Friday, 13 September 2013

CHÍNH TRỊ LÀ SỐ PHẬN (Max Boot - Los Angeles Times)





14.9.13                 10 Comments http://img2.blogblog.com/img/icon18_edit_allbkg.gif

Điều gì đã khiến Bắc và Nam Hàn khác rất xa như thế? Chính trị, đơn giản thế thôi. Di sản văn hóa của hai nước giống nhau. Khác biệt là Bắc Hàn là nạn nhân của triều đại nhà Kim-ông nội Kim Nhật Thành, con Kim Chính Nhật, giờ đến cháu Kim Chính Ân- là những kẻ cuối cùng thực hiện chính sách tập thể hóa và toàn trị kiểu Stalin. Ngược lại, Nam Hàn, bắt đầu cất cánh về kinh tế vào thập niên 1960 và thập niên 1970 dưới sự cầm quyền chuyên chế của nhà cách tân Phác Chánh Hy, cha của tổng thống hiện nay, Phác Cận Huệ...

*

Hán Thành - Người Mỹ thích giả vờ rằng chính trị không quan trọng và than phiền về những sự khác biệt không đáng kể giữa các đảng chính trị của chúng ta. Nhờ là nước giàu nhất và ổn định nhất trên thế giới chúng ta mới có thể có được những điều quý giá hiếm hoi như thế. Nhưng đối với đa phần thế giới, chính trị là vấn đề sinh tử. Điều ấy thể hiện rất rõ ở Nam Hàn, nơi cuối tuần này kỷ niệm 60 năm ngày đình chiến kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Tưởng khó mà cường điệu chuyện bán đảo Triều Tiên bị tàn phá vào năm 1953; Tướng Douglas MacArthur nói ông đã ói sau khi ông nhìn thấy "đống đổ nát hoang tàn ấy". Ba năm xung đột đã giết chết khoảng 3 triệu người, phần lớn là thường dân. Một phần ba tất cả các nhà cửa và hai phần năm tất cả các nhà máy đã bị phá hủy. Hán Thành, Bình Nhưỡng và tất cả các thành phố khác đều chẳng hơn gì những đống gạch vụn đổ nát. Thực phẩm thì hiếm, trẻ mồ côi thì nhiều.

Cả Bắc và Nam Hàn đều nhận được viện trợ dồi dào để tái kiến thiết đất nước - Bắc Hàn nhận viện trợ từ Liên Xô và các nước anh em, còn Nam Hàn nhận viện trợ từ Mỹ và các nước đồng minh. Bắc Hàn ban đầu thực sự thành công hơn nhờ áp dụng chính sách kinh tế kế hoạch tập trung kiểu Stalin. Nhờ miền bắc của bán đảo Triều Tiên đã có nhiều cơ sở sản xuất ngay từ đầu cho nên từ đấy cho đến thập niên 1970 nền kinh tế Bắc Hàn phát triển nhanh hơn nền kinh tế Nam Hàn. Nam Hàn vào thập niên 1950 và thập niên 1960 là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, với mức thu nhập chưa tới 100 đô la cho mỗi đầu người- có thể so sánh với những nước nghèo nhất của vùng Châu Phi phía nam Sahara ngày nay.

Kongdan Oh, một học giả ở viện nghiên cứu Brookings Institution từng lớn lên ở Nam Hàn vào thập niên 1950, nhớ lại rằng"vào thời ấy thực phẩm nhiều lúc khan hiếm."

"Vào mùa xuân, sau khi ăn hết số lúa thu hoạch vụ thu và trước khi thu hoạch mùa lúa mới, người nghèo thường lùng sục khắp các núi đồi để tìm ra những loại rau cỏ dại có thể ăn được, giống như những người dân Bắc Hàn hiện nay vẫn hay làm," bà viết vào năm 2010." Thời ấy, lớp học thiếu bàn ghế và không đủ ấm vào mùa đông. Nhờ thực phẩm viện trợ từ nước ngoài như sữa bột nên rất nhiều học sinh có thể ăn trưa ở trường."

Ngày nay khi đi khắp nơi ở Nam Hàn ta hầu như không thể nào tin được đây chính là vùng đất cũ năm xưa. Chỉ 60 năm sau, theo thống kê của CIA, Nam Hàn trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, với GDP hằng năm hơn 1,000 tỷ đô la và thu nhập bình quân đầu người hơn 32.000 đô la. Nam Hàn sản xuất ra những sản phẩm bán rất chạy như xe hơi Hyundai, máy móc gia dụng LG và điện thoại Samsung. Các sản phẩm xuất khẩu của Nam Hàn giá trị hơn các sản phẩm xuất khẩu của Anh, Ả Rập Saudi hay Thụy Sĩ. Các nhà máy đóng tàu Nam Hàn đóng số lượng tàu gấp tám lần các nhà máy đóng tàu Mỹ. Nam Hàn còn tạo ra hiện tượng gây chấn động văn hóa đại chúng- "Gangnam Style" của ca sĩ Psy.

