Ngày 23/09/2013, ra đời bản
"Tuyên bố về thực thi quyền Dân sự và Chính trị" của Diễn đàn
Xã hội Dân sự Việt Nam, nhằm “trao đổi và tập hợp các ý kiến góp phần chuyển
đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa”.
RFI Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn với Luật sư Trần Quốc Thuận, Ủy viên Hội đồng
tư vấn dân chủ pháp luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Văn
Phòng Quốc Hội. Luật sư Trần Quốc Thuận là người ký tên vào bản Tuyên bố.
Nghe
(14:37) : Luật sư Trần Quốc Thuận (Sài Gòn) 25/09/2013
RFI : Xin chào luật sư Trần Quốc Thuận. Vừa rồi, ra
đời bản « Tuyên bố Về thực thi quyền Dân sự và Chính trị » của Diễn đàn Xã hội
Dân sự Việt Nam, mà ông tham gia ký tên. Bản tuyên bố với lời kêu gọi chuyển
hóa ôn hòa thể chế chính trị Việt Nam, hiện nay đang thu hút sự chú ý của công
luận. Vậy xin ông cho biết một vài nét chính về ý nghĩa của bản tuyên bố này.
Luật sư Trần Quốc Thuận : Tôi cho rằng Bản Tuyên bố cũng nêu rất rõ. Tức
là về quyền dân sự và chính trị, Việt Nam đã tham gia vào Công ước quốc tế và cũng
đã là thành viên của nó từ năm 1982, nhưng mà trên thực tế, khi triển khai, thì
họ triển khai không hết. Thậm chí, những công ước đó cũng có những bạn trẻ đi
phân phát, thì cũng bị công an ngăn chặn rồi tịch thu, và cũng dẫn đến những
chuyện đụng chạm, thế này, thế khác. Đó là điều rất là đáng tiếc.
Hiện nay, trong Hiến pháp Việt
Nam cũng muốn thể hiện một cái chương, gọi là chương « Nhân quyền ». Nhưng cách
viết luật của Việt Nam, nó hơi gọi là lắt léo, khó hiểu. Luật Việt Nam bao giờ
họ cũng có cái đuôi là « theo quy định của pháp luật ». Nhưng mà pháp luật Việt
Nam, theo văn bản « ban hành quy định pháp luật », thì cụm từ này có nghĩa rất
rộng, từ Hiến pháp, luật, bộ luật mà xuống các nghị định, rồi thông tư, rồi
thông tư liên ngành, rồi các quyết định, rồi nghị quyết cũng là « văn bản pháp
luật ». Vì vậy cho nên có việc áp dụng công ước quốc tế ở Việt Nam là có những
vấn đề bị cản trở. Mà có những điều ghi trong Hiến pháp từ nhiều năm nay vẫn
không có triển khai thực hiện trên thực tế, như quyền tự do tư tưởng, quyền lập
hội, quyền biểu tình, quyền giữ quan điểm của mình… Nếu suy cho cùng (những
điều này) có từ Hiến pháp năm 1946, nhưng đến bây giờ cũng không triển khai.
Còn bây giờ có chuyện (thiện ý ?) thì đưa ra, nhưng mà đưa ra một cách mập mờ,
cho nên những điều đó làm cho những người sống ở Việt Nam họ hiểu rằng, trong
những điều luật đó nó còn những điều ẩn ý, mà khó lường, sau khi thông qua và
triển khai thực hiện.
Cho nên, cái người ta đòi hỏi
cần phải viết cho rạch ròi, rõ ràng ra. Mà cái rạch ròi, rõ ràng ở Việt Nam là
cái người ta quan tâm nhất là phải có cơ quan kiểm soát quyền lực.
Tại vì ở Việt Nam, cơ quan có
quyền lực cao nhất thì không bị kiểm soát. Thường cơ quan quyền lực cao nhất
là, thường là họ hành xử theo kiểu đứng trên Hiến pháp và trên tất cả các luật.
