Tuesday, 17 September 2013

CÓ NHỮNG NỖI ĐAU TRỞ THÀNH ÁNH SÁNG (Thế Dũng - Đàn Chim Việt)




02:52:pm 16/09/13

Tùy bút nhân đọc Không bao giờ thành sẹo*


Đỗ Trường (bên trái) và Thế Dũng

1
Với Thư gửi người bạn trong tù trên www.nguoiviet.de ( 06.2011), Đỗ Trường để lại ấn tượng mạnh trong tôi. Từ đó cứ thấy chữ nghĩa hắn vọt lên mạng là tôi đọc. Sau khi đọc xong Những vết thương không bao giờ thành sẹo, qua www.nguoiviet.de, tôi đã ngỏ ý muốn liên lạc với Đỗ Trường, hắn nhận lời. Như thể hai anh em gần làng xa lối bấy lâu bị thất lạc vì bận bịu kiếm sống nay có dịp hội ngộ, chúng tôi tâm sự với nhau đầy hào hứng. Và rốt cuộc, hắn đã chọn lọc từ gần một trăm truyện ngắn và tản văn đã viết trong hơn một phần tư thế kỷ để gửi cho tôi: 36 cái ưng ý nhất. Giờ đây, bạn đọc của VIPEN có trong tay cuốn sách gồm 18 truyện ngắn và 18 tản văn. Phần tản văn mang tên: Thư gửi người bạn trong tù. Phần truyện mang tựa đề Không bao giờ thành sẹo và đó cũng là tựa của tác phẩm.

Hình bìa “Không bao giờ thành sẹo”

2
Đọc kỹ những gì Đỗ Trường viết bạn sẽ thấy cuộc đời của hắn hiện lên bàng bạc nhưng rất rõ. Với Một tấm hình cũ, nỗi đau của Sơn, người con trai có bố vợ đang sống ở Đức từng một thời là chiến hữu vừa là cừu thù với bố đẻ của mình tưởng như đã được phát giác tình cờ.

Dường như là một ca đặc biệt, cũng một kiếp người, nhưng số phận người em họ của hắn hầu như cả đời đi tù vì từng là lính Việt Nam Cộng Hòa có lẽ là hệ quả đớn đau không thể tránh của cuộc tương tàn trên quê hương. Thực ra, những tình huống một nhà chia Ta-Địch khóc U…Oa ấy là cảnh ngộ khá thông thường của người Việt. Cho nên, sau nhiều năm phiêu bạt, hắn có những người bạn văn thân mật từng là lính VNCH hiện đang trôi dạt ở Âu-Mỹ cũng là chuyện hiển nhiên.

Cũng hiển nhiên như là số phận của một trong số rất nhiều nữ quân nhân có khuôn mặt bị tàn phế trong chiến tranh bỗng dưng tới CHDC Đức để trở thành công nhân của nhà máy thực phẩm Leipzig trong truyện Người đi qua chiến tranh của hắn. Số phận chị được kể lại một cách rất ấn tượng. Thình lình chia ly rồi bất ngờ bị thương đến tan hoang nhan sắc. Thình lình xa xứ và dâng hiến cho một cuộc tình giường sập. Rồi chị đột ngột tử nạn trên đường tới bãi tắm FKK –Kulkwitzer. Nỗi đau của người con gái Việt đã đi qua ba cuộc chiến tranh có thể dựng thành một bộ phim không ít máu và nước mắt.

Tôi ngạc nhiên vì không những hắn đã nhớ rất lâu những miếng ngon ở quê hương như Mắm Cáy, Gỏi Nhệch mà hắn còn nhớ rất kỹ và đã thuật lại rất nhiều nỗi oan khốc thê thảm của những người nông dân nguyên là ông bà, chú bác, em họ, cậu ruột mình thời cải cách ruộng đất với sự ám ảnh vừa ngọt ngào vừa cay đắng của câu phương ngôn: miếng ngon nhớ lâu đòn đau nhớ đời.

Mẹ hắn gọi cụ Bốn Đễ thân sinh ra ông Đăng Xuân Khu là cậu họ. Theo vai vế thì bà là chị ông Trường Chinh. Thảo nào những ngọn roi vô hình của đau thương thảm khốc, của mất mát trắng tay, của cay đắng u uất trong đời sống người Việt ở trong nước từ thời cải cách ruộng đất và ở hải ngoại từ thời hậu chiến (sau 1975) đến nay đã quất mạnh vào tâm tưởng hắn cho nên ngoài Những ngày không bình yên, Gỏi Nhệch, Mắm cáy bạn đọc mới có dịp được đọc: Kẻ giết người, Quả báo, Chuyện ở quê, Phượng ơi ! Đừng nở nữa !

