Friday 20 September 2013

CHỦ TỊCH VIỆT NAM HỨA CẢI CÁCH NHƯNG BIỆN HỘ CHO TRẤN ÁP (Thụy My - RFI)




Thụy My  -  RFI
Thứ sáu 20 Tháng Chín 2013

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang hôm qua 19/09/2013 tại Copenhague đã tuyên bố là chính phủ Hà Nội đang nỗ lực cải cách đời sống chính trị của đất nước. Tuy nhiên ông đã phải đối phó với những chỉ trích về việc trấn áp các blogger.

Trong cuộc họp báo chung với nữ Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt, ông Trương Tấn Sang tuyên bố: “Ngoài việc phát triển kinh tế, chúng tôi còn cố gắng thiết lập một cương lĩnh tốt nhất cho đời sống chính trị. Tôi nghĩ rằng không có một hệ thống nào hoàn hảo. Mỗi hệ thống cần phải được cải cách để phát triển (…), chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện tình hình tại Việt Nam".

Ông Trương Tấn Sang đến Đan Mạch, một trong những nước viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam, trong khuôn khổ một chuyến viếng thăm chính thức Nhà nước ba ngày.
Chính phủ Đan Mạch muốn tranh thủ mối quan hệ ưu tiên này, trong lúc nền kinh tế Việt Nam đang trên đường phát triển.

Chính quyền Việt Nam thường xuyên bị tố cáo vì thái độ cứng rắn đối với tất cả các nhà ly khai, và vi phạm quyền tự do ngôn luận. Một báo cáo của Phóng viên Không biên giới công bố vào tháng Bảy mô tả Việt Nam như là « nhà tù thứ hai của thế giới đối với các blogger và nhà ly khai trên mạng, sau Trung Quốc ».

Chủ tịch Trương Tấn Sang nhìn nhận là hệ thống chính trị của đất nước mình có những « khuyết điểm » nhưng ông nhấn mạnh là « tất cả mọi người kể cả các quan chức, nếu vi phạm luật pháp thì đều bình đẳng trước pháp luật ». Ông cũng khẳng định « có bốn triệu blogger tự do tại Việt Nam ».
Khi bắt tay một nhà báo Đan Mạch, ông Sang nói : « Rất hoan nghênh ông đến Việt Nam, và càng lâu càng tốt ».

Việt Nam cấm tư nhân ra báo, và tất cả báo chí, đài truyền hình đều do Nhà nước quản lý. Theo các nhóm bảo vệ nhân quyền, các luật sư, blogger và nhà hoạt động thường xuyên là mục tiêu bị bắt bớ và giam giữ tùy tiện. 

Đưa tin về chuyến công du của ông Sang, báo Nhân Dân cho biết, Việt Nam là một trong mười nền kinh tế tiềm năng được Đan Mạch lựa chọn để triển khai Chiến lược tăng trưởng thị trường. Về hồ sơ Biển Đông, Thủ tướng Đan Mạch ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Một bài báo đăng trên một tờ báo khác trong nước, đăng lại các trả lời của ông Trương Tấn Sang với báo chí Đan Mạch về nhân quyền, không hiểu sao đã bị rút xuống.

---------------------------------------


BÀI NÀY ĐÃ BỊ RÚT XUỐNG
Published on September 20, 2013   


Ngày 19.9, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt đã có cuộc họp báo, trả lời các vấn đề mà truyền thông 2 nước quan tâm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Đan Mạch về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt cho rằng: “Vấn đề quyền con người luôn là vấn đề mà Đan Mạch và EU rất quan tâm. Hiện nay và EU và Việt Nam có đối thoại thường xuyên về vấn đề nhân quyền và lần đối thoại gần đây nhất diễn ra vào tuần trước. Chúng tôi cũng nhận thấy những bước phát triển tích cực và chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi các quan điểm nhằm phát triển tốt nhất vấn đề này”.

Xin ngài Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia sẻ về vấn đề nhân quyền và xung quanh ý kiến cho rằng có hạn chế internet ở Việt Nam?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Tôi xin cảm ơn câu hỏi của vị phóng viên báo Đan Mạch. Điều mà bạn quan tâm cũng là điều mà cả dân tộc chúng tôi đang quan tâm. Chính vì quan tâm tới nhân quyền, tới tự do mà chúng tôi phải đổ máu rất nhiều để giành độc lập trong các cuộc kháng chiến. Tôi nhớ rất rõ và chân thành cám ơn các bạn, trong cuộc kháng chiến đó đã đứng về phía Việt Nam, ủng hộ nhân dân Việt Nam giành độc lập, tự do.

Một đất nước đã quyết tâm giành độc lập tự do bằng một sự hy sinh rất to lớn như vậy thì không có lý do gì khi giành được độc lập rồi lại không lo lắng về cuộc sống tự do hạnh phúc của nhân dân mình.

