Monday 16 September 2013

CON NỢ CỦA NHÂN DÂN (Xích Tử)




Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Hai, 16/09/2013

Với việc cương quyết không điều chỉnh nội dung liên quan đến chế độ sở hữu đất đai trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và giữ nguyên cái gọi là “sở hữu toàn dân” trong Dự thảo Luật Đất Đai (sửa đổi) 2013, Đảng CSVN đã liều đem cái vốn vay nông dân trong thế kỷ trước đặt vào canh bạc xây dựng chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vô cùng bấp bênh, ảo tưởng.

Đây là món nợ thế kỷ mà Đảng đã vay của nông dân, cùng với những tài sản, tư liệu sản xuất khác mà đảng đã “cải tạo”, tịch thu của giới tư sản công thương nghiệp tại miền bắc giai đoạn 1954 – 1960, tại miền nam giai đoạn 1975 – 1980 để làm vốn cho lời hứa sẽ “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” với nhiều triển vọng no đủ, tốt đẹp hơn nhiều các chế độ quá khứ.

Tuy nhiên, với tiền đồ không mấy khả quan, Đảng tỏ ra là đã, đang xù nợ và chắc sẽ quỵt nợ nông dân.

Quá trình đó đã được dự báo ngay từ khi đảng du nhập quan điểm chẳng những ngụy luận như kiểu Lenin “cách mạng vô sản có thể nổ ra ở khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản” mà còn đi xa hơn theo hướng maoist “cách mạng vô sản có thể nổ ra trong một nước nông nghiệp với đa số là nông dân”.
Khi cương quyết không phục hồi quyền tư hữu đất đai như kiến nghị của nhiều bậc thức giả, trong đó có những người cộng sản có đầy đủ tri thức và trí tuệ, đảng đã tổ chức đợt tuyên truyền, luận chiến áp đảo với những nhà lý luận đang chờ sổ hưu trên các phương tiện thông tin của đảng, như thể rằng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là tự nhiên, là bản chất, là tiến bộ, là cách duy nhất, tốt nhất để phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đọc cho hết những bài viết này, đối chiếu với bài viết trên Tạp chí cộng sản online của một nữ PGS đã bị rút xuống, mới thấy rặt chỉ là nói lấy được, ngụy trá, cả vú lấp miệng em, để bảo vệ cho một sai lầm đã rồi, kéo dài cả một thế kỷ.

Cơ sự bắt đầu từ sự vận dụng quan điểm maoist nói trên của đảng cộng sản Việt Nam. Ngay từ lúc thành lập, trong việc xác định chính sách, tôn chỉ cách mạng từ tháng 2/1930 đến tháng 10/1930, đảng đã phân loại nhân dân thành các nhóm đối tượng cách mạng để đấu tranh tiêu diệt. Ngoài tư sản mại bản, tư sản “dân tộc”, trí thức, người giàu có, người có đất không phân biệt tiêu chí diện tích (được gộp chung là địa chủ), chức sắc địa phương làng xã được đưa vào tầm ngắm của khẩu súng “cách mạng vô sản” Việt Nam.

“Cách mạng tháng Tám” thành công, để tập hợp lực lượng cách mạng trong danh nghĩa Mặt trận Việt Minh mà thực chất là một sách lược đánh lừa, Hiến pháp 1946 vẫn bảo đảm quyền tư hữu tài sản cho công dân, trong đó không loại trừ tài sản đất đai.

Trong thời gian ngắn sau cách mạng và giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến năm 1953, đảng duy trì chính sách đất đai ở mục tiêu chung là người cày có ruộng và khuyến khích sản xuất nông nghiệp bằng việc phân phối lại công điền công thổ, giảm tô, giảm thuế.

Đến cuối năm 1953, trong điều kiện mới của cuộc kháng chiến, đảng đã ra ban hành cương lĩnh đất đai, được “Quốc hội” thể chế hóa thành Luật cải cách ruộng đất với nội dung chủ yếu là phân chia lại ruộng đất cho nông dân từ nguồn công điền công thổ, nguồn tịch thu, trung thu, trưng mua của các đối tượng chủ đất khác nhau và cả nguồn điều tiết lại nội bộ do dôi dư, đất tốt, đất xấu của các hộ nông dân trong một xã, giữa các xã với nhau.

Cuộc cải cách đã tạo nên một trang sử đen trong nông thôn miền bắc và bắc Trung bộ như đã biết. Tuy nhiên, đã có nhiều hộ gia đình nông dân được cấp mới hoặc cấp thêm đất, nhờ đó đảng đã động viên được bộ phận tham gia chiến trường Điện Biên Phủ có liên quan đến bần cố nông quyết tâm chiến đấu, hy sinh và chiến thắng.