Không chỉ viết về những Lầm lỡ, những vết thương không bao giờ thành sẹo trên đường tha hương của những người phụ nữ Việt hắn còn viết về những Ngã ba cuộc đời và những Ngõ cụt của thế hệ mình.
Tưởng là tản văn là nơi để người viết thư giãn trong những chủ đề hoa rượu gió trăng. Ai ngờ ngay cả khi viết Tản văn, hắn cũng không thoát khỏi những đắng cay đau đớn âm thầm. Thi thoảng như trong Thoáng Xuân, trong Nỗi nhớ ban mê, trong Biển hoàng hôn hoặc với Những nhân vật điển hình và Vài kỷ niệm với bức tường sụp đổ; dù vẫn ưu phiền nhưng hắn đã có dịp cười nụ mủm mỉm trong giọng văn vừa trữ tĩnh vừa giễu cợt một cách thâm thúy, hóm hỉnh.

Nhưng với lòng tự trọng, và khao khát: „bao giờ chúng ta sống thật và minh bạch“ kể từ „Một đêm trăn trở cùng Hà Nội“ đến „ Vài suy nghĩ nhỏ về một vấn đề lớn“, tản văn của hắn luôn luôn là những ưu tư bức xúc về nỗi đau của những dân oan mất đất,về thế sự tang thương. Không chỉ đau đáu với những căn bệnh khó chữa, với tính giấu dốt và bệnh sĩ hão, với khoa học mỳ ăn liền, với trách nhiệm và pháp luật tản văn của hắn còn khắc khoải với món nợ chưa trả đối với người bạn đang bị giam trong ngục ở quê nhà. Trong bức Thư gửi người bạn trong tù, hắn đã so sánh cách ứng xử nhân hậu với dân lành của Thủ tướng Đức với sự đàn áp trí thức bằng án pháp ám muội của các Thủ lĩnh Việt để độc giả nhận ra cái miếng bánh nhân quyền đắng cay mà người Việt trong nước không thể nào nuốt nổi.

Niềm vui và nỗi hoan lạc trong chữ nghĩa của hắn thì hiếm hoi nhưng những nỗi đau thương và nhung nhớ thắt lòng thì ở trang nào tôi cũng nhìn thấy. Càng nhớ hắn lại càng đau. Càng nhớ nhiều hắn càng đau lâu hơn.

Rốt cuộc, cả trong truyện lẫn trong tản văn nơi nào cũng thấy Đỗ Trường xót xa đau đớn. Bảo hắn là nhà văn của những nỗi đau không bao giờ thành sẹo trước hết tôi chỉ muốn giải tỏa sự tò mò: Đỗ Trường viết gì ? cho những ai chưa kịp đọc hắn.

3
Mới đây, hắn tự bạch:“ Vâng! Ngần ấy năm, tôi đã cột lòng mình vào những trang viết . Mỗi trang viết là một liều Aspirin làm với đi cái đau và nỗi nhớ. Nếu không có cuộc ra đi đằng đẵng đó, thì chắc chắn tôi không dính vào con đường văn chương đầy khổ ải này.“ Có nghĩa trước hết hắn viết cho chính mình và viết để chống lại sự cô đơn. Thế rồi những trang viết của hắn đã làm tổ ở khá nhiều địa chỉ báo mạng. Ở Dân luận, ở Bauxitvietnam, ở www.danchimviet.info, ở www.nguoiviet.de …v..v…Có thể nói không ít người Việt ở Đức và ở nhiều nơi trên thế giới đã gần gũi nhau hơn bằng những khóc, cười thảng thốt khi nhìn thấy đời mình trong chữ nghĩa của hắn.

Hầu hết những nguyên mẫu nhân vật, những địa điểm sống chết đi về của các số phận trong những trang viết của hắn đều là những người ruột thịt thân quen, những nơi chốn hắn từng trao hồn gửi vía. Lối khai thác người tươi đất thật làm nguyên liệu sống để lập ý, dựng truyện của hắn giông giống như cung cách của Nam Cao, một tiền bối đáng kính trong làng văn Việt gốc Nam Định. Tôi không ngạc nhiên khi nhận ra một kỹ thuật bố cục giầu kịch tính, đậm chất điện ảnh và nhiều lối kể chuyện rất chuyên nghiệp trong 18 truyện ngắn. Khi viết tản văn, đôi khi hắn có những cú hài ước soi xoáy, tếu táo, ngất ngưởng mang lại cho độc giả nhiều khoan khoái hả hê. Lắm lúc tay bút hắn bất ngờ cua gấp những khúc ngoặt trữ tình đột ngột tưởng như mạch văn của hắn đang nhầm lối nhưng tới hồi kết tôi thấy hắn vẫn chẳng hề lạc đường. Phải chăng đó là dấu vết của niềm vui thú nay đây mai đó của một kẻ giang hồ mê chơi nhưng không quên quê hương.

