Saturday, 14 September 2013

CHẾT VÌ ĐẤT & NHỮNG MƠ XÓA ÁC Ở TRÊN ĐỜI . . . (GoCoMay)




Posted on 13/09/2013 by gocomay

Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.
(Trần Độ)

Những ai theo dõi các biến động phức tạp về đất đai thời gian qua sẽ không qúa ngạc nhiên về vụ nổ súng mạng đổi mạng vừa xẩy ra vào ngày 11/ 9 ở TP Thái Bình.

Là người không bao giờ tán đồng việc giải quyết các mâu thuẫn lớn nhỏ bằng bạo lực như trường hợp hung thủ (mà cũng là nạn nhân) Đặng Ngọc Viết đã hành xử. Nhưng nếu không tự đặt mình trong trường hợp cụ thể ấy, thiết nghĩ mọi phán xét đều vô nghiã.

Đặng Ngọc Viết là ai?

Di ảnh của Đặng Ngọc Viết (do chính hung thủ / nạn nhân) chuẩn bị từ trước…

Theo các thông tin từ báo chí quốc doanh (xin miễn trích dẫn, vì tránh bị qui kết là vi phạm NĐ 72 do đồng chí X ký đã có hiệu lực) thì hung thủ gây án không hề có thù oán cá nhân gì với những người “bị hại” cả. Ngoài việc mảnh đất bị thu hồi mà gia đình anh ta sống (200 m²) ở Phường Kỳ Bá, TP Thái Bình đã trải qua 4 đời. Nay trong diện bị giải toả làm đường, mặc dù đã nhận được một số tiền đền bù (3 lần khoảng 500 triệu). Nay anh ta thấy chưa được thỏa đáng. Nên muốn trả lại tiền để nhận đất tái định cư. Nhưng không được Trung tâm phát triển quỹ đất của Sở Tài nguyên-Môi trường Thái Bình chấp thuận… dẫn đến án mạng. Hành vi này có ý kiến cho là manh động. Nhưng xem xét kỹ các động thái trước và sau khi gây án của Đặng Ngọc Viết thì thấy không hẳn như vậy.

Chùa Đông Sơn (K. Xương-TB), nơi Viết đến sau khi xả súng

Bằng chứng là trước khi gây án Viết đã tự phóng ảnh thờ cho các con. Đặc biệt sau khi hành sự đã chọn chốn thiền môn thanh tịnh là ngôi chùa Đông Sơn, nơi quê hương bản quán để kết thúc sự sống của mình. Như vậy cái thông điệp mà hung thủ (nạn nhân) muốn gửi lại hậu thế là rất rõ ràng minh bạch.

Đặng Ngọc Viết có bố (ông Đặng Ngọc Vũ - 82 tuổi) đã từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường và bị nhiễm chất độc màu da cam đã bị liệt từ lâu (chắc thuộc diện thương bệnh binh chống Mỹ?); Viết có người anh bị tâm thần (thuộc diện nạn nhân chất độc da cam); đã có vợ và 2 con nhỏ. Hiện hai vợ chồng đã ly thân. Cô vợ hiện đang làm ăn buôn bán tại Nga. Bản thân Viết cũng từng hai lần sang Nga lao động (chắc thuộc diện lao động tự do). Hai đứa con của Viết phải nhờ ông bà ngoại chăm nom. Viết hay chơi bài bạc, nhưng chỉ là đánh ù, đánh phỏm, chứ không phải dân cờ bạc chuyên nghiệp, chơi lớn. Bản tính hiền lành, chưa hề có tiền án tiền sự, ngoài việc có cãi vã gì đó với một người hàng xóm trước khi gây án.

Hung thủ /nạn nhân Đặng Ngọc Viết để lại hai đứa con thơ…

Qua vài nét trích ngang như vậy, ai cũng thấy đằng sau vụ nổ súng gây trấn động này chính là sự bất cập của “Chế độ sở hữu toàn dân” về đất đai do nhà nước (của toàn quan) thống nhất quản lý mà ra. Đã đẩy người lương dân tới bước đường cùng. Hung thủ – nạn nhân là con một người lính. Người lính đó đã trở thành tàn phế trong công cuộc đấu tranh giành quyền lực về cho những kẻ đã nhẫn tâm cướp đi không chỉ mảnh đất nhỏ nhoi mà tổ tiên đã trao gửi lại cho họ Khiến người con lành lặn duy nhất của người lính đó đã phải dùng bạo lực để chống lại thứ bạo lức lớn hơn…

Tại sao nổ súng mạng đổi mạng lại ở Thái Bình?
Ngoài những lý do đặc thù riêng của Thái Bình như phân tích của giáo sư Tương Lai trên BBC (tại đây) thì có lẽ nếu ai chưa bao giờ đặt chân tới mảnh đất thiêng này cũng khó mà hình dung hết được tại sao án mạng thảm khốc về đất đai lại xẩy ra ở Thái Bình mà không phải nơi khác.