Tuy nhiên, niềm vui được đi đo đất, được có một mảnh ruộng cho từng gia đình nông dân đã bắt đầu lụi đi từ tháng 8/1955 khi đảng có chính sách bắt đầu thí điểm hợp tác hóa nông nghiệp, thực hiện công cuộc làm chung ăn chung, đánh kiểng ăn điểm vĩ đại. Mặc dù Hiến pháp 1959 vẫn bảo đảm hình thức sở hữu tư nhân và đất đai chưa đưa vào sở hữu toàn dân, song với công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, dấu vết của chế độ sở hữu tư nhân đất đai trên những cách đồng bắc bộ, trừ vùng ruộng bậc thang vùng cao, đã bị xóa bỏ, bằng việc lập bờ vùng bờ thửa mới, phá sạch bờ thửa bờ khoảnh cũ. Những chính sách đó dọn đường cho một công cuộc cưỡng chế đất đai của nông dân, hợp pháp hóa nó bằng Hiến pháp 1980 và Luật Đất đai 1987.

Lịch sử cướp đất nông dân của Đảng CSVN, như đã nói, là chính sách nhất quán của cách mạng vô sản theo kiểu châu Á, với quan điểm maoist. Đó là sự giải thích tùy tiện, áp dụng một cách sai lầm quan điểm của K. Marx từ Lenin khi tiến hành bạo loạn lật đổ giành chính quyền trong điều kiện chiến tranh ở nước Nga cho đến việc nặn ra các thành phần giai cấp (đến mức khoán mỗi xã phải có 5% địa chủ để đưa ra đấu tố) để đấu tranh giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội từ những nước đang tồn tại cả 5 “phương thức sản xuất” như kiểu Trung Quốc, Việt Nam, và một số nước khác.

Những nhà cách mạng vô sản kiên trì trong mục tiêu nhưng lãng mạn đến mơ hồ về trí tuệ đã đọc dòng này trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của K. Marx và F. Engels “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu” nhưng họ lại không đủ bình tĩnh để đọc tiếp “Cái sở hữu làm ra, kiếm được một cách lương thiện và do lao động của bản thân tạo ra! Phải chăng người ta muốn nói đến cái hình thức sở hữu có trước sở hữu tư sản, tức là sở hữu của người tiểu tư sản, của người tiểu nông? Chúng tôi có cần gì phải xoá bỏ cái đó, sự phát triển của công nghiệp đã xoá bỏ và hàng ngày vẫn tiếp tục xoá bỏ cái đó rồi.” Ở Trung Quốc, Việt Nam, sự phát triển công nghiệp chưa xóa được cái tài sản “làm ra, kiếm được một cách lương thiện và do lao động của bản thân tạo ra” thì người cộng sản đã làm, để cho đến những ngày này, tại một số vùng núi của 2 nước, người nông dân vẫn săn bắt hái lượm tự nhiên.

Cái cốt lõi vẫn là một cách hiểu sai lầm về đặc thù văn hóa sở hữu đất đai của dân tộc và sự thiển cận trong việc xử lý nó theo chính sách của cách mạng. Với Việt Nam, một nền sản xuất nhỏ trên một cấu trúc diện tích/ sở hữu manh mún, đất đai trước hết là tài sản, là kết tinh lao động, là hương hỏa họ tộc, là tình cảm của cha ông để lại cho con cháu, là cây đa bến nước quê hương, là mồ mả ông bà tổ tiên...Những người cộng sản, khi tiến hành cách mạng, đã vội trừu tượng hóa loại tài sản đó thành tư liệu sản xuất (cho nên phải cải tạo để xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội); tiếp đó lại khái quát hóa/ trừu tượng hóa nó một lần nữa thành tài nguyên quốc gia để thiết lập chế độ sở hữu toàn dân. Đến đây, bài toán về đất đai đã thành gà mắc tóc, để chỉ có thể có thêm những Đoàn Văn Vươn, Đặng Ngọc Viết, còn đảng thì chỉ còn cách nói sở hữu toàn dân là tốt, là ưu việt, là phù hợp; đảng không có trách nhiệm giải quyết những tranh chấp đất đai có từ trước 1993; có khi nay mai lại xuất hiện cứ liệu chế độ sở hữu toàn dân có từ thời vua Hùng.

Món nợ mượn, cướp, tạo nên bòng bong lịch sử đất đai đó là trách nhiệm của đảng, vì nhà nước, suốt quá trình đó, chỉ là cơ quan phục tùng, có trách nhiệm thể chế hóa đường lối của đảng. Cùng với những món nợ khác, kể cả nơ xương máu, mà đảng đã buộc dân tộc này gánh chịu, để đổi lấy hy vọng về mục tiêu độc lập tự do hạnh phúc, về xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, về một chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản thiên đàng hạ giới, chừng nào đảng mới trả cho dân và nếu không trả được thì sao đây?

Xích Tử



No comments:

Post a Comment

View My Stats