Tôi thích Mắm Cáy, Gỏi Nhệch, Một tấm hình cũ, Ngõ cụt, Những ngày không bình yên, Những vết thương không bao giờ thành sẹo vì ở đó hắn đã sử dụng các nguyên liệu sống của mình một cách kỹ lưỡng và chu đáo bằng một kỹ thuật viết rất chững trạc, chắc tay. Hắn kể, mấy chục năm rồi, từ lúc cơ hàn đến lúc tạm đỡ vất vả, hắn chưa bao giờ được ngồi vào bàn viết hoặc phòng viết thực sự. Gần một trăm truyện ngắn, tạp văn, và hai tập truyện dài còn dang dở đều được ra đời vào những lúc vắng khách, ngay trên Theke Bia trong quán. Có lẽ chính vì thế mà câu văn, mạch truyện của hắn di chuyển với tốc độ của xe máy phân khối lớn hoặc đôi khi giống như tốc độ của BMW trên đường cao tốc ba, bốn làn đường. Hồi thế kỷ 19, ở Nga – chỉ có ông Gogol, là kẻ duy nhất thường ngồi trong quán rượu ồn ào để viết tiểu thuyết Những linh hồn chết, trong khi Đostoievski thường tranh thủ viết trong những nhà trọ tồi tàn sau nhưng đêm cờ bạc, ông không dám cử động mạnh vì sợ chóng đói; đến bữa ăn thường phải giả vờ đi dạo phố để giữ sĩ diện vì không muốn để ông chủ nhà trọ biết mình đã cạn sạch hầu bao. Còn bá tước Liev Tonstoi thì viết lách trong điều kiện quý tộc phong lưu để sinh ra kiệt tác Chiến tranh và hòa bình. Nếu không kể đến trường hợp đặc biệt khi các nhà văn Việt thời trận mạc phải viết trong quân xa, dưới địa đạo, trong hầm chữ A hoặc trên võng bạt thì hiếm có nhà văn thời bình nào ở hải ngoại lại có thói quen dụng bút như hắn. Có lẽ Đỗ Trường là kẻ duy nhất có thể tận tụy ngày này qua ngày khác cướp giật từng khoảnh khắc rỗi rãi để tận tình cặm cụi viết về những linh hồn đã chết cũng như những linh hồn đang sống ngay trên mặt quầy bia, kệ rượu.

4
Như khá nhiều giai phận Việt kỳ tài phiêu bạt, hắn là kẻ hiếu động ưa phiêu lưu ngay từ thời trai trẻ. Hắn tâm sự: mỗi truyện ký, tản văn ngắn là những câu chuyện thật, hay trải nghiệm mà tôi đã đi qua. Có ông bạn nói với tôi, ông viết thật và trần trụi thế này, nên lấy bút danh, chứ có nhiều người không vừa lòng với cái tên Đỗ Trường lắm đấy ( Tự bạch 01.04.2013). Nhưng hắn luôn luôn dị ứng với việc dùng bút danh. Hắn bảo, vì một lý do bất khả kháng buộc phải lấy bút danh chứ thường những người lấy bút danh, ít có tác phẩm hay.Tên đã giả thì làm sao có văn thật được. Có người bảo hắn cực đoan. Nhưng phải thừa nhận hắn luôn luôn tôn trọng sự thật; yêu ra yêu ghét ra ghét và hắn dám nói trắng ra nỗi yêu nỗi ghét của mình một cách tự do và khoáng đạt. Tuy rất khéo léo trong lúc dàn ý dựng truyện nhưng hắn có vẻ sẵn sàng suốt đời quăng thân cho một lối viết thật thà, trần trụi. Ngoài những thôi thúc của nội tâm tự do, hắn không thích viết bởi bất cứ sự ép buộc nào. Có lẽ, trong cuộc tha hương dằng dặc, càng xa quê cha đất tổ, thân mệnh hắn càng có duyên với đam mê bút mực. Hắn viết để đoạt lại vài ba không gian và thời gian đã mất. Hắn viết để lật tẩy giả trá, để giễu cợt thói sĩ diện hão và sự giấu dốt tội nghiệp. Đôi khi hắn sửng sốt: tao chợt nhận ra mày ! rồi lại tự vấn: Cái ngày hôm nay là cái ngày gì ? – để tố giác hôn ám, bất nhân. Trong tâm trí đa cảm cũng như trong chữ nghĩa đa tình của hắn có những tính Nết Lớn của một nhà văn đích thực.