Đó là một điều không bình thường ở một đất nước mà gọi là « pháp quyền ». Tại
vì pháp quyền ở Việt Nam họ thường có cái đuôi, gọi là « pháp quyền xã hội chủ
nghĩa ». Và « pháp quyền xã hội chủ nghĩa » có nghĩa là dưới sự lãnh đạo của «
Đảng », có chỗ thì ghi là « do sự lãnh đạo của Đảng » có chỗ thì ghi là « sự
lãnh đạo của Đảng ». Điều đấy cho thấy là tất cả ở đất nước Việt Nam đều do «
Đảng » lãnh đạo hết.
Cho nên người ta gọi là « chế
độ toàn trị ». Chế độ như thế làm cho người dân ức chế, và rõ ràng dẫn đến
những sai lầm.
Mà cái sai lầm nghiêm trọng
nhất đang diễn ra trên đất nước này : Các nghị quyết của « Đảng » cũng thừa
nhận và đặc biệt là nghị quyết trung ương 4 vừa qua, đánh giá rất rõ là « suy
thoái toàn diện », hệ thống của đảng tham nhũng tha hóa, rồi suy thoái cả tư
tưởng « một bộ phận không nhỏ ». Nhưng mà đến bây giờ cũng không tìm ra được «
bộ phận không nhỏ », thì có người đặt vấn đề, có phải chăng cái bộ phận ấy nó
thành bộ phận lớn, mà không tìm ra được ? Nếu mà nó nhỏ, thì người ta đã tìm ra
được rồi.
Tại sao có tình trạng như vậy ?
Là vì lý do ở Việt Nam, không
có tự do báo chí, không có báo tư nhân, không có nhà xuất bản tư nhân, không có
tiếng nói độc lập, không có xã hội dân sự, và đặc biệt là không có tam quyền
phân lập. Cho nên tất cả những cơ quan ấy, đều dưới một cái gậy điều khiển.
Bảo kiểm soát quyền lực, thì
người ta chỉ : Đó là Quốc hội, đó là Hội đồng Nhân dân. Nhưng mà tôi cũng sinh
hoạt trong các cơ quan này, phải nói rằng cũng gần 30 năm, giữ những vị trí
lãnh đạo, những vị trí này khác, thì tôi thấy những cơ quan đó chỉ là những cơ
quan mang tính hình thức, và chỉ để « thể chế hóa » những cái mà đảng đã quy
định. Cho nên trong Hiến pháp đã quy định, Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà
nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất, nhưng trên thực tế, nó là cao nhì, có
thể là cao ba. Nó dưới đảng là chắc chắn rồi, có thể dưới cả chính phủ nữa. Cho
nên, cái điều đó rất không bình thường.
Nếu so sánh với thế giới hiện
tại bây giờ, kể cả tổng thống Mỹ được dân bầu trực tiếp như thế, quyền lực dữ
như thế, nhưng mà muốn chi tiền, muốn chi làm cái gì cũng phải có ý kiến của
Quốc hội, nhất là tài chánh. Mà Việt Nam, thì tài chánh gần như là buông lỏng.
Làm gì không có tham nhũng được ?!
RFI : Xin ông cho biết cảm nghĩ của ông về bản Tuyên
bố này.
LS Trần Quốc Thuận : Không biết những người khác ký thì nghĩ ra
sao. Tôi, tôi nghĩ bản Tuyên bố đưa ra thật sự cũng là một tiếng nói, mà nói
với đảng và Nhà nước này rằng : Chúng tôi tiếp tục có ý kiến. Mặc dầu Hiến pháp
(Quốc hội) kỳ tới có thể thông qua. Tuy rằng đề nghị ngừng Hiến pháp lại, nhưng
tôi cho rằng khả năng ngừng gần như không có, nhưng chúng tôi tuyên bố thẳng
rằng, mặc dầu Hiến pháp có hiệu lực, nhưng mà chúng tôi vẫn tiếp tục.