Thái Bình đầu 1990 (Gocomay đứng trên) – ảnh chụp trên một công trình tưới tiêu thủy lợi…

Vào đầu năm 1990, chúng tôi có dịp về Thái Bình làm một bộ phim Video về qui hoạch thủy lợi do Viện qui hoạch và Quản lý nước ở phố Hàng tre Hà Nội đặt hàng. Dọc hai bên đường quốc lộ từ Nam Định sang Thái Bình (lúc đó đã bắc cầu thay bến phà Tân Đệ cũ), ngoài những bụi chuối xanh um (dấu ấn của nhà thơ Tố Hữu sau cái vụ bức xúc túm chuối đắt ngang bữa cơm tập đoàn) mà bài trước tôi đã đề cập. Chúng tôi còn thấy, người nông dân ở đây có sáng kiến cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa mùa, nhà nhà đua nhau ra đồng dùng mai sắn hết lớp đất màu mặt ruộng để đánh đống lại. Sau đó mới sắn đều một thép mai lớp đất cay (đất thó) bên dưới đem về tự đóng và nung lấy gạch ngói để xây nhà lát sân. Hạ cấp ruộng xong lớp đất màu lại được san đều ra phơi ải để chuẩn bị cho vụ chiêm xuân năm sau.

Dù đã từng nhiều lần đi dọc chiều dài chiều ngang đất nước. Nhưng quan sát cách đào đất đóng gạch đóng ngói như ở làng quê Thái Bình thật độc nhất vô nhị, khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Có lẽ cũng do cái khó ló cái khôn thôi. Bởi Thái Bình từ thời xa xưa, mật độ dân số dày, khiến tỷ lệ đất đai trên đầu người thuộc diện thấp nhất ở châu thổ sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung. Thế mà TP Thái Bình hiện nay có hệ thống đường phố thuộc diện khang trang rộng rãi như vậy. Điều đó chứng tỏ áp lực trong chính sách giải tỏa đền bù mà người dân phải gánh chịu ở Thái Bình lớn đến mức nào.

“Cái gọi là “chênh lệch địa tô” mà những người cộng sản đòi xóa bỏ đang trở lại và khiến họ trở nên mù lòa đồng thời đẩy người dân tới “bước đường cùng”.
“Quả bom Đoàn Văn Vươn đã không đủ để cảnh báo một hệ thống đã cạn kiệt khả năng thức tỉnh”. Như nhà báo Huy Đức viết trên Facbook của mình như thế.

Ngay một hàng xóm của anh Đặng Ngọc Viết cũng là nạn nhân của việc trưng thu đất, chẳng ngại ngần che dấu bức xúc của mình:
Khi nào cảm thấy chán quá rồi thì cũng giống như họ, bắt chước họ là xong: bắn chết mấy cái thằng ấy càng nhiều càng tốt!

Một độc giả trên blog của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh thì bình luận rằng:
“Trong xã hội VN ngày nay, đây chắc hẳn chưa phải là sự kiện cuối, cũng chưa chắc là sự kiện có tầm mức nghiêm trọng nhất”, mọi người đều nghĩ vậy. Xóm tôi đều tỏ ra vui mừng khi nghe tin anh Viết bắn chết được một cán bộ đảng viên, “Chúng nó thích ăn đất thì cho chúng ăn đất”. Đố ai tìm được một cán bộ đảng viên nghèo khó như dân thường, càng có chức to thì càng giầu sụ, không cần bằng chứng cũng kết luận được là chúng là bọn chộm cướp.

Bức xúc của người dân tới mức ấy. Nhưng sự kiên định “đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý” vẫn là định hướng bất di bất dịch, được các lý thuyết gia giáo điều luôn khẳng định rằng “Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là xu thế tất yếu của quá trình phát triển ở nước ta”. Chính nhờ cái “xu thế tất yếu” đó mà người dân mất đất đã từng phải bắn súng (hoa cải), cởi truồng hay nằm vỉa hè… mà đâu có giữ được đất?

Còn các giới chức sắc trên dưới thì cũng nhờ chính cái bùa “sở hữu toàn dân về đất đai” đó mà hóa bầy sâu tham nhũng tha hồ đục khoét làm giàu trên nỗi bất hạnh tột cùng của muôn dân. Bầy sâu đó có nguy cơ làm sụp đổ chế độ. Nhưng chính người lên tiếng cảnh báo đó lại sợ gây thù chuốc oán với sâu. Còn lớn tiếng qui tội cho những ai muốn tìm phương kế diệt sâu là “suy thoái tư tưởng đạo đức”. Coi tất cả những ai dám nói trái ý mình các “thế lực thù địch”. Bi kịch lớn cho quốc gia dân tộc là ở đó!

Thay cho lời kết

Vụ thủ phạm Viết xả súng bắn 5 cán bộ gây rúng động trên địa bàn tỉnh Thái Bình. ( Ảnh chụp vào chiều ngày 11/9)

Bạo lực như chúng ta đã quan sát được tại Thái Bình không bao giờ có thể được coi như một giải pháp. Điều quan trọng không phải hoặc chủ yếu là một phân tích về người tiến hành những việc này mà là các điều kiện dẫn đến hành vi đó… 
… với bất cứ ai biết về Việt Nam, biến cố này không đáng được coi như một biến cố riêng biệt và đó thực sự là một triệu chứng của những căn bệnh trầm kha ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Những căn bệnh đó chỉ có thể được cứu chữa thông qua biện pháp chính trị. (Trích ý kiến của Jonathan London).

Đúng vậy!

Người nông dân lười biếng sẽ làm hỏng ruộng đất
Người lái buôn gian rối sẽ làm hỏng chợ
Người độc phu (nhà cai trị) tàn bạo làm nhiễu loạn cả nước
(Châm Cảnh – Lê Qúi Đôn)

Cho nên những giấc mơ xóa ác trên đời sẽ chẳng đi tới đâu nếu ái ác cứ mãi luân hồi!



No comments:

Post a Comment

View My Stats