Có người đọc hắn chỉ thấy chữ đã khoái trá. Có người đọc hắn để thấy nghĩa mà ưu tư. Ngoài giá trị văn chương những trang viết của hắn còn có giá trị lịch sử, lưu giữ được những sự kiện, biến cố, biến động và diễn biến trong cộng đồng người Việt ở Đức nói riêng và ở nước ngoài nói chung“. ( Lưu Gù-www.nguoiviet.de  20.03.2013).

Không chỉ thấy chữ, thấy nghĩa như ẩn sĩ Lưu Gù, đọc hắn tôi thấy một con người tử tế. Đọc hắn, tôi thấy một Đỗ Trường tả xung hữu đột trên trường văn trận bút cộng đồng. Quê hương luôn luôn ngàn trùng xa cách nên tâm trí hắn tự thành một phi trường đầy ắp những chuyến bay của hoài niệm, của tìm kiếm. Những hoài niệm bay đêm tìm lại dĩ vãng, những chuyến bay ban mai đầy trăn trở day dứt với thực tại và cả những chuyến bay lúc chiều xuống khai mở những sự thật có nguy cơ bị chôn sống. Đọc hắn, tôi thấy hắn là kẻ có đức hiếu với cha mẹ, thơm thảo với họ mạc xóm giềng, tận tụy với nỗi đau của nước Việt. Vì đã ứa lệ khi đọc Đêm giao thừa nghĩ về Mẹ nên tôi đã xếp truyện ngắn không cốt truyện này của hắn ở vị trí mở đầu và để cuốn sách của hắn dừng lại ở Biển hoàng hôn với sự gào xé của một tâm hồn sau biệt ly đằng đẵng.

5
Tôi trọng Đỗ Trường vì hắn là một nhà văn của những nỗi đau. Thấy tôi đề nghị nên đặt tên sách là Không bao giờ thành sẹo, hắn ưng ý ngay. Để không bao giờ thành sẹo thì con người phải hứng chịu những nỗi đau kinh niên. Với những nỗi đau kinh niên trong đời, ở những ngã ba ngã bảy hoặc ở những ngõ cụt, đường cùng nào đó, nhiều khi những nỗi đau sẽ tự hóa thân. Tùy bút đã đến phút ngưng lời; cũng là lúc tôi kết thúc bài thơ mới vì thi tứ đã vụt hiện:
…Tống biệt chưa ghê bằng tử biệt
Tử biệt chưa kinh bằng sinh ly
Có những nỗi đau trở thành ánh sáng
Để ái tình sống mái cuộc thiên di.
( Đau đớn hành khúc-TD)

Tôi sẽ tặng bài thơ này cho những người đã từng làm một cuộc thiên di Đông -Tây dằng dặc. Viết tùy bút này để thay lời tựa cũng là để cảm ơn hắn đã tin cậy trao hồn gửi vía cho tôi. Hy vọng người ta có thể đọc Không bao giờ thành sẹo với chiêm nghiệm có những nỗi đau trở thành ánh sáng.

Thế Dũng 19.04.2013
© Đàn Chim Việt
———————————————————-

*Không bao giờ thành sẹo - Truyện ngắn & Tản văn của Đỗ Trường
do Edition Vipen xuất bản năm 2013
Sách dày 372 trang – Bìa 4 mầu
Thiết kế Bìa Thai Gottsmann & Vũ Trần
ISBN: 978-3-9813547-6-8
Giá bán 15,90 Euro

Bắt đầu phát hành tại Đức và Châu Âu vào cuối tháng 09 năm 2013
Bạn đọc ở Đức có thể cho biết địa chỉ cá nhân qua Email:
the.dung@vipen.de  hoặc: peter.knost@berlin.de
Và chuyển tiền ( 15,90 Euro) vào tài khoản của Buchverlag VIPEN:
FirmenKontoNr.:6603222106
BLZ: 100 50 000
BERLINER SPARKASSE

Sách của nhà văn Đỗ Trường sẽ tới tận tay bạn
vì VIPEN sẽ khuyến mại bưu phí để cảm ơn bạn đọc của mình.
V&P Buchverlag VIPEN


No comments:

Post a Comment

View My Stats