Tiếp tục với mục đích là tìm ra
một giải pháp để chuyển đổi chế độ toàn trị này sang một chế độ dân chủ, văn
minh, mà mọi người dân có quyền ngẩng cao đầu, đi ngang hàng và cất lên tiếng
nói tự do, để tìm ra những người có tài, có đức, thực sự để xây dựng, mà phục
vụ nhân dân. Chứ bây giờ, người ta chán nản, người ta uể oải, người ta mỏi mệt,
người ta cũng không biết thoát đường nào khác hơn.
Cho nên, người ta nói không
biết là nghị quyết của Đảng đưa ra, « nghị quyết 4 là nó thật hay không thật ?!
Nếu là thật, thì tại sao không làm được ? Nếu không thật, thì là nói dối à ? Mà
nói dối, thì tệ hại quá ! » Cho nên bây giờ, chúng tôi gặp mấy ông hỏi : « Mấy
anh có nói thật không ? Hay là mấy anh cho Nhân dân uống thuốc an thần ? ».
Không ai đi chống tham nhũng, mà bằng biện pháp « phê và tự phê » cả. Mà « phê
và tự phê » của các người đó, thì « nếu kỷ luật thì sợ trù úm, sợ thù oán », ăn
nói thế, thì làm sao có tư cách cầm trịch, lèo lái cái đất nước này, gần 90
triệu dân này ?!
Bất cứ trên đất nước nào, pháp
luật nào, dân chủ thế nào, thì những người sai trái phải xử lý theo pháp luật,
phải xử lý kỷ luật bằng pháp luật, còn Việt Nam bây giờ là vô (?), tự tung tự
tác. Cho nên bây giờ nhìn thấy trong xã hội công khai cả, tất cả các ngành nó
vỡ ra từng mảng. Như cái câu chuyện là bệnh viện Hoài Đức của Hà Nội, mà không
phải là bệnh viện đó không. Rồi tất cả các chuyện cảnh sát giao thông, hôm rồi
nhậu nhẹt rồi bắn nhau, chết người.
Có nhiều người hỏi, có buồn
không, có bức xúc không ? Tôi thấy, đó là cái quy luật tự nhiên nó vỡ ra. Bởi
vì cảnh sát thì gạ tình, người ta vi phạm luật lệ giao thông thì bắn người ta
chết, rồi bắt vào đồn công an, thì không gãy tay, gãy chân, thì cũng chết, rồi
cảnh sát đạp vào mặt người dân… Cho nên tất cả những hình ảnh đó làm sao mà làm
người ta xóa mờ được.
Cho nên cũng có người nói rằng,
ở Việt Nam là có trên 700 tờ báo, rồi 17.000 phóng viên, nhưng thực sự là chỉ
có một ông tổng biên tập thôi. Phải viết theo tôi. Họ định nghĩa Việt Nam là
người ta dùng chữ là « báo chí cách mạng », cho nên chỉ có việc là nói theo
đảng, và tuyên truyền đường lối chủ trương của đảng, chứ không được nói gì
khác. Cho nên bây giờ báo chí Việt Nam, họ không nói được gì khác, nên họ mới
chuyển sang nói những chuyện tạm gọi là thô tục, thay vì chụp những hình ảnh để
tạo xã hội tốt đẹp, thì họ chụp những người gọi là « hở hàng ». Cho nên báo chí
đi vào suy đồi, một xã hội suy đồi vô cùng.
Rồi bây giờ tất cả các hiện
tượng xã hội đương xuống cấp, thì đó là tội lỗi của ai ? Đó là tại sao ? Nguyên
nhân sâu xa là do một thể chế chính trị sai lầm, do một học thuyết sai lầm, do
một đường lối chủ trương sai lầm, mà không đứng hẳn về người dân, rồi cứ đứng
giương giương tự đắc, dựa vào lực lượng vũ trang, dựa vào vũ khí. Cho nên có
người, người ta nói là, trong kháng chiến chống Pháp, ghi là lực lượng vũ trang
phải trung thành với nhân dân, nhưng bây giờ lại ghi là « lực lượng vũ trang
phải trung thành tuyệt đối với Đảng », mà đặt (đảng) trước, trên Tổ Quốc, trên
Nhân dân, gần đây sửa lại một chút.