Tôi không có ý định ca ngợi thể chế chính trị của chúng tôi cái gì cũng đều tuyệt vời, vẫn còn có nhược điểm. Nhưng mong các bạn cũng quan tâm những chỉ số có thể nói là dấu son lớn trên bản đồ chính trị của thế giới. Chúng tôi có 86 triệu dân, trong đó trên 30 triệu người sử dụng internet hằng ngày, tỷ lệ đó biến đổi hàng giờ, không có bất cứ sự ngăn cấm nào cả.

Ngoài ra Việt Nam có khoảng trên bốn triệu blogger, rất tự do. Do vậy, ở ngoài thì đồn đại rất nhiều nhưng để hiểu Việt Nam nhiều hơn, hiểu về đời sống chính trị của Việt Nam thì xin mời các bạn hãy đến Việt Nam. Mặc dù chúng tôi còn nghèo nhưng cũng có trên dưới 200 kênh truyền hình, 700 tờ báo và không dưới 17.000 phóng viên...

Đan Mạch là đất nước sớm có viện trợ ODA cho Việt Nam. Vậy xin bà Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới việc hỗ trợ ODA cho Việt Nam sẽ được tiến hành thế nào trong bối cảnh Việt Nam đã có những phát triển về kinh tế xã hội?

Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt: Thành tựu của Việt Nam thời gian qua cũng mở đường cho việc đổi mới quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch, từ hợp tác phát triển sang mối quan hệ hợp tác về chính trị và thương mại. Chương trình hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Đan Mạch sẽ kết thúc vào năm 2015 và sau đó sẽ chỉ còn một số chương trình được tiếp tục như biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, hành chính công... Đây là những lĩnh vực mà ngài Chủ tịch nước cũng nhất trí với tôi là Việt Nam đang rất cần.

Thưa Chủ tịch nước, xu hướng viện trợ ODA mà bà Thủ tướng vừa nói là xu hướng tất yếu. Vậy theo ông cần phải làm gì để thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam?

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Cho đến nay, tổng số viện trợ ODA cho Việt Nam khoảng 1,3 tỉ USD. Với tư cách là nhà lãnh đạo của nước Việt Nam, tôi không dám bình luận việc sử dụng nguồn viện trợ ODA tốt hay xấu, nhưng xin dẫn lời của ngài Chủ tịch quốc hội Đan Mạch sáng nay có nói với tôi rằng: Việt Nam là một trong những nước sử dụng tốt nhất nguồn ODA do Đan Mạch viện trợ.

Về vấn đề kêu gọi đầu tư, Diễn đàn doanh nghiệp giữa Việt Nam và Đan Mạch cũng sẽ cho thấy tiềm năng đầu tư rất lớn giữa hai nước. Các lĩnh vực mà các bạn đang có thế mạnh và chúng tôi cũng đang rất cần, như: phát triển năng lượng tái tạo, xử lý chất thải hay vấn đề giáo dục.

Tuệ Nguyễn ghi



5 comments:

  1. chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam là đại diện của đất nước việt nam, những lời nói của chủ tịch nước là rất đáng tin tưởng, đất nước ta đã và đang có những cải cách rất đáng kể, nhưng pháp luật thì vẫn là pháp luật , ai vi phạm thì người đó vẫn sẽ bị xử lý

    ReplyDelete
  2. việt nam đang trong thời kỳ phát triển, thực tế rất nhiều chính sách của đất nươc ta đã và đang có những cải cách hết sức mạnh mẽ để đáp ứng cho sự phát triển đó, tuy nhiên muốn cải cách thế nào thì cải cách, cũng không thể để cho một số kẻ xấu lợi dụng để thực hiện các hành vi chống phá được

    ReplyDelete
  3. trấn áp ư, có đất nước nào mà không có trân áp, bởi vì một lẽ rất tự nhiên thôi, xã hội đất nước nào mà không có những người tốt, người xấu, có hành động trấn áp những người có hành động sai trái cũng là giúp cho tình hình của đất nước trở nên ổn định hơn mà thôi, đó là điều tích cực đó chứ

    ReplyDelete
  4. nói gì thì cũng phải suy nghĩ, phải căn cứ vào thực tế rồi hãy nói nhé, bởi vì nói sai là người ta nhận ra và phản đối ngay đấy, ai nói đất nước việt nam không có cải cách, thực tế thi đất nước ta đã và đang có những cải cách rất lớn về nhiều mặt, nhưng những gì thuộc về nền tảng thì không bao giờ thay đổi cả

    ReplyDelete
  5. không phải hành động trấn áp là hành động sai trái đáng lên án đâu nhé ,vấn đề là mọi người phải biết rằng đó là hành động trấn áp điều gì, bởi hiện nay trong xã hội việt nam xuất hiện tình trạng có một số người xấu luôn có hành động chống phá đất nước ta , cần phải hết sức cẩn thận

    ReplyDelete

View My Stats