giờ các trường đại học đông sinh viên hơn, hệ
thống chăm sóc y tế dư dả vốn giắt lưng hơn, bữa ăn hàng ngày của người bình
thường phong phú hơn. Chưa bao giờ trọng lượng quốc tế của Đức nặng hơn, du
khách nước ngoài đến Đức nhiều hơn. Nếu bạn muốn tôi có thể kể thêm: chưa bao
giờ bóng đá Đức đáng yêu hơn và các tiệm ăn Đức được nhiều sao Michelin hơn. Đó
là chưa kể cũng trong thời gian này Đức đã bỏ hẳn nghĩa vụ quân sự và rút từng
bước mạnh mẽ khỏi việc sử dụng điện hạt nhân.
Dễ hiểu là người Đức hài lòng và không muốn thay
đổi. Nói chung, người Đức thích những điều vững chãi, an toàn, dài lâu. Bí
quyết thành công của họ là ở đó và gót chân Achilles của họ cũng ở đó. Họ được
thán phục về điều đó và bị chế nhạo cũng vì điều đó. Thay đổi một điều gì trong
xã hội Đức chắc phải cần thời gian gấp bốn lần ở Mỹ, gấp ba lần ở Anh và gấp
hai lần ở Pháp. Người Đức ngưỡng mộ khiếu hài hước của người Anh, sự năng động
của người Mỹ, nghệ thuật sống của người Pháp, sự thảnh thơi vô lo của người Ý;
và tự coi mình là dân tộc có khá nhiều phẩm chất ưu tú, nhưng tẻ nhạt nhất hoàn
cầu. Bà Merkel là kết tinh hoàn hảo của những điều rất Đức đó. Người phụ nữ được
coi là quyền lực nhất thế giới này áp dụng một phong cách chính trị gây được
nhiều thiện cảm trong dân chúng: Chính trị của understatement. Tiết chế,
tiết kiệm, giản dị, tuyệt đối không phô trương, cần mẫn, nhẫn nại và không hề
vướng bất kì một vụ tai tiếng nào, bà là được coi là lương thiện nhất trong
hàng ngũ chính khách Đức, nếu nghề này còn cho phép sự lương thiện. Dễ hiểu là
với bà, Liên minh Bảo thủ CDU-CSU chắc thắng trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật vừa
rồi. Và mọi chuyện diễn ra đúng như vậy. Với gần 42 % số phiếu bầu, đó là thắng
lợi vang dội nhất của Liên minh này từ 20 năm qua. Thậm chí ở Berlin và
Brandenburg, hai tiểu bang có truyền thống thiên tả và đang do Đảng Dân chủ Xã
hội (SPD) nắm quyền, Liên minh Bảo thủ của bà Merkel cũng dễ dàng vượt qua đối
thủ chính trị. Không có gì chán hơn một cuộc bầu cử mà chưa bầu đã biết trước
kết quả.
Cho nên trong mấy tháng vận động tranh cử trước đó
và những tuần nước rút sát đó, nội dung chương trình tranh cử của tổng cộng 30
chính đảng và 81 ứng viên độc lập [i] xem ra không khuấy động dư luận bằng chiếc vòng ba mầu
đỏ-vàng-đen ở cổ bà Thủ tướng trong cuộc “đấu khẩu” khá buồn ngủ trên truyền
hình với ứng viên Thủ tướng của Đảng SPD, ông Peer Steinbrück; hay “ngón tay
thối” của ông này trên bìa một tạp chí; hay “sự nhạy cảm châu Á” của Philipp
Rösler, chính khách gốc Việt đầu tiên lên đến chức Phó Thủ tướng ở một quốc gia
phương Tây.
Trước bầu cử không lâu, Philipp Rösler nhận lời
phỏng vấn trực tiếp của tờ taz, một tờ báo thiên tả độc lập ở Berlin.
Khi văn bản ghi cuộc phỏng vấn hoàn thành và được chuyển lại để ông và Văn
phòng Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đọc xác nhận, một thông lệ rất đáng hủy bỏ ở
Đức, ông đã từ chối không cho phép đăng. Tờ taz bèn đăng bài phỏng vấn
với tiêu đề “Philipp
Rösler: Những câu hỏi và không có câu trả lời“, trong đó phần câu hỏi của
tòa báo được đăng nguyên văn, phần trả lời bỏ trống bằng những “dòng kẻ chấm”.