Nhưng tại sao phải sợ thế ?
Chúng tôi là những người hoạt
động bí mật ở trong nội thành này. Hồi xưa là đảng viên của đảng Nhân dân Cách
mạng trong đấu tranh thống nhất Tổ Quốc. Chúng tôi có điều luật đó đâu mà dân
họ vẫn bảo vệ chúng tôi ! Họ giấu chúng tôi trong hầm bí mật, thậm chí họ đưa
giấu trên bàn thờ. Bởi vì họ thấy là những người cộng sản lúc nào cũng xả thân
vì lợi ích, đi theo cộng sản là chỉ biết ở tù, ở tội và hy sinh thôi.
Nếu bây giờ người cộng sản chỉ
biết là vì đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, người học trò của Nhân dân,
thì đảng này muốn lãnh đạo sao thì lãnh đạo ! Nhưng cái đảng bây giờ là cái
đảng ăn trên, ngồi trước.
Cái đảng suy thoái, đến mức sợ,
tôi dùng chữ « sợ ». Phải xây dựng lực lượng vũ trang trung thành với mình, có
nghĩa là bảo vệ mình. Tại sao phải bảo vệ mình ? Tại vì bắt đầu sợ rồi. Sợ ai ?
Sợ Nhân dân ! Sợ nhân dân tấn công mình, nên phải xây dựng lực lượng vũ trang
để bảo vệ. Người ta tưởng rằng để cái điều như thế để cho… đảng mạnh, nhưng mà
– tôi đã nói nhiều lần – để như thế chứng tỏ đảng yếu nhất. Tất cả những Hiến
pháp trước đây có để thế đâu ?!... Cho nên chính quyền trên mũi súng, chuyện đó
hoàn toàn không bình thường !
Cho nên xây dựng một Hiến pháp
hoàn toàn không bình thường. Tất cả quyền lực, những điều gọi là dân quyền,
những điều gọi là mới trong (dự thảo) Hiến pháp bây giờ, thực tế đưa vào điều
4, thì (điều 4 đó) nó phủ định toàn diện Hiến pháp. Mà lãnh đạo bây giờ cũng
không theo luật nữa.
Quyền thì vô hạn, trách nhiệm
thì không có gì hết, thì làm sao người ta chấp nhận được ?!
Cho nên cái bản Tuyên bố này để
nói thẳng với đảng và Nhà nước này rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng bằng
cách mở ra một diễn đàn. Và từ đó chúng tôi đấu tranh một cách hòa bình, không
bạo động, kiên trì. Hy vọng có một ngày nào đó, mọi người hiểu ra. Ý đồ của
chúng tôi là như thế.
RFI : Thưa Luật sư, vừa rồi ông có nhấn mạnh đến ý
nghĩa của Tuyên bố này là tiếp tục tiếng nói với đảng cầm quyền hiện nay. Từ
trước đến nay, đã có nhiều tuyên bố và kiến nghị, thì xin Luật sư cho biết thêm
về tính chất đặc biệt của Tuyên bố lần này.
LS Trần Quốc Thuận : Tuyên bố kỳ này trước nhất là để nói rằng Hiến
pháp này nếu thông qua, như dự thảo bây giờ, thì những người ký vào đây như
chúng tôi không chấp nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng, để làm cho Hiến
pháp lúc nào đó sẽ phải sửa, để tạo thành một Hiến pháp tốt, để mà xây dựng một
thể chế chính trị tốt.