Quan trọng hơn, nhưng khó định lượng hơn, là sự năng động và sinh lực gắn liền với văn hóa Nam Hàn mà bất kỳ ai đến đây cũng đều thấy rõ ràng. Hán Thành, với dân số hơn 10 triệu người, là một trong những thành phố rất lớn và ấn tượng của thế giới. Thành phố có bạt ngàn những tòa nhà chung cư cao tầng, nhà hàng, quán bar, phòng trưng bày tranh, cửa hàng và đặc biệt các quán cà phê dường như có ở khắp mọi nơi còn hơn ở Seattle. Những khu thương mại sáng rực rỡ lộng lẫy với bao ánh đèn nê-on như mời gọi khách bước vào những thú vui đang chờ đợi ở bên trong, từ những nhà hàng sang trọng đến những hàng hóa thời thượng đắt tiền có thể sánh với những hàng hóa thời thượng đắt tiền nhất ở Los Angeles đến karaoke và rất nhiều tửu quán.

Và sự thịnh vượng choáng ngợp ấy không dừng lại ở bên ngoài thủ đô. Busan là thành phố cảng ở phía nam trước kia là cứ điểm phòng thủ cuối cùng của quân đội Mỹ ("vành đai Pusan") trong những ngày đen tối của năm 1950 sau cuộc xâm lăng của Bắc Hàn. Ngày nay thành phố là đô thị lớn với những nhà chọc trời kính-và thép và những nhà hàng sashimi kiểu Hàn sát bên những bãi biển đông nghẹt người.

Bắc Hàn khác xa trời vực mà suốt trong 60 năm qua đã thực hiện kỳ tích phi công nghiệp hóa chưa từng có: từ miền phát triển nhất của bán đảo Triều Tiên Bắc Hàn giờ đã biến thành nơi hàng triệu người đã chết đói và hơn hàng trăm ngàn người hiện bị giam cầm trong những quần đảo ngục tù kiểu Xô Viết. Thu nhập bình quân đầu người của Bắc Hàn thuộc hàng thấp nhất thế giới; đau khổ của Bắc Hàn thuộc hàng cao nhất thế giới.

Điều gì đã khiến Bắc và Nam Hàn khác rất xa như thế? Chính trị, đơn giản thế thôi. Di sản văn hóa của hai nước giống nhau. Khác biệt là Bắc Hàn là nạn nhân của triều đại nhà Kim-ông nội Kim Nhật Thành, con Kim Chính Nhật, giờ đến cháu Kim Chính Ân-là những kẻ cuối cùng thực hiện chính sách tập thể hóa và toàn trị kiểu Stalin. Ngược lại, Nam Hàn, bắt đầu cất cánh về kinh tế vào thập niên 1960 và thập niên 1970 dưới sự cầm quyền chuyên chế của nhà cách tân Phác Chánh Hy, cha của tổng thống hiện nay, Phác Cận Huệ.

Phác Chánh Hy là nhà độc tài xuất thân từ tướng lãnh có thể dạy các nhà độc tài Ai Cập bất tài về cách trị nước. Giống như nhà độc tài Lý Quang Diệu ở Singapore, và nhà độc tài ít hiền hơn nhiều Augusto Pinochet ở Chile, Phác Chánh Hy đã thực thi những chính sách phát triển kinh tế. Sau khi Phác Chánh Hy bị ám sát vào năm 1979, Nam Hàn bước vào giai đoạn rối ren nhưng từ đấy đưa đến sự ra đời của một nền dân chủ tràn đầy sức sống để sánh với nền kinh tế thịnh vượng của Nam Hàn.

Trên thế giới suốt trong hậu bán thế kỷ hai mươi không có câu chuyện nào khích lệ hơn hay không có gương sáng nào thuyết phục hơn về chuyện các quyết định chính trị có thể tạo ra cuộc đời của con người.



Tựa đề của người dịch, nguyên tác tiếng Anh "Korea and the power of politics", tờ Los Angeles Times số ra ngày 28 tháng Bảy, 2013


Bản tiếng Việt:


No comments:

Post a Comment

View My Stats