Nhưng dư luận, thay vì phê phán hành vi có vẻ như kiểm duyệt báo chí của
Philipp Rösler, như tờ taz mong đợi, lại tương thẳng một cơn bão cứt lên
tờ báo này. Đơn giản vì những câu hỏi của tờ báo thuần túy tập trung vào xuất
thân châu Á của Philipp Rösler và những nỗi khổ mà ông phải chịu đựng từ đó.
(Chẳng hạn: “Ông đã trải nghiệm việc người khác có vấn đề với ngoại hình
châu Á của ông như thế nào?“, “Ông thường nhận được email chửi rủa. Vì
ông là Chủ tịch Đảng FDP? Hay vì nhìn ông là thấy gốc gác không phải người Đức?“,
“33 tuổi ông mới trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên, do vợ ông đề nghị. Vì
sao bản thân ông không quan tâm đến đất nước của cha mẹ ông?“…). Nếu là
tôi, tôi đã đứng dậy bỏ đi, sau năm phút và chậm nhất là câu hỏi thứ hai. Nhưng
Rösler ngồi hết, trả lời hết, và cuối cùng lại từ chối cho đăng.
Có ai ngờ trong bầu cử Quốc hội Đức năm nay, Việt
Nam lại đóng một vai trò lạ lùng như thế. Tôi thấy rất ái ngại cho Philipp
Rösler. Bản năng làm mẹ của tôi được đánh thức, khi nhìn chàng trai cao ráo,
khôi ngô, lễ phép và dễ thương ấy ngơ ngác, bất lực, không dám buông mà cũng
không thể vực dậy con tầu FDP mỗi ngày một chìm sâu. Ở chính khu vực bầu cử của
mình tại Hannover, Philipp Rösler chỉ thu được 2,6 % số phiếu. Trong toàn liên
bang, Đảng FDP của ông không vượt qua mốc 5 % để lọt vào Quốc hội. Một đảng
từng cung cấp những chính khách giỏi giang và đóng dấu ấn Tự do của mình lên
nền chính trị quốc gia trong suốt lịch sử CHLB Đức từ ngày lập quốc, nay bị cử
tri quét phăng khỏi Quốc hội như không. Cái chết của FDP là bất ngờ đúng lúc hạ
màn của cuộc bầu cử nhạt nhẽo này.
Philipp Rösler từng ví mình như cây tre uốn mình
trong gió mà không gãy, để rồi bị một lãnh đạo cao cấp trong đảng của mình kháy
lại rằng “muốn gây dựng niềm tin thì không thể đung đưa như cọng tre mà phải
đứng sừng sững như cây sồi. Chính vì thế mà nước Đức là quê hương của sồi chứ
không phải của tre“. Cả sồi lẫn tre, sau một ngày Chủ nhật toàn dân đầu
phiếu, đều phải dọn sạch chỗ của mình tại Quốc hội và Nội các. Sai lầm của FDP
có lẽ là dùng quá nhiều ẩn dụ [ii]. Goodbye, Philipp Rösler!
Tuần này bà Merkel bắt đầu từ từ đi chợ, để tìm một
liên danh cầm quyền. Trong trường hợp xấu nhất – điều chưa bao giờ xảy ra với
nước Đức – khi không một “chú lùn” nào trong số 4 đảng vừa được bầu vào Quốc
hội chịu liên danh với Liên minh trung hữu CDU-CSU quá áp đảo của bà thì “người
khổng lồ” sẽ ngự trên vinh quang với tất cả cô đơn và bất lực. Và nước Đức sẽ
phải đi bầu một lần nữa. Dân chủ đương nhiên là nhiêu khê và tốn kém.
© 2013 pro&contra
[i] Trong đó có một chính đảng mang tên “Đảng của những người
chống bầu cử” (Partei der Nichtwähler)
[ii] Những đảng cũng thua cuộc khác lại phạm những sai lầm khác.
Đảng Xanh yêu cầu mỗi tuần một ngày ăn chay cố định trong các căng-tin trên
toàn nước Đức. Dễ hiểu là một dân tộc đã hai lần trải qua chế độ độc tài thì
không thích thú gì một nền độc tài mới: “độc tài đậu tương”.
No comments:
Post a Comment