Còn chuyện người ta nghe hay
không nghe, thì ở đất nước Việt Nam này, cũng không phải là cái gì người ta
cũng nghe, nhưng cũng không phải là cái gì người ta cũng không nghe. Ví dụ như
vụ án Phương Uyên của Long An, hoặc là vụ án Đoàn Văn Vươn,… nhưng bây giờ cái
bức xúc đến mức như là cái vụ Đặng Ngọc Viết, thì cho thấy rằng người dân họ
không phải chỉ nói. Mà người dân Việt Nam đến khi họ không nói nữa, họ không
những dùng súng hoa cà, mà họ dùng súng bắn chết người thật, thì lúc đó những
người cầm quyền phải coi chừng chứ !
Bởi vì cái máu của dân tộc Việt
Nam, có thể gọi là cái máu của một dân tộc anh hùng, bất khuất, không có bạo
lực nào có thể đè nén cái dân tộc này được cả. Trong lịch sử, có thể nói là
4.000 năm, không có một chế độ nào tàn bạo, mà có thể tồn tại lâu dài ở trên
đất nước này. Bởi vì đặc điểm của dân tộc này là không thể chấp nhận một sự cúi
đầu, bất cứ một thế lực, quyền lực nào, mũi súng, đầu tên mũi đạn nào. Mà vẫn
kiên trì đấu tranh. Mà đấu tranh của Việt Nam là họ đấu tranh một cách kiên
trì, bền bỉ.
Đưa ra cái Tuyên bố này, để nói
thẳng rằng, chúng tôi vẫn kiên trì đấu tranh bằng kiến nghị đó để tìm ra một
giải pháp.
Tôi không nhớ tên một học giả,
một nhà chính trị đã nói rằng : Con đê nếu có mối mọt, thì con đê vững chừng
nào cũng có ngày sập.
Chúng tôi hy vọng rằng, những
tiếng nói này sẽ làm thức tỉnh những con người, trong những giới cầm quyền bây
giờ cũng có những người cũng nghe, cũng lắng nghe, khi họ thức tỉnh, họ quay về
với Dân tộc, quay về với Nhân dân, họ chịu làm người phục vụ Nhân dân, họ chịu
làm công bộc của Nhân dân, thì những người đó sẽ tồn tại. Còn những người khác
thì sẽ bị Lịch sử cuốn trôi, Nhân dân Việt Nam vạch mặt, chỉ tên.
Khi người Việt Nam không chấp
nhận một cái gì đó, thì khi họ bỏ, họ bỏ triệt để lắm, đôi khi cũng hay, mà
cũng dở.
Chẳng hạn như chữ Hán, nhưng mà
khi người ta thấy không tiện, thì người ta quay sang chữ latinh bây giờ, người
ta bỏ hẳn. Người Việt Nam không cần biết chữ Hán nữa. Đặc điểm dân tộc Việt Nam
là như thế. Cái chủ nghĩa bây giờ là người ta không chấp nhận nữa, vì chủ nghĩa
lạc hậu và đang gây tai họa cho đất nước này. Nhiều người đã tuyên bố công khai
là không chấp nhận. Cho nên phải có một sự cạnh tranh với một ý tưởng khác.
Còn ở Việt Nam hỏi là theo ai,
nước này hay nước kia ? Không ! Trước cái họa Bắc xâm của Trung Quốc thì thấy
rõ rồi. Đối với Việt Nam, thì cái đó là kẻ thù truyền kiếp, kẻ thù nghìn năm.
Còn đối với nước khác, thì Việt Nam có theo không ? Việt Nam không theo, nhưng
Việt Nam học và làm theo những thể chế, cơ chế, chính sách, mà từ đó tìm ra
những người tài, phát triển được kinh tế, và phát huy được năng lực trí tuệ của
con người trong xã hội.
RFI : Xin chân thành cảm ơn Luật sư Trần Quốc Thuận.
nói vậy khác gì nói rằng, hiện tại nhà cầm quyền không ở bên dân tộc việt nam, có nhầm không vậy, chắc những người này không ở việt nam, hoặc là chẳng biết gì về tình hình ở việt nam cả ,bởi thực tế không vậy, những người lãnh đạo của đất nước ta luôn luôn làm những điều gì được coi là tốt nhất cho dân tộc việt nam
ReplyDelete